Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1418/BHXH-HTQT | Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2022 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy định tại Điều 1 Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về BHXH (sau đây gọi là Hiệp định) đã ký kết ngày 14/12/2021, BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện Hiệp định về phía Việt Nam. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau khi hai nước hoàn tất các thủ tục theo quy định của mỗi nước (dự kiến trong Quý II/2022).
BHXH Việt Nam thông báo một số nội dung cơ bản về Hiệp định và công tác chuẩn bị thực hiện Hiệp định của BHXH Việt Nam (gửi kèm).
Đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh, thành phố và cung cấp thông tin cho người lao động và doanh nghiệp về Hiệp định và công tác chuẩn bị thực hiện Hiệp định của BHXH Việt Nam./.
| TL. TỔNG GIÁM ĐỐC |
HIỆP ĐỊNH BẢO HIỂM XÃ HỘI GIỮA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HÀN QUỐC
(Kèm theo công văn số 1418/BHXH-HTQT ngày 26/05/2022)
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dịch chuyển lao động giữa các quốc gia đang diễn ra nhanh chóng, lao động người Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng dần tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, cũng như lao động người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Việc dịch chuyển lao động, nhất là người lao động Việt Nam ra nước ngoài mang lại nhiều lợi ích trong đó có giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống bản thân và gia đình, việc lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển đất nước. Theo đó, quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam lao động, làm việc ở nước ngoài, cũng như người nước ngoài làm việc, lao động ở Việt Nam cần được pháp luật bảo đảm. Hiện nay, người Việt Nam làm việc, lao động tại Hàn Quốc khoảng 44 ngàn người, người Hàn Quốc làm việc, lao động tại Việt Nam khoảng 27 ngàn người.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia có quy định khác nhau hoặc chưa được quy định về một số nội dung cụ thể về BHXH trong đó có nội dung tránh đóng BHXH hai lần và nội dung cộng gộp tính thời gian tham gia BHXH. Cụ thể, có sự khác nhau hoặc chưa quy định ở trong Luật BHXH của Việt Nam và Luật Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc. Theo quy định pháp luật hiện hành của hai quốc gia, những người lao động này đang phải đóng BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời cũng không được tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH ở cả hai quốc gia. Với quy định này sẽ bất lợi cho người lao động của mỗi quốc gia.
Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã được ký kết ngày 14/12/2021 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Hàn Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia hết sức tốt đẹp, trên cả kênh ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và ngoại giao nghị viện; trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Qua việc ký kết Hiệp định, hai nước đã đạt được mục tiêu mong muốn trong thực hiện hiện sách BHXH như: tuân thủ các quy định pháp luật của mỗi nước; tránh đóng song trùng BHXH; đảm bảo tối ưu hóa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc được ký kết phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu thế chung thế giới, bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc.
Việc ký kết Hiệp định cũng cho thấy mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm. Trong bối cảnh hội nhập và xu hướng dịch chuyển lao động quốc tế, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày một tăng lên. Do đó việc ký kết và thực hiện Hiệp định sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH, đảm bảo tuân thủ luật pháp của cả hai quốc gia về BHXH. Việc ký Hiệp định góp phần cụ thể hoá Nghị quyết 28 - NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Đây là Hiệp định song phương về BHXH cấp Chính phủ đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một quốc gia đối tác và sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc ký kết và thực hiện Hiệp định có ý nghĩa to lớn, góp phần hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 2022.
2. Một số nội dung cơ bản của Hiệp định
a) Tên gọi: Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về BHXH (sau đây gọi là Hiệp định)
b) Ngày ký kết: 14/12/2021
c) Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Việt và Tiếng Hàn
d) Kết cấu: Hiệp định toàn diện gồm 24 điều, chia thành 5 phần
đ) Thời điểm có hiệu lực: Hiệp định bắt đầu có hiệu lực sau khi hai quốc gia hoàn tất các thủ tục để Hiệp định có hiệu lực theo quy định của mỗi quốc gia (dự kiến trong Quý II/2022)
e) Phạm vi áp dụng: Phạm vi áp dụng của Hiệp định được điều chỉnh bởi Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam và chỉ giới hạn hai chế độ hưu trí và tử tuất.
g) Đối tượng áp dụng: Hiệp định được áp dụng cho bất kì đối tượng nào đã hoặc đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật của một trong hai bên ký kết Hiệp định.
Hiệp định này cũng sẽ áp dụng cho các thân nhân phụ thuộc và những người hưởng chế độ tử tuất của người đó phù hợp với pháp luật của một trong hai Bên ký kết Hiệp định.
h) Nội dung chính:
- Về tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần: Để tránh việc người lao động phải đồng thời đóng bảo hiểm xã hội ở cả hai nước trong cùng một thời gian, Hiệp định quy định người lao động làm việc trên lãnh thổ nước nào thì chỉ tham gia đóng BHXH theo pháp luật của nước đó trừ các trường hợp ngoại lệ. Nội dung này được thể hiện cụ thể tại các Điều 6, 7 và Điều 9 dự thảo Hiệp định.
- Về tính tổng thời gian tham gia BHXH để tính hưởng chế độ hưu trí: Hai bên nhất trí việc tính tổng thời gian tham gia BHXH được thực hiện dựa trên nguyên tắc:
Thời gian tham gia BHXH được xem xét tính tổng là thời gian tham gia BHXH đã được ghi nhận theo quy định pháp luật của một Bên ký kết Hiệp định và không trùng với thời gian tham gia BHXH tại Bên ký kết Hiệp định còn lại;
Tổng thời gian tính tổng sẽ là căn cứ xét điều kiện hưởng chế độ, việc tính toán các chế độ được thực hiện dựa trên thời gian đóng góp và số tiền đóng góp thực tế vào quỹ BHXH theo quy định của pháp luật mỗi nước nếu như không có quy định khác nêu trong Hiệp định.
3. Tình hình người lao động Hàn Quốc tham gia BHXH tại Việt Nam và lao
động Việt Nam tham gia BHXH tại Hàn Quốc
Những năm qua, số người lao động là công dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, số người lao động Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc cũng có xu hướng gia tăng.
Tính đến tháng 5/2022, số người lao động Hàn Quốc tham gia đóng BHXH tại Việt Nam là 14.303 người. Từ 01/01/2022, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Tính đến 28/2/2022, số lao động Việt Nam đóng BHXH tại Hàn Quốc là 22.551 người, mức thu nhập trung bình làm căn cứ đóng là 2.548.430 Won (khoảng 2.000 USD).
4. Công tác chuẩn bị thực hiện Hiệp định của Việt Nam
a) Điều chỉnh, sửa đổi các quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam
Để triển khai đầy đủ, toàn diện các quy định Hiệp định, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan theo hướng tiệm cận với xu thế pháp luật thế giới về đóng BHXH ở nước ngoài cho lao động Việt Nam và ở Việt Nam với lao động nước ngoài, cộng gộp thời gian đóng BHXH ở cả trong nước và nước ngoài để tính hưởng chế độ BHXH và thời gian đóng BHXH, tuổi lao động để được hưởng chế độ hưu trí... Trước mắt, cần xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV; xây dựng các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành thông tư hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi;
b) Đàm phán, ký kết Thỏa thuận hành chính theo quy định của Hiệp định
Thực hiện Điều 13, Phần IV của Hiệp định, hai bên đang tích cực đàm phán để sớm ký kết Thỏa thuận hành chính chỉ định các cơ quan đầu mối, đưa ra các giải pháp cần thiết cho việc thực hiện Hiệp định.
4. Công tác chuẩn bị thực hiện Hiệp định của BHXH Việt Nam
Từ năm 2015 đến nay, BHXH Việt Nam đã tham gia 04 vòng đàm phán Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Theo Hiệp định đã ký kết, BHXH Việt Nam sẽ là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện phía Việt Nam khi Hiệp định có hiệu lực. Thông qua việc phối hợp với các cơ quan Hàn Quốc triển khai Hiệp định, việc tham gia, đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc được quản lý hiệu quả, góp phần khắc phục hạn chế trong việc quản lý đăng ký tham gia, đóng BHXH của lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.
Để triển khai thực hiện Hiệp định, tháng 9/2021, BHXH Việt Nam thành lập Tổ công tác đàm phán và chuẩn bị thực hiện Hiệp định để đề xuất tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị của BHXH Việt Nam, cung cấp thông tin, tuyên truyền về Hiệp định, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các nội dung chuẩn bị về phía Việt Nam như tham gia ý kiến hồ sơ trình Chính phủ ký kết và phê duyệt Hiệp định, tham gia ý kiến dự thảo Thỏa thuận hành chính do phía Hàn Quốc đề xuất…
Hiện nay, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) đang trao đổi thảo luận các hồ sơ, biểu mẫu, quy trình thực hiện Hiệp định các nội dung về kết nối, chia sẻ, đối chiếu thông tin về tham gia BHXH của người lao động có thời gian đóng BHXH ở cả hai nước, chế độ báo cáo định kỳ, cập nhật thông tin, quản lý người tham gia, người hưởng chế độ và các nội dung khác nhằm tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ chính sách BHXH và các quy định của Hiệp định cho người lao động.
BHXH Việt Nam cũng đề xuất Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phê duyệt chương trình đào tạo giai đoạn 2023 - 2025 nâng cao năng lực cho cán bộ ngành BHXH Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách BHXH đối với lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, nhằm thực hiện có hiệu quả Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về BHXH sau khi có hiệu lực. BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Đại sứ quán Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) phối hợp tuyên truyền, phổ biến thông tin chuẩn bị cho việc thực hiện Hiệp định.
- 1Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA hướng dẫn thực hiện Khoản 6 Điều 32 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp về thông báo biến động lao động làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành
- 2Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
- 3Thông báo 317/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về chủ trương người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài tham gia bảo hiểm sức khỏe do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 60/NQ-CP năm 2023 phê duyệt Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Đại Hàn Dân Quốc do Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 436/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Đại Hàn Dân Quốc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 2Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA hướng dẫn thực hiện Khoản 6 Điều 32 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp về thông báo biến động lao động làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành
- 3Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành
- 4Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
- 5Thông báo 317/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về chủ trương người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài tham gia bảo hiểm sức khỏe do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 60/NQ-CP năm 2023 phê duyệt Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Đại Hàn Dân Quốc do Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 436/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Đại Hàn Dân Quốc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn 1418/BHXH-HTQT năm 2022 thông tin về Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Hàn Quốc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 1418/BHXH-HTQT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/05/2022
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Trần Thị Thu Trà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/05/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra