Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1891/TCT-CS
V/v Chênh lệch tỷ giá

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2012

 

Kính gửi:

- Cục Thuế thành phố Hà Nội;
- Công ty TNHH Hamagasu Việt Nam.
(Đ/c: Lô 82 Khu CN Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội)

 

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 2212/2011/TC-KT đề ngày 22/12/2011 của Công ty TNHH Hamagasu Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) về hạch toán chênh lệch tỷ giá khi trả tiền vay. Về vấn đề này, sau khi lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ kế toán - kiểm toán, Vụ Tài chính ngân hàng), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại khoản 4, Điều 2 Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp quy định:

"4. "Chênh lệch tỷ giá hối đoái" là chênh lệch giữa tỷ giá ghi sổ kế toán với tỷ giá quy đổi tại thời điểm điều chỉnh của cùng một loại ngoại tệ."

- Tại điểm 2.1 mục II Thông tư số 105/2003/TT-BTC ngày 4/11/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán thực hiện sáu (06) chuẩn mực kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định:

"2.1- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là Đồng Việt Nam, hoặc đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán (nếu được chấp thuận). Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, hoặc ra đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán về nguyên tắc doanh nghiệp phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế của nghiệp vụ kinh tế phát sinh hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế (sau đây gọi tắt là tỷ giá giao dịch) để ghi sổ kế toán."

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp trong năm 2008, 2009, Công ty vay nợ nước ngoài bằng đô la Mỹ (USD) để kinh doanh; đến năm 2011, Công ty trả một phần nợ gốc và lãi bằng yên Nhật bản (JPY) có quy đổi hai loại ngoại tệ này theo tỷ lệ cố định thỏa thuận trong hợp đồng vay nợ mà không căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế của nghiệp vụ kinh tế phát sinh hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế là không đúng theo quy định tại Thông tư số 105/2003/TT-BTC ngày 4/11/2003 của Bộ Tài chính.

Do đó, khoản chênh lệch quy ra VND (-1.316.266.956 VND) phát sinh do tỷ lệ chuyển đổi từ USD sang JPY theo tỷ giá giao dịch thực tế (1USD = 75,95 JPY) thấp hơn tỷ lệ chuyển đổi cố định trên hợp đồng (1USD = 110 JPY) không phải là lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, khoản chênh lệch này không được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hà Nội và Công ty TNHH Hamagasu Việt Nam được biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Vụ thuộc BTC: CST, PC, KTKT, TCNH;
- Các Vụ thuộc TCT: PC, TTr;
- Lưu VT, CS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1891/TCT-CS về chênh lệch tỷ giá do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1891/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/06/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản