Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1371/BYT-QLD
V/v đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tinh dầu quế cho các doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: UBND tỉnh Lào Cai

Bộ Y tế nhận được Công văn số 564/UBND-NLN ngày 31/01/2024 của UBND tỉnh Lào Cai về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tinh dầu quế của các doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu nội dung văn bản trên và căn cứ ý kiến của Cục An toàn thực phẩm (Tại văn bản số 384/ATTP-SP ngày 04/3/2024), Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Tại văn bản số 388/YDCT-QLD ngày 08/3/2024), Vụ Pháp chế (Tại văn bản số 373/PC ngày 08/3/2024) và Cục Quản lý Dược (Tại Phiếu trình số 171/QLD-KD ngày 14/3/2024), Bộ Y tế có ý kiến như sau:

1. Việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu quế với mục đích nào là nhu cầu của doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự xác định. Hiện nay, việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu quế phục vụ mục đích thực phẩm, đồ uống, cây gia vị thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế chỉ quản lý đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu; chất chiết xuất từ dược liệu; tinh dầu với mục đích làm thuốc, phụ gia thực phẩm và mỹ phẩm. Trong đó, đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu kê khai tinh dầu quế để sử dụng với mục đích làm hương liệu trong phụ gia thực phẩm; Bộ Y tế chỉ quản lý đối với các trường hợp đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cụ thể:

““4. Hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu thuộc một trong các danh mục sau:

a) Hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI);

b) Hương liệu được công nhận an toàn (GRAS) ban hành bởi Hiệp hội các nhà sản xuất hương và chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA);

c) Hương liệu dùng trong thực phẩm của Liên minh châu Âu ban hành bởi Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu.”.

2. Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai làm rõ một số nội dung sau:

2.1. Năm 2023 việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu quế của các doanh nghiệp gặp khó khăn là do nguyên nhân gì. Trong khi tinh dầu quế nằm trong danh mục sản phẩm dược liệu theo phụ lục 2 Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, có hiệu lực từ 01/7/2018; tuy nhiên theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai thì việc xuất khẩu sản phẩm này đến năm 2023 mới gặp phải khó khăn vướng mắc; Như vậy, đề nghị các doanh nghiệp xem xét lại vướng mắc này có phải đến từ Thông tư số 48/2018/TT-BYT hay không?

2.2. Trường hợp xuất khẩu các sản phẩm này gặp khó khăn, vướng mắc tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT thì đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này là gì, biện pháp quản lý thay thế (nếu có) để Bộ Y tế có cơ sở sửa đổi, bổ sung nội dung tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.

Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế gửi UBND tỉnh Lào Cai.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Vụ, Cục: PC; QLYDCT, ATTP;
- Lưu: VT, QLD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên