Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1040/BKHĐT-TH
V/v chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Các hiệp hội: du lịch Việt Nam; khách sạn Việt Nam; lữ hành Việt Nam; doanh nghiệp hàng không Việt Nam; dệt may Việt Nam; da giầy Việt Nam; doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam; công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; thực phẩm minh bạch; bất động sản Việt Nam; các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; ngân hàng Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị để hoàn thiện nội dung đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư các nội dung sau:

1. Đánh giá tác động và hiệu quả của các chính sách đã ban hành để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

a) Các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội

Đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình triển khai chính sách; thực hiện đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã ban hành trong thời gian qua. Trong đó, tập trung vào các biện pháp, chính sách được ban hành tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020) và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020); cung cấp thông tin về tình hình giải ngân đối với từng nội dung hỗ trợ; đồng thời phân tích cụ thể nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ (nếu có).

b) Các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ theo phạm vi, chức năng quản lý đánh giá tình hình triển khai, giải ngân các chính sách đã ban hành; phân tích tác động và hiệu quả của các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và một số chính sách sau: (i) các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải hàng không, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống...; (ii) các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng; (iii) các chính sách gia hạn, giãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí; (iv) chính sách giảm tiền điện; (v) chính sách tạm dừng đóng phí công đoàn....

Việc đánh giá chính sách cần bảo đảm phân tích rõ nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ (nếu có); đánh giá cụ thể, toàn diện hiệu quả, chi phí - lợi ích của các chính sách tới các đối tượng mục tiêu cũng như các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi chính sách, như: việc đánh giá chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cần phân tích cả tác động đến việc bảo vệ môi trường khi thực hiện giảm thuế; việc đánh giá chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cần phân tích cả tác động đến sự phục hồi, gia tăng thị phần của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tác động giữ chân và bảo đảm thu nhập cho người lao động...

2. Đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Đề nghị Quý cơ quan chủ động đề xuất các chính sách, giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đề xuất chính sách, giải pháp cần nêu rõ sự cần thiết của chính sách, phân tích cụ thể các khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đối tượng mục tiêu; đồng thời bao gồm các nội dung cụ thể sau:

a) Mục tiêu, mô tả chính sách;

b) Đối tượng hỗ trợ;

c) Đánh giá tác động sơ bộ đến các đối tượng hỗ trợ và các tác động khác (nếu có);

d) Thời gian (thời gian ban hành chính sách, thời gian chính sách có hiệu lực);

đ) Dự kiến nhu cầu về kinh phí, nguồn lực và nguồn hỗ trợ;

e) Thẩm quyền quyết định, ban hành chính sách (ghi rõ cấp có thẩm quyền cần xin ý kiến);

g) Tổ chức triển khai chính sách (đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, cách thức triển khai cụ thể).

Đề nghị Quý cơ quan khẩn trương triển khai các nội dung trên và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/3/2021 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (bản mềm gửi về địa chỉ email: thktxh@mpi.gov.vn).

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP (để b/c TTCP);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đơn vị thuộc Bộ
(danh sách gửi kèm, để góp ý);
- Lưu VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1040/BKHĐT-TH năm 2021 về chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 1040/BKHĐT-TH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/02/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Trần Quốc Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản