Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1582/UBND-NCPC
V/v tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi:

- Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
- Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
- Công an Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành;
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Hội Công chứng viên Thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Công văn số 1789/STP-BTTP và Công văn số 1790/STP-BTTP cùng ngày 10 tháng 5 năm 2021 và Tham luận của các cơ quan chức năng phục vụ Tọa đàm về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực theo Kế hoạch số 4725/KH-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo như sau:

1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện

Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật (nói chung) và trong lĩnh vực tư pháp (nói riêng)[1]; nêu cao tinh thần trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm theo quy định pháp luật và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Sở Tư pháp

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về công chứng, giao dịch dân sự, nhà đất, xử phạt vi phạm hành chính, hình sự đối với hành vi giả mạo giấy tờ, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân, đảm bảo an toàn pháp lý khi tham gia hợp đồng, giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.

- Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, hội nghị giao ban về nghiệp vụ công chứng, chứng thực để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cho công chứng viên, người thực hiện chứng thực; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động công chứng, chứng thực để xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng Đề án tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực tại Thành phố Hồ Chí Minh[2].

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên thực hiện đúng quy trình công chứng, chứng thực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức đạo đức nghề nghiệp, thận trọng, kỹ lưỡng trong hoạt động hành nghề; yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng chủ động tự trang bị kiến thức cho công chứng viên, nhân viên và trang thiết bị cần thiết (máy ghi hình, ghi âm, máy soi,...) để chủ động phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của mình; thực hiện kịp thời, đầy đủ việc cung cấp, chia sẻ thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.

- Nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo đề xuất các giải pháp cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố kế hoạch sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Chủ trì, phối hợp với Hội Công chứng viên Thành phố biên tập Tham luận của các cơ quan chức năng thành Cẩm nang điện tử và phổ biến cho tổ chức, cá nhân hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Công an Thành phố

- Quan tâm yêu cầu lực lượng công an thành phố Thủ Đức, quận, huyện phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực trong việc xử lý đối tượng giả mạo giấy tờ, chủ thể.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Quy chế phối hợp trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, mạo danh người khác trong hoạt động công chứng, chứng thực.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

- Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thuế và các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện thí điểm theo nhiệm vụ, giải pháp cụ thể quy định tại điểm c Mục 2 Phần II của Nghị quyết số 172/NQ-CP: “Thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước ”[3].

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, công khai thông tin về nhà đất không được giao dịch, kiểm tra, thực hiện tốt công tác đăng ký đất đai, cung cấp thông tin quy hoạch theo yêu cầu; tổ chức thực hiện tốt việc tiếp dân, trả lời các yêu cầu liên quan đến thông tin nhà, đất, quy hoạch.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

6. Căn cứ ý kiến của Tòa án nhân dân Thành phố tại Tham luận “Công tác xét xử các vụ án tranh chấp liên quan đến việc giả mạo giấy tờ, giả chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực và xác định trách nhiệm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng”, đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố báo cáo, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao: có văn bản hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp về việc xác định lỗi của tổ chức hành nghề công chứng đối với vụ án có yếu tố giả mạo giấy tờ, giả mạo người khác trong văn bản công chứng từ đó xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng nếu có nhằm tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật; lựa chọn một trong các bản án có liên quan đến việc xác định trách nhiệm bồi thường hay không phải chịu trách nhiệm bồi thường liên quan đến văn bản công chứng bị giả mạo giấy tờ, giả mạo người khác để làm án lệ nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên (kèm theo Chỉ thị 06/CT-UBND);
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố;
- Ban cán sự đảng UBND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Kiểm tra Thành ủy;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- Sở Tư pháp;
- Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/TP (Phòng Tham mưu Công an Thành phố);
- VPUB: CVP, các PCVP, P.NCPC;
- Lưu: VT, (NC/TrH).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Minh Châu

 



[1] Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 30/6/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường hiệu quả thi hành trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Kế hoạch số 2728/KH-UBND ngày 09/5/2017 về triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Công văn số 4727/UBND-NCPC ngày 13/11/2019 về tăng cường quản lý nhà nước, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản; Công văn số số 4674/UBND-NCPC ngày 05/12/2020 về phân công tham mưu nội dung được giao chủ trì tại Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;...

[2] Như Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 11/5/2021.

[3] Nội dung này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã phân công tại Khoản 2 Công văn số 4674/UBND-NCPC ngày 05/12/2020.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1582/UBND-NCPC năm 2021 về tăng cường thực hiện giải pháp phòng, chống giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 1582/UBND-NCPC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/05/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Ngô Minh Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản