Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1146/CP-VX

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 1146/CP-VX NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC MỘT SỐ BIỆN PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN

Kính gửi:

 

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Xét đề nghị của Bộ Văn hoá - Thông tin (các Công văn số 72/TTr-BVHTT ngày 11 tháng 7 năm 2001, số 3841/VHTT-XB ngày 25 tháng 9 năm 2001) và ý kiến của Bộ Tư pháp (Công văn số 1035/BTP-PLHSHC ngày 13 tháng 8 năm 2001), Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ (Công văn số 188/BTCCBCP-TCBC ngày 31 tháng 7 năm 2001), Bộ Tài chính (Công văn số 7773 TC/TCDN ngày 16 tháng 8 năm 2001), Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Công văn số 57/BĐMDN ngày 09 tháng 8 năm 2001) về một số biện pháp liên quan đến hoạt động xuất bản, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

I. Sau 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hoạt động xuất bản, in và phát hành đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, ngành xuất bản, in và phát hành sách vẫn giữ được mức tăng trưởng đều đặn qua các năm. Mức hưởng thụ xuất bản phẩm bình quân đầu người hàng năm liên tục tăng lên. Hoạt động xuất bản đã tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển văn hoá và kinh tế, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy vậy, từ khi chuyển sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình tổ chức và cơ chế chính sách cho hoạt động xuất bản còn nhiều bất cập, hoạt động xuất bản có những khó khăn, thách thức gay gắt; một số nhà xuất bản chỉ chú ý tới lợi ích kinh tế đơn thuần, coi nhẹ chức năng, nhiệm vụ chính trị, văn hoá; xuất hiện một số xuất bản phẩm có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam, bị dư luận phê phán; một bộ phận khác hoạt động kém năng động, kém hiệu quả, còn nặng về trông chờ bao cấp. Nạn in lậu, in trái phép chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời; thị trường xuất bản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ; hệ thống phát hành xuất bản phẩm Nhà nước không được quan tâm củng cố đúng mức, đang có nguy cơ bị thu hẹp, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

II. Để khắc phục và chấn chỉnh một bước những thiếu sót, khuyết điểm và lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động xuất bản, đồng thời có biện pháp kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, tạo điều kiện cho ngành xuất bản, in và phát hành sách phát triển, ổn định, đúng hướng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, thực sự là công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số việc sau đây:

1. Giao Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì hướng dẫn các địa phương, các ngành có liên quan tổ chức xem xét, đánh giá tổng kết tình hình 8 năm thực hiện Luật Xuất bản nhằm khẳng định những thành tựu, kết quả đã đạt được về xuất bản, in, phát hành sách; xác định rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục những yếu kém khuyết điểm của hoạt động này. Trên cơ sở đó kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản để Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

2. Giao Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đồng bộ về mô hình tổ chức và cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sách để Chính phủ xem xét, quyết định, tạo điều kiện cho hoạt động này từng bước ổn định và phát triển phù hợp với cơ chế quản lý mới. Đề án cần trình Chính phủ chậm nhất là cuối quý I năm 2002.

3. Việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, củng cố và phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành phải theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khoá IX) và các quy định của Nhà nước. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung những quy định và hướng dẫn cụ thể về chuyển các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn thành công ty cổ phần, để giúp ổn định tổ chức và chấn chỉnh các hoạt động xuất bản, in, phát hành, tạm thời thực hiện như sau:

a) Việc thực hiện cổ phần hoá các Nhà xuất bản cần phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ và làm từng bước vững chắc.

b) Chưa tiến hành cổ phần hoá các cơ sở in thuộc các loại sau:

- In phục vụ cho lĩnh vực an ninh quốc phòng;

- In giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ quốc gia;

- In báo Đảng, báo Quân đội Nhân dân và những cơ sở in nhà nước duy nhất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Nghiên cứu lựa chọn mô hình tổ chức phát hành sách thuộc ngành văn hoá - thông tin ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khoá IX). Trước mắt, có thể chuyển doanh nghiệp phát hành sách nhà nước thành doanh nghiệp hoạt động công ích ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; từng bước tiến tới đa dạng hoá các loại hình tổ chức hoạt động phát hành sách.

Bộ văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai, hướng dẫn việc thực hiện các yêu cầu trên, báo cáo tình hình và kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1146/CP-VX của Chính phủ về việc một số biện pháp liên quan đến hoạt động xuất bản

  • Số hiệu: 1146/CP-VX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/12/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản