Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1080/BTTTT-CNTT
V/v triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 14/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội, trong đó bốn nhóm doanh nghiệp công nghệ số có vai trò chủ đạo và cần được khuyến khích phát triển, bao gồm:

(i) Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi;

(ii) Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất;

(iii) Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; và

(iv) Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng một số nội dung như sau:

1. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tổ chức thực hiện phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông và trong phạm vi hoạt động của địa phương nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về mục tiêu, vai trò quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số; tạo sự đồng thuận, quan tâm của xã hội đối với doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm Make in Viet Nam.

2. Căn cứ vào nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 01/CT-TTg nêu trên, các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch triển khai ngay để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số của ngành, lĩnh vực và địa phương mình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.

3. Về xác lập đầu mối ở mỗi địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Quý Ủy ban nhân dân:

- Xem xét và giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, chịu trách nhiệm làm đầu mối tại địa phương để tham mưu việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

- Tổng hợp các công nghệ số của doanh nghiệp hiện có trên địa bàn sẵn sàng cung cấp; tổng hợp nhu cầu ứng dụng sản phẩm công nghệ số của các cơ quan nhà nước và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của địa phương.

4. Định kỳ hàng năm (trước ngày 10/12), các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông giao Vụ Công nghệ thông tin là đơn vị đầu mối của Bộ để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị gửi ý kiến về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để được hướng dẫn.

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Ủy ban nhân dân./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Phan Tâm;
- Lưu: VT, CNTT(10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công Văn 1080/BTTTT-CNTT năm 2020 triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg về phát triển doanh nghiệp công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 1080/BTTTT-CNTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/03/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin truyền thông
  • Người ký: Phan Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản