Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14080/BTC-QLCS
V/v tổng kết, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyn sở hữu của Nhà nước

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2012

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản sau khi được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ, cơ quan trung ương); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và quản lý, xử lý tài sản được xác lập sở hữu nhà nước thuộc lĩnh vực, địa bàn và phạm vi quản lý như sau:

1. Về phạm vi tổng kết, đánh giá: Tổng kết, đánh giá việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản sau khi được xác lập sở hữu nhà nước đối với 3 nhóm tài sản sau đây:

a) Tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước (bao gồm tài sản bị tịch thu do vi phạm hành chính và tài sản bị tịch thu theo bản án, quyết định của Tòa án và các cơ quan tố tụng khác ).

b) Tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên hoặc không xác định được chủ sở hữu.

c) Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước.

2. Căn cứ làm cơ sở đánh giá bao gồm:

a) Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của nhà nước: Điều 239, 240, 241 Bộ luật Dân sự quy định xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu, vật bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên...; Điều 124 Luật Thi hành án dân sự quy định xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc xử lý vật chứng tịch thu sung quỹ nhà nước; khoản 25 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 quy định việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...

Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước, Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, Nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ về việc xử lý tài sản chôn dấu, chìm đắm; Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008; các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành; Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng NSNN và cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; Thông tư số 166/2009/TT-BTC ngày 18/8/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý một số loại tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước; Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính và các văn bản khác có liên quan.

b) Thực tế tình hình xác lập sở hữu của Nhà nước, quản lý, xử lý tài sản được xác lập sở hữu nhà nước thuộc lĩnh vực, địa bàn và phạm vi quản lý.

3. Nội dung đánh giá, tổng kết theo Đề cương (đính kèm)

Báo cáo xin gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) trước ngày 30/11/2012.

Mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của Quý cơ quan./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, QLCS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Chí

 

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO

TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

I. Tình hình xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn, việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản xác lập sở hữu nhà nước

1. Danh mục các văn bản do Bộ, cơ quan Trung ương; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện về việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập sở hữu của Nhà nước.

2. Đánh giá hệ thống các văn bản nêu tại điểm 1 (những ưu điểm, hạn chế).

II. Tình hình xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản từ năm 2010 đến 2012

Tổng số quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do cấp có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó chia ra:

- Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

- Quyết định tịch thu tài sản của cơ quan tố tụng;

- Quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản khác (quà tặng, tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên hoặc không xác định được chủ sở hữu; tài sản do các nhà thầu, chuyên gia ODA chuyển giao cho chính phủ Việt Nam và các hình thức khác chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước).

III. Tình hình quản lý, xử lý tài sản xác lập sở hữu nhà nước của Bộ, ngành, địa phương từ năm 2010 đến 2012

1. Tài sản bị tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính:

a) Số lượng, giá trị tài sản đã xử lý.

b) Số lượng, giá trị tài sản xử lý theo từng hình thức (chuyển giao, bán, tiêu hủy...).

c) Số tiền thu được từ xử lý tài sản.

2. Tài sản tịch thu theo quyết định, bản án của Tòa án và các cơ quan tố tụng khác:

a) Số lượng, giá trị tài sản đã xử lý.

b) Số lượng, giá trị tài sản xử lý theo từng hình thức (chuyển giao, bán, tiêu hủy...).

c) Số tiền thu được từ xử lý tài sản.

3. Tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên hoặc không xác định được chủ sở hữu.

a) Số lượng, giá trị tài sản đã xử lý.

b) Số lượng, giá trị tài sản xử lý theo từng hình thức (chuyển giao, bán, tiêu hủy...).

c) Số tiền thu được từ xử lý tài sản.

4. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng cho, đóng góp và các hình thức khác chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.

a) Số lượng, giá trị tài sản đã xử lý.

b) Số lượng, giá trị tài sản xử lý theo từng hình thức (chuyển giao, bán, tiêu hủy...).

c) Số tiền thu được từ xử lý tài sản.

IV. Đánh giá tình hình quản lý, xử lý tài sản xác lập sở hữu nhà nước

1. Đánh giá về các cơ chế, chính sách do nhà nước ban hành.

2. Đánh giá về việc tổ chức thực hiện: Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, việc quản lý, xử lý tài sản....

3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

V. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản xác lập sở hữu nhà nước

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 14080/BTC-QLCS tổng kết, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 14080/BTC-QLCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/10/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Hữu Chí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản