Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1266/TCHQ-GSQL
V/v thực hiện Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2013

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Ngày 15/11/2012, liên Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Hải quan nhận được báo cáo vướng mắc của một số đơn vị trong ngành liên quan đến việc thực hiện Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT. Về việc này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Theo quy định tại Điều 29 Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005 thì căn cứ để quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa là quá trình chấp hành pháp luật của chủ hàng; chính sách quản lý hàng hóa; tính chất, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, theo đó mặt hàng phế liệu nhập khẩu là mặt hàng nhậy cảm không thuộc diện được miễn kiểm tra; Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 của liên Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường thì thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu phải thực hiện tại Hải quan cửa khẩu và trường hợp nhập khẩu phế liệu không đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phải xử lý nghiêm theo đúng quy định.

2. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 441/BTNMT-TCMT ngày 06/2/2013, yêu cầu các đơn vị khi làm thủ tục hải quan cho phế liệu nhập khẩu phải căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ; Điều 14 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính và Điều 13 Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính để tiến hành việc kiểm tra. Trường hợp có phát sinh vướng mắc không thống nhất giữa cơ quan Hải quan và chủ hàng đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu thì sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành như quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT dẫn trên.

3. Việc thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành đối với phế liệu nhập khẩu do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi phát sinh vụ việc tổng hợp, đề xuất báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan quản lý ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành.

3.1. Thành phần Hội đồng thẩm định chuyên ngành gồm:

- Chủ tịch Hội đồng – Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng – Lãnh đạo Chi nhánh Trung tâm PTPL HH XNK khu vực quản lý địa bàn.

- Thành viên Hội đồng gồm 01 Lãnh đạo của các đơn vị: Phòng Nghiệp vụ (Phòng GSQL + Phòng Thuế XNK), Phòng Thanh tra, Phòng CBL và XLVP, Đội Kiểm soát.

Ngoài ra theo tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc, cơ quan Hải quan mời thêm đại diện các đơn vị ngoài ngành Hải quan tham gia vào Hội đồng như: Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường), Sở Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Môi trường, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và một số Sở ban ngành liên quan, chuyên gia tư vấn về môi trường, chuyên gia kỹ thuật của ngành sản xuất có sử dụng loại phế liệu nhập khẩu và đại diện Hiệp hội ngành nghề. Thành phần và số lượng thành viên Hội đồng do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định.

3.2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định chuyên ngành.

Hội đồng thẩm định chuyên ngành phế liệu nhập khẩu được thành lập có chức năng đánh giá về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu, kết luận của Hội đồng thẩm định là căn cứ để cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan tham khảo để xử lý đối với lô phế liệu nhập khẩu (như quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT).

Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc (trừ trường hợp phức tạp phải trưng cầu giám định) Hội đồng thẩm định chuyên ngành phải đưa ra kết luận lô hàng phế liệu có đáp ứng điều kiện nhập khẩu hay không. Trường hợp Hội đồng thẩm định cần tiếp tục trưng cầu giám định thì chọn tổ chức giám định được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 dẫn trên.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn để Cục Hải quan tỉnh thành phố biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục (để chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc TCHQ (để thực hiện);
- Lưu: VT, GSQL(3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1266/TCHQ-GSQL thực hiện Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1266/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/03/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản