Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 105/TCMT-QTMT
V/v hướng dẫn thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường.

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2016

 

Kính gửi: Đơn vị thực hiện quan trắc

Thực hiện vai trò, chức năng là đầu mối hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, Tổng cục Môi trường hướng dẫn các đơn vị thực hiện quan trắc môi trường như sau:

1. Hoạt động kiểm định thiết bị

Danh mục thiết bị bắt buộc kiểm định: căn cứ Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, các thiết bị quan trắc môi trường phải tiến hành kiểm định:

- Trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (Bụi, SO2, NO, NO2, CO, CO2);

- Trạm quan trắc nước tự động, liên tục (pH, EC, DO, Độ đục, TDS);

- Thiết bị đo khí cầm tay (SO2, NO, NO2, CO, CO2);

- Thiết bị đo nước cầm tay (pH, EC, DO, Độ đục, TDS);

- Thiết bị đo độ ồn, độ rung, hàm lượng bụi tổng số (TSP);

- Cân phân tích, quả cân cấp chính xác E2, quả cân cấp chính xác đến F1.

Chu kỳ kiểm định: ban đầu, định kỳ 12 tháng và sau sửa chữa. Cụ thể, kiểm định ban đầu là việc kiểm định lần đầu tiên đối với thiết bị quan trắc môi trường trước khi đưa vào sử dụng; kiểm định định kỳ là việc kiểm định theo chu kỳ quy định 12 tháng đối với thiết bị quan trắc môi trường trong quá trình sử dụng; kiểm định sau sửa chữa là việc kiểm định đối với thiết bị quan trắc môi trường được sửa chữa do không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định, chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) của thiết bị quan trắc môi trường bị mất, bị hỏng hoặc người sử dụng thiết bị quan trắc môi trường phát hiện dấu hiệu có khả năng thiết bị quan trắc môi trường không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định và đề nghị kiểm định lại.

Đơn vị thực hiện kiểm định: đơn vị có thiết bị quan trắc môi trường cần kiểm định lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định được chỉ định có phạm vi và năng lực kiểm định phù hợp theo Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Bảo quản và lưu giữ: thiết bị quan trắc môi trường phải có bằng chứng về việc thực hiện kiểm định (tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định) và quản lý có hệ thống theo thời gian để sẵn sàng cung cấp, xuất trình với các cơ quan có thẩm quyền.

2. Hoạt động hiệu chuẩn thiết bị

Danh mục thiết bị hiệu chuẩn: hiện nay, trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phương pháp quan trắc và phân tích môi trường có quy định các thiết bị sử dụng cần được hiệu chuẩn định kỳ để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, các tổ chức chứng nhận hay tổ chức công nhận đều khuyến cáo thiết bị cần được hiệu chuẩn định kỳ với chu kỳ hiệu chuẩn ít nhất 1 lần/năm. Do vậy, thiết bị quan trắc môi trường trước khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo được hiệu chuẩn và phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ hiệu chuẩn.

Đơn vị thực hiện hiệu chuẩn: thiết bị quan trắc môi trường phải được thực hiện hiệu chuẩn bởi các tổ chức có chức năng, đủ năng lực (có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực thực hiện) và đã đăng ký hoạt động hiệu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN. Đối với các thiết bị mà tổ chức cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn chưa đáp ứng được thì có thể hiệu chuẩn bởi đơn vị sản xuất hoặc ủy quyền đại diện chính thức của hãng có đủ năng lực thực hiện.

Bảo quản và lưu giữ: thiết bị quan trắc môi trường phải có bằng chứng về việc thực hiện hiệu chuẩn (tem hiệu chuẩn và giấy chứng nhận hiệu chuẩn) và quản lý có hệ thống theo thời gian để sẵn sàng cung cấp, xuất trình với các cơ quan có thẩm quyền.

3. Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị

Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị được xác định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý để hoàn thành công việc, phù hợp với nội dung, khối lượng, tính chất và thời hạn hoàn thành việc kiểm định, hiệu chuẩn theo thỏa thuận giữa tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn và tổ chức, cá nhân có nhu cầu; bao gồm các chi phí cơ bản như: chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí khấu hao máy móc, thiết bị, chi phí vận chuyển.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Môi trường để hướng dẫn và thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn theo địa chỉ: Trung tâm Quan trắc môi trường, số 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội; điện thoại: 04.38726846; Fax: 04.38726847; thư điện tử: kiemchuan@vea.gov.vn.

Các hướng dẫn về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn tham khảo tại trang thông tin điện tử quantracmoitruong.gov.vn.

Trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Văn Tài (để báo cáo);
- Lưu: VT, QTMT, TN.68

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Dương Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 105/TCMT-QTMT năm 2016 hướng dẫn thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường do Tổng cục Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 105/TCMT-QTMT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/01/2016
  • Nơi ban hành: Tổng cục Môi trường
  • Người ký: Hoàng Dương Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản