Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1807/QLCL-QLT
V/v hướng dẫn thực hiện Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngtheo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện, trường đại học;
- Các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên;
- Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng;
- Cục Đào tạo - Bộ Công an.

Việc tổ chức thi để cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được thực hiện theo Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế thi ĐGNLNN).

Để thực hiện nghiêm túc Quy chế thi ĐGNLNN, Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các sở GDĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo - Bộ Công an (gọi chung là các sở GDĐT), và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ (gọi chung là trường ĐH, CĐ) một số nội dung sau:

1. Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Để tổ chức thi, các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ (gọi chung là đơn vị) phải xây dựng Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (ĐGNLNN) đáp ứng quy định tại Điều 5 Quy chế thi ĐGNLNN, gửi về Cục Quản lý chất lượng (tham khảo mẫu Đề án tại Phụ lục I của Công văn này).

Tất cả các đơn vị phải công khai Đề án tổ chức thi ĐGNLNN trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án. Lưu ý: trong nội dung công khai của Đề án không nêu danh sách cụ thể của cán bộ ra đề thi và cán bộ chấm thi.

2. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa

Ngân hảng câu hỏi thi phải được chuẩn hóa, đảm bảo đủ số lượng cần thiết để xây dựng đề thi theo từng định dạng đề thi theo quy định của Bộ GDĐT (tham khảo Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa tại Phụ lục II của Công văn này).

3. Đề thi

Đề thi phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 12 Quy chế thi ĐGNLNN. Các câu hỏi thi, đề thi, thời lượng của các bài thi được xây dựng theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, bám sát định dạng đề thi và hướng dẫn làm đề thi theo từng định dạng đề thi được Bộ GDĐT quy định tại các văn bản liệt kê ở Phụ lục III của Công văn này.

Bộ GDĐT sẽ tiếp tục ban hành các định dạng đề thi khác cho tiếng Anh và cho các ngoại ngữ khác trong thời gian tới.

4. Phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính

Phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 6 Điều 5 Quy chế thi ĐGNLNN. Phần mềm phải có bản quyền, có minh chứng đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Tài liệu Hướng dẫn thi trên máy vi tính được đăng tải cùng với Đề án tổ chức thi trên trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi.

Trước buổi thi, đơn vị tổ chức thi phải hướng dẫn thí sinh cách làm bài thi trên máy vi tính.

5. Tổ chức coi thi

a) Khu vực tổ chức coi thi

Khu vực tổ chức coi thi đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 5 Quy chế thi ĐGNLNN. Ngoài ra, cần lưu ý: khu vực tổ chức coi thi phải có dải phân cách (cứng hoặc mềm) với khoảng cách phù hợp để đảm bảo cách biệt với các hoạt động khác; có biển chỉ dẫn, thông báo, cảnh báo; có công an hoặc bảo vệ giám sát bao quát vòng ngoài để đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn cho tổ chức thi.

b) Tổ chức coi thi theo hình thức thi trên giấy

- Công tác coi thi, giám sát thi thực hiện theo quy trình quy định tại Điều 16 Quy chế thi ĐGNLNN. Ngoài ra, cần lưu ý: Nhiệm vụ của cán bộ được quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 16 Quy chế thi ĐGNLNN; các cán bộ coi thi trong phòng thi có vai trò, trách nhiệm như nhau; Trưởng Ban Coi thi có trách nhiệm phân công cán bộ coi thi, đảm bảo nghiêm túc và khách quan trong coi thi;

- Việc tổ chức thi và quy trình thực hiện bài thi nói theo hình thức thi nói trực tiếp được quy định tại Điều 17 Quy chế thi ĐGNLNN. Để đảm bảo trật tự và khách quan, cần lưu ý thêm: Bố trí đủ cán bộ giám sát trong và ngoài phòng chờ. Cán bộ giám sát ngoài phòng chờ có trách nhiệm: giám sát thí sinh và cán bộ giám sát trong phòng chờ; giám sát việc thí sinh ra vào phòng chờ; điều hành thí sinh ra vào phòng chờ đảm bảo đồng bộ với việc ra vào phòng thi của thí sinh.

c) Coi thi theo hình thức thi trên máy vi tính

Việc tổ chức thi và quy trình coi thi trên máy vi tính được quy định tại Điều 18, 19, 20 Quy chế thi ĐGNLNN. Để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan đồng thời giảm thiểu và kịp thời xử lý các rủi ro về kỹ thuật, cần lưu ý thực hiện một số yêu cầu sau:

- Đối với phòng máy tính dùng để thi kỹ năng nghe, đọc, viết có không quá 25 thí sinh dự thi: phải bố trí 02 cán bộ coi thi và 01 kỹ thuật viên hỗ trợ công nghệ thông tin;

- Đối với phòng máy tính dùng để thi kỹ năng nghe, đọc, viết có trên 25 và không quá 100 thí sinh dự thi: phải bố trí 02 cán bộ coi thi cho mỗi nhóm không quá 25 thí sinh dự thi; đồng thời đảm bảo tỷ lệ 01 kỹ thuật viên hỗ trợ công nghệ thông tin cho không quá 20 thí sinh;

- Không bố trí quá 100 thí sinh thi kỹ năng nghe, đọc, viết đồng thời trong cùng phòng thi;

- Đối với bài thi nói, phải bố trí vị trí ngồi thi cho thí sinh để đảm bảo chất lượng thu âm, không nhiễu tạp âm và không lẫn âm thanh của thí sinh này sang thí sinh khác. Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ công nghệ thông tin phải kiểm tra và đảm bảo kỹ thuật đối với yêu cầu này.

6. Cấp phát và quản lý chứng chỉ

Thống nhất sử dụng mẫu chứng chỉ do Bộ GDĐT ban hành và thực hiện quản lý, thu hồi chứng chỉ theo quy định của Bộ GDĐT.

Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ cho thí sinh đủ điều kiện; cần lưu ý ghi rõ trong chứng chỉ bậc năng lực ngoại ngữ của thí sinh đạt được qua kỳ thi.

7. Chế độ báo cáo

Đơn vị tổ chức thi thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 25 của Quy chế thi ĐGNLNN; các báo cáo được gửi về Cục Quản lý chất lượng dưới dạng file mềm theo địa chỉ email: phongkhaothi@moet.edu.vn theo thời hạn sau:

- Trước kỳ thi ít nhất 20 ngày, gửi báo cáo về các nội dung: môn thi, bậc thi, thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức thi;

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ khi công bố kết quả cuối cùng của kỳ thi, gửi báo cáo tổng kết công tác tổ chức thi và tổng hợp kết quả thi.

Yêu cầu các đơn vị tham gia tổ chức thi ĐGNLNN nghiêm túc thực hiện hướng dẫn này. Nếu có vướng mắc hoặc đề xuất cần báo cáo ngay về Cục Quản lý chất lượng, 30 Tạ Quang Bửu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; email: phongkhaothi@moet.edu.vn: điện thoại: (024)38683992 hoặc (024)36231655 để xem xét, điều chỉnh, bổ sung./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ;
- Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, QLT.

CỤC TRƯỞNG




Mai Văn Trinh

 

PHỤ LỤC I

MẪU ĐỀ ÁN TỔ CHỨC THI ĐGNLNN
(Kèm theo Công văn số 1807/QLCL-QLT ngày 30/11/2017 của Cục Quản lý chất lượng)

I. Tên Đề án:

ĐỀ ÁN TỔ CHỨC THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ THEO KHUNG NĂNG LỰC 6 BẬC DÙNG CHO VIỆT NAM

II. Nội dung Đề án:

1. Giới thiệu về đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (ĐGNLNN)

1.1.

1.2.

2. Các điều kiện chung

2.1. Cơ sở vật chất tổ chức thi

2.2. Phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính

2.3. Đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ công nghệ thông tin và hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật khác

2.4. Cán bộ phân tích đề thi

3. Điều kiện về đội ngũ cán bộ thực hiện thi ĐGNLNN và Ngân hàng câu hỏi thi (riêng cho từng ngoại ngữ có tổ chức thi)

3.1. Cán bộ ra đề thi

3.2. Cán bộ chấm thi

3.3. Ngân hàng câu hỏi thi

4. Kế hoạch tổ chức thi

5. Cam kết thực hiện Đề án

6. Phụ lục:

Phụ lục cung cấp các hồ sơ minh chứng (bản sao) về năng lực, kinh nghiệm đào tạo và tổ chức thi ngoại ngữ của cơ sở; minh chứng về điều kiện cơ sở vật chất; điều kiện về đội ngũ: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chứng chỉ, bằng cấp,... nếu là văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Bộ GDĐT công nhận tương đương văn bằng; minh chứng về nguồn gốc, minh chứng về các đáp ứng của phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính.

 

PHỤ LỤC II

QUY TRÌNH XÂY DỰNG NGÂN HÀNG CÂU HỎI THI CHUẨN HÓA
(Kèm theo Công văn số 1807/QLCL-QLT ngày 30/11/2017 của Cục Quản lý chất lượng)

1. Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa

Bước 1: Thành lập nhóm chuyên gia và nhóm cán bộ điều phối xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa

Bước 2: Xây dựng ma trận đề thi và thiết kế bản đặc tả đề thi (dựa trên định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT)

Bước 3: Soạn thảo câu hỏi thô

Bước 4: Rà soát, chọn lọc, biên tập và thẩm định câu hỏi

Bước 5: Thử nghiệm, phân tích, đánh giá câu hỏi

Bước 6: Chỉnh sửa câu hỏi sau thử nghiệm

Bước 7: Xây dựng đề thi, thử nghiệm, phân tích, đánh giá, cân bằng độ khó của các đề thi

Bước 8: Chỉnh sửa lại các câu hỏi sau thử nghiệm đề thi

Bước 9: Rà soát, lựa chọn, nhập các câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa

2. Nội dung và trình tự thực hiện:

a) Bước 1: Thành lập nhóm chuyên gia và nhóm cán bộ điều phối xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa

Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn; căn cứ năng lực và hiệu quả công tác của các cán bộ và chuyên gia để thành lập nhóm chuyên gia tham gia xây dựng ngân hàng câu thi chuẩn hóa và nhóm cán bộ điều phối theo từng nhiệm vụ cụ thể.

b) Bước 2: Xây dựng ma trận đề thi và thiết kế bản đặc tả đề thi (dựa trên định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT)

Tổ chức làm việc tập trung theo nhóm chuyên gia để xây dựng ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi theo từng lĩnh vực bao gồm: mục tiêu đánh giá, dạng thức câu hỏi, thang bậc năng lực cần đánh giá, lĩnh vực kiến thức, độ khó của câu hỏi và các yêu cầu khác (nếu cần).

Đối với những kỳ thi đã có ma trận đề thi, bản đặc tả đề thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa cần xây dựng bản đặc tả chi tiết phù hợp với việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

c) Bước 3: Soạn thảo câu hỏi thô

Bố trí làm việc tập trung theo từng môn ngoại ngữ và thực hiện các nội dung sau:

- Căn cứ vào bản đặc tả đề thi, Tổ trưởng chuyên gia soạn thảo câu hỏi thi phân công nhiệm vụ viết câu hỏi cho từng thành viên trong tổ và hướng dẫn các thành viên biên soạn câu hỏi thi; các thành viên của mỗi tổ xây dựng ý tưởng và soạn thảo nội dung câu hỏi và đáp án trực tiếp trên máy tính không kết nối mạng ra khỏi khu vực biên soạn câu hỏi thi. Sau khi các thành viên biên soạn xong, Tổ trưởng chịu trách nhiệm đọc thẩm định, biên tập và duyệt từng câu hỏi thi;

- Kết thúc mỗi đợt biên soạn, các chuyên gia bàn giao sản phẩm cho cán bộ điều phối và cùng ký biên bản giao nhận. Tổ trưởng lập bảng tổng hợp số lượng biên soạn câu hỏi thô của từng thành viên, ký xác nhận và nộp cho cán bộ điều phối.

d) Bước 4: Rà soát, chọn lọc, biên tập và thẩm định câu hỏi

- Chuyên gia thẩm định nội dung câu hỏi thẩm định về nội dung chuyên môn, lời dẫn và dạng thức câu hỏi đảm bảo đúng yêu cầu của bản đặc tả đề thi;

- Chuyên gia thẩm định kỹ thuật câu hỏi thẩm định về kỹ thuật viết câu hỏi, lời dẫn và các phương án trả lời của câu hỏi;

- Các chuyên gia biên tập sửa trực tiếp và đề xuất các ý kiến chỉnh sửa (nếu có) đối với từng câu hỏi;

- Sau khi có ý kiến của chuyên gia biên tập, thẩm định, chuyên gia soạn thảo câu hỏi (tác giả) trực tiếp chỉnh sửa các câu hỏi;

- Tổ trưởng của mỗi nhóm sẽ đọc các ý kiến phản biện, thẩm định của các chuyên gia, rà soát lại các chỉnh sửa của tác giả, trực tiếp chỉnh sửa và hoàn thiện câu hỏi lần cuối.

đ) Bước 5: Thử nghiệm, phân tích, đánh giá câu hỏi

- Các câu hỏi sau khi được thẩm định, biên tập sẽ được tổ hợp để tiến hành thử nghiệm, đánh giá;

- Triển khai thử nghiệm các tổ hợp câu hỏi, đảm bảo mẫu thử nghiệm tối thiểu 50 học sinh;

- Sau khi hoàn thành hoạt động thử nghiệm, tiến hành nhập/chiết xuất dữ liệu kết quả làm bài của thí sinh; làm sạch dữ liệu đã có để chuẩn bị cho công tác phân tích;

- Các chuyên gia phân tích câu hỏi thi sử dụng các phần mềm khảo thí chuyên dụng để thực hiện phân tích các thông số định chuẩn của câu hỏi, đề xuất những câu hỏi cần chỉnh sửa, hoặc loại bỏ.

e) Bước 6: Chỉnh sửa câu hỏi sau thử nghiệm

- Căn cứ báo cáo của chuyên gia phân tích câu hỏi, tổ chức cho các nhóm chuyên gia thực hiện chỉnh sửa câu hỏi;

- Các nhóm chuyên gia chỉnh sửa câu hỏi theo kết quả phân tích đảm bảo câu hỏi phù hợp với yêu cầu của bản đặc tả đề thi đã được phê duyệt.

g) Bước 7: Xây dựng đề thi, thử nghiệm, phân tích, đánh giá, cân bằng độ khó của các đề thi

- Các câu hỏi sau khi được chỉnh sửa sẽ được cấu trúc thành các đề thi theo đúng bản đặc tả đề thi để thử nghiệm;

- Triển khai thử nghiệm các đề thi, đảm bảo mỗi đề thi phải có tối thiểu 50 lượt học sinh làm thử;

- Sau khi hoàn thành hoạt động thử nghiệm, tiến hành nhập/chiết xuất dữ liệu kết quả làm bài của thí sinh; làm sạch dữ liệu đã có để chuẩn bị cho công tác phân tích;

- Các chuyên gia phân tích sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thực hiện phân tích đề thi, đánh giá độ khó, tính cân bằng giữa các đề thi; đề xuất những câu hỏi cần chỉnh sửa, những câu hỏi phải loại bỏ trong mỗi đề thi.

h) Bước 8: Chỉnh sửa lại các câu hỏi sau thử nghiệm đề thi

- Căn cứ báo cáo của chuyên gia phân tích câu hỏi, tổ chức cho các nhóm chuyên gia thực hiện chỉnh sửa câu hỏi;

- Các nhóm chuyên gia chỉnh sửa câu hỏi theo kết quả phân tích đảm bảo câu hỏi phù hợp với yêu cầu của bản đặc tả đề thi đã được phê duyệt.

i) Bước 9: Rà soát, lựa chọn, nhập các câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa

Các câu hỏi được chỉnh sửa và hoàn thiện sau khi thử nghiệm sẽ được nhóm chuyên gia rà soát, lựa chọn để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa./.

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CÁC QUYẾT ĐỊNH BAN HÀNH ĐỊNH DẠNG ĐỀ THI VÀ CÁC QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐỊNH DẠNG ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC SỬ DỤNG TIẾNG ANH THEO KHUNG NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ 6 BẬC DÙNG CHO VIỆT NAM TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ THI VÀ CHẤM THI
(Kèm theo Công văn số 1807/QLCL-QLT ngày 30/11/2017 của Cục Quản lý chất lượng)

1. Quyết định số 729/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

2. Quyết định số 730/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Tài liệu hướng dẫn áp dụng Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam trong việc xây dựng đề thi và chấm thi.

3. Quyết định số 1479/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học).

4. Quyết định số 1480/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn áp dụng Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi.

5. Quyết định số 1475/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh trung học cơ sở).

6. Quyết định số 1476/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn áp dụng Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh trung học cơ sở) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi.

7. Quyết định số 1477/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh trung học phổ thông).

8. Quyết định số 1478/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn áp dụng Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh trung học phổ thông) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi.

9. Quyết định số 1481/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho người lớn).

10. Quyết định số 1481/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn áp dụng Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho người lớn) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi.

(Danh sách gồm 10 mục)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1807/QLCL-QLT năm 2017 về hướng dẫn thực hiện Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Cục Quản lý chất lượng ban hành

  • Số hiệu: 1807/QLCL-QLT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/11/2017
  • Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng
  • Người ký: Mai Văn Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản