Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14136/TCHQ-PC
V/v trả lời vướng mắc vượt thẩm quyền của các Cục Hải quan địa phương

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Ngày 17/9/2014, Tổng cục Hải quan có Công văn số 11313/TCHQ-PC gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc chuẩn bị hội nghị thuế, hải quan năm 2014. Qua thực hiện, các Cục Hải quan địa phương báo cáo có 20 nội dung vướng mắc của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Tổng cục đã tổng hợp, giải đáp vướng mắc đối với 20 nội dung này (Phụ lục đính kèm), gửi các đơn vị để thông báo cho doanh nghiệp biết và thực hiện.

Quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo Tổng cục (qua đơn vị nghiệp vụ liên quan đến nội dung vướng mắc) để tiếp tục xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Tổng cục trưởng (thay b/c);
- Các đ/c Phó Tổng cục trưởng (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, PC (02b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

PHỤ LỤC

TÀI LIỆU GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA CÁC CỤC HẢI QUAN ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo công văn số: 14136/TCHQ-PC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Tổng cục Hải quan)

Câu 1. Cục Hải quan Thừa Thiên Huế

Ngày 22/08/2014 Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã có công văn 899/HQTTH-NV đề nghị hướng dẫn khai báo đối với trường hợp tờ khai đăng ký dưới 50 dòng hàng, đã thông quan, nhưng doanh nghiệp khai báo bổ sung thêm dòng hàng (trên 50 dòng hàng) gửi Tổng cục Hải quan - Ban Triển khai VNACCS nhưng đến nay chưa được Tổng cục Hải quan trả lời.

Nội dung vướng mắc của Doanh nghiệp không áp dụng thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 11802/BTC-TCHQ ngày 22/08/2014 vì hàng hóa khai báo bổ sung cùng mã số HS nhưng khác “style”, không cùng đơn giá.

Trả lời:

Theo thiết kế của hệ thống VNACCS chỉ cho phép khai báo tờ khai có tối đa 50 dòng hàng. Do đó, trong trường hợp tờ khai sau khi đăng ký đã được thông quan nhưng doanh nghiệp muốn khai bổ sung vượt quá 50 dòng hàng thì không thể thực hiện trên hệ thống được. Trường hợp này có thể mở tờ khai mới hoặc thực hiện khai bổ sung thủ công.

Câu 2. Cục Hải quan Bắc Ninh

Ngày 26/08/2014, Bộ Tài chính có công văn số 11941/BTC-TCHQ về việc quản lý đối với hoạt động của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT). Theo đó, Bộ Tài chính đồng ý cho SEV, SEVT và các doanh nghiệp chế xuất là vệ tinh của SEV, SEVT nằm cùng trong một khu công nghiệp được áp dụng quy định tại điểm e2, e3 khoản 5 Điều 24 Thông tư 22/2014/TT-BTC. Hiện nay, SEV, SEVT và các doanh nghiệp chế xuất khác là vệ tinh của SEV, SEVT đã lựa chọn phương án không mở tờ khai đối với hàng hóa luân chuyển giữa SEV và SEVT, giữa SEV, SEVT và doanh nghiệp chế xuất vệ tinh khác. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Hải quan do:

- SEV, SEVT là công ty con của Tập đoàn Samsung, nhưng tập đoàn Samsung hoạt động ở nước ngoài, còn SEV và SEVT là 2 Công ty hoạt động độc lập tại Việt Nam, có mã số thuế riêng, chế độ hạch toán kế toán riêng, nằm trên địa bàn 2 tỉnh khác nhau (Bắc Ninh và Thái Nguyên) và có chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không giống nhau.

- Các doanh nghiệp chế xuất là vệ tinh của SEV, SEVT nằm rải rác, xen kẽ với các doanh nghiệp không phải là chế xuất trong các khu công nghiệp, không có đơn vị Hải quan giám sát tại cổng khu công nghiệp cũng như tại cổng doanh nghiệp chế xuất. Do vậy, cơ quan Hải quan không kiểm soát được lượng hàng hóa ra vào doanh nghiệp chế xuất và từ doanh nghiệp chế xuất đưa vào nội địa.

- Theo hướng dẫn tại công văn 11941/BTC-TCHQ dẫn trên: “...Nếu không làm thủ tục hải quan thì hàng tháng SEV, SEVT và các công ty vệ tinh phải có trách nhiệm tổng hợp, thông báo với cơ quan Hải quan quản lý các nguyên liệu, vật tư, thiết bị và sản phẩm đã đưa vào và đưa ra Công ty để thực hiện hoạt động này (bảng kê gồm thông tin: mã hàng hóa, mã HS, tên hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, mục đích) và được sử dụng thông báo này vào việc thanh khoản, báo cáo nhập-xuất-tồn theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.”

Tuy nhiên hiện nay phần mềm VNACCS/VCIS chưa có mẫu biểu để cập nhật “bảng kê lượng hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất mà không thực hiện mở tờ khai” nên cơ quan Hải quan không thể thực hiện được việc thanh khoản trên phần mềm theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTC.

Nếu không thực hiện thanh khoản trên phần mềm thì cơ quan Hải quan không thể thực hiện được việc thanh khoản thủ công đối với các công ty này do lượng doanh nghiệp áp dụng chế độ này rất nhiều và số lượng tờ khai của từng doanh nghiệp rất lớn.

Đề xuất:

- Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với “bảng kê hàng hóa đưa vào và đưa ra doanh nghiệp chế xuất” nộp cho cơ quan Hải quan hàng tháng. Cơ quan Hải quan không thực hiện việc xác nhận, ký tên, đóng dấu trên bảng kê.

- Hiện nay, trên phần mềm thanh khoản chỉ có mẫu “bảng kê hàng hóa đã xuất ra khỏi doanh nghiệp chế xuất mà không phải mở tờ khai”. Đề nghị Cục Công nghệ thông tin thiết kế thêm mẫu “bảng kê hàng hóa đã đưa vào doanh nghiệp chế xuất mà không phải mở tờ khai” để các Chi cục có thể thực hiện thanh khoản trên phần mềm.

Trong khi chờ Tổng cục Hải quan thiết kế mẫu biểu trên, đề nghị cho phép các Chi cục tạm thời chấp nhận báo cáo số liệu thanh khoản thủ công của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đối với báo cáo nhập xuất tồn nộp cho cơ quan Hải quan.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện nay, chưa có biểu mẫu tổng hợp hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất không thực hiện thủ tục hải quan, nội dung này đang được đưa vào hướng dẫn tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất.

Trước mắt cho phép doanh nghiệp chế xuất báo cáo hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất bằng bản giấy và thực hiện thanh khoản thủ công trên cơ sở đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, trường hợp phát hiện nghi vấn có dấu hiệu gian lận thương mại thì thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định tại điểm c2 Điều 49 Thông tư số 22/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, tại buổi làm việc giữa Công ty Samsung, Cục Hải quan Bắc Ninh và Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan vừa qua, các bên đã thống nhất Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ hỗ trợ Công ty trong việc phát triển modul kết nối đến hệ thống VNACCS/VCIS và thực hiện quản lý xuất nhập tồn, thanh khoản theo yêu cầu mới của Luật Hải quan và các văn bản liên quan.

Câu 3. Cục Hải quan Quảng Nam

Đối với hàng hóa nhập vào kho ngoại quan (loại hình C11): trên hệ thống VNACCS/VCIS chưa quản lý trừ lùi hàng nhập xuất tồn trực tiếp trên tờ khai (tờ khai cũ mẫu HQ/2012-KNQ có phần trừ lùi ở mặt sau). Vì vậy, rất khó theo dõi số lượng hàng tồn kho của tờ khai.

Hệ thống VNACCS/VCIS chưa có chức năng thanh khoản trực tiếp trên hệ thống, do đó phải theo dõi và thanh khoản bằng tay nên mất thời gian và khó khăn trong công tác báo cáo.

Trả lời:

Hệ thống VNACCS được thiết kế để quản lý việc thông quan tờ khai nhập/xuất kho ngoại quan (mã loại hình C11), không hỗ trợ thanh khoản đối với loại hình này. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện thanh khoản sẽ thực hiện bên ngoài hệ thống.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư về quản lý kho ngoại quan đang được thiết kế theo hướng sẽ không sử dụng tờ khai nhập/xuất kho ngoại quan, thay vào đó sử dụng danh mục đưa hàng vào/ra kho ngoại quan. Việc thanh khoản sẽ thực hiện theo hình thức nhập - xuất - tồn. Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để làm rõ các yêu cầu nghiệp vụ và thực hiện nâng cấp chức năng quản lý trong thời gian tới.

Câu 4. Cục Hải quan Đồng Nai

Các vướng mắc liên quan đến công tác thanh khoản tờ khai sản xuất xuất khẩu, gia công đã được Cục Hải quan Đồng Nai báo cáo tại các công văn số 1963/HQĐNa-GSQL ngày 28/8/2014 và công văn số 2137/HQĐNa-CNTT ngày 19/9/2014.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan đã có công văn số 11090/TCHQ-GSQL; công văn số 545/CNTT-CNTT ngày 15/8/2014; công văn số 703/CNTT-CNTT ngày 02/10/2014; công văn số 785/CNTT-CNTT ngày 21/10/2014 hướng dẫn cụ thể.

Câu 5. Cục Hải quan Bình Phước

Hệ thống tiếp nhận, xử lý tờ khai, khai báo định mức hiện tại chưa đáp ứng cho công tác quản lý đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu: với hệ thống hiện tại (V5), doanh nghiệp chưa đăng ký định mức hoặc định mức đã đăng ký nhưng chưa được duyệt, nhưng doanh nghiệp vẫn đăng ký được tờ khai xuất khẩu mà Hệ thống không cảnh báo. Điều này gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong công tác quản lý cũng như khó khăn cho Doanh nghiệp trong công tác khai báo.

Trả lời:

Việc đăng ký danh mục, nguyên phụ liệu, định mức được thực hiện trên hệ thống Ecustoms5 và mở tờ khai được thực hiện trên hệ thống VNACCS. Hệ thống VNACCS không có liên kết với hệ thống Ecustoms5.

Theo quy định về nghiệp vụ, trước thời điểm mở tờ khai doanh nghiệp phải đăng ký nguyên liệu, sản phẩm, định mức... trên hệ thống Ecustoms5, sau đó doanh nghiệp đăng ký tờ khai trên VNACCS. Vì vậy, khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai gia công và sản xuất xuất khẩu sau thời điểm đăng ký định mức là chưa đúng so với quy định nghiệp vụ.

Hiện tại, trên hệ thống Ecustoms5 đã có chức năng cảnh báo cho cán bộ Hải quan biết tờ khai chưa được đăng ký sản phẩm hay định mức. Với những tờ khai này, cán bộ Hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp khai sửa tờ khai để đưa vào thanh khoản các tờ khai gia công và sản xuất xuất khẩu.

Câu 6. Cục Hải quan Bắc Ninh

Theo quy định tại điểm d2 khoản 5 Điều 27 Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014, khi làm thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ, cơ quan Hải quan phải ra thông báo bằng văn bản về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ (theo mẫu 29/TBXNKTC/2013, Phụ lục III Thông tư 22/2014/TT-BTC) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ để theo dõi và gửi cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ 01 bản.

Hiện nay, trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu theo loại hình tại chỗ đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Samsung, Nokia, Canon, Funing, Samsung SDI, Bujeon... với lượng tờ khai rất nhiều. Nếu thực hiện theo đúng quy định thì mất nhiều thời gian và công sức do mẫu 29/TBXNKTC/2013 có quá nhiều tiêu chí như số tờ khai, ngày tháng năm, tên hàng, mã số HS, ĐVT, lượng hàng, trị giá.

Đề xuất: Giao cho doanh nghiệp lập bảng kê theo mẫu để thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện xác nhận trên bảng kê sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc của đơn vị, trước mắt đề nghị tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành.

Câu 7. Cục Hải quan Bắc Ninh

Theo hướng dẫn tại điểm 2.2 công văn 10015/TCHQ-GSQL ngày 11/08/2014 của Tổng cục Hải quan thì công chức Hải quan nơi đăng ký tờ khai không phải đóng dấu trên tờ khai đã được quyết định thông quan, giải phóng hàng. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong khâu thanh toán với đối tác qua ngân hàng vì ngân hàng không chấp nhận các tờ khai không có xác nhận của cơ quan Hải quan.

Đối với hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan, cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan và được Chi cục Hải quan khu phi thuế quan xác nhận: “HÀNG ĐÃ ĐƯA VÀO KHU PHI THUẾ QUAN”, nên nếu công chức Hải quan không xác nhận trên tờ khai thì doanh nghiệp không có cơ sở xác định hàng đã thực xuất để làm quyết toán thuế.

Đề xuất: Công chức Hải quan vẫn thực hiện xác nhận hàng hóa đã thông quan trên tờ khai khi có đề nghị của người khai hải quan.

Trả lời:

Đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014.

Câu 8. Cục Hải quan Bắc Ninh

Ngày 16/01/2013, Tổng cục Hải quan có công văn số 410/TCHQ-GSQL và ngày 17/04/2014, Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan có công văn số 445/GSQL-GQ2 đồng ý cho Công ty TNHH Nokia Việt Nam được phép sử dụng hệ thống SAP do Công ty tự xây dựng để thực hiện thanh khoản nhập xuất tồn hàng quý, với điều kiện mẫu biểu thanh khoản nộp cho cơ quan Hải quan phải đáp ứng mẫu 07 của Thông tư 22/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Nokia Việt Nam vẫn chưa thực hiện được mà hàng quý chỉ nộp cho cơ quan Hải quan 01 mẫu báo cáo chỉ có lượng tồn cuối kỳ mà không có lượng tồn đầu kỳ, lượng xuất khẩu trong kỳ theo quy định. Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số 721/HQBN-NV ngày 12/05/2014 báo cáo Tổng cục Hải quan nhưng chưa nhận được trả lời.

Đề xuất: Đề nghị Tổng cục Hải quan sớm có hướng dẫn thực hiện đối với trường hợp này.

Trả lời:

Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) đã trả lời vấn đề này tại công văn số 1349/GSQL-GQ2 ngày 13/10/2014, theo đó Tổng cục Hải quan cho phép công ty TNHH Nokia Việt Nam được sử dụng báo cáo tồn kho vào cuối mỗi quý và báo cáo tiêu hủy chia sẻ từ hệ thống SAP của công ty để thay thế báo cáo thanh khoản hàng quý, vì vậy báo cáo thanh khoản công ty TNHH Nokia Việt Nam không yêu cầu xây dựng theo mẫu số 07/HSBC-CX/2014 ban hành kèm theo Thông tư 02/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 của Bộ Tài Chính. Do vậy, trường hợp thông tin kết xuất từ hệ thống SAP của công ty chưa đủ thông tin về lượng tồn đầu kỳ, lượng xuất trong kỳ thì Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh yêu cầu công ty TNHH Nokia Việt Nam bổ sung thông tin để đối chiếu thanh khoản theo quy định.

Câu 9. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu

- Vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra thực tế, lấy mẫu để đi phân tích phân loại đối với mặt hàng thép nhập khẩu chứa cho nguyên tố Bo: Việc lấy mẫu đối với mặt hàng thép có chứa nguyên tố Bo để giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Chi cục là thực hiện theo chỉ đạo mật của Bộ Tài chính/ Tổng cục Hải quan tại các công văn số 1493/BTC-TCHQ ngày 29/01/2013 và 126/TCHQ-GSQL ngày 15/3/2013. Do đó, Chi cục không thể giải thích rõ lý do để doanh nghiệp có thể hiểu và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Hải quan; Ngoài ra, việc thường xuyên phải lấy mẫu mặt hàng thép có chứa nguyên tố Bo nhập khẩu đã làm tăng khối lượng công việc phải giải quyết, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa (chuyển luồng tờ khai, kiểm tra thực tế, lấy mẫu, lập hồ sơ gửi PTPL,...) trong khi hàng hóa có đủ tài liệu kỹ thuật và nhân sự của Chi cục đang thiếu mà kết quả phân loại luôn đúng với khai báo của doanh nghiệp.

- Vướng mắc quy định về “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng” tại khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN:

“Thông tư này quy định về quản lý chất lượng đối với thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để sử dụng trong nước theo mã HS nêu tại Phụ lục I Thông tư này.

Thép xuất khẩu, thép tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.”

Với quy định trên thì mặt hàng thép nhập khẩu theo mã HS nêu tại Phụ lục I của Thông tư để gia công sản phẩm cho thương nhân nước ngoài theo hợp đồng gia công/ sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu là không thuộc trường hợp “để sử dụng trong nước” và cũng không thuộc đối tượng “không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư”.

Như vậy, mặt hàng thép nhập khẩu để gia công sản phẩm cho thương nhân nước ngoài theo hợp đồng gia công/ sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu có phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu hay không?

Trả lời:

Trong thời gian qua xuất hiện các trường hợp lợi dụng chính sách thuế đối với mặt hàng thép Bo nhập khẩu. Do vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có chỉ đạo tại các công văn số 1493/BTC-TCHQ ngày 29/01/2013 và 126/TCHQ-GSQL ngày 15/3/2013 yêu cầu phải kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu để đi phân tích phân loại. Do đó, đề nghị đơn vị thực hiện theo quy định này.

Câu 10. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu

Về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất phục vụ hoạt động dầu khí:

Khoản 6 Điều 53 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định: địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập - tái xuất phục vụ hoạt động dầu khí: “Tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập. Trường hợp tái xuất tại cửa khẩu khác thì được áp dụng thủ tục chuyển cửa khẩu”;

Trên thực tế phát sinh rất nhiều trường hợp hàng hóa tạm nhập làm thủ tục tại TP. Hồ Chí Minh nhưng tái xuất từ các cảng Vũng Tàu hoặc cảng DK ngoài khơi, do hàng hóa chủ yếu được sử dụng tại các công trình ở Vũng Tàu và ngoài khơi.

Đề nghị xem xét và điều chỉnh quy định này theo hướng: Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa tái xuất được thực hiện tại Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan khác Chi cục Hải quan tạm nhập (thuộc Cục Hải quan khác).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 53 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập - tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, trường hợp tái xuất tại Chi cục Hải quan khác Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập thì doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu trước khi làm thủ tục tái xuất.

Câu 11. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu

- Về việc nhập khẩu tài liệu kỹ thuật chuyên ngành, catalogue hướng dẫn lắp đặt và hướng dẫn cách vận hành, sử dụng; bảo quản máy móc, thiết bị (nhập khẩu cùng chuyến hoặc khác chuyến với hàng hóa nhập khẩu):

Theo quy định tại Nghị định 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (thay thế Nghị định 88/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002) thì các hàng hóa nêu trên phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu.

- Trước đây, căn cứ theo Nghị định 88/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002, Bộ Văn hóa - Thông tin và truyền thông đã có công văn số 3280/BVHTT-VP ngày 11/8/2006 cho phép các loại tài liệu, catalogue nói trên không phải xin giấy phép nhập khẩu của Ngành văn hóa thông tin.

- Theo ý kiến của các doanh nghiệp, các mặt hàng nói trên là các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành, sử dụng nội bộ, không phổ biến tại Việt Nam.

Cục Hải quan tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền: Cho phép các loại tài liệu, catalogue nói trên không phải xin giấy phép nhập khẩu của ngành Thông tin Truyền thông.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan ghi nhận kiến nghị của Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu. Tổng cục sẽ có công văn trao đổi với Bộ quản lý chuyên ngành về các bất cập trong quản lý các mặt hàng là tài liệu kỹ thuật chuyên ngành, catalogue hướng dẫn lắp đặt và hướng dẫn cách vận hành, sử dụng, bảo quản máy móc thiết bị.

Câu 12. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu

Về việc nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTTTT ngày 31/10/2011 của Bộ Văn hóa - Thông tin và Truyền thông.

Theo quy định, doanh nghiệp phải nộp giấy phép nhập khẩu trong bộ hồ sơ để cơ quan Hải quan kiểm tra.

Căn cứ Điều 10 Thông tư 14/2011/TT-BTTTT thì trong hồ sơ xin Giấy phép nhập khẩu phải có bản sao Giấy chứng nhận hợp quy. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bởi đơn vị không nằm trong danh sách các đơn vị đo kiểm chứng nhận và công bố hợp quy được Cục quản lý chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và Truyền thông thừa nhận nên doanh nghiệp phải lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hợp quy.

Để được cấp Giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp phải mang các thiết bị viễn thông ra Hà Nội để đo kiểm. Tuy nhiên, việc đồng ý cho doanh nghiệp lấy hàng hóa khi chưa có Giấy phép nhập khẩu trong hồ sơ là vượt quá thẩm quyền của Chi cục. Do vậy, mỗi khi phát sinh trường hợp này Chi cục đều phải báo cáo Cục Hải quan Tỉnh và Cục Hải quan Tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan xin ý kiến chỉ đạo.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc của doanh nghiệp, trong thời gian tới sẽ có công văn trao đổi với Bộ quản lý chuyên ngành để được hướng dẫn giải quyết.

Câu 13. Cục Hải quan Đồng Nai

Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam (là doanh nghiệp chế xuất) tại Khu công nghiệp Bến Lức Long An thực hiện hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài tại Chi cục Hải quan Bến Lức - Cục Hải quan Long An. Công ty thực hiện xuất trả lại khuôn cho bên thuê gia công theo quy định tại Điều 23, 24 Thông tư 13/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 và khách hàng đối tác của công ty đã chỉ định giao hàng cho công ty TNHH giày Việt Vinh (là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tại Khu công nghiệp Hố Nai Đồng Nai.

Tuy nhiên, công ty TNHH giày Việt Vinh làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Thống Nhất - Cục Hải quan Đồng Nai theo loại hình tạm nhập tái xuất tại chỗ, công ty không thực hiện hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài nên không đủ điều kiện áp dụng Điều 23 Thông tư 13/2014/TT-BTC nêu trên.

Căn cứ điểm c khoản 3 Phần II Thông tư 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007 của Bộ Thương mại hướng dẫn hoạt động xuất nhập khẩu, gia công của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo đó quy định:

“c) Xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ:

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện xuất khẩu tại chỗ hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam theo các điều kiện sau:”

Như vậy, việc công ty TNHH giày Việt Vinh mở tờ khai theo loại hình tạm nhập tái xuất tại chỗ đối với mặt hàng khuôn xuất trả của công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam là không đúng quy định.

Nội dung vướng mắc: Chi cục Hải quan Bến Lức đã mở tờ khai tái xuất tại chỗ cho công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam theo quy định tại điều 24 Thông tư 13/2014/TT-BTC, trong khi đó Chi cục Hải quan Thống Nhất đã từ chối mở tờ khai cho công ty TNHH giày Việt Vinh theo quy định tại điểm c khoản 3 Phần II Thông tư 04/2007/TT-BTM

Đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn thực hiện.

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c khoản 3 phần II Thông tư số 04/2007/TT-BTM thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện nhập khẩu tại chỗ máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu cho sản xuất với một số điều kiện kèm theo. Như vậy, đối với trường hợp Công ty TNHH giày Việt Vinh, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai căn cứ các điều kiện về nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư 04/2007/TT-BTM dẫn trên, Thông tư số 128/2013/TT-BTC để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Câu 14. Cục Hải quan Đồng Nai

Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 4960/TCHQ-GSQL ngày 08/05/2014 về việc triển khai kết quả cuộc họp Tiểu ban quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định AJCEP. Theo đó hướng dẫn “nhằm tạo thuận lợi thương mại thì việc C/O mẫu AJ được cấp sau ngày giao hàng và trong khoảng thời gian 3 ngày như trên, có đánh dấu vào ô Issued Retroactively vẫn được các nước tham gia Hiệp định chấp nhận. Thời điểm thực hiện từ ngày 10/04/2014”.

Nội dung vướng mắc: Đối với các C/O mẫu AJ cấp trước ngày 10/04/2014, được cấp sau ngày giao hàng và trong khoảng thời gian 3 ngày nhưng lại đánh dấu vào ô “Issued Retroactively” (cấp sau) nên sẽ không hợp lệ và hàng hóa không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Kiến nghị: Tổng cục Hải quan xem xét chấp nhận các trường hợp C/O cấp trước ngày 10/04/2014 nêu trên là hợp lệ tương tự như đối với trường hợp C/O cấp từ ngày 10/04/2014 đã được hướng dẫn tại công văn số 4960/TCHQ-GSQL ngày 08/05/2014.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan sẽ trao đổi với Bộ Công thương về việc chấp nhận C/O cấp trước ngày 10/4/2014. Trước mắt, đề nghị đơn vị thực hiện theo đúng công văn 4960/TCHQ-GSQL ngày 8/5/2014 của Tổng cục Hải quan.

Câu 15. Cục Hải quan Đồng Nai

Vướng mắc về tạm nhập - tái xuất; tạm xuất - tái nhập hàng hóa:

Căn cứ quy định Điều 52, 53 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 và Điểm 95 công văn 7700/TCHQ-GSQL ngày 13/12/2014 quy định đối với hàng hóa là máy móc thiết bị tạm nhập tái xuất để phục vụ sản xuất và hàng hóa tạm xuất tái nhập để sửa chữa phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai tạm nhập máy móc thiết bị được đóng chung hàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công và hàng hóa tạm xuất tái nhập để sửa chữa chung container hàng sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp phải làm thủ tục cho lô hàng tại 02 Chi cục khác nhau thuộc 02 Cục Hải quan khác nhau, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp về công sức, thời gian và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.

Kiến nghị: Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp được khai báo tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và thực hiện chuyển cửa khẩu chung với lô hàng đối với các trường hợp đóng chung container nêu trên.

Trả lời:

Tổng cục Hải quan ghi nhận kiến nghị của Hải quan Đồng Nai. Về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công khuôn mẫu tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để sản xuất, thi công công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm đã được quy định cụ thể tại Điều 50 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan. Theo đó, hàng hóa này được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất đối với máy móc, thiết bị, phương tiện thi công khuôn mẫu tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để phục vụ hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, hoạt động của doanh nghiệp chế xuất thì thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa phục vụ gia công, sản xuất xuất khẩu.

Câu 16. Cục Hải quan Đồng Nai

Về vấn đề mở tờ khai một lần, xuất nhập khẩu nhiều lần

Căn cứ quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 và Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013, theo đó doanh nghiệp được áp dụng việc mở tờ khai 01 lần để xuất nhập khẩu nhiều lần.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại không dẫn chiếu trường hợp mở tờ khai 01 lần và xuất nhập khẩu nhiều lần.

Đồng thời, tham khảo nội dung tổng hợp vướng mắc Tổng cục Hải quan trả lời đối thoại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam về thủ tục hải quan, cụ thể:

“Việc đăng ký tờ khai một lần không áp dụng cho hải quan điện tử vì Thông tư 196/2012/TT-BTC, Thông tư số 22/2014/TT-BTC (có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2014) không quy định áp dụng đối với trường hợp này.

Việc đăng ký và cấp số tờ khai theo phương thức điện tử được thực hiện nhanh chóng, các chứng từ đã được khai dưới dạng điện tử nên trong trường hợp quy định cho áp dụng tờ khai một lần cũng không thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vì cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan sẽ phải theo dõi trừ lùi theo từng lần xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp”.

Nội dung vướng mắc: Thực tế các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu được thực hiện mở tờ khai một lần và xuất nhập khẩu nhiều đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan, doanh nghiệp chế xuất.

Kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét.

Trả lời:

Đề nghị đơn vị thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, việc khai báo hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS rất nhanh chóng, việc khai báo tờ khai một lần xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần không thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vì sẽ phát sinh thủ tục hành chính vì phải theo dõi trừ lùi trong từng lần xuất khẩu, nhập khẩu.

Câu 17. (Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh)

Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP: “Doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này. Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể Điều này”.

- Ngày 18/4/2014, Tổng cục Hải quan có công văn số 4184/TCHQ-GSQL về việc thực hiện quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP: “Doanh nghiệp chế xuất được tiếp tục thực hiện việc mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ đến hết ngày 30/6/2014. Trong thời gian này, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp chế xuất hoàn thiện thủ tục thành lập chi nhánh theo quy định. Từ ngày 01/7/2014, hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP”.

Tuy nhiên, các Bộ chưa có văn bản hướng dẫn việc thành lập chi nhánh, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế xuất trong hoạt động mua bán hàng hóa, phát sinh thêm chi phí cho việc thành lập chi nhánh.

Kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp để sớm ban hành hướng dẫn việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất để doanh nghiệp thực hiện.

Trả lời

Ngày 29/9/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 13726/BTC-TCHQ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc này. Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

II. Vướng mắc về thuế

Câu 18. Cục Hải quan Bắc Ninh

Thực hiện công văn số 5554/TCHQ-TXNK ngày 19/05/2014 của Tổng cục Hải quan về việc hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu nộp thừa, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số 1326/TCHQ-TXNK ngày 15/08/2014 báo cáo vướng mắc về việc xác định thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài có được coi là nộp thừa và được hoàn trả theo quy định tại công văn 5554/TCHQ-TXNK hay không? Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đang trao đổi với các đơn vị có liên quan để báo cáo Bộ Tài chính và hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện (công văn 11050/TCHQ-TXNK).

Đề xuất: đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính và sớm có chỉ đạo, hướng dẫn để đơn vị thực hiện.

Trả lời

Đối với các vướng mắc về nộp nhầm, nộp thừa thuế GTGT, hiện nay, TCHQ đang lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để trình Bộ hướng dẫn chung đối với Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố theo hướng như sau:

- Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, Điều 98 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 của Bộ Tài chính, khoản 6 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

- Căn cứ quy định tại khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, điểm a khoản 1 Điều 29 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ, điểm a khoản 1 Điều 26 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, thì:

“1. Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được coi là nộp thừa trong các trường hợp:

a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp ...”

Căn cứ các quy định nêu trên thì đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu vì một lý do nào đó phải xuất khẩu trả lại nhà cung cấp nước ngoài (hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba) không phải là nộp nhầm, thừa thuế GTGT, do tại thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp kê khai là hàng hóa nhập kinh doanh thông thường (hàng hóa không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT và phải nộp thuế GTGT theo đúng quy định).

- Căn cứ quy định tại Luật thuế GTGT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thì doanh nghiệp căn cứ vào chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu để thực hiện kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT với cơ quan thuế theo quy định.

Tổng cục Hải quan sẽ có công văn trả lời trong thời gian sớm nhất sau khi có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

Câu 19. (Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh)

Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý Khu công nghệ cao cấp quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: “6. Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này hoặc địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu...”

- Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định: “9. Miễn thuế lần đầu đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu theo danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này để tạo tài sản cố định của dự án được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư về khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, siêu thị, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo, văn hóa, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn. Các dự án có hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế lần đầu quy định tại khoản này thì không được miễn thuế theo quy định tại các khoản khác Điều này”.

- Ngày 09/7/2014, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao có công văn số 673/KCNC-DN về việc hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định phục vụ xây dựng nhà máy sản xuất của Công ty: “...Hiện nay, công ty Sanofi đang trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy sản xuất dược, cần nhập khẩu những hàng hóa là hệ thống cung cấp nước, hệ thống điều hòa và thông gió, hệ thống phòng cháy và chống cháy chuyên dùng trong ngành dược để xây dựng nhà máy, do đó Ban Quản lý xác nhận việc Công ty Sanofi nhập khẩu các hàng hóa trên nhằm mục đích xây dựng nhà máy tạo tài sản cố định của Công ty Sanofi”.

Căn cứ quy định nêu trên việc ưu đãi về thuế nhập khẩu quy định tại Khoản 6 và Khoản 9 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP bị chồng chéo, trùng lặp và được hiểu các dự án áp dụng quy định tại Khoản 9 thì không áp dụng cho các khoản khác của điều này của Nghị định.

Kiến nghị: Đề nghị cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được ưu đãi thuế nhập khẩu theo quy định Khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP theo Giấy chứng nhận đầu tư và Khoản 9 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP sau khi được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao xác nhận nhập khẩu để tạo tài sản cố định miễn thuế lần đầu.

Trả lời

a. Hiện nay, Tổng cục Hải quan (Cục Thuế XNK) nhận được công văn số 3422/HQHCM-GSQL ngày 23/9/2014, công văn số 3241/HQHCM-GSQL ngày 8/9/2014 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về việc tiếp nhận Danh mục hàng nhập khẩu miễn thuế tạo tài sản cố định của Công ty TNHH MTV SANOFI (Công ty); Công văn số 04/2014/CV-NK ngày 22/9/2014 của Công ty TNHH Sanofi Việt Nam về việc nhập khẩu hàng hóa của dự án ưu đãi đầu tư, cụ thể như sau:

Công ty được cấp giấy Chứng nhận đầu tư số 413043000067 cấp ngày 29/3/2013 do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Tên dự án: sản xuất và nghiên cứu dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP của Chính Phủ; Khoản 7 Điều 100 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính thì hàng hóa tạo tài sản cố định của dự án thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn thuế nhập khẩu.

Qua xem xét hồ sơ của doanh nghiệp, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thấy rằng:

- Nếu xét về lĩnh vực ưu đãi đầu tư: Căn cứ khoản 9 Mục I phần B Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 thì: «Sản xuất, đầu tư; phát triển nguyên liệu thuốc và thuốc phòng chống các bệnh xã hội; vắc xin; sinh phẩm y tế; thuốc từ dược liệu; thuốc đông y; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh» thuộc lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

- Nếu xét về địa bàn ưu đãi thuế nhập khẩu: Theo quy định tại khoản 18 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính Phủ thì địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu quy định tại Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP (nay là Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013) của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định số 53/2010/NĐ-CP ngày 19/5/2010 của Chính phủ quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đơn vị hành chính mới thành lập do Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính.

Theo đó, dự án của Công ty không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Dự án đầu tư của Công ty bao gồm 03 lĩnh vực sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trong khi danh mục ưu đãi thuế chỉ quy định lĩnh vực dược phẩm.

b. Căn cứ khoản 6, Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ, khoản 7 Điều 100 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính thì hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực hoặc địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu.

Căn cứ khoản 9 Mục I phần B Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 thì dự án đầu tư: “Sản xuất, đầu tư, phát triển nguyên liệu thuốc và thuốc phòng chống các bệnh xã hội; vắc xin; sinh phẩm y tế; thuốc từ dược liệu; thuốc đông y; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh” thuộc lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

Để giải quyết vướng mắc cho Công ty, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện tờ trình xin ý kiến các đơn vị liên quan để trình Bộ Tài chính xử lý theo hướng: trường hợp công ty xác định được hàng hóa nhập khẩu thuộc hạng mục được ưu đãi về thuế (dược phẩm) thì được miễn thuế nhập khẩu, trong tờ trình bộ và công văn sẽ hướng dẫn cụ thể hồ sơ, thủ tục để xác định hàng hóa được miễn thuế. Đối với số hàng hóa nhập khẩu sử dụng cho hạng mục không được ưu đãi về thuế nhập khẩu (mỹ phẩm và thực phẩm chức năng) thì Công ty phải nộp thuế theo quy định hiện hành của pháp luật.

Câu 20. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu

Về việc thực hiện quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/8/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Điều 3 Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT quy định: “Nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được quy định tại một trong các Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này không phụ thuộc vào mục đích sử dụng, trừ hàng hóa chuyên dùng.”

- Theo ý kiến của các doanh nghiệp và thực tế từ quá trình thực hiện quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động này nhận thấy: các hàng hóa NK phục vụ hoạt động dầu khí phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao để đáp ứng điều kiện môi trường khắc nghiệt và yêu cầu chất lượng. Do vậy, việc áp dụng quy định tại Điều 3 Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT khi làm thủ tục đối với các lô hàng NK là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm là không phù hợp với hoạt động dầu khí.

Cục Hải quan tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho doanh nghiệp chỉ cần đối chiếu với Phụ lục quy định Danh mục vật tư cần thiết cho hoạt động đăng ký trong nước chưa sản xuất được (Phụ lục IV Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT), mà không phải đối chiếu với tất cả các Phụ lục của Thông tư để làm căn cứ miễn thuế như hiện nay.

Trả lời:

- Căn cứ khoản 11 Điều 100 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 thì hàng hóa nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí được miễn thuế nhập khẩu, trong đó bao gồm vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí trong nước chưa sản xuất được.

Danh mục vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí mà trong nước chưa sản xuất được để làm căn cứ thực hiện miễn thuế nêu tại điểm này thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Căn cứ Điều 3 Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT thì nguyên liệu, vật tư; bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được quy định tại một trong các Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này không phụ thuộc vào mục đích sử dụng, trừ hàng hóa chuyên dùng.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí không thuộc Danh mục vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí trong nước đã sản xuất được (Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT) nhưng lại có tên tại một trong các Danh mục khác ban hành kèm theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT thì không được miễn thuế nhập khẩu.

Việc xây dựng Danh mục vật tư trong nước đã sản xuất dược ban hành kèm theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT dựa trên cơ sở các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất được đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do đó trường hợp các vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của dự án thì đề nghị Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn doanh nghiệp có văn bản phản ánh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 14136/TCHQ-PC năm 2014 trả lời vướng mắc vượt thẩm quyền của các Cục Hải quan địa phương do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 14136/TCHQ-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/11/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản