Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1953/LĐTBXH-BHXH
V/v: Chính sách Bảo hiểm xã hội đối với HTX

Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2001

 

Kính gửi: Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội

Theo yêu cầu của Quý Uỷ ban tại Công văn số 602/UBKTNS ngày 20/6/2001 về việc chuyển đổi, củng cố hợp tác xã, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo như sau:

1/ Tình hình chung của hợp tác xã từ khi có Luật Hợp tác xã

Hiện nay, cả nước có 13.664 hợp tác xã, từ khi có Luật Hợp tác xã (năm 1996) đã có 5.346/13.664 đơn vị (chiếm hơn 43%) chuyển sang mô hình hợp tác xã mới quy định tại Luật Hợp tác xã.

Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về lao động, việc làm và nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của lao động ngoài quốc doanh, thì có:

+ 2.494 hợp tác xã làm ăn khá (chiếm 18,2%)

+ 6.025 hợp tác xã làm ăn trung bình (chiếm 44,2%)

+ 5.145 hợp tác xã làm ăn kém (chiếm 37,6%).

Thu nhập bình quân (sau khi đã trừ đi các chi phí sản xuất và các khoản đóng góp có tính chất bắt buộc) của xã viên hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc rất khác nhau, phụ thuộc vào ngành nghề:

- Xã viên làm việc trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có thu nhập cao nhất, bình quân 410.000đ/người tháng, tương đương với thu nhập của lao động cùng ngành nghề làm việc trong các đơn vị quốc doanh.

- Lao động làm việc trong các hợp tác xã thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có thu nhập thấp hơn vào khoảng 300.000đ/người tháng.

Nếu so với thu nhập bình quân của xã viên hợp tác xã năm 2000 với thời kỳ trước khi có Luật Hợp tác xã (vào 1992 - 1993) thì đã tăng lên 3,1 lần. Do thu nhập tăng, đời sống của xã viên hợp tác xã nhìn chung được cải thiện, nêu cũng theo kết quả các cuộc điều tra trên, thì có tới hơn 80% xã viên trong các hợp tác xã có nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, từ năm 1996 đến nay, sau khi Luật Hợp tác xã và Nghị định 15/CP ngày 21/2/1997 về chính sách khuyến khích hợp tác xã được ban hành, thì Hội đồng liên minh hợp tác xã ở các địa phương đều kiến nghị với Chính phủ ban hành thực hiện BHXH cho xã viên.

2. Tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho xã viên và những vấn đề cần giải quyết

2.1. Trước khi có Luật Hợp tác xã, với mục đích đảm bảo đời sống cho xã viên khi gặp các trường hợp như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuổi già hoặc chết, từ năm 1982 Liên hiệp xã đã ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội chung để thực hiện cho xã viên hợp tác xã. Theo Điều lệ này thì xã viên hợp tác xã được hưởng 6 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất. Quỹ Bảo hiểm xã hội được hình thành trên cơ sở đóng góp của xã viên và một phần do hợp tác xã đóng: mức đóng góp quy định cho 1 xã viên mỗi năm phải đóng 1 tháng lương; còn hợp tác xã trích 15% từ thu nhập để đóng vào quỹ BHXH, trong đó 9% để chi các chế độ ngắn hạn và 6% để chi các chế độ dài hạn (mất sức lao động, hưu trí và tử tuất). Mức hưởng hưu trí quy định 10 kg gạo cho 1 người/1 tháng. Việc quản lý quỹ và tổ chức chi trả trợ cấp các chế độ dài hạn do liên hiệp xã cấp tỉnh thực hiện; còn chế độ ngắn hạn do các hợp tác xã đảm nhiệm.

Điều lệ Bảo hiểm xã hội của xã viên ban hành, thực hiện cho cả 3.982 hợp tác xã trong toàn quốc, với 360.093 xã viên tham gia.

Tính đến năm 1983 đã có hàng vạn người được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản và hàng ngàn người được hưởng chế độ hưu trí, đã góp phần vào việc làm ổn định đời sống cho xã viên trong các hợp tác xã. Nhưng việc thực hiện điều lệ bảo hiểm xã hội cho xã viên hợp tác xã chỉ thực hiện được 7 năm (từ 1982 đến 1989) thì ngừng hoạt động vì 3 lý do chính là:

+ Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn đóng góp của xã viên hợp tác xã với mức thấp, nên không cân đối được thu chi. Đặc biệt vào những năm 1986, 1987 khi đồng tiền mất giá nghiêm trọng, nên không đủ chi trả trợ cấp cho xã viên.

+ Chế độ bảo hiểm xã hội ban hành và thực hiện cho xã viên từ năm 1982 trong cơ chế bao cấp, nên ngoài trợ cấp bảo hiểm xã hội, xã viên hưởng BHXH còn được Nhà nước bao cấp về lương thực và 1 số mặt hàng thiết yếu, vì vậy trợ cấp bảo hiểm xã hội tạm đủ cho cuộc sống. Nhưng từ năm 1986, do chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang cơ chế thị trường, các mặt hàng bao cấp không còn nữa, giá cả biến động, mức trợ cấp thực tế giảm, làm cho trợ cấp bảo hiểm xã hội không còn ý nghĩa trong việc bảo đảm đời sống cho người lao động.

+ Do thay đổi hình thức quản lý sản xuất, không còn tổ chức liên hiệp xã, nên không còn tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện bảo hiểm xã hội cho xã viên như trước.

Như vậy, qua kết quả thực hiện bảo hiểm xã hội cho xã viên hợp tác xã, có thể thấy rằng: Xã viên hợp tác xã có nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta khác nhau, vì vậy áp dụng hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện là hợp lý.

2.2. Sau khi có Luật Hợp tác xã, việc thực hiện BHXH đối với xã viên hợp tác xã còn vướng mắc vì những lý do sau:

Điều 140 Bộ luật Lao động quy định 2 loại hình BHXH: Tự nguyện và bắt buộc.

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng đối với người lao động làm công hưởng lương có quan hệ lao động theo hợp đồng lao động được quy định trong Bộ luật lao động và cán bộ, công chức theo Pháp lệnh cán bộ, công chức. Xã viên hợp tác xã là chủ sở hữu một phần tài sản của hợp tác xã, giữa xã viên và tập thể hợp tác xã không thuộc quan hệ làm công hưởng lương nên không thể áp dụng BHXH bắt buộc.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện được áp dụng đối với lao động không làm công hưởng lương, không có quan hệ lao động theo hợp đồng lao động, trong đó có xã viên hợp tác xã. Tuy nhiên, cho đến nay việc áp dụng Bảo hiểm xã hội tự nguyên chưa thực hiện được. Vừa qua, UBND các tỉnh Thái Bình, Hà Tây, Nghệ An, đã cho thí điểm thực hiện Bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng nói chung chưa thành công, có địa phương đã ngừng thí điểm hoặc còn thí điểm nhưng đối tượng tham gia ít do thu nhập của người dân còn thấp.

3. Kiến nghị giải quyết chính sách đối với hợp tác xã

3.1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nghiên cứu đề án BHXH tự nguyện để áp dụng cho mọi người lao động không thuộc đối tượng BHXH bắt buộc. Ngày 29/12/1999, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 105/LĐTBXH trình Chính phủ về Điều lệ BHXH tự nguyện để áp dụng đối với xã viên hợp tác xã và một số đối tượng khác trên cơ sở các định hướng sau:

- Mục đích: BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo cho người lao động có khoản thu nhập cần thiết để ổn định đời sống khi tuổi già; góp phần ổn định an ninh xã hội.

- Phạm vi và đối tượng áp dụng: BHXH tự nguyện được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi người lao động từ 15 tuổi trở lên ở thành thị và nông thôn, trong đó có xã viên hợp tác xã.

- Nguyên tắc:

+ Tham gia trên cơ sở tự nguyện; người lao động có thể trực tiếp đóng hoặc người khác đóng thay;

+ Mức hưởng BHXH trên cơ sở mức đóng.

+ Quỹ BHXH tự nguyện được hạch toán độc lập, tự cân đối thu chi được bảo tồn và phát triển có sự bảo hộ của Nhà nước.

- Lợi ích: BHXH tự nguyện được thực hiện trên nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, không phải nộp thuế từ các nguồn thu cho việc bảo tồn và phát triển quỹ, không phải hoàn trả ngân sách những khoản Nhà nước hỗ trợ... Điều này đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm có được lợi ích cao nhất trên số tiền đóng góp của mình.

- Nội dung chính sách BHXH: Chỉ xây dựng chế độ BHXH tuổi già, không xây dựng chế độ BHXH khác như ốm đau, sinh đẻ, tai nạn lao động, tử tuất.

- Về tổ chức: Giao cho BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa những nội dung cơ bản trong Điều lệ BHXH tự nguyện trình Chính phủ vào Dự thảo Luật BHXH trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp vừa qua.

3.2. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng chế độ BHXH tự nguyện cho xã viên hợp tác xã và 1 số đối tượng khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy có một số vấn đề cần giải quyết, sau đây:

+ Việc xây dựng chế độ BHXH áp dụng cho lao động là xã viên hợp tác xã là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng trong các Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX, phù hợp Luật Hợp tác xã và Nghị định 15/CP của Chính phủ, cũng như phù hợp với nguyện vọng của đa số xã viên. Tuy nhiên, do thu nhập của xã viên hầu hết còn thấp, đặc biệt là hợp tác xã các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nên khả năng tham gia BHXH thấp (chỉ khoảng 60%). Như vậy, để xã viên hợp tác xã có thể tham gia BHXH, thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho những hợp tác xã tham gia BHXH trong một số lĩnh vực như giảm thuế, giảm tiền điện nước... Đồng thời, Nhà nước ban hành chính sách BHXH tự nguyện, các hợp tác xã tuỳ thuộc vào điều kiện việc làm, tiền lương, thu nhập của hợp tác xã để tự nguyện tham gia, không bắt buộc áp dụng đồng loạt.

+ Nhận thức chung của xã viên hợp tác xã một số ngành và ở một số địa phương về chính sách BHXH còn rất hạn chế, do đó cần có các hình thức tuyên truyền để xã viên hợp tác xã hiểu và thực hiện.

+ Do đặc điểm lao động, việc làm và tổ chức sản xuất ở các hợp tác xã rất khác nhau, nên việc thu, chi và quản lý quý BHXH sẽ rất phức tạp; vấn đề này đòi hỏi phải tổ chức thực hiện chính sách BHXH cho xã viên hợp tác xã sao cho phù hợp với đặc điểm này; trước mắt cần làm thí điểm ở một số tỉnh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin báo cáo và cảm ơn Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đã quan tâm đến vấn đề này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Liêu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1953/LĐTBXH-BHXH về chính sách Bảo hiểm xã hội đối với hợp tác xã do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1953/LĐTBXH-BHXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Đình Liêu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản