Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1692/UBND-NC | Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2021 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; |
Trong thời gian vừa qua, các đơn vị chức năng thuộc Công an Thành phố đã phát hiện, tiếp nhận 08 đơn tố giác, tin báo của quần chúng nhân dân về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua giao dịch, mua bán hoa lan đột biến gen cụ thể: Thông qua mạng xã hội như facebook, zalo, các đối tượng rao bán lan đột biến tìm người có nhu cầu mua lan đột biến sau đó giới thiệu có lan đột biến (chủng loại có giá trị cao) muốn bán. Sau khi thỏa thuận (thường là thỏa thuận miệng hoặc nhắn tin trên facebook, zalo) về giá mua bán và địa điểm giao dịch, người mua mang cây lan (chưa nở) về chăm sóc hoặc gửi lại vườn lan của người bán để nhờ chăm sóc. Sau một thời gian chăm sóc, cây lan nở ra không đúng chủng loại đã giới thiệu, thỏa thuận ban đầu nên người mua liên hệ, tìm gặp người bán để đòi bồi thường thì không liên lạc được người bán hoặc người bán không có khả năng trả lại tiền.
Việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra ngày càng phức tạp, số lượng gia tăng trong thời gian qua chủ yếu do sự thổi phồng về giá trị của lan đột biến, chưa có chứng minh nào về sự quý hiểm của lan đột biến. Tuy nhiên, giá trị ảo nhưng tiền thật, các nhà vườn “thổi giá” quá mức nhằm tạo ra sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư kinh doanh hơn là để chơi lan chuyên nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng. Trên thực tế, không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn “tín dụng đen” để đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như “tín dụng đen”, “đòi nợ thuê”, bắt giữ người trái pháp luật, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản... Hầu hết các giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận miệng giữa cá nhân với cá nhân (không có đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế), không có hợp đồng, hóa đơn chứng từ, giấy tờ giao nhận dẫn đến khó khăn trong việc xác minh bản chất giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến trong công tác quản lý thuế, công tác quản lý đối với chủ vườn lan. Giá trị hoa lan được định giá tự do, chưa có quy định pháp luật nào hướng dẫn định giá lan đột biến.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển nhượng hoa lan đột biến, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các tổ dân phố, cụm dân cư, tập trung vào những nơi trồng và mua bán hoa lan, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, thận trọng trong quá trình giao dịch, mua bán, chuyển nhượng hoa lan đột biến, chấp hành quy định trong các giao dịch, mua bán (như: Khi giao dịch mua bán hoa lan đột biến, cần nghiên cứu các hồ sơ có tính giá trị pháp lý, ký kết hợp đồng, có hóa đơn chứng từ giao dịch. Khi mua, bán phải kê khai thuế đầy đủ với cơ quan thuế...).
2. Phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh tổ quốc, kịp thời tố giác các đối tượng lợi dụng giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Chỉ đạo các cơ quan hữu quan có liên quan (thuế, quản lý thị trường, sở nông nghiệp...) phối hợp với lực lượng Công an trong trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoa lan đột biến có biểu hiện bất thường trên địa bàn; xác định tính chất giao dịch (thật hay ảo), phát hiện tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các giao dịch mua bán hoa lan với giá trị cao, đặc biệt lớn, phải xác minh về nguồn tiền thực hiện giao dịch.
Giao Công an Thành phố (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 Thành phố) theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.
Nhận được Công văn này, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Công văn 1712/UBND-TKBT năm 2020 về tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2021 thực hiện Công văn 1676/TTg-NC về “tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người”, trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 1Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Công văn 1712/UBND-TKBT năm 2020 về tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2021 thực hiện Công văn 1676/TTg-NC về “tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người”, trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Công văn 1692/UBND-NC năm 2021 về phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển nhượng hoa lan đột biến do thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 1692/UBND-NC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 01/06/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Lê Hồng Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra