Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11218/TCHQ-GSQL
V/v quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Công thương (Cục Xuất nhập khẩu)

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 6257/BCT-XNK ngày 04/07/2014 của Bộ Công thương về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương, theo đó: “hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba không qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc thì không phải có Giấy chứng nhận Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công thương cấp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực hiện, Tổng cục Hải quan nhận thấy một số vướng mắc, cụ thể như sau:

Tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 05/2014/TT-BCT có quy định: “Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì chỉ doanh nghiệp có Mã số tạm nhập, tái xuất của nhóm hàng đó mới được đứng tên trên tờ khai hải quan nhập, xuất kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất”. Theo quy định này không có sự phân biệt áp dụng đối với hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất biên giới các tỉnh phía Bắc hay phía Nam.

Tại khoản 5 Điều 12 Thông tư 05/2014/TT-BCT quy định cụ thể đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục III, IV, V trong đó doanh nghiệp không thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc không thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện. Như vậy, tại công văn 6257/BCT-XNK nêu trên của Bộ Công thương căn cứ theo khoản 5 Điều 12 Thông tư 05/2014/TT-BCT để hướng dẫn hoạt động gửi kho ngoại quan là chưa thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 05/2014/TT-BCT.

Qua kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số cửa khẩu biên giới phía Nam, Tổng cục Hải quan nhận thấy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều dấu hiệu diễn biến phức tạp, đặc biệt theo nhận định của một số Cục Hải quan địa phương thì mặt hàng rượu mạnh có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất khẩu đi CamPuChia qua cửa khẩu biên giới, sau khi xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa tại các khu vực vùng đệm biên giới (không có sự giám sát, kiểm soát của lực lượng chức năng các nước), sau đó chia nhỏ để thẩm lậu vào nội địa Việt Nam, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Do vậy, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, đặc biệt là các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và để thống nhất quản lý giữa các tỉnh biên giới đường bộ, đường sông, Tổng cục Hải quan đề nghị quy định cụ thể về việc quản lý mặt hàng rượu và hàng hóa khác thuộc Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-BCT từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-BCT.

Tổng cục Hải quan rất mong sớm nhận được ý kiến của quý Bộ

Trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Chi nhánh Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Sài Gòn (thay trả lời)
(Đ/c: AA 14, KTM Tịnh Biên, thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang);
- Lưu: VT, GSQL (3).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 11218/TCHQ-GSQL năm 2014 quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 11218/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/09/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản