Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1438/BTTTT-CNTT
V/v rà soát, báo cáo việc thực hiện đầu tư, mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 20/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô có những biểu hiện không ổn định, giá cả trên thị trường thế giới và trong nước có xu hướng tăng, thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp, ngày 24/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, theo đó một trong những giải pháp được đưa ra là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin-Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17/7/2006 và Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04/10/2006 sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg về đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Để cụ thể hóa các văn bản nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 về việc ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước; Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 quy định về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Nhằm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để hạn chế nhập siêu, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo tinh thần các văn bản trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chủ đầu tư dự án công nghệ thông tin thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình quản lý nghiêm túc thực hiện theo quy định về ưu tiên sử dụng sản phẩm phần mềm mã nguồn mở và sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất được trong nước theo quy định  tại Thông tư 41/2009/TT-BTTTT và Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT;

- Rà soát, báo cáo tình hình thực hiện các Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT và Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT trong từng dự án công nghệ thông tin đã triển khai thực hiện trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mà Quý Bộ, địa phương quản lý trong năm 2010. Nội dung báo cáo đề nghị tập trung vào số lượng và kinh phí đã đầu tư, mua sắm sản phẩm phần cứng, phần mềm trong từng dự án, những sản phẩm phần mềm nguồn mở và sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước được sử dụng, những sản phẩm công nghệ thông tin phải mua của nước ngoài cần nêu rõ lý do mua của nước ngoài.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung trên đây, gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 6 năm 2011 để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở TT&TT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan CP;
- Lưu VT, CNTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Minh Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1438/BTTTT-CNTT về rà soát, báo cáo việc thực hiện đầu tư, mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 1438/BTTTT-CNTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/05/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Minh Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/05/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản