Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
CỤC QUẢN LÝ DƯỢC
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16315/QLD-MP
V/v tăng cường bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2015

 

Kính gửi:

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam

Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) và Công ước đa dạng sinh học (Công ước CBD) từ năm 1994. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện các nội dung của Công ước về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Nhằm tăng cường bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định của các Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, Cục Quản lý Dược thông báo:

1. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm cần thực hiện đúng các quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau:

- Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

- Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

- Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Đối với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm trong công thức sản phẩm có thành phần liên quan đến động vật, thực vật thuộc Danh mục động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ, các tổ chức, cá nhân đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường cam kết cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp các thành phần trong sản phẩm mỹ phẩm không phải là đối tượng bị cấm khai thác thương mại theo quy định của pháp luật về bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng khi có yêu cầu.

Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường cần rà soát lại thành phần công thức các sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, ngừng việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có liên quan đến động vật, thực vật thuộc Danh mục động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ; chỉ đưa ra lưu thông các sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng đầy đủ các quy định về quản lý mỹ phẩm, không vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến thực vật, động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.

2. Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện thông báo này, chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng của sinh học.

Cục Quản lý Dược thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- TT giáo dục thiên nhiên- Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam;
- Trang thông tin điện tử Cục QLD;
- Tạp chí Dược và Mỹ phẩm - Cục QLD;
- Lưu: VT, MP.

CỤC TRƯỞNG




Trương Quốc Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 16315/QLD-MP năm 2015 về tăng cường bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do Cục Quản lý Dược ban hành

  • Số hiệu: 16315/QLD-MP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/08/2015
  • Nơi ban hành: Cục Quản lý dược
  • Người ký: Trương Quốc Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản