Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17557/CTHN-TTHT
V/v chính sách thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2022

 

Kính gửi: Công ty TNHH Sakura Hong Ming Việt Nam
Mã số thuế: 0101752006
Địa chỉ: Lô 10-12, khu công nghiệp Nội Bài, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trả lời công văn số 05042022/CV-SHVN của Công ty TNHH Sakura Hong Ming Việt Nam (gọi tắt là Công ty) về chính sách thuế. Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định như sau:

“Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng

1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại....

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục III và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

...

5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

...”

Tại Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

“1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

...”

- Căn cứ Phụ lục I, II, III danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

- Căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

- Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

Tại Điều 19 quy định xử lý hóa đơn có sai sót:

1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

...

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

...”

- Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ quy định xử lý hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót như sau:

“1. Đối với hóa đơn điện tử:

a) Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì người bán được lựa chọn sử dụng Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót và gửi thông báo theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh;

...

c) Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu;

...

e) Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ thì được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ kể từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính Phủ thì không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm thì Công ty thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ. Việc xử lý hóa đơn điện tử có sai sót thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế hàng hóa, dịch vụ Công ty cung cấp, đối chiếu với các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính Phủ để xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, không được giảm thuế đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm Tra số 2 để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT2;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT,TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 17557/CTHN-TTHT năm 2022 về chính sách thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 17557/CTHN-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/04/2022
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Tiến Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản