Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1872/TCT-TNCN
V/v trả lời vướng mắc về thuế TNCN.

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2010

 

Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh

Sau khi trình báo cáo và được Bộ Tài chính đồng ý; Tổng cục Thuế có ý kiến về công văn số 1923/CT-TTHT ngày 02/04/2010 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh hỏi về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với tài sản thừa kế là chứng khoán của bà Lương Thị Lai (Đ/C: 202 KP2 Mỹ Kim 2, H25 – phường Tân Phú – Q7 – TP.HCM) như sau:

Tại Điều 633 Bộ luật Dân sự Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về thời Điểm mở thừa kế như sau: “Thời Điểm mở thừa kế là thời Điểm người có tài sản chết …”.

Tại Điều 636 Bộ luật Dân sự quy định thời Điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế như sau: “Kể từ thời Điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.

Tại Khoản 1 Điều 34 Luật thuế TNCN quy định: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009”;

Tại Điểm 7, Mục II Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thuế TNCN quy định:

“… 7.1.4. Đối với thừa kế, quà tặng là chứng khoán: thu nhập để tính thuế của chứng khoán là giá trị chứng khoán tại thời Điểm chuyển quyền sở hữu”.

“7.3.1. Đối với thu nhập từ thừa kế: Thời Điểm xác định thu nhập tính thuế là thời Điểm đối tượng nộp thuế nhận thừa kế làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản …”.

Căn cứ vào các quy định trên đây, trường hợp của bà Lương Thị Lai nhận được thừa kế của chồng là ông Vũ Đức Thịnh (ông Thịnh chết vào ngày 27/9/2007 không để lại di chúc). Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì bà Lai và các đồng thừa kế có quyền sở hữu tài sản thừa kế của ông Thịnh để lại kể từ ngày 27/9/2007. Ngày 17/3/2008 các đồng thừa kế là mẹ của ông Thịnh cùng 2 người con của ông Thịnh và bà Lai đã làm thủ tục từ chối nhận thừa kế theo đúng quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự để giao lại quyền sở hữu cho bà Lai. Như vậy, theo quyết định về quyền thừa kế thì kể từ ngày 17/3/2008 bà Lai là người có quyền sở hữu Sổ chứng khoán của Ngân hàng ACB của người chồng để lại.

Việc sang năm 2010 bà Lai mới làm thủ tục chuyển sổ chứng khoán của Ngân hàng ACB từ tên người chồng sang tên của mình theo luật thừa kế không phát sinh thu nhập nên bà Lai không thuộc đối tượng nộp thuế TNCN đối với phần tài sản thừa kế là chứng khoán nói trên.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh được biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế (TCT);
- Lưu: VT, TNCN.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1872/TCT-TNCN trả lời vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ thừa kế chứng khoán phát sinh trước khi luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1872/TCT-TNCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/06/2010
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản