Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14060/BTC-CST | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2011 |
Kinh gửi: | - Bộ Công thương; |
Bộ Tài chính nhận được công văn số 01/CV ngày 5/9/2011 của Công ty TNHH Polystyrene Việt Nam đề nghị tăng thuế nhập khẩu hạt nhựa EPS và PS. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến trao đổi với Quý Cơ quan như sau:
1. Ý kiến của Công ty Polystyrene Việt Nam
Công ty TNHH Polystyrene Việt Nam là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất hạt nhựa EPS, HIPS, GPPS, BPO, tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD. Với công suất hiện nay nhà máy có thể sản xuất từ 2.500-3.000 tấn/tháng nhưng thực tế chỉ sản xuất từ 1.000- 1.200 tấn/tháng, Công ty chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của thị trường tiêu dùng Việt Nam do sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Hiện nay 90% khách hàng Việt Nam nhập khẩu mặt hàng EPS, PS từ Đài Loan về, tại Đài Loan các nhà máy có công suất rất lớn, ra đời từ cách đây hơn 20 năm, tất cả nguyên liệu đều mua trong nước do đó chi phí sản xuất rất rẻ, dẫn đến giá thành phẩm rất cạnh tranh trong khi đó nhà máy tại Việt Nam của Công ty toàn bộ phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về nên chi phí sản xuất rất cao. Chất lượng sản phẩm của công ty so với hàng nhập hoàn toàn giống nhau vì thực tế toàn bộ nguyên liệu và dây chuyền sản xuất đều được nhập khẩu từ các nhà máy nối tiếng ở các nước trên thế giới. Hơn nữa, nhà máy của chúng tôi ra đời sau nên có ưu thế hơn so với các nhà máy khác về dây chuyền máy móc rất tối ưu nên rất có ưu thế về mặt chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, sản phẩm hạt nhựa EPS của công ty đã được xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ kỳ, Paskitan và có uy tín trong tất cả các nhà máy sản xuất hạt nhựa EPS, PS trên thế giới. Theo số liệu thống kê hiện nay nhu cầu dùng hạt EPS trong cả nước lên đến 3.000 tấn/tháng, nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan (năm 2010 khoảng 21 nghìn tấn, 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 13,3 nghìn tấn).
Theo biểu nhập khẩu năm 2006, thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng EPS là 5% đến năm 2007 giảm xuống còn 3%, năm 2010 xuống 2%. Năm 2011, Công ty có công văn đề nghị tăng thuế nhập khẩu mặt hàng này lên 5% và đã được Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuê nhập khẩu EPS lên 3%. Mặc dù vậy nhưng nhà máy vẫn luôn gặp rất nhiều khó khăn do mức thuế thấp không đủ sức bảo hộ cho sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Đài Loan và Trung quốc.
Khi quyết định đầu tư sản xuất nguyên liệu công nghiệp nhựa tại Việt Nam chúng tôi tin tưởng vào chính sách thuế nhất quán của Chính phủ Việt Nam và lúc bấy giờ thuế nhập khẩu của hạt nhựa EPS và PS là 5%. Hiện nay, phần lớn các nước có nhà máy sản xuất hạt nhựa EPS, PS đều có thuế nhập khẩu từ 5% đến 15% (Thái Lan 5%, Trung Quốc 6.5% Malaysia 5%, Phi lipine 15%, Turkey 6,5%, Pakistan 15%). Chúng tôi vẫn luôn tin tưởng, hy vọng vào sự hỗ trợ chính sách thuế của Chính phủ Việt Nam tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư tiếp tục xây dựng dây chuyền sản xuất hạt nhựa PS và đầu tư mở rộng công suất của dây chuyền sản xuất hạt EPS.
Hiện nay, Công ty đã hoàn thành đầu tư sản xuất ở giai đoạn I (sản xuất hạt nhựa EPS) với vốn đầu tư 4 triệu USD và đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn II với vốn đầu tư 15 triệu USD cho dây chuyền có công suất 4.000 - 5.000 tấn/tháng. Toàn bộ thiết bị dây chuyền đã nhập khẩu về tháng 8/2011. Dây chuyền sản xuất hạt nhựa PS giai đoạn II sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 11/2011. Khi dây chuyền II đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được khoảng 100% nhu cầu trong nước.
Công ty đề nghị xem xét và điều chỉnh hợp lý về thuế nhập khẩu của mặt hàng EPS, PS lên 5% để hạn chế nhập khẩu mặt hàng này và bảo hộ sản xuất trong nước. Việc tăng thuế nhập khẩu mặt hàng EPS, PS sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư lâu dài và phát triển những dự án tiếp theo.
2. Ý kiến của Bộ Tài chính
a) Tình hình sản xuất hạt nhựa EPS, giá bán, giá nhập khẩu hạt nhựa hiện nay ở trong nước
Công ty TNHH Polystyrene Việt Nam là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất hạt nhựa EPS, HIPS, GPPS, BPO. Công ty bắt đầu đi vào sản xuất từ 10/2007. Nhu cầu dùng hạt EPS của cả nước khoảng 3.000 tấn/tháng. Công ty có khả năng sản xuất đến 3.000 tấn/tháng nhưng do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu nên công ty chỉ sản xuất 1.200 tấn/tháng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước.
Theo phản ánh của Công ty thì giá bán hạt nhập khẩu luôn cao hơn giá bán trong nước khoảng 15 USD/tấn nhưng sản phẩm trong nước vẫn không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Lý do không phải do chất lượng kém hơn mà do thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, ưa dùng hàng nhập khẩu; trong nước hiện nay có 1-2 khách hàng có nhu cầu sử dụng hạt EPS với khối lượng lớn từ 500 tấn - 1.000 tấn/tháng và được phía Đài Loan bán với giá rất ưu đãi (sau khi cộng cả thuế nhập khẩu và các chi phí khác thì giá mua hàng nhập khẩu vẫn thấp hơn giá mua trong nước khoảng 20 USD/tấn cộng với chính sách cho trả chậm).
b) Chính sách thuế đối với hạt nhựa EPS qua các thời kỳ và hiện hành
Trước năm 2006, chính sách thuế đối với mặt hàng nhựa EBS được duy trì ở mức 5%. Sang đến năm 2007, do nhu cầu trong nước sử dụng hạt nhựa EPS tăng mà trong nước chưa có doanh nghiệp nào sản xuất nên Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế của mặt hàng này xuống 3% (theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC). Mức thuế 3% được giữ ổn định cho đến tháng 4/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2010/TT-BTC giảm thuế từ 3% xuống 2% để xử lý kiến nghị của Công ty điện tử Daewoo Hanel. Đến 1/1/2011, mức thuế suất này được điều chỉnh lên 3% theo Thông tư số 184/2010/TT-BTC để xử lý kiến nghị của công ty Polystyrene Việt Nam.
c) Đề xuất của Bộ Tài chính
- Đối với hạt nhựa EPS: Hạt nhựa EPS là hạt Polystyren nguyên sinh co giãn tổng hợp, chống nước, không bị ăn mòn bởi kiềm hay axit, là nguồn nguyên liệu để sản xuất tấm đóng trần nhà để cách nhiệt, nón bảo hiểm, các xốp chèn trong đồ điện tử: ti vi, tủ lạnh, máy vi tính,... thùng đựng trái cây, đựng hải sản còn hạt nhựa GPPS, HIPS là loại không giãn nở, dùng để sản xuất các đồ gia dụng bằng nhựa và vỏ các sản phẩm điện tử, điện lạnh. Mặt hàng nhựa EPS đang được phân loại vào phân nhóm 3903.11.00.10"dạng hạt với thuế suất 3% và 3903.11.00.90 "dạng khác" với thuế suất 5%. Hạt PS phân loại vào phân nhóm 3903.19.00.10 "dạng hạt" thuế suất 2% và 3903.19.00.90 "dạng khác" với thuế suất 5%.
Theo Công ty cho biết từ khi sản xuất (10/2007) đến 2008, Công ty bị lỗ. Đến năm 2009 và 2010 công ty bắt đầu có lãi (2009: 200 ngàn USD, 9 tháng 2010 là 300 ngàn USD). 8 tháng đầu năm 2011, Công ty dự kiến cho lãi của công ty khoảng 6 tỷ, chiếm khoảng 7% tổng vốn đầu tư/năm mặc dù có lãi nhưng tỷ lệ rất nhỏ với mức lãi này thì khoảng 10 năm công ty mới thu hồi được vốn nên không được coi là đầu tư hiệu quả vì cũng mặt hàng này, công ty đầu tư ở Paskintan, lợi nhuận mang lại là 20% tổng vốn đầu tư/năm và khoảng 5 năm là thu hồi vốn. Khung thuế suất theo cam kết WTO tới năm 2012 và cam kết cuối cùng đối với mặt hàng hạt nhựa EPS thuộc phân nhóm 3903.11.00.10 "dạng hạt" là 6.5%; Khung thuế suất theo quy định tại Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28/9/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với mặt hàng hạt nhựa EPS là từ 0 - 13%.
Từ nội dung nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng EPS thuộc phân nhóm 3903.11.00.10 "dạng hạt" từ 3% tăng lên 5%. Việc điều chỉnh trở lại mức 5% đối với mặt hàng EPS cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ vì đây là mặt hàng trong nước đã sản xuất được và có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước.
Mặt khác, Bộ Tài chính được Công ty cho biết, nhựa EPS dạng nguyên sinh chỉ có ở dạng hạt (được làm từ nguyên liệu là chất styrene monomer và pentane dạng lỏng), không có dạng khác vì vậy, mặc dù Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định dòng thuế dạng khác với thuế suất 5% nhưng trên thực tế không có sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, việc điều chỉnh trở lại mức thuế của dòng thuế EPS dạng hạt với mức 5% mới có ý nghĩa bảo hộ được sản xuất trong nước.
- Đối với mặt hàng PS: Mặt hàng PS dạng nguyên sinh tương tự như mặt hàng EPS cũng chỉ có dạng hạt, không có dạng khác đều là Polystyren chỉ khác nhau ở tính năng sử dụng (loại giãn nở và loại không giãn nở) nên theo phản ánh của doanh nghiệp trên thực tế mặc dù thuế suất của EPS là 3% nhưng doanh nghiệp vẫn khai báo vào mức thuế suất 2% (dòng thuế của mặt hàng PS). Trước đây, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giám thuế suất của mặt hàng PS từ 3% xuống 2% vì trong nước chưa có dự án sản xuất nhưng đến nay, Công ty Polystyren đã đầu tư dây chuyền sản xuất và dự kiến tháng 11/2011 sẽ đi vào sản xuất với công suất 4.000 tấn/tháng (công suất thực tế của dây chuyền đạt 6.000 tấn/tháng) đáp ứng 100% nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này (nhu cầu trong nước hiện nay của mặt hàng này khoảng 4.000 tấn/tháng). Giá nhập khẩu mặt hàng PS hiện nay cũng vào khoảng 1.500 - 1.700 USD, giá bán PS của Công ty để cạnh tranh được cũng sẽ phải thấp hơn giá nhập khẩu từ 10 - 15 USD/tấn.
Khung thuế suất theo cam kết WTO tới năm 2012 và cam kết cuối cùng đối với mặt hàng hạt nhựa PS thuộc phân nhóm 3903.19.00.10 "dạng hạt" là 6.5% khung thuế suất theo quy định tại Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28/9/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với mặt hàng hạt nhựa EPS là từ 0 - 13%.
Vì vậy, để chính sách bảo hộ và khuyến khích sản xuất trong nước đạt được mục tiêu đề ra, hạn chế phát sinh gian lận trong phân loại giữa hai mặt hàng này, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất của mặt hàng PS từ 2% lên 5% tương tự như mặt hàng EPS. Việc điều chỉnh thuế suất của 2 mặt hàng này nên thực hiện từ 1/1/2012 cùng với thời điểm thực hiện biểu thuế mới 2012, thời điểm đó, Công ty cũng đã sản xuất được mặt hàng PS. Công ty cho biết hiện nay công ty đang nhập khẩu sản phẩm PS do công ty sản xuất tai Pakistan để bán cho các khách hàng trong nước nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm (khoảng 54 tấn/tháng).
Để có cơ sở giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị Quý cơ quan có ý kiến về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng hạt nhựa EPS và PS như nội dung nêu trên. ý kiến tham gia xin gửi về Bộ Tài chính trước ngày 01/11/2011.
Trân trọng sự phối hợp công tác của Quý cơ quan./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 106/2007/QĐ-BTC ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Nghị quyết 295/2007/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng
- 3Thông tư 63/2010/TT-BTC hướng dẫn việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 184/2010/TT-BTC quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 5Công văn 198/TCHQ-KTTT về thuế nhập khẩu hạt nhựa PET do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6Công văn 5976/BTC-CST về thuế nhập khẩu mặt hàng hạt nhựa HIPS do Bộ Tài chính ban hành
Công văn 14060/BTC-CST về thuế nhập khẩu hạt nhựa EPS và PS do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 14060/BTC-CST
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/10/2011
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Thị Mai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra