Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1453/BGTVT-VT
V/v trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Câu số 64: “Cử tri đề nghị thực hiện rà soát và quy hoạch tổng thể phát triển vận tải thủy nội địa; ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển vận tải thủy nội địa để tận dụng hiệu quả điều kiện sông ngòi tự nhiên; tổ chức kết nối hiệu quả vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển nhằm cắt giảm chi phí logistics cũng như giảm tải cho vận tải đường bộ, tránh ùn tắc, giảm tai nạn giao thông cũng như tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu...”

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển và hoạt động vận tải nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 Quy hoạch ngành quốc gia, gồm: Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay và Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 quy hoạch, trong đó có Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Đối với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, Bộ GTVT đã tổng hợp ý kiến của các tỉnh, thành phố để hoàn chỉnh nội dung quy hoạch nhằm tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của vận tải ĐTNĐ trong việc vận tải hàng hóa nội địa cự ly trung bình, khối lượng lớn, nâng cao hiệu quả kết nối đến các cảng biển, tăng thị phần vận tải ĐTNĐ, đảm bảo tính khả thi về nguồn lực thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam1 chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, chính sách, giải pháp, nguồn lực để nâng cấp, cải tạo hệ thống ĐTNĐ, báo cáo Bộ GTVT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện thành công quy hoạch.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu trên là căn cứ, định hướng để Bộ GTVT tiếp tục quản lý, tổ chức triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối hiệu quả vận tải ĐTNĐ với các phương thức vận tải khác nhằm phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính (đối với Hải Phòng là Hành lang vận tải thủy số 1 và số 3).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã triển khai hiệu quả Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ và đã đạt được những kết quả tích cực như: Vận tải hành khách tăng 136,9%, Khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 155,9%, Luân chuyển hàng hóa tăng 158,9%; Về tai nạn giao thông ĐTNĐ: số vụ giảm 36,45%, số người chết giảm 64,86%, số người bị thương giảm 40%, Vận tải ven biển tăng 613,9% lượt tàu và tăng 670,55% khối lượng hàng (Số liệu năm 2020 so với năm 2015).

Để tiếp tục phát huy thế mạnh của vận tải ĐTNĐ trong tình hình mới, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg nêu trên2. Trong dự thảo quyết định Bộ GTVT đã đề xuất các nội dung cụ thể (về đầu tư phát triển, quản lý bảo trì, hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa...) để khuyến khích phát triển vận tải đường thủy nội địa với giá thành vận tải hợp lý, hiệu quả cao, thu hút người lao động, từ đó tăng thị phần đảm nhận vận chuyển của vận tải đường thủy nội địa trong toàn ngành GTVT, góp phần giảm chi phí logistics.

Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai để đường thủy nội địa đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội, với chất lượng ngày càng nâng cao, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng có ý kiến đối với UBND thành phố Hải Phòng về việc lập, tích hợp quy hoạch ĐTNĐ địa phương để phù hợp với các cơ chế chính sách, quy hoạch về ĐTNĐ của Trung ương.

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban TWMTTQ Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng;
- Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang;
- Văn phòng Bộ (để tổng hợp);
- Vụ KHĐT;
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, VTải.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thể

 



1 Văn bản số 13192/BGTVT-KHĐT ngày 11/12/2021 của Bộ GTVT.

2 Văn bản số 11178/TTR-BGTVT ngày 22/10/2021 của Bộ GTVT.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1453/BGTVT-VT năm 2022 về thực hiện rà soát và quy hoạch tổng thể phát triển vận tải thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1453/BGTVT-VT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Thể
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản