Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/BTP-ĐKGDBĐ
V/v hướng dẫn một số vấn đề về giao dịch bảo đảm

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2013

 

Kính gửi: Hiệp hội ngân hàng Việt Nam

Trả lời Công văn số 371/CQTT-PLNV ngày 28/11/2012 của Quý Hiệp hội đề nghị hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Công văn số 371/CQTT-PLNV), Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Về việc xây dựng cơ chế cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

1.1. Theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Dân sự 2005 thì “một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do vậy, việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện đăng ký thế chấp đối với tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại các tổ chức tín dụng khác nhau (trừ nhà ở) là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Để hạn chế rủi ro, đồng thời vẫn thúc đẩy sự vận hành của nền kinh tế, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Hiệp hội hướng dẫn các tổ chức thành viên trước khi giao kết hợp đồng bảo đảm phải chủ động tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản theo thủ tục đã được pháp luật quy định.

1.2. Về đề nghị xây dựng đầu mối cơ quan cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án tổ chức quản lý, vận hành Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm (trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2013). Khi Đề án nêu trên được triển khai thực hiện, việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tất cả các loại tài sản sẽ được thực hiện tập trung, thống nhất trên Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm.

2. Về việc từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm

Theo quy định của khoản 2 Điều 13 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP), “Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì khi yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp theo, người yêu cầu đăng ký không phải xóa đăng ký đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký trước đó.” Do vậy, việc một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (theo phản ánh tại Công văn số 371/CQTT-PLNV) yêu cầu các tổ chức tín dụng trước khi đăng ký thế chấp phải thực hiện việc xóa đăng ký đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký trước đó trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ là không phù hợp với quy định nêu trên của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP.

3. Về đề nghị xác định trách nhiệm của công chứng viên khi thực hiện việc công chứng giao dịch bảo đảm không đúng quy định của pháp luật

Vấn đề này đã được Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan quy định. Theo đó, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng (khoản 3 Điều 3 Luật Công chứng). Trong trường hợp công chứng viên vi phạm quy định của Luật Công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 58 Luật Công chứng). Ngoài ra, các hình thức xử lý đối với từng hành vi vi phạm của công chứng viên cũng đã được quy định tại Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 07 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

4. Về việc đăng ký thay đổi trong trường hợp bên nhận thế chấp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Về vấn đề này, Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT) và Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp đã có quy định hướng dẫn thực hiện. Theo đó, trường hợp có sự thay đổi loại hình doanh nghiệp thì người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi đối với tất cả các hợp đồng bảo đảm đã đăng ký (khoản 3 Điều 14 Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT, khoản 4 Điều 15 Thông tư số 05/2011/TT-BTP).

5. Về đề nghị hướng dẫn thủ tục đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 91 Luật Nhà ở năm 2005 thì một trong các điều kiện để nhà ở được tham gia giao dịch (trong đó có thế chấp) là phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Tuy nhiên, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thế chấp nhà ở, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định trong trường hợp nhận thế chấp tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả nhà ở) đã hình thành, nhưng tài sản đó chưa được chứng nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người yêu cầu đăng ký có thể thực hiện việc đăng ký thế chấp đồng thời với chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo hồ sơ, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 22 của Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT.

Trong thời gian tới, thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 13/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn việc đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

6. Về đề nghị xây dựng cơ chế cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của phương tiện giao thông

Theo quy định của khoản 9 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”. Để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản (dự kiến ban hành trong tháng 01/2013).

7. Về việc hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đồng thời với đăng ký tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất

Theo quy định của pháp luật thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phân chia di sản thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất (Điều 129 Luật Đất đai 2003, khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai). Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT để hướng dẫn việc thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký biến động trong trường hợp tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất với thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp quyền sử dụng đất đã đăng ký (thực hiện liên thông các thủ tục) nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký giao dịch bảo đảm, xin gửi Quý Hiệp hội nghiên cứu, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng phụ trách (để báo cáo);
- Lưu: VT, Cục ĐKQGGDBĐ.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KÝ
QUỐC GIA GIAO DỊCH BẢO ĐẢM




Vũ Đức Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 01/BTP-ĐMDN năm 2014 hướng dẫn về giao dịch bảo đảm do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 01/BTP-ĐMDN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/01/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Vũ Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản