Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1435/CP-V.II

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2003

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 1435/CP-V.II NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 2003 VỀ VIỆC CHỈ ĐẠO MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Kính gửi:

- Tổng Thanh tra Nhà nước,
- Bộ trưởng Bộ Công an,
- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 

 

Thực hiện ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Công văn số 137/UBTVQH ngày 6/10/2003 về một số vấn đề trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và căn cứ tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Tổng Thanh tra Nhà nước:

- Chủ chì phối hợp với Thủ trưởng các Bộ, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan rà soát, phân loại những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài để có biện pháp xử lý:

+ Những vụ việc tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào thì cơ quan đó phải tập trung xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

+ Những vụ việc đã được xem xét, giải quyết thì kiểm tra lại: nếu giải quyết sai, chưa hợp lý thì phải có biện pháp điều chỉnh, sửa chữa, giải quyết lại theo nguyên tắc: bảo đảm đúng quy định của chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và phù hợp với lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng; nếu vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật thì chấm dứt việc xem xét, giải quyết, có văn bản trả lời người khiếu nại và thông báo rộng rãi cho các cơ quan, tổ chức biết để không tiếp nhận và chuyển đơn khiếu nại, đồng thời tổ chức thực hiện triệt để quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật. Trong quá trình giải quyết cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để người khiếu nại nhận thức, hiểu rõ chính sách, pháp luật, tự giác chấp hành và tranh thủ sự đồng tình của dư luận và quần chúng nhân dân nơi người khiếu nại cư trú.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung xử lý tình huống công dân tập trung đông người lên Trung ương khiếu kiện, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Quốc hội và Hội nghị Trung ương.

- Chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan soạn thảo Nghị định của Chính phủ để tiếp tục cụ thể hóa một số quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo (về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, căn cứ kiểm tra, xem xét, giải quyết lại đối với quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng; vấn đề uỷ quyền giải quyết khiếu nại v.v...) và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo không còn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

- Khẩn trương hoàn thiện việc tổng kết công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3139/VPCP-V.II ngày 26/6/2003 của Văn phòng Chính phủ.

2. Bộ trưởng Bộ Công an:

- Chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng theo ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trình Chính phủ ban hành.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung phương án và kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, có biện pháp hữu hiệu để kiên quyết xử lý tình trạng công dân tập trung đông người khiếu kiện không đúng nơi quy định, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để có những hành vi quá khích, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm người thi hành công vụ, xâm phạm tài sản của Nhà nước v.v...

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng thuộc thẩm quyền, không để công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương, nhất là trong thời gian Quốc hội họp. Các địa phương có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp như: Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tây, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh v.v... cần cử cán bộ thường trực theo dõi tình hình để khi cần thiết phối hợp ngay với Thanh tra Nhà nước, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương xử lý tình huống công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương.

- Tổ chức thực hiện những quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; xử lý, giải quyết ngay những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thủ trưởng các Bộ, ngành ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vụ việc thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết với địa phương.

- Những nơi có công dân khiếu kiện kéo dài ở các cơ quan Trung ương, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Tổng Thanh tra Nhà nước và các cơ quan hữu quan ở Trung ương để có biện pháp phù hợp đưa những người khiếu kiện trở về địa phương. Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

4. Uỷ quyền Tổng Thanh tra Nhà nước báo cáo kết quả giải quyết với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong quí I năm 2004.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1435/CP-V.II của Chính phủ về việc chỉ đạo một số vấn đề về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo

  • Số hiệu: 1435/CP-V.II
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/10/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản