Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1299/TCT-CS
V/v: thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi:

- Công ty cổ phần Coneco Miền Trung;
(Tổ dân phố Hồng Sơn, Phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)
- Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh.

 

Ngày 27/3/2017, Tổng cục Thuế nhận được công văn số 2437/VPCP-ĐMDN ngày 15/3/2017 của Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị về thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Coneco Miền Trung. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về người nộp thuế tài nguyên và người nộp phí bảo vệ môi trường:

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định:

"1. Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên."

Tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định:

"Điều 2. Đối tượng chịu phí

Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.

Điều 3. Người nộp phí

Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản quy định tại Điều 2 Nghị định này."

Tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 37 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

“2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khi Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn (trừ trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoảng sản đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định) hoặc khai thác khoáng sản trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản; khai thác vượt quá 50% trở lên đến 100% so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản,...

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định, trừ các trường hợp đã quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản, ...

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;"

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp trong năm 2014, doanh nghiệp không tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản do Giấy phép khai thác khoáng đã hết hạn mà mua nguyên liệu đá từ đơn vị khác để hoạt động chế biến khoáng sản thì không phải là người nộp thuế tài nguyên và không phải là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện sản lượng khai thác không có Giấy phép khai thác khoáng sản thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

2. Về xác định sản lượng tài nguyên khai thác.

Tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thuế tài nguyên, quy định:

"3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.

Định mức sử dụng tài nguyên phải tương ứng với tiêu chuẩn công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm đang ứng dụng và được người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế vào kỳ khai thuế đầu tiên. Trường hợp mức tiêu hao tài nguyên để sản xuất một đơn vị sản phẩm cao hơn 5% so với tiêu chuẩn công nghệ thiết kế thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để thẩm định làm cơ sở ấn định sản lượng tài nguyên khai thác chịu thuế."

Tại khoản 3, Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính về thuế tài nguyên quy định:

"3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do NNT kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng;"

Căn cứ quy định nêu trên, việc xác định sản lượng đối với tài nguyên khai thác đưa vào sản xuất, chế biến mới bán ra được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do doanh nghiệp kê khai theo quy định pháp luật áp dụng tại từng thời điểm nêu trên.

Tổng cục Thuế có ý kiến để Công ty cổ phần Coneco Miền Trung và Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh được biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Bộ (để b/c);
- Vụ PC-TCT;
- Lưu: VT, CS (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1299/TCT-CS năm 2017 về thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1299/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/04/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản