Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 5 năm 2022 |
Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thực hiện Công văn số 484/LĐTBXH-HTQT ngày 01 tháng 3 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc báo cáo thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN[1] năm 2021 và các hoạt động ưu tiên năm 2022 (sau đây gọi tắt là Đề án 161);
Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo kết quả thực hiện Đề án 161 năm 2021 và các hoạt động ưu tiên năm 2022 như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2021
1.1. Công tác quản lý, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố
a) Hoàn thiện thể chế, quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; củng cố và hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội phục vụ Nhân dân
Thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức[2] và Quy định về phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức[3].
Triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 2783/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung các mục tiêu, nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 1847/QĐ-TTg gắn với các chương trình, kế hoạch của Thành phố liên quan đến đẩy mạnh cải cách hành chính[4] và cải cách chế độ công vụ, công chức[5] cũng như chấn chỉnh thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ[6], tăng cường hiệu quả thi hành trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm[7]. Để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm theo quy định của Chính phủ[8], Thành phố đều ban hành văn bản hướng dẫn để các đơn vị có cơ sở thống nhất thực hiện.
b) Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ủy ban nhân dân Thành phố
Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 886/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2021 về phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. Tuy nhiên, trong năm do Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên các lớp bồi dưỡng năm 2021 chưa được tổ chức.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030. Thành phố thường xuyên, định kỳ thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
c) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế
Thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 2783/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trên địa bàn Thành phố. Kế hoạch tập trung các mục tiêu, nhiệm vụ về tuyên truyền phổ biến Đề án gắn với các chương trình, kế hoạch của Thành phố liên quan đến đẩy mạnh cải cách hành chính[9] và cải cách chế độ công vụ, công chức[10], đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố[11]. Các sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, lồng ghép vào chương trình hoạt động của cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội.
Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức[12] theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng quý, trong đó nhấn mạnh tiêu chí về ý thức tổ chức, kỷ luật. Ngoài ra, kết quả đánh giá của người đứng đầu còn căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể và có tham khảo kết quả đánh giá về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, đơn vị[13].
1.2. Tăng cường khả năng dự báo, ứng phó, thích ứng và khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả của ngành Y tế
Thành phố tập trung xây dựng mạng lưới các bệnh viện, đội ngũ bác sĩ tay nghề cao và trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân Thành phố và các tỉnh lân cận, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ nhu cầu chữa trị của người dân các nước trong khu vực. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên gia sâu, cán bộ quản lý y tế có khả năng ứng dụng và phát triển kỹ thuật y học mới trong khám, chữa bệnh và phòng bệnh; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có. Công tác xã hội hóa thu được những kết quả tích cực, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh: đa dạng nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân; thu hút nhiều nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế kỹ thuật cao, Trung tâm Y tế chuyên sâu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.
Thành phố đã tích cực triển khai Đề án giảm tải bệnh viện thông qua nhiều mô hình, giải pháp: xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh và phòng khám vệ tinh; tăng cường các hoạt động khám, điều trị trong ngày tại các bệnh viện; nâng chất lượng chuyên môn của các bệnh viện và đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; kết nối mạng lưới khám, chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện tuyến cấp huyện và tuyến Thành phố với việc phân tuyến kỹ thuật, hỗ trợ bằng mạng thông tin chẩn đoán từ xa, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, qua đó, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện các tỉnh, thành phố lân cận. Theo đó, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Thành phố đã được khắc phục một phần nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên tình trạng giảm tải vẫn chưa thật bền vững[14].
Hoàn thiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu của Nhân dân. Người dân Thành phố đã tin tưởng hơn với hoạt động cấp cứu 115 của hệ thống y tế Thành phố. Chú trọng việc nghiên cứu phát triển các kỹ thuật y tế mới. Kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, quân - dân y, đảm bảo thuốc thiết yếu trong điều trị cho bệnh nhân. Công tác xây dựng cơ bản tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tiếp tục bổ sung các bệnh viện mới với cơ sở vật chất hiện đại cho hệ thống y tế Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số Bệnh viện còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng[15] gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực nâng cao chất lượng phục người bệnh. Các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực Trạm Y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện tăng cường khả năng ứng phó với các nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân như nguy cơ sinh học, hóa học, phóng xạ, hạt nhân và các nguy cơ tiềm ẩn hoặc mới phát sinh. Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh mới nổi khác. Công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng, Thành phố cùng với cả nước đã chủ động quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách tích cực, ngăn chặn, kiểm soát và khống chế dịch lây lan trong cộng đồng, thể hiện qua các công tác: xét nghiệm phát hiện, bóc tách F0, tiêm vắc xin, thu dung điều trị, tổ chức cách ly điều trị tại nhà, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, chăm sóc F0 tại nhà, áp dụng mô hình Trạm Y tế lưu động, tư vấn F0 từ xa qua Tổng đài “1022”, mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”,... Tuy vậy, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, mặc dù không để bùng phát các ổ dịch bệnh và khống chế được các dịch bệnh mới nổi (Zika, Cúm H1N1,...) nhưng nhìn chung các dịch bệnh lưu hành (Sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi) vẫn chưa được kéo giảm hoàn toàn như mong muốn.
Các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập của Thành phố tổ chức tốt hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, vận động xã hội về phòng, chống bệnh không lây nhiễm (100% cơ sở)[16]. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển mạng lưới phòng chống bệnh tật, các chương trình sức khỏe được triển khai đầy đủ và đạt chỉ tiêu tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo xu hướng hội nhập quốc tế. Tập trung mạnh hơn cho y tế tuyến dưới, phát triển hệ thống bác sĩ gia đình giúp cho hoạt động mạng lưới y tế cơ sở ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn trong khám, điều trị bệnh và phòng chống dịch. Tuy vậy, một số cơ sở y tế công lập, nhất là bệnh viện cấp huyện, Trung tâm Y tế (y tế cơ sở) còn gặp khó khăn về phát triển nguồn nhân lực do khó tuyển được nhân viên và khó giữ chân được nhân viên có năng lực chuyên môn giỏi[17]. Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn chưa được tính đúng, tính đủ, trong khi bệnh viện vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và trong công tác điều hành, quản lý của ngành Y tế hướng tới xây dựng y tế thông minh vẫn còn gặp không ít khó khăn.
1.3. Công tác thông tin và truyền thông
Tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ triển khai các văn bản tuyên truyền và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố và đề nghị báo chí Trung ương trú đóng trên địa bàn xây dựng các chương trình, các chuyên trang, chuyên mục nhằm thông tin nhanh, kịp thời về công tác tuyên truyền Đề án 161 - Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bằng nhiều hình thức đa dạng, nhiều cách chuyển tải sinh động của các loại hình báo chí, các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân có cái nhìn cụ thể, nâng cao nhận thức và thay đổi ý thức hành vi theo chiều hướng tích cực trong việc góp phần xây dựng con người mới, xã hội mới, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thúc đẩy sự phát triển hướng đến những mục tiêu chung của cộng đồng văn hóa ASEAN[18].
1.4. Công tác Giáo dục và Đào tạo
Trong năm 2021, Thành phố rà soát các mục tiêu, kế hoạch hành động; triển khai các nội dung hướng đến các mục tiêu của cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025 tại các cơ sở giáo dục thuộc ngành giáo dục và đào tạo. Trong đó: xây dựng một xã hội sáng tạo, đổi mới và thích ứng với việc tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và đào tạo; nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng môi trường giáo dục tốt cho việc dạy và học; tăng cường giáo dục phát triển năng lực toàn diện và phẩm chất cho học sinh.
Tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập Quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố[19].
Triển khai Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế[20] giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ. Xây dựng các Đề án Xây dựng Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh; Đề án mô hình Trường học thông minh; Đề án Quản lý giáo dục thông minh. Các đề án trên là những giải pháp nhằm tham gia thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” và Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”.
Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch số 4344/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, nhất là ở các khu công nghiệp. Phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng sâu, vùng xa; đảm bảo chính sách công bằng trong giáo dục; ưu tiên và có các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và học sinh, sinh viên là người khuyết tật. Tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh.
Thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 4247/KH-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững; về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuyên truyền tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; hội nhập kinh tế quốc tế,...
Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và Đề án 161 thông qua các hoạt động cung cấp thông tin về lao động, thị trường lao động phục vụ hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nhân lực cho học sinh - sinh viên và người lao động nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên định hướng, xác định nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu xã hội. Tuyên truyền về những giải pháp, những chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến, giao lưu học sinh, bồi dưỡng đội ngũ và hợp tác đào tạo,... Tuyên truyền về đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu xã hội và yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay.
3. Tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu
3.1. Tăng cường hệ thống thông tin
Thành phố ban hành Kế hoạch truyền thông về hội nhập quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 3899/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021[21] nhằm thống nhất và triển khai hiệu quả công tác truyền thông về hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực trên địa bàn Thành phố, trong đó có lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Các cơ quan báo chí Thành phố đã thực hiện tốt và đều đặn các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Trong đó, những thành tựu nổi bật, những kết quả chung trong cộng đồng Asean đều được báo chí đặc biệt quan tâm thông tin kịp thời, đúng định hướng. Ngoài ra, báo chí Thành phố còn thông tin rất khả quan về những kết quả đạt được, những mặt tích cực của thị trường lao động với đội ngũ cán bộ, người lao động ngày càng giỏi tay nghề, vững chuyên môn.
3.2. Tình hình thực hiện các mục tiêu
a) Tăng cường sự tham gia các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Thành phố ban hành Kế hoạch số 4247/KH-UBND để triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường sự tham gia của sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Đề án
Tiếp tục triển khai, thu thập thông tin báo cáo đánh giá hoạt động hợp tác ASEAN của các đơn vị trực thuộc trong lĩnh vực giáo dục. Thường xuyên cập nhật các thông tin về hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực liên quan thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Triển khai tổ chức thực hiện các tuyên bố, quyết định của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC); Phúc lợi xã hội và phát triển (AMMSWD); Lao động (ALMM); Phụ nữ (AMMW) và quyền của người lao động di cư, quyền của phụ nữ, trẻ em và của các nhóm yếu thế. Lập báo cáo đánh giá hàng năm, giữa kỳ, cuối kỳ việc thực hiện Đề án của ngành.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong năm 2021, Thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ Thành phố trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19, trong đó có sự giúp đỡ quý báu của các nước ASEAN như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Indonesia. Thông qua Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn mời đại diện Lãnh sự Đoàn tham gia trưng bày các gian hàng tại Đường hoa Nguyễn Huệ 2021, trong đó có 04 nước ASEAN: Lào, Malaysia, Thái Lan và Singapore, qua đó giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng đón mừng năm mới của các quốc gia đến người dân Thành phố.
b) Giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người; thúc đẩy, bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế và những đối tượng đặc thù
b.1) Xây dựng và lồng ghép vào các chiến lược, chương trình hành động và các kế hoạch cụ thể để thực hiện
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”; Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030.
b.2) Giảm dần rào cản bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người
Năm 2021, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn Thành phố đã lây nhiễm bệnh trên 550 ngàn người và trên 20 ngàn người tử vong do dịch COVID-19. Đây là dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, đã tác động ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và đời sống người dân Thành phố, để lại trên 2.200 trẻ em mồ côi cha, mẹ và gần 800 người cao tuổi (do có con, người trực tiếp nuôi dưỡng tử vong do dịch COVID-19) lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu các nguồn lực vật chất và tinh thần, hiện đang sinh sống tại cộng đồng phường, xã, thị trấn.
Để kịp thời hỗ trợ, chăm lo người cao tuổi, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh thật sự khó khăn chưa được hưởng chính sách xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành “Chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh thật sự khó khăn trên địa bàn Thành phố” góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách trợ giúp xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình hiện nay.
Thành phố triển khai thực hiện các gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho trẻ em là con của sản phụ nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19, các hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi COVID-19,... Phối hợp với các Hội, tổ chức thiện nguyện và chính quyền địa phương kết nối nguồn lực hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; dụng cụ học tập, máy tính bảng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; kết nối các chuyên gia để tư vấn tâm lý, trị liệu khủng hoảng cho trẻ em, cha, mẹ, người nuôi dưỡng trẻ với tổng kinh phí vận động hỗ trợ hơn 17,3 tỷ đồng; tham vấn, tư vấn cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu chăm sóc hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi cha, mẹ, do dịch COVID-19.
c) Thúc đẩy, bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế và những đối tượng đặc thù
Đảm bảo tỷ lệ trên 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp phù hợp với điều kiện, nhu cầu; 100% trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích khi phát hiện đều được cán bộ trẻ em tham gia xác minh, can thiệp, hỗ trợ theo quy trình; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định. Phối hợp kiểm tra, giám sát, tham vấn, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, xử lý kịp thời về những vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là đảm bảo thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em.
Định hướng chuyên môn xây dựng nội dung khảo sát cơ sở dữ liệu đầu vào “Công việc chăm sóc không lương” thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp với tổ chức UN Women, tổ chức PE&D và Bệnh viện Hùng Vương xây dựng dự thảo kế hoạch thí điểm “Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện phát hiện bị bạo lực, xâm hại tình dục” tại Bệnh viện Hùng Vương; kết nối, hỗ trợ đưa phụ nữ mang thai và người khuyết tật trở về địa phương. Thực hiện các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ và trẻ em; tổ chức “Phiên tòa giả định” chuyên đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, tư vấn các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và các vụ việc có liên quan đến quyền trẻ em.
3.3. Công tác giải quyết việc làm
Năm 2021, do tác động làn sóng dịch COVID-19 kéo dài diễn ra từ cuối tháng 4 năm 2021 bùng phát mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố ảnh hưởng nặng nề, người lao động phải thay đổi phương thức làm việc phù hợp hoặc phải nghỉ việc tạm thời không lương hoặc thậm chí là chấm dứt hợp đồng lao động. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động như triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đối với trường hợp có giao kết hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp[22].
Với các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, năm 2021, các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố giải quyết việc làm cho 305.569 lượt người, tạo việc làm tăng thêm 140.982 chỗ việc làm mới; các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố đã đưa 885 người lao động được đưa đi làm việc ở thị trường Nhật Bản.
3.4. Công tác phát triển quan hệ lao động
Do ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, việc tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho người sử dụng lao động và người lao động gặp nhiều khó khăn, không thể tổ chức. Trong năm 2021, Thành phố thực hiện phổ biến pháp luật lao động thông qua việc phát hành 16.000 cuốn sổ tay pháp luật lao động, bảo hiểm. Các cấp công đoàn phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng bộ tài liệu giới thiệu các thỏa ước với nhiều nội dung có lợi cho người lao động để các doanh nghiệp tham khảo; tập trung vào việc nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Ngoài ra, Thành phố đã xác nhận việc gửi thỏa ước của 5.000 doanh nghiệp với các nội dung có lợi cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; thông qua Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố” thường xuyên, Thành phố đã tăng cường đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí định kỳ, theo dõi hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền Thành phố.
3.5. Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố năm 2021
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2021 về quy định chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2021 về phê duyệt Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.
Về khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 753/KH-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2021 về khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2021 - 2025[23]; Công văn số 66/BCĐCTGNBV ngày 04 tháng 10 năm 2021 về rà soát, khảo sát bổ sung lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và Công văn số 68/BCĐCTGNBV ngày 15 tháng 10 năm 2021 về rà soát thông tin và thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố cuối năm 2021[24].
II. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRONG NĂM 2021
Thành phố đã lồng ghép một số nội dung ở tất cả các cấp chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ, Nhân dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng. Thành phố cam kết thực hiện các mục tiêu cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thông qua các hoạt động hợp tác hướng đến con người, xây dựng một cộng đồng Asean lấy người dân là trung tâm và có trách nhiệm xã hội. Trong đó, công tác triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân đã được thực hiện thông qua việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường, mở rộng và thực hiện chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm và các chính sách y tế, giáo dục, trợ giúp các nhóm yếu thế khác, thúc đẩy bình đẳng giới,...
Các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững đã được Thành phố thực hiện thông qua nhiều hoạt động chương trình khác nhau, cụ thể như: huy động sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trường, tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa,... Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Đề án, các hoạt động xây dựng cộng đồng năng động đã được triển khai đạt các mục tiêu đề ra với việc thúc đẩy hình ảnh của ASEAN, xây dựng một xã hội sáng tạo đổi mới và thích ứng với việc tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và đào tạo, từng bước xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trong ASEAN.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG ƯU TIÊN NĂM 2022
Năm 2021 là một năm đặc biệt trong công tác văn hóa - xã hội khi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đại dịch không chỉ để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, mà còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế. ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới: thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song đó là đẩy mạnh phục hồi; nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine và thuốc điều trị; tranh thủ nguồn lực và thế mạnh sẵn có, cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia và lao động tay nghề cao thuận lợi trong điều kiện đảm bảo yêu cầu y tế. Trên cơ sở đó, Thành phố đề ra các hoạt động ưu tiên năm 2022 như sau:
1. Các cơ quan báo đài Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Đề án 161. Tuyên truyền những nội dung trong thực hiện các mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng tuyên truyền về những cơ hội, những kết quả đạt được, ghi nhận những dấu ấn của Việt Nam trên trường quốc tế. Kiểm soát thông tin trên báo chí, đảm bảo tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương của Trung ương, Ủy ban nhân dân Thành phố; đảm bảo xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia thuộc Cộng đồng ASEAN.
2. Triển khai hiệu quả Kế hoạch truyền thông về hội nhập quốc tế trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên về diễn biến, tình hình hội nhập trong nước và quốc tế, nhất là sự tham gia của Việt Nam trong các thể chế quốc tế, trong đó có ASEAN. Tổ chức các chương trình phổ biến thông tin, hội nghị, tập huấn cho các đối tượng liên quan về hội nhập quốc tế, tình hình tham gia và thực thi các cam kết của Việt Nam, thực hiện Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng. Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ; Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”; Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (08/08/1967 - 08/08/2022), kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962 - 2022) và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (1967 - 2022). Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực, du lịch qua hình thức trực tuyến, trực tiếp nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về đất nước con người, quảng bá hình ảnh Thành phố đến với các nước ASEAN và ngược lại.
3. Thành phố đặt ra các hoạt động trọng tâm năm 2022 riêng cho ngành y tế, triển khai các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu,... Xây dựng và khởi động Đề án Nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ngang tầm các nước trong khu vực; thực hiện đề tài nghiên cứu để xây dựng và hoàn chỉnh Đề án Phát triển Công nghiệp dược trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tăng cường kiểm tra, thanh tra tuân thủ các quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân; tăng cường kiểm tra bán thuốc kê đơn, thực hiện việc cấp tài khoản liên thông trên Cổng dữ liệu dược quốc gia cho các cơ sở buôn bán thuốc.
4. Thành phố tiếp tục phát huy các thế mạnh trong công tác thông tin, tuyên truyền, đầu tư đổi mới với nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về các giai đoạn phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp trong nước,... sẽ có thông tin tổng quan, xây dựng từng bước đi phù hợp với thực tiễn, hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên một bước phát triển cao hơn, hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, hướng tới đạt được những mục tiêu chung của cộng đồng ASEAN.
Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.
| KT. CHỦ TỊCH |
[1] Ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
[2] Quyết định số 41/2021/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
[3] Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
[4] Quyết định số 6119/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.
[5] Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.
[6] Công văn số 3212/UBND-VX ngày 02 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc chấn chỉnh thái độ, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.
[7] Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường hiệu quả thi hành trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và trách nhiệm của cán bộ, công chức viên chức trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
[8] Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ.
[9] Quyết định số 6119/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.
[10] Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
[11] Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
[12] Nghị quyết số 03/2018/NQ9-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý.
[13] Quyết định số 3728/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
[14] Do các nguyên nhân: vẫn còn một vài bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối đang trong tình trạng quá tải chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng mới, chính sách liên thông thẻ bảo hiểm y tế đến tuyến tỉnh làm số lượt người bệnh có khuynh hướng đổ dồn về các bệnh viện Thành phố lớn để khám, chữa bệnh, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
[15] Như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,...
[16] 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tuyến huyện, xã được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, chẩn đoán, quản lý, điều trị theo quy định. 100% Trạm Y tế phường, xã, thị trấn có đủ nhân lực, được cung cấp trang thiết bị và thuốc thiết yếu theo quy định phục vụ cho dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm (trước mắt tập trung vào bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường). 100% Trạm Y tế phường, xã, thị trấn tổ chức hoạt động tư vấn dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường,... theo đúng quy định và hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế.
[17] Nguyên nhân: kinh phí ngân sách dành cho y tế còn hạn chế, trong khi đó nguồn thu để thực hiện tự chủ còn ít nên thu nhập cho nhân viên y tế còn thấp.
[18] Một số tin bài nổi bật, cụ thể: (1) Báo Tuổi trẻ: Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực năm 2022; Hợp tác quân sự quốc phòng ASEAN góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; Sinh viên Việt Nam vượt qua 07 nước ASEAN giành giải nhất “Đấu trường Online”; Sinh viên Nhân văn vào top 10 cuộc thi ảnh quốc tế ASEAN; Hợp tác tiểu vùng ASEAN: Thủ tướng nêu 3 ưu tiên đối phó thách thức; Liên lạc dễ dàng khi tới các nước trong khối ASEAN; Thanh niên ASEAN góp sáng kiến đẩy lùi COVID-19; Huế giành 3 giải thưởng du lịch ASEAN; Tiểu đa phương ASEAN ở Biển Đông; Du lịch ASEAN sẵn sàng mở cửa lại,... (2) Báo Sài Gòn giải phóng: Triển vọng kinh tế ASEAN 2022; Thái Lan ra mắt ‘Bệnh viện Thông minh 5G’ đầu tiên tại ASEAN; Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup): Hướng đến phát hành cổ phiếu ra công chúng; Trao giải thưởng tiết kiệm năng lượng 2021; Ngoại giao Việt Nam đáp ứng xu thế thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển; Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc; Tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, du lịch Đà Nẵng - Thái Lan; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối ngoại; Sức hút ASEAN; Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Lào lần thứ 2; Hàn Quốc - ASEAN đẩy nhanh thủ tục thông quan; Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 ưu tiên cần thúc đẩy trong hợp tác tiểu vùng ASEAN; Việt Nam tiếp tục vun đắp quan hệ ASEAN - Trung Quốc,...
[19] Với các nội dung chủ yếu: (1) Phát huy tính tích cực, chủ động trong tiến trình hội nhập, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, con người, văn hóa, du lịch, tiềm năng đầu tư, những thành tựu đổi mới và hội nhập của Thành phố đến với các nước ASEAN. Tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực để hội nhập, phát triển nhanh, bền vững. (2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các học sinh, sinh viên, giáo viên và công chức, người lao động về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm để thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, hợp tác góp phần tích cực vào quá trình chủ động hội nhập ASEAN của Thành phố. (3) Mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tổ chức các hoạt động khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng một xã hội bền vững về môi trường mang lại hiệu quả tích cực cho người dân thành phố. (4) Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập Quốc tế để nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia thực hiện an sinh xã hội. (5) Huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn.
[20] 08 ngành: 1. Công nghệ thông tin - Truyền thông; 2. Cơ khí - Tự động hóa; 3. Trí tuệ nhân tạo; 4. Quản trị doanh nghiệp; 5. Tài chính - Ngân hàng; 6. Y tế; 7. Du lịch; 8. Quản lý đô thị.
[21] Nguồn từ Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố.
[22]22 Tổng số lao động được hỗ trợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 là 574 người với số tiền 2.270.740.000 đồng, trong đó có 12 lao động nữ mang thai và 158 trẻ dưới 6 tuổi là thân nhân phụ thuộc của người lao động.
[23] Kết quả, đầu giai đoạn 2021 - 2025; Thành phố có 58.019 hộ, với 227.743 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,29%/tổng hộ dân Thành phố23 (trong đó: hộ nghèo là 37.772 hộ, với 148.763 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,49%/tổng hộ dân Thành phố và hộ cận nghèo là 20.247 hộ, với 78.980 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,80%/tổng hộ dân Thành phố). Đến cuối năm 2021, qua rà soát thông tin và thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thành phố đã giảm 1.597 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm đạt 0,06% (đạt 16,85% kế hoạch năm) và giảm 1.378 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm đạt 0,05% (đạt 15,76% kế hoạch năm); Thành phố còn 36.664 hộ nghèo23, chiếm tỷ lệ 1,45% tổng hộ dân Thành phố và 19.562 hộ cận nghèo23, chiếm tỷ lệ 0,77% tổng hộ dân Thành phố.
[24] Kết quả thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo:
- Về hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi: về hoạt động Nguồn vốn cho vay Hỗ trợ giảm nghèo: tổng Nguồn vốn cho vay Hỗ trợ giảm nghèo là 1.536,597 tỷ đồng; tăng 68,952 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Nguồn vốn cho vay Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố: tổng nguồn vốn là 322,557 tỷ đồng, đã sử dụng 223,977 tỷ đồng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm (quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm Thành phố): tổng nguồn vốn là 4.108,061 tỷ đồng. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, đã giải ngân cho 25.402 lượt hộ vay, với số tiền 1.487,933 tỷ đồng. Tổng dư nợ của 92.439 dự án là 4.105,325 tỷ đồng; nợ quá hạn là 11,618 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,28% vốn sử dụng; tồn vốn 2,736 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% tổng nguồn vốn.
- Chính sách hỗ trợ học nghề: Đào tạo nghề cho 295 người (trong đó: 132 người thuộc diện hộ nghèo, 147 người thuộc diện hộ cận nghèo, 16 người thuộc diện hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo năm 2020) của 15 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Giải quyết việc làm trong nước cho 3.200 lao động (gồm: hộ nghèo là 1.196 lao động, hộ cận nghèo là 1.838 lao động, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo năm 2020 là 166 lao động). Giải quyết việc làm ngoài nước có 03 trường hợp đi lao động nước ngoài.
- Thực hiện chính sách an sinh xã hội: (1) Chính sách hỗ trợ y tế: Theo cáo báo của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, tổng số lượng thẻ BHYT đã cấp cho hộ nghèo, hộ cận là 203.341 thẻ24. Trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố đã vận động mạnh thường quân trao sổ BHXH tự nguyện cho 1.130 người thuộc hộ nghèo và cấp 1.012 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo Thành phố. (2) Chính sách hỗ trợ nhà ở: theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; tính đến 31 tháng 12 năm 2021, đã thực hiện xây dựng mới và sửa chữa 20 căn nhà tình nghĩa, với số tiền 768 triệu đồng; xây dựng mới và sửa chữa 237 căn nhà tình thương, với số tiền hơn 10 tỷ 307 triệu đồng. (3) Chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn: đã hỗ trợ cho 107.216 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo với 2.740.829 m3 nước sạch sinh hoạt, với số tiền là 822 triệu đồng. (4) Chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập: thực hiện miễn, giảm học phí cho 25.510 lượt học sinh, với số tiền 14,024 tỷ đồng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; miễn, giảm học phí cho 11 sinh viên, với số tiền 62 triệu đồng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; hỗ trợ cấp học bổng trong năm học 2020 - 2021 cho 12.553 lượt học sinh, với số tiền 22,092 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 10 lượt sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền 49,170 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn 471 lượt trẻ (trẻ 3, 4, 5 tuổi), với số tiền 485,197 triệu đồng. (5) Chính sách hỗ trợ tiền điện: hỗ trợ 141.318 lượt hộ, với số tiền 21,341 tỷ đồng. (6) Chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp khó khăn, hỏa táng, trợ cấp Tết): Chính sách khuyến khích hỏa táng: đã hỗ trợ cho 210 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền là 438 triệu đồng. Chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021: Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố phối hợp UBMTTQVN Việt Nam Thành phố, các sở, ngành, hội đoàn thể, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch vận động chăm lo, tổ chức đi thăm, chúc tết và tặng quà cho 9.527 hộ nghèo, với số tiền là 11,908 tỷ đồng; 9.615 hộ cận nghèo, với số tiền là 9,615 tỷ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức còn vận động từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho 3.796 hộ nghèo, với số tiền là 2,448 tỷ đồng; 4.750 hộ cận nghèo, với số tiền là 3,170 tỷ đồng và 9.205 hộ thoát mức chuẩn hộ cận. (7) Trợ giúp pháp lý: đã thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí 75 người thuộc hộ nghèo/597 tổng số người được trợ giúp pháp lý của các đơn vị chức năng trên, chiếm tỷ lệ 12,56%. Một số nội dung khác: Thành phố đã ban hành các văn bản Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Hướng dẫn số 28238/HD-SLĐTBXH ngày 19 tháng 8 năm 2021 thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố năm 2021; Hướng dẫn số 28748/HD-SLĐTBXH ngày 26 tháng 8 năm 2021 thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và hộ chính sách xã hội và Công văn số 27452/SLĐTBXH-VPB ngày 11 tháng 8 năm 2021 về thực hiện giá nước sạch sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Hướng dẫn số 33043/HD-SLĐTBXH-SYT-BHXHTP ngày 15 tháng 10 năm 2021 về phối hợp cấp, mua BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
- 1Kế hoạch 12127/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025
- 2Quyết định 3881/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3Kế hoạch 9355/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025
- 4Kế hoạch hành động 208/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
- 1Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 về Hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Nghị quyết 31/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế do Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
- 4Quyết định 161/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Bộ luật Lao động 2019
- 6Quyết định 67/2017/QĐ-UBND quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 7Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý
- 8Quyết định 6119/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 9Quyết định 1847/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 3728/QĐ-UBND năm 2019 sửa đổi quy định về đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 4631/QĐ-UBND
- 12Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
- 14Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh do Quốc hội ban hành
- 15Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về tăng cường hiệu quả thi hành trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 16Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
- 17Nghị định 33/2021/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh
- 18Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 19Quyết định 41/2021/QĐ-UBND quy định phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 20Quyết định 42/2021/QĐ-UBND quy định về phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 21Quyết định 3899/QĐ-UBND năm 2021 Kế hoạch truyền thông về hội nhập quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025
- 22Quyết định 995/QĐ-UBND năm 2021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025
- 23Kế hoạch 12127/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025
- 24Quyết định 3881/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 25Kế hoạch 9355/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025
- 26Quyết định 2783/QĐ-UBND năm 2019 Kế hoạch thực hiện Quyết định 1847/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 27Kế hoạch hành động 208/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
Công văn 1542/UBND-VX thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN năm 2021 và các hoạt động ưu tiên năm 2022 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 1542/UBND-VX
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 12/05/2022
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Dương Anh Đức
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra