Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA NÔNG THÔN, NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1084/BCĐTW-TTT
V/v hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra và Tổ thường trực

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra) và Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo (Tổ thường trực) ở các cấp như sau:

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra, Tổ thường trực các cấp

a) Đối với cấp tỉnh và cấp huyện

Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra tại các cấp như sau:

- Cấp tỉnh: Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cấp huyện:

+ Tất cả các huyện;

+ Các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã có tỷ lệ hộ tham gia hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản chiếm trên 30% tổng số hộ trên địa bàn1.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra cùng cấp.

Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban; Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó Trưởng ban thường trực; Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng) các cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Đài phát thanh, Đài truyền hình và một Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm ủy viên. Do tính chất đặc thù của việc huy động lực lượng Điều tra, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo có thể mời thêm Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng) ngành giáo dục cùng cấp tham gia ủy viên Ban Chỉ đạo.

Các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã không thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra, giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã trực tiếp chỉ đạo; Chi cục Thống kê làm nhiệm vụ thường trực.

Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra cấp tỉnh và cấp huyện được thành lập Tổ thường trực giúp việc. Tổ thường trực do một Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp tham gia Ban Chỉ đạo làm Tổ trưởng; thành viên Tổ thường trực là công chức của cơ quan Thống kê và các cơ quan cùng cấp có thành viên trong Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra. Tổ Thường trực chịu sự Điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra cùng cấp; có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng Điều tra. Tổ Thường trực làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể cùng với việc giải thể của Ban Chỉ đạo.

b) Đối với cấp xã

Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra ở:

+ Tât cả các xã;

+ Các phường, thị trấn có tỷ lệ hộ tham gia hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản chiếm trên 30% tổng số hộ trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra cấp xã.

Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra cấp xã gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công chức Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội làm ủy viên, trong đó công chức Văn phòng - Thống kê làm ủy viên thường trực.

Các phường và thị trấn không thành lập Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra, giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo; công chức Văn phòng - Thống kê làm nhiệm vụ thường trực.

2. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc Tổng Điều tra theo đúng phương án và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Chịu trách nhiệm về sự thành công của cuộc Tổng Điều tra tại địa phương.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện được sử dụng con dấu của cơ quan thống kê địa phương cùng cấp trong chỉ đạo, Điều hành và thực hiện giao dịch phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc Tổng Điều tra.

Ban Chỉ đạo cấp xã được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn trong chỉ đạo, Điều hành và thực hiện giao dịch phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc Tổng Điều tra.

Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra các cấp tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổng Điều tra.

3. Thời gian thành lập

- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ thường trực hoàn thành trước ngày 15/02/2016.

- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và Tổ thường trực hoàn thành trước ngày 01/3/2016.

- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã hoàn thành trước ngày 15/3/2016.

Sau khi thành lập, đề nghị Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương danh sách Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực cấp tỉnh, số lượng Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã trước ngày 20/3/2016 để phối hợp chỉ đạo thực hiện Tổng Điều tra./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng - Trưởng ban (để b/c);
- Các thành viên BCĐTW;
- Các CTK tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, NLTS.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC





TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Nguyễn Bích Lâm

 



1 Dựa vào nguồn thông tin từ Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 cùng các nguồn thông tin sẵn có khác tại địa phương để ước lượng tỷ lệ hộ tham gia hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản cấp huyện, cấp xã.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1084/BCĐTW-TTT năm 2015 hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra và Tổ thường trực do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 1084/BCĐTW-TTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/12/2015
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương
  • Người ký: Nguyễn Bích Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản