Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1243/BGTVT-PC
V/v Thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ GTVT.

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi:

- Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ;
- Viện Chiến lược và phát triển GTVT;
- Trung tâm Công nghệ thông tin.

 

Trên cơ sở kết quả buổi Tọa đàm đối thoại với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và các Hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành GTVT tổ chức tại Bộ Giao thông vận tải ngày 09/2/2012, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ GTVT, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các công việc sau:

1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu cho Lãnh đạo Bộ sửa đổi Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT ngày 11/10/2010 quy định về soạn thảo, thẩm định, ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về GTVT, trình Bộ trưởng ban hành trong tháng 6/2012.

2. Trong khi chưa có Thông tư sửa đổi Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ GTVT, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện ngay các công việc sau đây:

a) Đối với việc lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

- Trung tâm Công nghệ thông tin tập hợp và trước ngày 15/3/2012 công bố địa chỉ email của các Hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải trên Website của Bộ phục vụ việc liên hệ, gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham mưu trình văn bản phải đưa lên Website của Bộ Hồ sơ xin ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các tài liệu sau:

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (phải cập nhật thường xuyên khi có dự thảo văn bản mới).

+ Tờ trình dự thảo văn bản hoặc Bản thuyết minh những nội dung cơ bản của dự thảo văn bản. Đối với những văn bản được sửa đổi, bổ sung thì phải nêu những nội dung sửa đổi, bổ sung và lý do của việc sửa đổi, bổ sung.

+ Những vấn đề cần xin ý kiến.

Đồng thời với việc đưa Hồ sơ văn bản lên Website xin ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham mưu trình phải gửi qua email Hồ sơ văn bản tới tất cả các đối tượng có liên quan để xin ý kiến.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham mưu trình văn bản phải có Báo cáo tổng hợp ý kiến, giải trình việc tiếp thu, không tiếp thu các ý kiến đóng góp đăng tải công khai trên Website của Bộ.

- Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản QPPL, cơ quan tham mưu trình văn bản phải chủ trì họp ít nhất 01 lần trước khi báo cáo Thứ trưởng phụ trách. Trường hợp có ý kiến khác nhau, cơ quan tham mưu trình văn bản phải báo cáo rõ với Lãnh đạo Bộ để xem xét, quyết định.

b) Đối với việc theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật

- Mỗi văn bản sau khi được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan tham mưu trình phải tổ chức, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn bản, sơ kết, báo cáo đánh giá tác động của văn bản sau 03 năm thực hiện và tổng kết sau 05 năm thực hiện. Cơ quan tham mưu trình văn bản chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Vụ Pháp chế có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện và hàng tháng báo cáo Bộ trưởng tại cuộc họp giao ban.

c) Đối với việc rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản

- Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện tổng rà soát, kiểm tra, xử lý các văn bản do mình ban hành dưới dạng công văn, Quyết định hành chính trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 có chứa quy phạm pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 15 tháng 7 năm 2012.

- Vụ Pháp chế soạn thảo công văn của Bộ đề nghị Phòng Thương mại và công nghiệp VN thường xuyên gửi những văn bản của Bộ GTVT có chứa QPPL nhưng không được ban hành dưới hình thức Thông tư mà VCCI, các Hiệp hội, doanh nghiệp phát hiện được để Bộ GTVT kiểm tra, xử lý theo quy định.

d) Đối với việc theo dõi quá trình xử lý dự thảo văn bản QPPL

- Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2774/QĐ-BGTVT ngày 05/12/2011 ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 và giai đoạn 2013-2016 của Bộ Giao thông vận tải và Quyết định bổ sung Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2012 của Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Viện trưởng các Viện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN và Cục trưởng các Cục thuộc Bộ phải phân công Lãnh đạo và chuyên viên của cơ quan, đơn vị mình chịu trách nhiệm giải quyết từng văn bản. Việc phân công này phải được gửi cho Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ trước ngày 31/3/2012 để phối hợp theo dõi.

- Đối với các văn bản do Bộ Giao thông vận tải xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc liên tịch ban hành với Bộ khác, sau khi Bộ trình dự thảo văn bản cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tham mưu trình phải tiếp tục theo dõi, cung cấp thông tin về quá trình xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối với dự thảo văn bản cho Vụ Pháp chế, gửi báo cáo tháng về Văn phòng Bộ để báo cáo Bộ trưởng tại cuộc họp giao ban hàng tháng và chịu trách nhiệm cho tới khi văn bản được ban hành. Trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1243/BGTVT-PC thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ Giao thông vận tải

  • Số hiệu: 1243/BGTVT-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/02/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản