Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1024/VPB6 | Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2020 |
Kính gửi: Văn phòng Luật sư Bình, Đoàn Luật sư Hà Nội
Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội
Bộ Y tế nhận được kiến nghị Văn phòng Luật sư Bình liên quan đến thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động. Qua nghiên cứu và tổng hợp ý kiến các đơn vị chuyên môn, Văn phòng Bộ Y tế xin có ý kiến như sau:
1. Về nội dung 01: Cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề:
Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã sửa đổi Điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau: “b) Cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khi có thay đổi nội dung trong chứng chỉ hành nghề, bao gồm:
- Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thêm chuyên khoa khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề; Đối với các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với chuyên khoa mà người hành nghề đã được ghi trong chứng chỉ hành nghề, người hành nghề được thực hiện kỹ thuật sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn đó do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở cho phép thực hiện bằng văn bản, mà không cần bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề.
- Thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thay đổi chuyên khoa khác với chuyên khoa đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề;”
Nghị định trên chỉ quy định việc bổ sung, thay đổi phạm vi chuyên môn nhưng chưa quy định cụ thể văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận nào được bổ sung, được thay đổi nên dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất giữa các Sở Y tế. Có những trường hợp bác sỹ y học cổ truyền sau khi học các chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo 3 tháng, 6 tháng các chuyên ngành của y học hiện đại như siêu âm, răng hàm mặt, tai mũi họng, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật thẩm mỹ... thì Sở Y tế cho phép bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn, thậm chí thay đổi hẳn phạm vi hoạt động sang các chuyên khoa này, không còn khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nữa. Thực tế này dẫn đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng và người bệnh sẽ bị thiệt thòi.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1659/BYT-PC về việc chấn chỉnh việc cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn và đề nghị các Sở Y tế tạm dừng việc cấp cho đến khi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về văn bằng chuyên môn để cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề. Việc ban hành Công văn này phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Y tế và không trái với Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, việc các Sở Y tế tạm ngưng cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ học 6 tháng, 12 tháng là đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.
2. Về nội dung 2: Điều kiện của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở:
Khoản 3 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP có quy định: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm nhiều chuyên khoa thì chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng mà cơ sở đăng ký hoạt động và thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc là 54 tháng trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, bác sỹ nếu có đủ điều kiện trên thì được thực hiện nhiệm vụ là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không cần phải có thêm điều kiện nào.
Trên đây là nội dung trả lời kiến nghị của Quý Văn phòng Luật sư Bình - Đoàn Luật sư Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| KT. CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ |
- 1Công văn 9489/BYT-KCB năm 2015 về đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 1055/BYT-KCB năm 2017 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh theo quy định của Nghị định 109/2016/NĐ-CP do Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 1080/VPB6 năm 2020 về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh do Văn phòng Bộ Y tế ban hành
- 1Công văn 9489/BYT-KCB năm 2015 về đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 2Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh
- 3Công văn 1055/BYT-KCB năm 2017 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh theo quy định của Nghị định 109/2016/NĐ-CP do Bộ Y tế ban hành
- 4Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế
- 5Công văn 1659/BYT-PC năm 2019 về chấn chỉnh việc cấp bổ sung, thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn do Bộ Y tế ban hành
- 6Công văn 1080/VPB6 năm 2020 về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh do Văn phòng Bộ Y tế ban hành
Công văn 1024/VPB6 năm 2020 về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động do Văn phòng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 1024/VPB6
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 30/10/2020
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/10/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra