CÔNG ƯỚC
VỀ NÔ LỆ, 1926
(Được Hội Quốc liên thông qua ngày 25/9/1926. Có hiệu lực từ ngày 9/3/1927, theo quy định tại điều 12)
Lời nói đầu
Xét rằng, các quốc gia ký Đạo luật chung của Hội nghị Brúc-xen năm 1889-1890 đã tuyên bố rằng họ đều phấn khích với dự định mạnh mẽ về xoá bỏ tình trạng buôn bán nô lệ Châu Phi,
Xét rằng, các quốc gia ký Công ước Saint-Germain-en-Laye năm 1919 sửa đổi Đạo luật chung Béc-lin năm 1885 và Đạo luật chung và tuyên bố Brúc-xen năm 1890, đã khẳng định dự định trấn áp hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức và việc buôn bán nô lệ theo đường bộ và đường biển,
Xét báo cáo của Uỷ ban về các hình thức nô lệ hiện đại mà được Hội đồng do Hội quốc liên thành lập ngày 12/6/1924 soạn thảo,
Mong muốn hoàn thành và mở rộng công tác được đề cập trong Đạo luật chung của Hội nghị Brúc-xen và tìm kiếm các biện pháp để thực hiện các dự định đó trên phạm vi toàn thế giới như đã được các quốc gia ký Công ước Saint-Germain-en-Laye bày tỏ, liên quan đến vấn đề buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ, và thừa nhận rằng, vì mục đích đó, cần ký kết những thoả thuận chi tiết hơn những nội dung được nêu trong Công ước đó,
Xét rằng, hơn nữa, cần ngăn chặn hiện tượng lao động cưỡng bức phát triển thành những tình trạng tương tự như nô lệ,
Đã quyết định ký kết Công ước, và do vậy, chỉ định các đại diện toàn quyền thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Vì mục đích của Công ước này, những định nghĩa sau đây được thống nhất:
1.Nô lệ là địa vị hay tình trạng của một người mà bất kỳ hoặc mọi quyền lực gắn liền với quyền sở hữu đều được thực hiện đối với họ.
2. Buôn bán nô lệ bao gồm mọi hành vi liên quan đến việc đoạt được, giành được hay chuyển nhượng một người với mục đích bắt họ làm nô lệ; mọi hành vi liên quan đến việc kiếm được một nô lệ để bán hay trao đổi họ; mọi hành vi chuyển nhượng thông qua việc bán hay trao đổi một nô lệ có được với mục đích đem bán hoặc trao đổi họ, và nói chung, mọi hành vi buôn bán hay vận chuyển nô lệ.
Điều 2.
Các bên ký kết mà trên mọi lãnh thổ thuộc chủ quyền, quyền tài phán, sự bảo vệ, quyền bá chủ hay sự bảo hộ của mình, chừng nào còn chưa tiến hành những biện pháp cần thiết, cam kết:
a. Ngăn chặn và trấn áp việc buôn bán nô lệ;
b. Từng bước và càng sớm càng tốt, loại bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức.
Điều 3.
Các bên ký kết cam kết thông qua mọi biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn và trấn áp việc đưa xuống tàu, cho lên bờ và vận chuyển nô lệ trong vũng lãnh hải và trên những tàu thuyền mang cờ nước mình.
Các bên ký kết cam kết đàm phán càng sớm càng tốt một Công ước chung về chống buôn bán nô lệ, trao cho họ các quyền và đặt cho họ ra những nghĩa vụ có cùng tính chất như được quy định trong Công ước ngày 17/6/1925 liên quan đến buôn bán vũ khí quốc tế (điều 12,20,21,22,23,24, và các khoản 3,4,5 Phần II Phụ lục II) với những sửa đổi cần thiết. Công ước chung này được hiểu rằng sẽ không đặt các tàu thuyền (cho dù là tàu buôn cỡ nhỏ) của bất kỳ bên ký kết nào vào vị thế khác với vị thế của các bên ký kết khác.
Cũng cần phải hiểu rằng, trước và sau khi Công ước chung này có hiệu lực, các bên ký kết hoàn toàn tự do ký kết các thỏa thuận đặc biệt với nhau nhưng không được làm tổn hại đến những nguyên tắc được nêu trong khoản trước, nếu những thỏa thuận này, với những hoàn cảnh riêng biệt của chúng, có thể thích hợp để thực hiện càng sớm càng tốt việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng buôn bán nô lệ.
Điều 4.
Các bên ký kết sẽ trao cho nhau mọi sự trợ giúp để bảo đảm xoá bỏ chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ.
Điều 5.
Các bên ký kết thừa nhận rằng,việc sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và cam kết áp dụng trên mọi vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền, quyền tài phán, sự bảo vệ, quyền bá chủ hay sự bảo hộ của mình mọi biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng lao động cưỡng bức và bắt buộc phát triển thành những tình trạng tương tự như nô lệ.
Thỏa thuận rằng:
1. Theo những điều khoản chuyển tiếp được quy định tại khoản 2 dưới đây, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc chỉ có thể được áp dụng vì những mục đích chung của xã hội.
2. Ở những vùng lãnh thổ còn tồn tại hình thức lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức vì những mục đích nằm ngoài mục đích chung của xã hội, các bên ký kết cần phải nỗ lực từng bước và càng sớm càng tốt chấm dứt tình trạng này. Chừng nào lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức như vậy còn tồn tại, hình thức lao động này phải luôn có tính chất ngoại lệ, phải luôn nhận được tiền thù lao thích đáng, và không phải liên quan đến việc di dời nhân công lao động khỏi nơi cư trú thông thường của họ.
3.Trong mọi trường hợp, trách nhiệm đối với việc sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc thuộc về các cơ quan trung ương có thẩm quyền của vùng lãnh thổ liên quan.
Điều 6.
Các bên ký kết mà luật pháp hiện hành chưa có những quy định thích đáng về việc trừng trị những vi phạm nêu trong Công ước này, và chưa có các quy định được ban hành nhằm thực hiện các mục tiêu của Công ước, cam kết thông qua những biện pháp cần thiết để áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những vi phạm như vậy.
Các bên ký kết cam kết thông báo cho nhau và cho Tổng thư ký Hội quốc liên về bất kỳ luật hoặc quy định nào mà họ ban hành nhằm áp dụng những quy định của Công ước này.
Điều 8.
Các quốc gia thành viên nhất trí rằng mọi tranh chấp phát sinh giữa họ liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước này nếu không thể được giải quyết bằng thương lượng trực tiếp, sẽ được đưa ra Toà án quốc tế thường trực phân xử. Trong trường hợp một hoặc cả hai quốc gia thành viên có tranh chấp không phải là thành viên của Nghị định thư ngày 16/12/1920 về Toà án quốc tế thường trực, thì tranh chấp sẽ được đưa ra hoặc Toà án quốc tế thường trực hoặc một toà trọng tài được thành lập phù hợp với Công ước ngày 18/10/1907 về việc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, hoặc một tòa toà trọng tài nào khác, tùy theo sự lựa chọn của các bên và phù hợp với thủ tục pháp luật của mỗi quốc gia.
Điều 9.
Tại thời điểm ký, phê chuẩn hay gia nhập, bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể tuyên bố rằng việc chấp thuận Công ước này không ràng buộc một số hay tất cả các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền, quyền tài phán, sự bảo vệ, quyền bá chủ hay sự bảo hộ của mình. Bên ký kết đó sau đó có thể thay mặt cho bất kỳ vùng lãnh thổ nào của mình gia nhập riêng rẽ hoặc liên quan tới bất kỳ quy định nào mà bất kỳ vùng lãnh thổ nào trong số đó không phải là thành viên.
Điều 10.
Trong trường hợp một bên ký kết muốn bãi ước Công ước này, việc bãi ước sẽ được thông báo bằng văn bản cho Tổng thư ký Hội quốc liên. Tổng thư ký sẽ gửi ngay bản sao thông báo bãi ước có chứng thực cho tất cả các bên ký kết khác, nêu rõ ngày Tổng thư ký nhận được thông báo đó.
Việc bãi ước sẽ chỉ có hiệu lực với quốc gia thông báo bãi ước sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký Hội quốc liên nhận được thông báo đó.
Việc bãi ước cũng có thể được thực hiện một cách riêng rẽ liên quan đến bất cứ vùng lãnh thổ nào thuộc chủ quyền quốc gia, quyền tài phán, sự bảo vệ, quyền bá chủ hay sự bảo hộ của quốc gia đó.
Điều 11.
Công ước này được làm bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, các văn bản đều có giá trị như nhau, được để ngỏ cho các quốc gia thành viên của Hội quốc liên kí cho đến ngày 01/4/1927.
Điều 12.
Công ước này phải được phê chuẩn và các văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu tại Văn phòng của Tổng thư ký Hội quốc liên. Tổng thư ký sẽ thông báo cho tất cả các bên ký kết về việc lưu chiểu đó.
Công ước này sẽ có hiệu lực đối với mỗi quốc gia kể từ ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập của quốc gia đó được nộp lưu chiểu.
Làm tại Giơ-ne-vơ ngày 25/9/1926 và sẽ được nộp lưu chiểu trong Kho lưu trữ của Hội quốc liên. Bản sao có chứng thực sẽ được chuyển cho mỗi quốc gia ký Công ước.
Công ước về nô lệ, 1926
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 25/09/1926
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/03/1927
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực