Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1752/TCHQ-TVQT
V/v xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ theo Thỏa thuận Quốc tế

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Công thương.

Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, phối hợp của các Bộ trong việc xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Tổng cục Hải quan trân trọng cảm ơn sự phối hợp kịp thời của Quý Bộ đã giúp việc xử lý các tang vật vi phạm hành chính của Tổng cục Hải quan (BTC) được nhanh chóng, đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang gặp vướng mắc trong việc xử lý gỗ và sản phẩm từ gỗ bị tịch thu do thực hiện Thoả thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp đã được ký ngày 01/10/2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa kỳ. Tổng cục Hải quan có ý kiến trao đổi như sau:

Tại Điều 3 Thỏa thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp đã được ký ngày 01/10/2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa kỳ có quy định gỗ tịch thu thì không phân biệt mức độ quý hiếm của gỗ, không được đưa vào chuỗi cung ứng để xuất khẩu hoặc tiêu thụ với mục đích thương mại trong nước, gỗ tịch thu thì phải thực hiện theo một trong các phương án:

“(a) tiêu hủy gỗ bị tịch thu, trả lại cho nước khai thác nếu xác định được quốc gia khai thác và quốc gia đó đồng ý nhận lại gỗ hoặc xử lý như điểm b dưới đây, hoặc, nếu thích hợp, cung cấp gỗ để sử dụng làm mẫu trong cơ sở dữ liệu nhận dạng gỗ;

(b) trong những trường hợp đặc biệt, bán đấu giá gỗ bị tịch thu để sử dụng vào mục đích phi thương mại, chẳng hạn như nghiên cứu khoa học hoặc dựng hàng hóa công;

…”

Liên quan đến nội dung thỏa thuận thì hiện chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn thực hiện nào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (là cơ quan chủ trì thay mặt Chính phủ ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp) cũng chỉ có công văn số 84/BNN-TCLN ngày 6/1/2022 khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân ngành gỗ cam kết không sử dụng gỗ tịch thu vì mục đích thương mại. Công văn này không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ mang tính khuyến nghị và không kèm theo bất kỳ chế tài xử phạt nào trong trường hợp các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm thoả thuận (tức là sử dụng gỗ tịch thu vào mục đích thương mại). Nếu xử lý theo phương án bán đấu giá phải đảm bảo người mua được tài sản đấu giá chỉ sử dụng gỗ bị tịch thu vào mục đích phi thương mại theo đúng Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nêu trên, tuy nhiên cơ quan Hải quan không đủ điều kiện để kiểm soát việc sử dụng của các đơn vị mua được tài sản đấu giá.

Mặt khác, tại Khoản 3 Điều 3 của Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ có nêu rõ trong vòng 18 tháng kể từ thời điểm thỏa thuận có hiệu lực, Việt Nam sẽ nỗ lực sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong đó có Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân. Trong thời gian Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa được sửa đổi thì Tổng cục Hải quan đề nghị thực hiện theo phương án chuyển giao theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính quy định:

a) Tại “đ) Tài sản là gỗ, lâm sản khác thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không được sử dụng vào mục đích thương mại, trừ tài sản quy định tại điểm d khoản này; động vật rừng hoặc sau khi được cứu hộ khỏe mạnh được chuyển giao theo quy định pháp luật cho các cơ quan sau:

- Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh (đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trung ương, cấp tỉnh quyết định tịch thu) hoặc cơ quan Kiểm lâm cấp huyện (đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã quyết định tịch thu) nơi có tang vật bị tịch thu;

- Vườn thú do Nhà nước quản lý;

- Các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường, Viện nghiên cứu chuyên ngành;

- Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam”.

b) Tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ quy định: “2. Mẫu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này xử lý như sau:

b) Mẫu vật các loài Nhóm IIA, IIB chuyển giao cho tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp xử lý khác.”

Phương án xử lý tại các quy định hiện hành nêu trên, sẽ có thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện như sau:

- Đảm bảo đúng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện hành và cũng không trái với Thỏa thuận đã ký kết nêu trên.

- Cho dù Thỏa thuận nêu trên được xác định là Thỏa thuận Quốc tế hay Điều ước Quốc tế thì phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng phải thực hiện, nhưng cơ quan chức năng là cơ quan nào (đơn vị tạm giữ hàng tịch thu, hay cơ quan quản lý chuyên ngành) thì đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn các bước thực hiện cụ thể ra sao.

Để có cơ sở triển khai thực hiện, đề nghị Bộ Nông Nghiệp phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì thay mặt Chính phủ Việt Nam), Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương cho ý kiến các nội dung như sau:

1. Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ nêu trên là “Thỏa thuận Quốc tế” hay “Điều ước quốc tế”;

2. Cho ý kiến về phương án xử lý mà Tổng cục Hải quan đề xuất đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là gỗ và sản phẩm gỗ (đề xuất chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành).

3. Tại Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp cũng như Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ đều có quy định hình thức xử lý gỗ và các sản phẩm từ gỗ là bán đấu giá để sử dụng vào mục đích phi thương mại nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện. Vì vậy đề nghị có hướng dẫn hoặc có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền và trao đổi với các đơn vị liên quan về việc bán đấu giá gỗ và sản phẩm gỗ bị tịch thu để sử dụng vào mục đích phi thương mại (trường hợp nào được bán, đối tượng nào được mua, xác định mục đích phi thương mại như thế nào, biện pháp quản lý đối với việc sử dụng vì mục đích phi thương mại...)

Tổng cục Hải quan rất mong sự phối hợp của Quý Bộ và xin nhận ý kiến phản hồi trước ngày 25/4/2023./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi (để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Cục Quản lý - Công sản (BTC);
- Cục Kế hoạch - Tài chính (BTC);
- Cục Điều tra chống buôn lậu;
- Vụ Pháp chế (TCHQ);
- Lưu: VT, TVQT (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lưu Mạnh Tưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1752/TCHQ-TVQT năm 2023 xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ theo Thỏa thuận Quốc tế do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1752/TCHQ-TVQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/04/2023
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Lưu Mạnh Tưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản