Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/BTP-TTR | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2011 |
Kính gửi: Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre
Phúc đáp công số: 89/CV-TTr ngày 26 tháng 11 năm 2010 của Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre V/v xin ý kiến về những vướng mắc qua việc triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo Nghị định 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp, sau khi nghiên cứu, Thanh tra Bộ có ý kiến như sau:
1. Về trường hợp thứ nhất
Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch quy định: “ Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.”. Như vậy, Nghị định không quy định việc trẻ em sống với ai thì người đó phải có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ. Việc xác định người có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em khi cha, mẹ không thể đi khai sinh, không dựa trên cơ sở xác định trẻ phải sống với ai mà dựa trên cơ sở vận dụng các quy định về quan hệ giữa ông, bà với cháu hoặc những thân thích theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình. Do vậy, Nếu trong thời hạn 60 ngày, các chủ thể trên không đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì phải làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn.
2. Trường hợp thứ hai
Tại Điều 20 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về thời hạn đi khai tử và trách nhiệm khai tử đã quy định:
“ 1. Thời hạn đi khai tử là 15 ngày, kể từ ngày chết.
2. Thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử; nếu người chết không có thân nhân, thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử.”.
Theo đó, thì thân nhân của người chết phải có trách nhiệm đi khai tử cho người đã chết, thân nhân ở đây được hiểu là những người có quan hệ thuyết thống( ông, bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái) hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ. Như vậy, trong trường hợp này các con trong gia đình tuy đã trưởng thành vẫn phải là người có trách nhiệm đi khai tử cho người (cha) hoặc người (mẹ) của mình.
3. Trường hợp thứ ba
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 và khoản 2 Điều 13 của Nghị định 60/2009/NĐ-CP trong trường hợp đương sự tự ý sửa chữa, tẩy xoá làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn, khai tử thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải xác định được rõ hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong thời hiệu xử phạt thì mới tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử phạt phát hiện được hành vi tẩy xoá, làm sai lệch nội dung giấy tờ đã hơn một năm thì không tiến hành xử phạt hành chính nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định số 60/2009/NĐ - CP. Thời hiệu xử phạt được tính kể từ thời điểm hành vi vi phạm hành chính được thực hiện.
Trên đây là nội dung hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Đề nghị Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre nghiên cứu để áp dụng việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp./.
Nơi nhận: | KT. CHÁNH THANH TRA |
Công văn 07/BTP-TTR hướng dẫn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 07/BTP-TTR
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/01/2011
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Hoàng Quốc Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra