Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
CỤC XUẤT NHẬP KHẨU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1147/XNK-CN
V/v chuyển quyền sở hữu hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài qua kho ngoại quan

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan)

Trả lời công văn số 5952/TCHQ-GSQL ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Tổng cục Hải quan về việc vướng mắc về chuyển quyền sở hữu của doanh nghiệp FDI qua kho ngoại quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có ý kiến như sau:

1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mua hàng hóa từ nước ngoài và gửi vào kho ngoại quan, sau đó bán hoặc chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho thương nhân khác tại Việt Nam qua kho ngoại quan

- Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005 quy định:

“Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.”

Căn cứ quy định nêu trên thì hành vi chuyển quyền sở hữu hàng hóa là một trong những hành vi thuộc hoạt động mua bán hàng hóa.

- Khoản 8 Điều 91 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định: “Việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan do chủ hàng hóa thực hiện khi có hành vi mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại.”

- Điểm c khoản 2 Điều 5 Chương I Luật Quản lý ngoại thương quy định về Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như sau: “Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.”

- Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa bao gồm 10 hoạt động, trong đó có thực hiện quyền nhập khẩu

“Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”

Theo các quy định nêu trên thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được quyền bán hàng hóa (chuyển quyền sở hữu hàng hóa) sau khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa đó, bao gồm cả việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa qua kho ngoại quan.

Do đó, để có thể bán hoặc chuyển quyền sở hữu hàng hóa mua từ nước ngoài và gửi vào kho ngoại quan cho thương nhân khác có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải hoàn thành thủ tục nhập khẩu, thực hiện quyền nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mua hàng hóa từ nước ngoài và gửi vào kho ngoại quan, sau đó bán hàng hóa cho thương nhân ở nước ngoài (bao gồm cả trường hợp thương nhân ở nước ngoài chỉ định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giao hàng cho thương nhân Việt Nam)

- Điều 30 Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005 quy định về chuyển khẩu hàng hóa như sau:

“1. Chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam”

2. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức sau đây:

c) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng Việt Nam, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.”.

- Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương quy định “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì việc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mua hàng hóa từ nước ngoài và gửi vào kho ngoại quan sau đó bán hoặc chuyển quyền sở hữu hàng hóa đó cho thương nhân ở nước ngoài là hoạt động chuyển khẩu hàng hóa và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu nêu trên.

Cục Xuất nhập khẩu thông tin để Tổng cục Hải quan được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (để b/c);
- Các Vụ: PC, KH;
- Cục trưởng (để b/c);
- Các Phòng THCS, TMQT;
- Lưu: VT, CN. hanhhh

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thanh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1147/XNK-CN năm 2020 về chuyển quyền sở hữu hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài qua kho ngoại quan do Cục Xuất nhập khẩu ban hành

  • Số hiệu: 1147/XNK-CN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/10/2020
  • Nơi ban hành: Cục Xuất nhập khẩu
  • Người ký: Trần Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản