Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12694/BTC-CST | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2021 |
Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Tài chính nhận được công văn số 4935/BGĐT-GDMN này 27/10/2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ hiện hành có liên quan đến lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về chính sách ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành và các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19
a) Về chính sách ưu đãi thuế
Pháp luật thuế hiện hành áp dụng thống nhất đối với tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, không phân biệt trong nước, nước ngoài hay hình thức sở hữu. Các ưu đãi thuế đã được quy định cụ thể tại các Luật thuế theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi; trong đó đối với giáo dục và đào tạo hiện đang được hưởng ưu đãi thuế cao nhất trong khuôn khổ pháp luật về thuế. Cụ thể:
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định: Miễn thuế TNDN đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục; Miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành; Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn khác; Khoản tài trợ cho giáo dục được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
- Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), theo quy định của Luật thuế GTGT, hầu hết hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc được áp dụng thuế suất 5%, là mức thuế suất thấp so với mức thuế suất phổ thông là 10%.
- Đồng thời, theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì ưu đãi áp dụng theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư, trong đó đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, do vậy được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định.
b) Về các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19
Ngay kể từ thời gian đầu xảy ra dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp các khoản thuế (như thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT)), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian qua của năm 2021, đã tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không; thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021. Dự kiến tổng giá trị hỗ trợ khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3 nghìn tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ. Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
Vừa qua, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ động bám sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua đó giảm nghĩa vụ cho doanh nghiệp, tổ chức khoảng 700 tỷ đồng; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15 ngày 19/10/2021, trong đó quy định 04 giải pháp về miễn, giảm thuế gồm: (i) giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; (ii) miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; (iii) giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; (iv) miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Nghị quyết có hiệu lực ngay kể từ ngày ký (ngày 19/10/2021).
Để các giải pháp vừa được ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nêu trên và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay; thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Như vậy, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó: nhóm giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành là hơn 118 nghìn tỷ đồng; nhóm giải pháp miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung của Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP nêu trên là trên 20 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá kết quả các giải pháp đã và đang được thực hiện, bám sát điều kiện và diễn biến thực tế để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp.
2. Các chính sách ưu đãi và giải pháp hỗ trợ khác
Trong thời gian qua, để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, trường hợp người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ theo quy định tại các Nghị quyết nêu trên.
Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết nêu trên, trong đó đã ưu tiên bố trí, đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động; đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bộ Tài chính có ý kiến để Bộ Giáo dục và Đào tạo được biết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông báo 156/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 176/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4286/VPCP-KGVX năm 2021 xử lý kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 3290/TCT-TTKT năm 2020 thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Luật Thuế giá trị gia tăng 2008
- 2Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- 3Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010
- 4Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016
- 5Luật Đầu tư 2020
- 6Luật Quản lý thuế 2019
- 7Thông báo 156/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Thông báo 176/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Công văn 4286/VPCP-KGVX năm 2021 xử lý kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 11Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 12Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 năm 2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 15Nghị định 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19
- 16Công văn 3290/TCT-TTKT năm 2020 thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 12694/BTC-CST năm 2021 về chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 12694/BTC-CST
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 05/11/2021
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Thị Mai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra