Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1829/TLĐ
V/v: Hướng dẫn Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố;
- Các Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ.

 

Ngày 10/10/2011, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có công văn số 6340/BYT-UBQG50 Hướng dẫn kế hoạch tổ chức Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011, kể từ ngày 10/11/2011 đến 10/12/2011.

Để thực hiện tốt chủ trương trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ Tổng công ty trực thuộc triển khai các hoạt động trong Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 trong công nhân, viên chức lao động, cụ thể:

- Tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến, đặc biệt thông tin về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng của Công đoàn.

- Ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS theo chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, với nội dung chủ yếu là truyền thông vận động thay đổi hành vi tự phòng tránh lây nhiễm HIV và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (có văn bản giải thích chủ đề kèm theo).

- Phân công và chỉ đạo cho các thành viên của Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Tổ chức các hoạt động của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung các hoạt động hướng về cơ sở.

- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết, khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở tổ chức mít tinh và diễu hành quần chúng vào cùng thời điểm theo Hướng dẫn.

- Kết thúc Tháng hành động, tổng kết, đánh giá và gửi báo cáo về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước ngày 15/12/2011 để kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trú ĐCT (để b/c);
- Đồng kính gửi: VPCP;
- Lưu: VT, TTPCAIDS.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Thanh

 

PHỤ LỤC 1

KHẤU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2011

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12/2011

2. Hãy hành động vì mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV

3. Không dùng chung bơm kim tiêm để phòng tránh lây nhiễm HIV

4. Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để phòng tránh lây nhiễm HIV

5. Xét nghiệm HIV để bảo vệ chính mình và người thân

6. Sống lành mạnh, thủy chung để không bị lây nhiễm HIV

7. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

8. Phòng, chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn

9. Phụ nữ mang thai ngay trong ba tháng đầu hãy đi tư vấn và xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

10. Tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS là quyền của mọi người dân

11. Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là góp phần phòng, chống HIV/AIDS

12. Thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người

13. Người nhiễm HIV hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc và điều trị

14. Tăng cường lãnh đạo, giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS

15. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho mọi người dân

16. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011

 

PHỤ LỤC 2

CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2011
(Tài liệu giải thích chủ đề)

“HƯỚNG TỚI KHÔNG CÒN NGƯỜI NHIỄM MỚI HIV”

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015 là “Geting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tầm nhìn “Ba không” đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố chính tức tại Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS tháng 6/2011.

Các mục tiêu cụ thể của tầm nhìn này bao gồm:

* Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV:

- Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm.

- Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS.

- Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.

* Hướng tới không còn người tử vong do AIDS:

- Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng vi rút (ARV).

- Giảm 50% các ca tử vong do Lao ở những người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015.

- Những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người và có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu.

* Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử:

- Đến năm 2015 làm giảm 50% số quốc gia có quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú.

- Không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS .

Tại sao Liên hợp quốc đặt mục tiêu “Ba không”?

Mặc dù theo báo cáo của Liên hợp quốc, xu hướng mới nhiễm HIV trên toàn cầu có xu hướng giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên ở một số vùng trên thế giới vẫn có xu hướng gia tăng. Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế. Theo các điều tra gần đây nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 24% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ trả lời chính xác 5 câu hỏi về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về lây nhiễm HIV. Nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV. Các báo cáo cũng cho thấy các ca nhiễm mới HIV trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tập trung trong các nhóm chính có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm những người tiêm chích ma túy, người mua và bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng với nam và những người chuyển giới.

Trên thế giới cũng như trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, số người tiếp cận được điều trị kháng vi-rút (ARV) để tiếp tục sống đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2006. Tuy vậy, đến nay vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị ARV trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa tiếp cận được với các thuốc có ý nghĩa sống còn này với họ. Ở Việt Nam, số người được điều trị ARV đã tăng 18 lần và số người chết liên quan đến AIDS đã giảm nhanh trong vòng năm năm qua, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau vẫn còn hơn một nửa số người lớn nhiễm HIV/AIDS có nhu cầu nhưng vẫn chưa được tiếp cận điều trị kháng vi-rút. Do vậy để thực hiện được mục tiêu không còn người chết liên quan đến AIDS thì ngoài các giải pháp mang tính đồng bộ, các giải pháp tăng cường sự tiếp cận của người nhiễm HIV/AIDS với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng.

Đã 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá khổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn những quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS …. Cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS cũng như là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động v.v… đã được pháp luật các quốc gia quy định.

Liên hợp quốc khuyến cáo, từ chủ đề chung của Chiến dịch Phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015, hàng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên và Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2001 là: Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Tại sao năm 2011 Việt Nam lại tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”;

Tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã bị kìm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai …. Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao … Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

Do vậy kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tiếp tục cho giai đoạn 2011-2020.


PHỤ LỤC 3

BÁO CÁO NHANH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2011

Tên đơn vị báo cáo: …………………………………..

Stt

Tên hoạt động

Đơn vị thực hiện chính

Đơn vị phối hợp

Thời gian tổ chức

Địa điểm tổ chức

Dự kiến kết quả

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày ….. tháng ….. năm 2011
LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ

Ghi chú:

- Báo cáo này dành cho các Ban chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh tổng hợp trên cơ sở kế hoạch của các tuyến.

- Đề nghị các đơn vị gửi Báo cáo nhanh về Tổng Liên đoàn Lao động VN, qua Trung tâm Phòng chống AIDS và PC TNXH

ĐT: 04 38223715. Email: danghoaai@yahoo.com

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1829/TLĐ hướng dẫn Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1829/TLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/10/2011
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Hoàng Ngọc Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản