Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

 

Số: 1950/BGDĐT-KHCNMT
V/v tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, và Tháng hành động vì môi trường năm 2020

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm, các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ.

Ngày 05 tháng 6 hằng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 và đã trở thành phong trào rộng khắp phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Bắt đầu từ năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, trong đó tập trung các nguồn lực để thực hiện “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước với các hoạt động thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và từng người dân nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo sự lan tỏa nhanh trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn xã hội.

Chủ đề trọng tâm Ngày Môi trường thế giới năm 2020 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature). Theo UNEP, năm nay là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6 hằng năm) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngày Đại dương Thế giới năm nay với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, sẽ là cơ hội để giới thiệu những phương pháp, ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP.

Ngày 22 tháng 5 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 là “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” (Our solutions are in the nature).

Thực hiện hướng dẫn tại Công văn số 2906/BTNMT-TTTNMT ngày 29/5/2020, Công văn số 2556/BTNMT-TCBHDVN ngày 13/5/2020, Công văn số 2141/BTNMT- TCMT ngày 20/4/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, và Tháng hành động vì môi trường năm 2020, nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường biển,

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, trường đại học, học viện, các viện nghiên cứu và trường cao đẳng sư phạm trực thuộc (sau đây gọi tắt là các đơn vị), căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của đơn vị, tổ chức chuỗi các hoạt động từ tháng 5 đến hết tháng 7 năm 2020, hưởng ứng các ngày lễ trên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có tính thực tiễn, có tính lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên và cộng đồng, cụ thể như sau:

1. Quán triệt, phổ biến và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến phát triển bền vững; quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông.

2. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên và cả cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Việc tổ chức các hoạt động này phải phù hợp với tình hình cả nước chung tay phòng, chống bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phải sáng tạo, đổi mới, đa dạng hóa, hiện đại hóa về hình thức, nội dung, phương thức truyền thông theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp các hình thức trực tuyến, mạng xã hội. Ưu tiên hình thức tuyên truyền qua hệ thống tin nhắn, cổng thông tin điện tử, fanpage, website của đơn vị. Các hoạt động tuyên truyền cụ thể như sau:

- Tổ chức Lễ Mít tinh, ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, triển lãm, hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về mục đích, ý nghĩa của Ngày Môi trường Thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì môi trường; tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, ô nhiễm chất thải nhựa trên đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chủ đề của năm 2020 là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature),“Đổi mới vì một đại dương bền vững”, “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”.

- Tổ chức treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì môi trường năm 2020 tại các trường học, khu vực xung quanh trường học, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở các tổ chức, cá nhân và cộng đồng biết và thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững bằng những việc làm cụ thể, thiết thực;

- Tăng thời lượng đưa tin, bài viết, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, chương trình cổ động, tuyên truyền về ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì môi trường trên các trang tin, tạp chí, website của đơn vị. Tập trung đưa tin, bài tuyên truyền về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tác hại của của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng; định hướng các biện pháp giảm thiểu phát sinh khí thải độc hại, giảm sử dụng, tái sử dụng chất thải nhựa trong đời sống hàng ngày; vận động cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên thay đổi thói quen sử dụng túi nilon; giá trị và vai trò của đa dạng sinh học đối với việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe của con người, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; vai trò thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường và chế độ ăn uống lành mạnh; tạo dư luận và áp lực xã hội lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

3. Tiếp tục tích hợp/lồng ghép các kiến thức, kỹ năng và những việc cần làm vào nội dung chương trình môn học, các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

4. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa cho từng cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh và học viên, từ đó lan tỏa tới cả cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững như:

- Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác nhựa ra môi trường; khuyến khích các hoạt động thu gom chất thải nhựa, túi ni lông tại đơn vị, trường học, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư; tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa, đặc biệt tại các đơn vị ven biển như làm sạch bãi biển và các khu sinh thái biển, thu gom chất thải, rác thải ven biển và trên hải đảo, đặc biệt là rác thải nhựa, trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Phát động phong trào đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí; phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế việc đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn;

- Khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính;

- Bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây, con dược liệu và các … thức truyền thống liên quan; khai thác bền vững tài nguyên sinh học; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.

1. Tăng cường xây dựng các sáng kiến, giải pháp hiệu quả, các mô hình tiên tiến, điển hình trong các cơ sở giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững, trong đó tập trung vào việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, giảm thiểu phát sinh khí thải độc hại ra môi trường không khí, sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với hoạt động xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

2. Phát hiện, biểu đương, khen thưởng và động viên kịp thời những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích, đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành tài nguyên và môi trường và các cơ quan truyền thông trên địa bàn nhằm triển khai thiết thực, có hiệu quả Ngày Môi trường Thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì môi trường năm 2020 và báo cáo kết quả triển khai (theo mẫu tại Phụ lục 1, 2) về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), 35 Đại cồ Việt, Hà Nội; bản mềm (word) gửi qua email; vukhcnmts@moet.gov.vn trước ngày 30/7/2020.

Các khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam theo hướng dẫn tại Phụ lục 3, 4 kèm theo.

Thông tin liên hệ: TS.Nguyễn Kim Dung, cvc Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, điện thoại: 0979729197, email:nkdung@moet.gov.vn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT, KHCNMT

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Phúc

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đơn vị:

BÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI, NGÀY QUỐC TẾ ĐA DẠNG SINH HỌC, NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI, TUẦN LỄ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tên đơn vị:

Địa chỉ:

Tên người liên hệ:                                          Email:                                         Điện thoại:

1. Công tác chỉ đạo thực hiện:

Nêu rõ các Văn bản chỉ đạo của Quý đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ trên.

2. Danh mục các hoạt động tổ chức hưởng ứng: (chú ý mô tả chi tiết, đánh giá kết quả đạt được và việc duy trì trong tương lai)

3. Chi tiết hoạt động:

- Mô tả hoạt động

- Nơi diễn ra

- Mục đích

- Các vấn đề tập trung giải quyết

- Tác động với cộng đồng

4. Kết quả các hoạt động (biểu mẫu kèm theo):

- Số các hoạt động diễn ra trên địa bàn:

- Số người tham gia;

- Tổng lượng rác thu gom, xử lý (tính theo m3 hoặc tấn):

- Tổng chiều dài, diện tích các khu vực công cộng, đường giao thông, bãi biển làm vệ sinh môi trường (km hoặc ha).

- Tổng số cây xanh được trồng mới và chăm sóc (tổng số cây hoặc ha...)

- Số công trình bảo vệ môi trường được khởi công, khánh thành, bản giao đưa vào sử dụng.

- Tổ chức các buổi mít tinh, cổ động, tập huấn, hội thảo, cuộc thi:

- Tổng số băng rôn, phướn, tờ rơi, poster được phát hành (cái):

- Các hoạt động truyền thông, truyền hình: bài viết, phóng sự, tuyên truyền...:

- Các hình thức khác...

5. Những đề xuất, kiến nghị...

6. Hình ảnh kèm theo:

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đơn vị:

BẢNG TỔNG HỢP KẾT QUẢ THỰC HIỆN HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT HƯỞNG ỨNG “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG” VÀ NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI NĂM 2020

TT

Tổng số người tham gia

Tên hoạt động

Tổng số người tham gia

Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm

(m)

Tổng

số rác thu gom, xử lý (m3 hoặc tấn)

Vệ sinh khu vực công cộng, đường giao thông, bãi biển, (km hoặc ha)

Số công trình BVMT khởi công, khánh thành, bàn giao, số cây rồng và chăm sóc (cây hoặc ha)

Treo băng rôn, khẩu hiệu, in tờ rơi, poster (chiếc)

Phát thanh truyền hình (buổi)

Chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức (số buổi/ hoặc số người tham dự)

Khác...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KHẨU HIỆU TRUYỀN THÔNG NGÀY MÔI TRƯÒNG THẾ GIỚI NĂM 2020

1. Hài hoà với thiên nhiên - Gìn giữ bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu.

3. Hãy sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế.

4. Đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học.

5. Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường.

6. Ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu và các sản phẩm từ nhựa.

7. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

8. Đa dạng sinh học - Hành trình duy trì sự sống.

9. Đa dạng sinh học - Nhận thức đúng, hành động đủ.

10. Hành động vì thiên nhiên - Trách nhiệm của chúng ta.

 

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN BIẾN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM

phục vụ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt nam và Ngày Đại dương Thế giới 2020

I. Chủ quyền biển đảo - 04 câu

1. Quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

2. Hoàng Sa -Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam

3. Tất cả vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc

4. Chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

II. Rác thải nhựa - 06 câu

1. Ngăn chặn ô nhiễm nhựa và khuyến khích các giải pháp đổi mới vì một đại dương khỏe mạnh

2. Giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh

3. Vì một đại dương sạch không rác thải nhựa

4. Chung tay hành động vì biển xanh không rác thải nhựa

5. Bảo vệ môi trường biển, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ

6. Chung tay gìn giữ màu xanh của biển

III. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam - 05 câu

1. Kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam.

2. Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển

3. Sử dụng bền vững nguồn lợi từ biển và đại dương là trách nhiệm của chúng ta 4 Thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

4. Phát triển bền vững kinh tế biển - Không một ai bị bỏ lại phía sau.

IV. Đổi mới vì một đại dương bền vững - 04 câu

1. Cùng hành động để bảo vệ và phục hồi đại dương

2. Bảo tồn hành tinh xanh, tạo nên sự khác biệt

3. Đổi mới vì cuộc sống dưới lòng đại dương

4. Đổi mới, sáng tạo để phát triển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1950/BGDĐT-KHCNMT về tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, và Tháng hành động vì môi trường năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 1950/BGDĐT-KHCNMT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/06/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Văn Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản