Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1672/TCĐBVN-TC
V/v đề án khoán chi Cụm phà Vàm Cống.

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2015

 

Kính gửi: Cục Quản lý đường bộ IV.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận được văn bản số 656/CQLĐBIV-TC ngày 10/3/2015 của Cục Quản lý đường bộ IV về việc xây dựng phương án khoán chi của Cụm phà Vàm Cống. Sau khi nghiên cứu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có ý kiến như sau:

1. Đề án khoán chi do Cục Quản lý đường bộ IV xây dựng chưa đề cập đến các nội dung chi không thường xuyên, chưa có đánh giá, đưa ra biện pháp tiết kiệm chi để xây dựng mức khoán chi cho phù hợp. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Quản lý đường bộ IV xây dựng đề án theo hướng khoán chi toàn bộ các chi phí liên quan đến hoạt động phà bao gồm chi thường xuyên, chi không thường xuyên. Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện trong các năm 2012, 2013, 2014 từ đó đề xuất các biện pháp để giảm các mục chi tiêu không cần thiết, sử dụng tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm số lượng lao động hiện có tuy nhiên vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình chạy phà, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện khi vượt sông.

Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, trong đó chú trọng đến giải pháp lắp đặt hệ thống giám sát hành trình chạy phà. Gắn camera giám sát tại bến để giám sát hoạt động và hỗ trợ công tác quản lý, điều hành.

Nội dung của đề án ngoài việc xây dựng khoán chi thì phải có đánh giá, đề xuất các biện pháp để tăng thu hướng tới mục tiêu lấy thu bù chi, phấn đấu nộp ngân sách nhà nước.

2. Để xác định được chi phí thực tế làm cơ sở xác định mức khoán chi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Quản lý đường bộ IV căn cứ vào các nội dung chi tại Điều 6 của Thông tư số 110/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua phà để xây dựng phương án khoán chi. Trong đó cần lưu ý đến một số nội dung sau:

2.1. Đối với chi thường xuyên:

- Xây dựng quy trình vận hành phà tối ưu, tăng năng suất lao động, giảm định biên để tiết kiệm chi phí tiền lương, tiền công, tiền ăn giữa ca, các khoản phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương.

- Bố trí, sắp xếp phương tiện lên phà hợp lý để giảm số chuyến phà; xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

- Rà soát quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tiết kiệm chi phí công tác phí, hội nghị, thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng (tiền điện chiếu sáng, nước sạch phục vụ văn phòng bến phà), văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, chi hội họp, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ.

2.2. Đối với chi không thường xuyên:

- Rà soát việc nâng cấp, sửa chữa phương tiện, sửa chữa công trình bến. Chỉ thực hiện những công việc thực sự cần thiết, cấp bách, có liên quan đến an toàn cho người và phương tiện khi vượt sông.

- Có biện pháp để nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, duy tu công trình bến, phà, máy móc, thiết bị nhằm kéo dài tuổi thọ, tránh hư hỏng, tiết kiệm chi phí đầu tư thay thế, sửa chữa.

- Đề xuất phương án tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng để giảm chi phí.

Đề nghị Cục Quản lý đường bộ IV khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện đề án, trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 20/4/2015./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Các Phó Tổng cục trưởng;
- Lưu VT, TCLg (10b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Quang Vinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1672/TCĐBVN-TC năm 2015 về đề án khoán chi Cụm phà Vàm Cống do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1672/TCĐBVN-TC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/04/2015
  • Nơi ban hành: Tổng cục đường bộ Việt Nam
  • Người ký: Phạm Quang Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản