Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1553/TTg-KTN
V/v tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Lâm Đồng;
- Hiệp hội Chè Việt Nam.

 

Thời gian vừa qua, có nhiều cơ sở chè quy mô nhỏ ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã pha trộn các tạp chất như tinh bột hồ hóa, bùn đất vào chế biến chè hoặc phơi chè ở nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc làm trên đây đã vi phạm nghiệm trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, gây thiệt hại cho người làm chè, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu chè và uy tín của ngành chè Việt Nam.

Để tăng cường chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè quy mô nhỏ; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, phát hiện các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm chè từ khâu sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

b) Chỉ đạo các địa phương rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất chè, có kế hoạch trồng mới, trồng thay thế bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; phổ biến áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến chè; xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ nông dân, hợp tác xã với các cơ sở chế biến chè, đáp ứng điều kiện sản xuất, chất lượng và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và cơ sở chế biến.

c) Chỉ đạo Hiệp hội Chè Việt Nam chấn chỉnh và nâng cao năng lực của các thành viên Hiệp hội trong việc tổ chức thu mua nguyên liệu với giá cả hợp lý, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá trị chè xuất khẩu Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực.

2. Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; tổ chức cho thương nhân nước ngoài gặp gỡ, ký kết hợp đồng với thương nhân Việt Nam để mua bán chè theo thông lệ quốc tế và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

3. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng sản xuất, tiêu thụ chè kém chất lượng. Điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp đặt mua, thu mua chè kém chất lượng.

4. Bộ Tài chính chỉ đạo ngành hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu, kiểm soát chặt chẽ lượng chè xuất nhập khẩu, chỉ cho phép thông quan khi có xác nhận kết quả kiểm tra chất lượng chè đạt yêu cầu; thông báo với các cơ quan chức năng xử lý chè kém chất lượng theo quy định.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè; đồng thời phát hiện, phản ánh kịp thời, khách quan tình hình sản xuất, chế biến, buôn bán, xuất nhập khẩu chè kém chất lượng để các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản xuất chè

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở đã pha trộn tạp chất vào chế biến chè; kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè kém chất lượng, không đảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

b) Rà soát quy hoạch cơ sở chế biến, bảo đảm phù hợp với vùng nguyên liệu trên địa bàn; chấn chỉnh việc cấp giấy phép đầu tư cơ sở chế biến theo các quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời định kỳ kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất, chất lượng chè của các cơ sở chế biến này.

c) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè đối với cộng đồng. Vận động các cơ sở chế biến, thu mua ký cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất, kinh doanh chè bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo các lực lượng kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán, xuất khẩu chè không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, các địa phương tổng hợp báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm chè./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 các Vụ: KTTH, NC, ĐP, TKBT,
KGVX, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1553/TTg-KTN về tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1553/TTg-KTN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/09/2011
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản