Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1451/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1451/TCHQ-GSQL NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ VIỆC THỰC HIỆN THÔNG TƯ 07/2000/TT-TCHQ

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan nhận được ý kiến của Hải quan một số địa phương nêu một số vướng mắc khi thực hiện Thông tư 07/2000/TT-TCHQ ngày 02/11/2000. Để Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện được thống nhất, Tổng cục hải quan có một số ý kiến như sau:

1- Đối với những lô hàng do Hải quan cửa khẩu xuất/nhập chịu trách nhiệm kiểm hóa trên cơ sở bộ hồ sơ đã được Hải quan nơi khác đăng ký (quy định tại điểm 3.2 phần I Thông tư 07/2000/TT-TCHQ), khi kiểm hóa, kiểm hóa viên cũng phải lấy mẫu nguyên phụ liệu (đối với hàng nhập) và đối chiếu mẫu (đối với hàng xuất).

2- Tại điểm 5 phần I Thông tư 07/2000/TT-TCHQ quy định: "Số lượng hàng mẫu cho một mã hàng là đơn chiếc. Trường hợp một hợp đồng gia công phải gia công ở nhiều địa điểm khác nhau cần số lượng hàng mẫu nhiều hơn, thì doanh nghiệp phải có văn bản giải trình gửi Hải quan nơi theo dõi hợp đồng gia công, Hải quan sẽ xem xét, giải quyết cho phù hợp nhưng tối đa không quá 05 chiếc cho một mã hàng".

Tuy nhiên, đối với trường hợp gia công tại một địa điểm nhưng sản phẩm gia công là sản phẩm có mẫu mã mới, phức tạp, trải qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, doanh nghiệp cần số lượng hàng mẫu nhiều hơn 01 chiếc thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét, giải quyết.

3- Biện pháp quản lý đối với hợp đồng gia công của thương nhân không phải là doanh nghiệp (quy định tại điểm 1, Mục A, phần II):

Để quản lý đối tượng này khi làm thủ tục tiếp nhận hợp đồng gia công, Hải quan yêu cầu đối tượng nộp bản sao và xuất trình bản chính Giấy đăng ký mã số thuế (phần mã số doanh nghiệp ghi trên tờ khai ghi mã số thuế).

4- Chỉ dẫn nơi sản xuất (Made in...) người sản xuất (Made by...) không phải là nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa như quy định tại điểm 3 Thông tư 07/2000/TT-TCHQ. Việc bắt buộc ghi chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa được quy định tại Quy chế ghi nhãn hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề ghi chỉ dẫn nơi sản xuất đối với hàng gia công, Tổng cục sẽ trao đổi thêm với các Bộ, ngành liên quan và sẽ hướng dẫn bổ sung sau.

5- Việc lấy mẫu phụ liệu quy định tại tiết c, điểm 2.1, mục A, phần III: Hải quan địa phương căn cứ vào từng hợp đồng cụ thể để quyết định việc lấy mẫu. Chỉ cần lấy mẫu những phụ liệu dễ bị lợi dụng thay thế để trốn lậu thuế (như vải lót...).

6- Về việc bán sản phẩm gia công cho doanh nghiệp Việt Nam:

Các dạng sản phẩm gia công được bán cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thương mại nêu tại điểm 3 văn bản số 1723/TM-ĐT ngày 28/4/1999. Điểm 3.4, mục A phần III Thông tư 07/2000/TT-TCHQ chỉ hướng dẫn về thủ tục hải quan. Sản phẩm gia công ở đây là nguyên liệu hoặc bán thành phẩm để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa, chứ không phải là sản phẩm hoàn chỉnh để tiêu dùng trực tiếp.

7- Vấn đề sử dụng bản định mức để đối chiếu khi kiểm hóa sản phẩm xuất khẩu:

Về nguyên tắc, nếu không có sự điều chỉnh lại định mức thì định mức nguyên phụ liệu cho từng mã hàng doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan Hải quan một lần. Việc đăng ký định mức doanh nghiệp có thể thực hiện trước hoặc cùng với thời điểm làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng đầu tiên của mã hàng đó.

Để tránh gian lận, khi kiểm hóa sản phẩm gia công xuất khẩu kiểm hóa viên phải có bảng đăng ký định mức để đối chiếu với sản phẩm thực tế xuất khẩu. Tuỳ theo từng điều kiện cụ thể, để có bảng định mức này Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một trong hai cách sau:

- Sử dụng bản định mức lưu tại Hải quan, Hoặc:

- Yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bản định mức đã đăng ký với Hải quan.

8- Về thời hạn hải quan phải hoàn thành việc thanh khoản hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công quy định tại điểm 10.3 mục A, phần III Thông tư 07/2000/TT-TCHQ, đề nghị Hải quan các địa phương thực hiện đúng theo các quy định tại Thông tư này.

Để khắc phục việc tồn đọng hợp đồng gia công do Hải quan không đối chiếu thanh khoản kịp, tuỳ theo tình hình cụ thể, Hải quan các tỉnh, thành phố tiến hành phân loại doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp thanh khoản phù hợp. Đối với những doanh nghiệp lâu nay khai báo thanh khoản không có gì sai sót, thì trên cơ sở cam kết của doanh nghiệp và bộ hồ sơ thanh khoản doanh nghiệp nộp theo đúng quy định của Thông tư 07/2000/TT-TCHQ, Hải quan chấp nhận số liệu thanh khoản do doanh nghiệp giải trình trong hồ sở để giải quyết nguyên phụ liệu dư thừa. máy mớc, thiết bị mượn (nếu có); Xác nhận "Đã thanh khoản theo số liệu khai báo của doanh nghiệp" và trả ngay cho doanh nghiệp một bộ hồ sơ thanh khoản. Trong thời gian không quá 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, bộ phận thanh khoản phải tiến hành kiểm tra, đối chiếu xong bộ hồ sơ thanh khoản do doanh nghiệp nộp lưu tại cơ quan Hải quan. Nếu qua kiểm tra, Hải quan phát hiện hồ sơ thanh khoản không chuẩn xác, dẫn đến sai lệch về số liệu thì Hải quan và doanh nghiệp phải cùng nhau làm rõ để có số liệu chính xác, thống nhất. Nếu phát hiện vi phạm chính sách thuế, chính sách mặt hàng thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

9- Về nguyên tắc, khi thay đổi mục đích sử dụng nguyên phụ liệu, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ gia công, doanh nghiệp phải khai báo kịp thời với cơ quan Hải quan như quy định tại điểm 2, phần I Thông tư 07/2000/TT-TCHQ. Nếu doanh nghiệp đề nghị được tiêu thụ tại Việt Nam thì Hải quan giải quyết như quy định tại điểm 14.1, mục A, phần III Thông tư 07/2000/TT-TCHQ.

Trường hợp doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nội địa mà không xuất trình được văn bản, chứng từ, hoá đơn chứng minh ngày thay đổi mục đích sử dụng thì ngoài bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp còn phải chịu truy thu thuế theo quy định tại Thông tư 172/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính.

10. Vấn đề chất lượng máy móc, thiết bị thuê mượn phục vụ gia công được giải quyết cho tiêu thụ tại Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng gia công: trước mắt thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2019/1997/QĐ-BKHCNMT ngày 1/12/1997 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Khi có Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/1998/NĐ-CP, Tổng cục sẽ có hướng dẫn bổ sung sau.

Những vấn đề khác giao Cục trưởng Cục giám sát quản lý có văn bản giải thích.

 

Đặng Văn Tạo

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1451/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Thông tư 07/2000/TT-TCHQ

  • Số hiệu: 1451/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/04/2001
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/04/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản