Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11274/BTC-CST
V/v giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 7/2022

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2022

 

Kính gửi: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Trả lời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp tại Báo cáo số 1293/PTM-KHTH ngày 8/8/2022 về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 7/2022 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Nội dung kiến nghị:

- Đề xuất không quy định đất dùng để đắp, hoặc đất dư thừa đổ thải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà quy định là tài nguyên. Và khi phát sinh khối lượng đào, đắp thì mọi tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền cho phép phải chấp hành nộp đầy đủ các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đề nghị xem xét giảm giá tính thuế tài nguyên đá hỗn hợp sau nổ mìn, đá xô bồ cho phù hợp với giá thành sản xuất sản phẩm.

Trả lời:

1. Về đề xuất không quy định đất dùng để đắp, hoặc đất dư thừa đổ thải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà quy định là tài nguyên và khi phát sinh khối lượng đào, đắp thì mọi tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền cho phép phải chấp hành nộp đầy đủ các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 7 Luật Thuế tài nguyên thì đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình thuộc nhóm tài nguyên “khoáng sản không kim loại” là đối tượng chịu thuế tài nguyên theo khung thuế suất từ 3% đến 10%. Theo quy định tại Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế suất cụ thể là 7%.

Tại khoản 6 Điều 9 Luật Thuế tài nguyên quy định: “Miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.”

Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân khai thác đất đều phải nộp thuế tài nguyên theo quy định, trừ đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại”. Tại số thứ tự 10 mục II Biểu khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản ban hành kèm theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, “đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình” được xếp vào nhóm khoáng sản không kim loại. Theo đó, đối với hoạt động xây dựng công trình phát sinh khối lượng đất đào, đắp[1] thì phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định.

2. Về đề xuất giảm giá tính thuế tài nguyên đá hỗn hợp sau nổ mìn, đá xô cho phù hợp với giá thành sản xuất sản phẩm.

Tại Điều 6 Luật Thuế tài nguyên quy định về giá tính thuế tài nguyên như sau:

“1. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

2. Trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau:

a) Giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định;

b) Trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giả tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế đối với tài nguyên chưa xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên, trừ dầu thô, khí thiên nhiên, khí than và nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện.”

Theo đó, việc xác định giá tính thuế tài nguyên cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế tài nguyên nêu trên, trường hợp phát sinh vướng mắc liên quan tới tài nguyên chưa xác định giá bán, đề nghị Hiệp hội kiến nghị cụ thể tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quản lý tài nguyên khoáng sản để được giải quyết.

Bộ Tài chính trả lời để Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (để tổng hợp);
- Vụ PC, TCT;
- Lưu: VT, Vụ CST (TN)8b.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ




Nguyễn Quốc Hưng

 



[1] Tại số thứ tự 10 Mục II Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định “Đất khai thác đsan lấp, xây dựng công trình thuộc đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản với mức phí cụ thể là từ 1.000 đồng/m3 đến 2.000 đồng/m3.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 11274/BTC-CST về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 7/2022 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 11274/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/11/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Quốc Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản