Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1482/TCT-KK
V/v ủy quyền kê khai thuế và bù trừ tiền thuế

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2009

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Thanh Hóa.

Trả lời công văn số 378/CT-THNVDT ngày 02/4/2009 của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa về vướng mắc liên quan đến ủy quyền kê khai thuế, bù trừ tiền thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về ủy quyền kê khai thuế:

- Căn cứ Điều 144, Điều 152; Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về phạm vi đại diện, người đại diện theo ủy quyền, hợp đồng ủy quyền;

- Căn cứ Điểm 2 Điều 20 Luật Kế toán quy định ký chứng từ kế toán như sau: “Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký”.

- Căn cứ Điều 145 Luật Thương mại quy định nghĩa vụ của bên đại diện như sau: “Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện”

- Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11:

+ Tại Khoản 1 Điều 5 quy định: Đại diện của người nộp thuế là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện một số thủ tục về thuế”.

+ Tại Khoản 2 (a) Điều 20 quy định quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế: “Được thực hiện các thủ tục về thuế theo hợp đồng với người nộp thuế”

- Tại điểm 2.2 (a) Mục III Thông tư số 28/2008/TT-BTC ngày 3/4/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế quy định: “Đại lý thuế phải lập hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân nộp thuế về phạm vi công việc thủ tục về thuế được ủy quyền, thời hạn được ủy quyền, trách nhiệm của các bên và các nội dung khác do hai bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng không trái với quy định của pháp luật”.

Căn cứ các quy định nêu trên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể ủy quyền cho người khác đối với một số công việc kinh doanh của doanh nghiệp thì việc ủy quyền là hợp pháp. Các hợp đồng kinh tế, hóa đơn mua hàng, hóa đơn bán hàng do người được ủy quyền ký nếu đứng tên và ghi mã số thuế doanh nghiệp phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thì được coi là chứng từ hợp pháp. Riêng việc kê khai thuế không thuộc phạm vi giao dịch dân sự, do vậy, chủ doanh nghiệp không được ủy quyền trong việc kê khai thuế, trừ trường hợp ủy quyền theo hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) thì tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được thực hiện các thủ tục về thuế theo hợp đồng với doanh nghiệp.

2. Về bù trừ tiền thuế:

Tại Điểm 2.3 Mục II Phần G Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế hướng dẫn giải quyết hồ sơ hoàn thuế: “Căn cứ vào số thuế người nộp thuế được hoàn, số thuế còn nợ, cơ quan thuế thực hiện theo một trong hai trường hợp sau:

- Ra quyết định hoàn thuế trong trường hợp người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền phạt của tất cả các loại thuế.

- Ra quyết định hoàn thuế và ra Lệnh thu Ngân sách trong trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế theo hồ sơ hoàn thuế và còn nợ tiền thuế, tiền phạt của các loại thuế khác”.

Tại Điểm 6.4 Mục I Phần B Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước hướng dẫn bù trừ các khoản hoàn trả với các khoản phải thu: “Trường hợp người được hoàn trả đồng thời có nghĩa vụ phải nộp các khoản thu khác, nếu có đề nghị bù trừ các khoản được hoàn trả với khoản phải nộp thì phải lập Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN (mẫu 05/ĐNHT kèm theo), trong đó ghi rõ nội dung phần đề nghị bù trừ cho khoản phải nộp, gửi cơ quan thu nơi hoàn trả để xem xét giải quyết;

- Trường hợp cơ quan thu phát hiện người được hoàn thuế vẫn còn nghĩa vụ nộp các khoản thuế khác, nhưng không đề nghị bù trừ số còn phải nộp thì cơ quan thu tạm dừng việc hoàn trả và yêu cầu người nộp phải thực hiện nghĩa vụ nộp với NSNN. Hết thời hạn quy định theo thông báo của cơ quan thu, nếu người nộp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN (hoặc chưa lập giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN và ghi rõ nội dung đề nghị bù trừ khoản phải nộp gửi cơ quan thu), thì cơ quan thu lập Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN (mẫu C1-05/NS kèm theo) gửi KBNN nơi trực tiếp hoàn trả để thực hiện bù trừ; đồng thời, cơ quan thu thông báo cho người nộp thuế biết;

- Việc bù trừ được thực hiện đối với các khoản được hoàn và khoản phải nộp giữa các sắc thuế khác nhau của cùng một đối tượng nộp thuế, tại cùng một KBNN hoặc giữa các KBNN khác nhau;”

Đề nghị Cục Thuế xem xét giải quyết hoàn thuế, thực hiện bù trừ số thuế được hoàn và số thuế phải nộp cho người nộp thuế theo quy định nêu trên.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban PC;
- Lưu: VT, KK (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Văn Huyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1482/TCT-KK ủy quyền kê khai thuế và bù trừ tiền thuế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1482/TCT-KK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/04/2009
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Văn Huyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản