Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1967/TCT-TTr | Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2015 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Quyết định số 02/QĐ-BTC ngày 05/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016; Ngành Thuế đã triển khai đồng bộ và toàn diện công tác kiểm tra, thanh tra chống các hành vi vi phạm về thuế, trốn thuế, gian lận thuế, vi phạm hoàn thuế, khai thác nguồn thu, chống thất thu NSNN. Theo đó, kết quả kiểm tra, thanh tra đã có những chuyển biến rõ rệt, các hành vi vi phạm về thuế được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2015, toàn ngành mới kiểm tra, thanh tra được 13.664 doanh nghiệp, đạt 19,05% kế hoạch năm 2015 bằng 41,62% cùng kỳ năm 2014; với tổng số thuế tăng thu qua kiểm tra, thanh tra là 2.515,35 tỷ đồng bằng 87,54% cùng kỳ năm 2014, giảm khấu trừ là 137,62 tỷ đồng bằng 66,82% so với cùng kỳ năm 2014, giảm lỗ là 4.438,09 tỷ đồng bằng 85,19% cùng kỳ năm 2014; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.468,07 tỷ đồng đạt 58,36% số thuế tăng thu qua kiểm tra, thanh tra và bằng 79,21% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết là 195 doanh nghiệp giảm lỗ 622,3 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 112,55 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 130,4 tỷ đồng.
Nhiệm vụ công tác kiểm tra, thanh tra những tháng còn lại của năm 2015 rất nặng nề, cần phải triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ mới đảm bảo các mục tiêu chủ yếu: Đạt 15% số lượng doanh nghiệp hoạt động đang quản lý thuế, 100% hồ sơ sau hoàn đối với doanh nghiệp có rủi ro theo quy định tại Khoản 4, Điều 58 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính, khai thác tăng thu khoảng 12.500 tỷ, thực nộp ngân sách tối thiểu đạt 80%.
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả một số các giải pháp sau:
1. Triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đối với công tác kiểm tra, thanh tra thuế:
- Người nộp thuế được kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT đều trên cơ sở rủi ro về thuế, doanh nghiệp có rủi ro về thuế mới kiểm tra, thanh tra, không có rủi ro thì không kiểm tra, thanh tra về thuế (trừ những trường hợp chia tách, sáp nhập, giải thể, phá sản, cổ phần hóa,...).
- Xây dựng và triển khai các ứng dụng kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT và hồ sơ khai thuế TNDN. Đồng thời khi kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, công chức thuế không được thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình thông tin, tài liệu lần 2.
- Các trường hợp quyết định kiểm tra trực tiếp tại trụ sở người nộp thuế thì không ra thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu làm mất thời gian, công sức của người nộp thuế.
- Nghiêm cấm Đoàn kiểm tra, thanh tra yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu mà doanh nghiệp đã gửi đến cơ quan thuế. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm kế toán thì nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp file mềm để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra.
2. Tập trung xác định và triển khai kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế;
- Rà soát, đánh giá doanh nghiệp thuộc danh sách kế hoạch kiểm tra, thanh tra năm 2015 đã được phê duyệt để kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế thay thế cho những doanh nghiệp có rủi ro rất thấp hoặc chưa phát hiện rủi ro về thuế, đảm bảo tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra, thanh tra đều là doanh nghiệp có rủi ro, vi phạm về thuế.
- Căn cứ hệ thống tiêu chí quy định về cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế (tại Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và công văn 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013, công văn 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính), các Cục Thuế xác định danh sách doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế cập nhật lên trang điện tử của Cục Thuế, đồng thời báo cáo Tổng cục để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
- Danh sách cơ sở kinh doanh rủi ro cao về thuế được ưu tiên tập trung kiểm tra, thanh tra về kê khai, nộp thuế; về hoàn thuế; về sử dụng hóa đơn, chứng từ; về ưu đãi thuế.
- Việc kiểm tra, thanh tra cơ sở kinh doanh có rủi ro cao về thuế nêu trên phải thực hiện xác minh, đối chiếu với các đối tác có quan hệ mua bán, giao dịch thanh toán về một số nội dung: kiểm tra, xác minh hàng hóa mua vào; kiểm tra, xác minh về xuất khẩu hàng hóa; kiểm tra, xác minh về quan hệ thanh toán; kiểm tra xác minh nguồn gốc đồng tiền thanh toán và vòng luân chuyển của dòng tiền thanh toán theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Tổ chức triển khai xử lý thông tin và tăng cường công tác đối chiếu, xác minh, kiểm tra, thanh tra các tổ chức cá nhân có giao dịch đáng ngờ:
- Cơ quan thuế các cấp tổ chức, triển khai nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy định nội dung quy chế xử lý thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại cơ quan thuế các cấp tại Quyết định số 568/QĐ-BTC ngày 26/3/2015 của Bộ Tài chính.
- Tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin giao dịch đáng ngờ của Tổng cục Thuế nói chung và cơ quan thuế các cấp nói riêng trên cơ sở tích lũy và cập nhật thông tin của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và cơ chế phân cấp quản lý thông tin giao dịch đáng ngờ của Bộ Tài chính.
- Ưu tiên tập trung đối chiếu, xác minh, kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ để đúc kết phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm liên quan đến thuế, phương pháp kiểm tra phát hiện và phổ biến nhân rộng trong toàn ngành.
- Tổ chức tổng kết kết quả hai năm phối hợp xử lý thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng giữa Tổng cục Thuế và Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.
4. Tập trung xử lý hóa đơn của các doanh nghiệp đã được thông báo bỏ địa điểm kinh doanh để ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nhằm trốn thuế, gian lận thuế:
- Ngày 05 hàng tháng, các Cục Thuế cập nhật kịp thời lên trang điện tử của Tổng cục Thuế danh sách doanh nghiệp đã được Cục Thuế và Chi cục Thuế trực thuộc thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh kèm theo mẫu, số, xeri hóa đơn đã mang theo (gọi tắt là “Danh sách doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh mang theo hóa đơn hết giá trị sử dụng”).
- Cảnh báo thường xuyên cho các doanh nghiệp trên địa bàn (có thể là email hoặc tin nhắn qua điện thoại,...) về địa chỉ trang web các doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh và các hóa đơn bất hợp pháp (do doanh nghiệp mang theo), đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tự loại các hóa đơn bất hợp pháp đã sử dụng (nếu có).
- Các Đoàn kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, xử lý việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của các doanh nghiệp đã được thông báo bỏ địa điểm kinh doanh (nếu có).
- Cơ quan thuế trực tiếp quản lý kịp thời phối hợp Cơ quan Kế hoạch đầu tư kiểm tra thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đã bỏ địa điểm kinh doanh.
5. Tổ chức phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan Công an để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế:
- Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc bất hợp pháp hóa đơn để gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, hoặc mua bán hóa đơn có tổ chức thu lời bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng thì chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan Công an để xử lý hình sự theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán.
- Tổ chức rà soát toàn bộ các vụ việc trốn thuế, gian lận thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp,... trong thời gian qua cơ quan Thuế đã chuyển giao hồ sơ qua cơ quan Công an đã quá thời hạn theo quy định mà cơ quan Công an chưa thông báo cho cơ quan Thuế kết quả giải quyết hoặc đã có kết quả giải quyết nhưng chưa rõ để tiếp tục phối hợp, điều tra xử lý theo quy định.
- Tổng hợp các vụ việc có tính chất vi phạm nghiêm trọng đã được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, hoặc phối hợp với cơ quan Công an điều tra, khởi tố, xét xử để tuyên truyền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
6. Tăng cường kiểm tra, thanh tra các chuyên đề chuyên sâu đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; kinh doanh thiết bị y tế, thiết bị trường học, thiết bị khoa học kỹ thuật; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; các đường dây thành lập doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; đặc biệt tập trung thanh tra đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá,
7. Tham mưu cho cấp ủy và chính quyền cùng cấp chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách trên địa bàn trong các lĩnh vực: Chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án; khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên; kinh doanh viễn thông, điện, điện tử, máy tính, ô tô, sữa, dược phẩm; kinh doanh của các tập đoàn bán buôn, bán lẻ; hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu qua biên giới đất liền; lĩnh vực sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu theo dự án ODA, vay ưu đãi từ nhà tài trợ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh...
8. Nâng cao năng lực và nguồn lực cho hoạt động kiểm tra, thanh tra đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra:
- Đúc kết và phổ biến nhân rộng các biện pháp kiểm tra, thanh tra mới để phù hợp với cải cách thủ tục hành chính (về thay đổi tần suất kê khai, bỏ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra,...) như: kiểm tra, thanh tra thông qua hệ thống tiêu chí rủi ro phù hợp; thông qua hệ thống tài khoản giao dịch, vòng luân chuyển dòng tiền...để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế.
- Tập trung xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo chức năng kiểm tra, thanh tra theo quyết định số 731/QĐ-TCT ngày 16/4/2015 của Tổng cục Thuế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra thuế nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác kiểm tra, thanh tra thuế trong việc phát hiện phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Tổ chức sắp xếp, sớm bổ sung nguồn nhân lực cho công tác kiểm tra, thanh tra đạt khoảng 35% tổng số cán bộ công chức của đơn vị; triển khai giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đoàn, đội gắn với động viên, thi đua, khen thưởng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác kiểm tra, thanh tra năm 2015.
9. Thực hiện kiểm tra, thanh tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định:
- Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định tại quy trình thanh tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 74/QĐ-TCT ngày 27/1/2014, quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015. Việc báo cáo định kỳ, các Cục Thuế thực hiện theo đúng mẫu biểu, đúng quy định tại các quy trình này; Phân công nhập dữ liệu vào phần mềm ứng dụng TTR đến từng phòng, bộ phận, từng cán bộ và phải có đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc nhập dữ liệu, đảm bảo việc nhập dữ liệu kiểm tra, thanh tra chính xác, kịp thời để có đủ dữ liệu phục vụ công tác báo cáo, công tác phân tích rủi ro trong kiểm tra, thanh tra.
- Xây dựng và triển khai quy chế giám sát đoàn kiểm tra, thanh tra phù hợp với thực tiễn công tác tại địa phương. Khi đoàn kiểm tra, thanh tra tiến hành công bố quyết định tại doanh nghiệp thì đồng thời gửi thư ngõ của thủ trưởng cơ quan thuế (Mẫu thư ngõ kèm theo) đến doanh nghiệp để theo dõi giám sát, phản ánh, góp ý hoạt động của đoàn kiểm tra, thanh tra.
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn 3778/TCT-TTr về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xứ lý vi phạm về thực hiện nghĩa vụ thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 2Công văn 1439/TCT-CS về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 3Công văn 7527/BTC-TCT năm 2013 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công văn 1991/TCT-TTKT năm 2022 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Công văn 3778/TCT-TTr về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xứ lý vi phạm về thực hiện nghĩa vụ thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 2Công văn 1439/TCT-CS về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 3Công văn 7527/BTC-TCT năm 2013 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán do Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính ban hành
- 5Công văn 12485/BTC-TCT năm 2013 tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành
- 6Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7Quyết định 74/QĐ-TCT năm 2014 về Quy trình thanh tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 8Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9Công văn 10024/BTC-TCT năm 2014 về biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành
- 10Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 02/QĐ-BTC năm 2015 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và chương trình công tác năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 12Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 do Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 746/QĐ-TCT năm 2015 về việc ban hành quy trình kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 14Quyết định 568/QĐ-BTC năm 2015 về Quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại cơ quan Thuế các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 15Công văn 1991/TCT-TTKT năm 2022 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 1967/TCT-TTr năm 2015 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 1967/TCT-TTr
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 21/05/2015
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Phi Vân Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/05/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra