Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1768/TY-KD | Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2015 |
Kính gửi: | - Bộ trưởng Cao Đức Phát; |
Thực hiện kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Thông báo số 5449/TB-BNN-VP ngày 08/7/2015 về ý kiến kết luận của Bộ trưởng tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Bộ; trong đó có nội dung giao cho Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với việc nhập khẩu tôm nguyên liệu, nhằm đảm bảo chất lượng, tránh ảnh hưởng đến uy tín và giá thành đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam; Cục Thú y xin báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng các nội dung đã thực hiện và kết quả như sau:
1. Cục Thú y đã rà soát toàn bộ tài liệu, số liệu liên quan với các nước về việc xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào Việt Nam.
2. Ngày 20/7/2015, Cục Thú y đã có Công văn số 1334/TY-KD báo cáo Bộ trưởng về việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu tôm và các sản phẩm thủy sản đông lạnh, Bộ trưởng đã có bút phê đồng ý với đề xuất của Cục Thú y với các nội dung:
- Giao cho Cục Thú y trao đổi, thảo luận với Trưởng Cơ quan Thú y (CVO) các nước xuất khẩu nhiều tôm nguyên liệu sang Việt Nam để sản xuất gia công xuất khẩu (như Ấn Độ, Nhật Bản, Ecuador, Iran, Indonesia,...) và sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
- Thành lập các đoàn công tác sang các nước đang xuất khẩu nhiều nguyên liệu tôm và các loại sản phẩm thủy sản khác vào Việt Nam để sản xuất hàng gia công xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước, với mục đích kiểm tra tình hình dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất sản phẩm thủy sản và thỏa thuận Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Việt Nam trên cơ sở tuân thủ các quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); trước mắt, liên hệ với CVO để thành lập đoàn sang Ấn Độ trong đầu tháng 8/2015 và các nước khác tiếp theo. Kinh phí của các đoàn công tác từ nguồn thu phí, lệ phí của Cục Thú y.
- Lập kế hoạch tổ chức định kỳ lấy mẫu giám sát chất tồn dư (kháng sinh, kim loại nặng,...) đối với tôm nguyên liệu và các sản phẩm thủy sản khác nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích sản xuất hàng gia công xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước, nhằm cảnh báo, ngăn chặn sản phẩm thủy sản không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Kinh phí giám sát từ nguồn thu phí, lệ phí của Cục Thú y.
3. Gửi thư cho CVO các nước Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Ecuador, Iran, Thái Lan, Đài Loan,... để tổ chức các đoàn thanh tra tại các nước này về tình hình phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất sản phẩm thủy sản và thỏa thuận Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Việt Nam trên cơ sở quy định của OIE; đồng thời tổ chức kiểm tra các cơ sở giống thủy sản xuất khẩu vào Việt Nam (vì trong thời gian vừa qua đã phát hiện tổng cộng 23 lô hàng cá mú giống, tôm giống,... có mầm bệnh truyền nhiễm và phải tiêu hủy, xử phạt tiền);
4. Tổ chức định kỳ lấy mẫu giám sát mầm bệnh và chất tồn dư (kiểm tra hàng chục chỉ tiêu về kháng sinh, kim loại nặng,...) đối với tôm nguyên liệu và các sản phẩm thủy sản khác nhập khẩu.
5. Kết quả thực hiện như sau:
a) Cục Thú y sẽ phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sang Ấn Độ để thanh tra từ ngày 21 - 25/9/2015; đồng thời đang trao đổi với Indonesia, Nhật Bản, Ecuador, Iran, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan,... để bố trí thời gian kiểm tra trong tháng 9 và tháng 10/2015.
b) Về kết quả giám sát tôm nguyên liệu đông lạnh nhập khẩu:
- Số lượng nhập khẩu: Trong tháng 8/2015, đã nhập khẩu 3.261 tấn chủ yếu từ các nước Ấn Độ (chiếm tỷ lệ 96,5%) và Ecuador (chiếm tỷ lệ 3,5%) làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu.
- Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức lấy mẫu giám sát 100% các lô hàng nhập khẩu của 13 công ty của Ấn Độ và Ecuador với tổng số khoảng 260 chỉ tiêu xét nghiệm về mầm bệnh (bao gồm: bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, taura, đầu vàng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ dưới vỏ,...) và các chất tồn dư (bao gồm: Tylosin, Fluoroquinolones, Nitrofural, Chloramphenicol, Oxytetracycline, thủy ngân, chì, cadimi,...). Trong đó, chỉ phát hiện 06 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng (gồm có 04 mẫu tôm thẻ và 02 mẫu tôm sú); không có mẫu nào phát hiện có tồn dư kháng sinh và kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép.
c) Về kết quả kiểm tra sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu để tiêu thụ trong nước:
- Số lượng nhập khẩu: Trong tháng 8/2015, đã nhập khẩu 8.906 tấn sản phẩm thủy sản đông lạnh các loại, chủ yếu là cá, mực và chỉ có 179 tấn tôm đông lạnh (chiếm tỷ lệ 2 %).
- Lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư,... theo quy định của Bộ Y tế. Kết quả không phát hiện lô hàng nào nhiễm vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép; phát hiện 02 lô mực đông lạnh (được đánh bắt ngoài tự nhiên) có chất tồn dư kim loại nặng (cadimi) có nguồn gốc từ Đài Loan có dư lượng cadimi vượt giới hạn cho phép và đã được xử lý theo quy định.
6. Một số đề xuất với Bộ trưởng và Thứ trưởng:
a) Đối với tôm nguyên liệu và các sản phẩm thủy sản khác nhập khẩu để gia công xuất khẩu bị nhiễm mầm bệnh, chất tồn dư:
Căn cứ Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 và Thông tư số 43/2010/TT-BNNPTNT ngày 14/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các cơ quan thú y cửa khẩu chỉ tổ chức kiểm tra cảm quan và làm thủ tục thông quan cho lô hàng tôm nguyên liệu đông lạnh để gia công xuất khẩu; trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y thì lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y. Do vậy, các cơ quan thú y cửa khẩu không thực hiện việc xét nghiệm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và phân tích các chất tồn dư theo quy định. Vì vậy, Cục Thú y kính đề xuất với Bộ trưởng và Thứ trưởng giao Cục Thú y thực hiện:
- Thông báo cho CVO của nước xuất khẩu để chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra giám sát;
- Thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu biết để trao đổi, ký kết hợp đồng mua nguyên liệu với đối tác xuất khẩu nhằm bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ tổ chức giám sát chặt chẽ các lô hàng để gia công xuất khẩu.
- Tăng tần suất lấy mẫu từ các nhà máy chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh, chất tồn dư,... nếu tiếp tục vi phạm sẽ thông báo tạm dừng nhập khẩu vào Việt Nam để gia công chế biến xuất khẩu.
b) Đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước bị nhiễm vi sinh gây ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư:
- Thông báo cho CVO của nước xuất khẩu để chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra giám sát;
- Thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu biết để trao đổi, ký kết hợp đồng mua bán với đối tác xuất khẩu nhằm bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm;
- Tăng tần suất lấy mẫu từ các nhà máy chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh, chất tồn dư,...; nếu tiếp tục vi phạm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ đưa ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam;
- Xử lý các lô hàng không đạt yêu cầu theo quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ.
c) Về kế hoạch tiếp theo:
- Tiếp tục thành lập các đoàn công tác sang các nước (Indonesia, Nhật Bản, Ecuador, Iran, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan,...) để thanh tra chuỗi sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu nhiều nguyên liệu tôm và các loại sản phẩm thủy sản khác vào Việt Nam để sản xuất hàng gia công xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước; đồng thời tổ chức kiểm tra các cơ sở giống thủy sản xuất khẩu của các nước xuất khẩu vào Việt Nam.
- Tăng tần suất và số lượng mẫu giám sát kiểm tra mầm bệnh và chất tồn dư nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến uy tín và giá thành đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam; tập trung vào các nhà máy chế biến tôm nguyên liệu, sản phẩm thủy sản, giống thủy sản xuất khẩu vào Việt Nam đã phát hiện vi phạm.
Hiện tại, trong tháng 9/2015, các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức lấy rất nhiều mẫu tôm nguyên liệu để gia công xuất khẩu và các sản phẩm thủy sản khác nhập khẩu để tiêu thụ trong nước. Cục Thú y sẽ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng sau khi hoàn thành việc xét nghiệm các mẫu vào cuối tháng này.
- Trao đổi với CVO các nước xuất khẩu và yêu cầu hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu có các lô hàng nhiễm mầm bệnh và có chất tồn dư thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định của OIE (giống như các nước đã thông báo cho CVO Việt Nam).
- Ngoài nguồn kinh phí mới được Bộ phân bổ 10 tỷ đồng, Cục Thú y đề nghị Bộ cho phép Cục xây dựng dự toán, trình Bộ phê duyệt mua 02 máy phân tích sàng lọc đa dư lượng (khoảng 100 - 150 loại chỉ tiêu chất tồn dư) trong thực phẩm; máy định danh vi sinh vật, các thiết bị và nguyên liệu phục vụ kiểm tra nhanh các loại vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm, bao gồm cả mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản để trang bị cho các cơ quan thú y tại cửa khẩu. Kinh phí từ nguồn thu phí, lệ phí trong công tác thú y của Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục.
Cục Thú y kính báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng xem xét chỉ đạo./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn số 51/TCHQ/GSQL ngày 06/01/2003 của Bộ Tài chính-Tổng cục Hải quan về việc tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vào Việt Nam
- 2Công văn 51/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu tôm Trung Quốc vào Việt Nam
- 3Công văn 661/QLCL-CL1 về Mexico cấm nhập khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng từ Việt Nam do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 4Công văn 806/TY-QLT năm 2016 về tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin do Cục Thú y ban hành
- 5Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT quy định về trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Công văn 7690/TCHQ-GSQL năm 2020 về thực hiện biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch Covid-19 do Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Công văn số 51/TCHQ/GSQL ngày 06/01/2003 của Bộ Tài chính-Tổng cục Hải quan về việc tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vào Việt Nam
- 2Công văn 51/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu tôm Trung Quốc vào Việt Nam
- 3Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông tư 43/2010/TT-BNNPTNT sửa đổi Điều 16, 17 Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Công văn 661/QLCL-CL1 về Mexico cấm nhập khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng từ Việt Nam do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 6Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi
- 7Công văn 806/TY-QLT năm 2016 về tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin do Cục Thú y ban hành
- 8Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT quy định về trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 9Công văn 7690/TCHQ-GSQL năm 2020 về thực hiện biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch Covid-19 do Tổng cục Hải quan ban hành
Công văn 1768/TY-KD năm 2015 về kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu tôm và sản phẩm thủy sản đông lạnh do Cục Thú y ban hành
- Số hiệu: 1768/TY-KD
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/09/2015
- Nơi ban hành: Cục Thú y
- Người ký: Dương Tiến Thể
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/09/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra