Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1735/LĐTBXH-BĐG
V/v hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (sau đây gọi tắt là Tháng hành động). Để các hoạt động trong Tháng hành động năm 2017 được tổ chức một cách đồng bộ và có hiệu quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai Tháng hành động như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

- Thu hút sự quan tâm và tham gia hành động của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

- Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái; xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái và làm rõ trách nhiệm xử lý của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Các hoạt động của Tháng hành động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; lồng ghép với các sự kiện khác để tạo hiệu ứng về truyền thông.

2. Chủ đề Tháng hành động năm 2017

“Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

3. Thời gian: Từ ngày 15/11/2017 đến ngày 15/12/2017.

4. Bộ nhận diện truyền thông

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu bộ nhận diện truyền thông đã được sử dụng trong Tháng hành động năm 2016 để các cơ quan, đơn vị và địa phương tham khảo cho các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Tháng hành động năm 2017 (chi tiết tại phụ lục đính kèm).

5. Những hoạt động chính

Tháng hành động năm 2017 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn quốc. Với chủ đề chính của năm 2017 như đã nêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trực thuộc và phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai một số hoạt động cụ thể như sau:

- Xây dựng kế hoạch và ban hành hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động trong Tháng hành động năm 2017 tại Bộ, ngành, tổ chức và địa phương.

- Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động năm 2017 tại Bộ, ngành, tổ chức và địa phương bằng các hình thức phù hợp như: Tổ chức lễ mít tinh, biểu diễn nghệ thuật, thắp sáng một số địa điểm bằng ánh đèn màu cam, diễu hành tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, khu vực trung tâm và đông dân cư.

- Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, các thông điệp (có phụ lục đính kèm) và các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng tại trung ương và địa phương, đặc biệt là treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền và thực hiện tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn.

- Sản xuất và phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng. Tổ chức các cuộc thi về chủ đề của Tháng hành động (thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng tác, thi sân khấu hóa, hội diễn tuyên truyền viên giỏi, giao lưu văn nghệ, thể thao...) để đa dạng hóa tài liệu, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2017 để phát hiện ra các khó khăn, hạn chế và đưa ra các gợi ý, đề xuất chính sách cho triển khai công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Gặp mặt và biểu dương những điển hình, điểm sáng và cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2016 nói riêng.

- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

- Tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương trong thời gian diễn ra Tháng hành động.

- Gửi các tin bài về hoạt động triển khai Tháng hành động tại địa phương để đăng trên website của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí khác.

- Báo cáo kết quả hoạt động về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Bình đẳng giới) số 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: (04) 39393254; Fax: (04) 38269551; Email: vanthubdg@molisa.gov.vn trước ngày 29/12/2017 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Trong quá trình triển khai, nếu có điều gì vướng mắc, cần thông tin kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTgCP Vũ Đức Đam (để b/c);
- Ủy ban về các VĐXH của Quốc hội (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thành viên UBQG VSTBPN;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, BĐG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

PHỤ LỤC

THÔNG ĐIỆP TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI NĂM 2017
(Kèm theo công văn số 1735/LĐTBXH-BĐG ngày 8 tháng 5 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Chủ đề Tháng hành động:

Chung tay chm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”

Các thông điệp:

1. Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017.

2. Hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2017.

3. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

4. Bạo lực là vi phạm pháp luật.

5. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

6. Hãy lên tiếng.

7. Bạo lực không phải là giải pháp.

8. Đừng vung tay, hãy cầm tay.

9. Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn.

10. Phụ nữ và trẻ em gái hãy dũng cảm lên tiếng khi bị xâm hại.

11. Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là tội ác.

12. Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội nghiêm trọng.

13. Hãy hành động vì một xã hội (cộng đồng) an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

14. Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái.

15. Im lặng không phải là cách để bảo vệ nạn nhân bị xâm hại.

16. Hãy tố cáo hành vi xâm hại phụ nữ và trẻ em gái.

17. Đừng sợ, hãy lên tiếng. Mọi người sẽ giúp bạn!

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể tham khảo Bộ nhận diện về Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Các tranh cổ động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Các tài liệu tuyên truyền khác trên website Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tại địa chỉ: genic.molisa.gov.vn

 

PHỤ LỤC

BỘ NHẬN DIỆN TRUYỀN THÔNG CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI
(Kèm theo công văn số 1735/LĐTBXH-BĐG ngày 8 tháng 5 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

1. HÌNH ẢNH:

- Nhìn thoáng là 1 trái tim.

- Ngắm kỹ là một con người được ghép từ 2  hình người đang ôm nhau, hòa nhập thành một.

- Hình ảnh biểu đạt cảm xúc yêu thương, gắn kết khăng khít, gần gũi.

- Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng - là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, chiến dịch đã được thực hiện tại hơn 57 quốc gia trên thế giới.

2. MÀU SẮC:

- Màu cam là màu đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1735/LĐTBXH-BĐG năm 2017 hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1735/LĐTBXH-BĐG
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/05/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản