Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1036/LĐTBXH-TCGDNN
V/v đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế”; Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/05/2014 phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2018 quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Thực hiện Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện chuyển giao 12 chương trình trọng điểm cấp độ quốc tế từ Úc và thí điểm đào tạo cho 41 lớp với 725 sinh viên tại 25 trường cao đẳng. Đến ngày 25/12/2019, chương trình đào tạo thí điểm đã kết thúc, kết quả tổng kết, đánh giá cho thấy các bộ chương trình chuyển giao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, năng lực đào tạo của các nhà trường, năng lực của người dạy và người học có thể đáp ứng được yêu cầu cao của các chương trình quốc tế.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị:

1. Các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp chỉ đạo và ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ cho các trường được lựa chọn nhằm đạt các tiêu chí của trường chất lượng cao và tiêu chí lựa chọn ngành, nghề trọng điểm. Bố trí nguồn ngân sách để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đào tạo các chương trình chất lượng cao (bao gồm việc nhân rộng các chương trình chuyển giao từ nước ngoài).

2. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh việc tuyển sinh, đào tạo các chương trình chất lượng cao, trong đó cần chú trọng:

a) Đào tạo nhân rộng theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài

Việc đào tạo nhân rộng những ngành, nghề đã chuyển giao chương trình từ Úc được thực hiện theo 2 hướng:

- Đào tạo theo chương trình chuyển giao để cấp bằng của Úc và Việt Nam:

Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo được thực hiện theo quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên theo hướng đơn giản vì đã có chương trình chuyển giao. Các trường chủ động xác định chi phí đào tạo (gồm chi phí đào tạo, chi phí phải trả cho Học viện Chisholm, Úc và các chi phí khác); huy động đa dạng các nguồn kinh phí, gồm: Kinh phí của trường, hỗ trợ từ địa phương hoặc qua đặt hàng đào tạo (nếu có); kinh phí thu từ người học, từ doanh nghiệp...

- Đào tạo theo chương trình chuyển giao để cấp bằng của Việt Nam:

Ngoài 25 trường đã tham gia đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc, các trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả các trường tư thục có năng lực đào tạo tốt) chủ động khai thác, sử dụng chương trình, tài liệu đã chuyển giao, kết nối với các trường đã tham gia thí điểm để được hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trong chương trình chuyển giao.

b) Đối với đào tạo theo chương trình chất lượng cao khác

- Đối với việc đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc để cấp bằng của Việt Nam cũng như việc thực hiện các chương trình chất lượng cao khác, các trường căn cứ Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng để xây dựng và phê duyệt đề án đào tạo chương trình chất lượng cao của trường mình, báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức triển khai thực hiện.

- Mức thu học phí được thực hiện theo quy định hiện hành về đào tạo chương trình chất lượng cao, ngoài ra các trường cần tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ cho đào tạo từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của chương trình chất lượng cao.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi các Bộ, ngành, địa phương và các trường để tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Sở LĐTBXH (để chỉ đạo);
- Các trường cơ sở GDNN (để thực hiện);
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1036/LĐTBXH-TCGDNN năm 2020 về đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1036/LĐTBXH-TCGDNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/03/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản