Hệ thống pháp luật

CÔNG ƯỚC

THỐNG NHẤT VỀ CÁC CHẤT MA TÚY NĂM 1961

Đã sửa đổi theo Nghị định thư 1972

sửa đổi Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961

PHẦN MỞ ĐẦU

Các bên,

Quan tâm đến sức khỏe và phúc lợi của nhân loại,

Thừa nhận rằng việc dùng các chất ma túy trong y học để giảm đau là điều không thể thiếu được và cần có những điều khoản thích hợp để bảo đảm về việc sử dụng các chất ma túy cho mục đích trên.

Thừa nhận rằng việc nghiện các chất ma túy là một tệ nạn nghiêm trọng đối với cá nhân và là mối nguy hiểm về xã hội và kinh tế cho nhân loại.

Ý thức được nhiệm vụ phải ngăn chặn và đấu tranh chống tệ nạn này.

Xét rằng các biện pháp hữu hiệu chống lạm dụng các chất ma túy đòi hỏi phải hành động phối hợp và toàn cầu.

Hiểu rằng hành động toàn cầu như vậy đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế được chỉ đạo theo những nguyên tắc chung và hướng về những mục tiêu chung.

Thừa nhận thẩm quyền của Liên hợp quốc trong lĩnh vực kiểm soát ma túy và mong muốn rằng các tổ chức quốc tế hữu quan sẽ hoạt động trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.

Với lòng mong muốn kí một Công ước Quốc tế được chấp nhận rộng rãi để thay thế những Điều ước hiện hành về các chất ma túy, giới hạn việc sử dụng các chất ma túy vào mục đích y học và khoa học, tạo điều kiện cho sự hợp tác và kiểm soát quốc tế một cách liên tục nhằm đạt những mục tiêu và mục đích đó.

Đã thỏa thuận như sau[1]

Điều 1. Các định nghĩa

1. Trừ những trường hợp trong quy định có nghĩa khác hoặc nội dung điều văn yêu cầu khác những định nghĩa sau đây được áp dụng trong toàn bộ Công ước

a) “Ban” nghĩa là Ban kiểm soát ma túy quốc tế;

b) “Cần sa” là phần ngọn mang hoa hay quả của cây cần sa (trừ hạt và lá khi không kèm với phần ngọn) mà nhựa chưa được chiết xuất ra, với bất kì tên gọi nào mà nó được gọi;

c) “Cây cần sa” là các loại cây thuộc chi Cannabis;

d) “Nhựa cần sa” là nhựa được tách ra ở dạng thô hoặc đã tinh chế từ cây cần sa;

e) “Cây bụi coca” là cây thuộc bất kì loại nào thuộc chi Erythroxylon;

f) “Lá coca” là lá của cây bụi coca trừ lá đã dùng để triết xuất ecgonin, cocain hay bất kỳ chất alkaloid nhân ecgonon nào;

g) “Ủy ban” nghĩa là Ủy ban về các chất ma túy của Hội đồng;

h) “Hội đồng” nghĩa là Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc;

i) “Trồng trọt” nghĩa là việc trồng cây anh túc, bụi côca hay cây cần sa;

j) “Ma túy” nghĩa là bất kỳ chất liệu nào trong bảng I và II, dù dưới dạng tự nhiên hay tổng hợp;

k) “Đại hội đồng” nghĩa là Đại hội đồng Liên hợp quốc;

l) “Buôn bán bất hợp pháp” nghĩa là việc trồng hay buôn bán ma túy trái với các quy định của Công ước này;

m) “Nhập khẩu” hay “xuất khẩu” theo nghĩa từng trù là việc vận chuyển ma túy từ quốc gia này sang quốc gia khác hay từ vùng này qua vùng khác trong cùng một quốc gia;

n) “Điều chế” nghĩa là tất cả các quy trình ngoài việc sản xuất, qua đó tạo ra các chất ma túy và bao gồm việc tinh chế, cũng như việc chuyển hóa từ loại ma túy này sang loại ma túy khác;

o) “Thuốc phiện dược dụng” là loại thuốc phiện đã qua các quy trình điều chế cần thiết để phù hợp với việc sử dụng trong y tế;

p) “Thuốc phiện” là nhựa cô đặc của cây anh túc;

q) “Cây thuốc phiện” là loại cây thuộc loại Papaver somniferum L;

r) “Thân, cành anh túc” là các phần của cây thuốc phiện “trừ hạt” sau khi cắt khỏi gốc;

s) “Chế phẩm” nghĩa là hỗn hợp dưới dạng rắn hay lỏng, có chứa chất ma túy;

t) “Sản xuất” là việc tách riêng thuốc phiện, lá côca, cần sa, nhựa cần sa khỏi các cây có chứa các chất đó;

u) “Bảng I”, “Bảng II”, “Bảng III”, “Bảng IV”, là các danh mục được đánh số tương ứng các chất ma túy hay các chất phẩm nằm trong phần phụ lục của Công ước này và thường được sửa đổi theo Điều 3;

v) “Tổng thư kí” có nghĩa là Tổng thư kí Liên hợp quốc;

w) “Kho dự trữ đặc biệt” nghĩa là số ma túy do Chính phủ một nước hay vùng lãnh thổ chủ trương cất giữ cho những mục đích đặc biệt của Chính phủ và để đáp ứng yêu cầu khi gặp những hoàn cảnh đặc biệt ngoại tệ và cụm từ “mục đích đặc biệt” được hiểu theo nghĩa tương ứng;

x) “Kho dự trữ” nghĩa là số ma túy được cất giữ ở trong một nước hay vùng lãnh thổ để:

i) Tiêu thụ trong nước hay vùng lãnh thổ cho những mục đích y học và khoa học, hoặc

ii) Sử dụng trong nước hay vùng lãnh thổ để sản xuất các loại thuốc hay những chất khác, hoặc

iii) Xuất khẩu nhưng không bao gồm số ma túy được cất giữ trong nước hay vùng lãnh thổ,

iv) Cho các dược sỹ bán lẻ hay các đại lý được phép bán lẻ hay các tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện để được phép hành nghề điều trị hay hoạt động khác, hoặc

v) Cất giữ tại “những kho dự trữ đặc biệt”;

y) “Lãnh thổ” là bất kì một phần nào của một quốc gia được coi như một thực thể riêng rẽ để áp dụng chế độ giấy chứng nhận nhập khẩu và giấy phép xuất khẩu như quy định trong Điều 31. Định nghĩa này không áp dụng cho khái niệm “lãnh thổ” được sử dụng trong các Điều 42 và 46.

2. Một lượng chất ma túy coi là “được tiêu dùng” phù hợp với các mục đích của Công ước này, khi nó được cung cấp cho bất kì cá nhân hay doanh nghiệp nào để phân phối lẻ, sử dụng trong y học hay nghiên cứu khoa học và từ “tiêu dùng” được hiểu theo nghĩa đó.

Điều 2: Các chất bị kiểm soát

1. Trừ những biện pháp kiểm soát chỉ giới hạn cho những chất ma túy được nói rõ, các chất ma túy trong Bảng I phải chịu mọi biện pháp kiểm soát áp dụng với các chất ma túy trong Công ước này và đặc biệt là những biện pháp quy định tại Điều 4 (c), 19, 20, 21, 29,30, 31, 32, 33, 34 và 37.

2. Các chất ma túy trong Bảng II phải chịu những biện pháp kiểm soát như các chất trong Bảng I, trừ những biện pháp được quy định tại các khoản 2 và 5 Điều 30 đối với buôn bán lẻ.

3. Những chế phẩm ngoài chế phẩm trong Bảng III phải chịu những biện pháp kiểm soát những chất ma túy mà chế phẩm có chứa đựng, nhưng không đòi hỏi phải có sự ước tính nhu cầu (Điều 1) và số liệu thống kê (Điều 2) đối với các chế phẩm này đồng thời không áp dụng các khoản 2(c) Điều 29 và khoản 1 (b) (ii) Điều 30.

4. Những chế phẩm trong Bảng III phải chịu các biện pháp kiểm soát như những chế phẩm chứa các chất ma túy trong Bảng II từ khoản 1 (b) và các khoản từ 3 đến 15 Điều 31 và Điều 34 (b) đối với việc tiếp nhận và phân phối nhỏ lẻ những chất đó để ước tính nhu cầu (Điều 19) và số liệu thống kê (Điều 2) thì chỉ cần có thông tin về số lượng các chất ma túy được dùng trong điều chế những chế phẩm đó.

5. Các chất ma túy trong bảng IV cũng được liệt kê trong Bảng I và cũng phải chịu tất cả các biện pháp kiểm soát áp dụng đối với các chất ma túy trong Bảng I và ngoài ra:

a) Mỗi bên thực hiện mọi biện pháp kiểm soát đặc biệt mà họ cho là cần thiết do tính chất nguy hiểm đặc biệt của chất ma túy đó; và

b) Nếu một bên cho rằng điều kiện hiện tại trong nước họ là rất thuận lợi cho việc bảo vệ sức khỏe và phúc lợi cộng đồng thì cấm việc sản xuất, điều chế, xuất và nhập, buôn bán, chiếm hữu hay sử dụng bất kỳ một loại chất ma túy nào, trừ số lượng có thể cần thiết dành riêng cho nghiên cứu y học và khoa học, bao gồm cả những thí nghiệm lâm sàng được thực hiện dưới sự giám sát và kiểm tra trực tiếp của bên đó.

6. Ngoài những biện pháp kiểm soát áp dụng đối với tất cả các chất ma túy trong Bảng I, thuốc phiện phải tuân theo các quy định tại điểm (f) khoản I, Điều 19, và các Điều 21 bis, 23 và 24; lá côca phải tuân theo quy định của các Điều 26 và 27 và cần sa phải tuân theo quy định tại Điều 28.

7. Cây anh túc, cây bụi coca, cây cần sa, thân, cành anh túc và lá cần sa phải chịu các biện pháp kiểm soát được quy định tại điểm (e) Khoản 1, Điều 19, điểm (g) khoản 1, Điều 20, Điều 21 bis và Điều từ 22 đến 24; 22, 26 và 27; 22 và 28; 25 và 28 một cách tương ứng.

8. Các Bên cố gắng hết sức áp dụng những biện pháp giám sát có thể thực hiện được đối với những chất không được Công ước này điều chỉnh nhưng có thể được sử dụng trong điều chế bất hợp pháp các chất ma túy.

9. Các Bên không buộc phải áp dụng các quy định của Công ước này đối với những chất ma túy dùng thông dụng trong công nghiệp ngoài những mục đích y học và khoa học, với điều kiện là:

a) Các Bên phải bảo đảm bằng các biện pháp an toàn hoặc các biện pháp khác để các chất ma túy được sử dụng không bị lạm dụng hoặc gây những hậu quả xấu (khoản 3 Điều 3) và trong thực tế các chất gây độc hại không thể thu hồi được; và

b) Các Bên sẽ đưa số lượng mỗi loại ma túy đã được sử dụng như vậy vào bản thông tin thống kê (Điều 20) do họ cung cấp.

Điều 3. Những thay đổi trong phạm vi kiểm soát

1. Khi một Bên hay Tổ chức Y tế thế giới có thông tin mà theo họ có thể cần sửa đổi một trong các Bảng thì họ sẽ thông báo cho Tổng thư ký và cung cấp thông tin hỗ trợ cho thông báo đó tới Tổng thư ký.

2. Tổng thư ký chuyển thông báo đó và bất kì thông tin nào mà Tổng thư ký cho là liên quan tới các Bên, tới Ủy ban, và tới Tổ chức Y tế thế giới nếu thông báo do một Bên đưa ra.

3. Khi có một thông báo liên quan tới một chất chưa có trong Bảng I hoặc Bảng II,

i) Theo thông tin có được, các Bên xem xét khả năng áp dụng tạm thời đối với chất đó tất cả những biện pháp kiểm soát được áp dụng đối với các chất ma túy trong bảng I;

ii) Trong lúc chờ đợi có một quyết định như quy định tại điểm (iii) của đoạn này, ủy ban có thể quyết định để các Bên áp dụng tạm thời đối với chất đó tất cả các biện pháp kiểm soát được áp dụng cho các chất ma túy trong Bảng I. Các Bên tạm thời áp dụng những biện pháp đó đối với chất đang xem xét.

iii) Nếu Tổ chức y tế thế giới phát hiện chất liệu đó có thể bị lạm dụng tương tự và có thể gây ra những hậu quả xấu tương tự như các chất ma túy trong Bảng I hoặc Bảng II hay có thể chế biến thành một chất ma túy thì sẽ thông báo về phát hiện đó cho Ủy ban và theo kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Ủy ban này có thể quyết định chất đó được bổ sung vào Bảng I hoặc Bảng II.

4. Nếu Tổ chức Y tế thế giới phát hiện một chế phẩm chứa những chất không thể bị lạm dụng và không thể gây những hậu quả xấu (Khoản 3) và không thể thu hồi dễ dàng chất ma túy chứa trong đó thì Ủy ban theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, có thể bổ sung chế phẩm đó vào Bảng III.

5. Nếu tổ chức Y tế thế giới phát hiện một chất ma túy trong Bảng I đặc biệt dễ bị lạm dụng và gây ra những hậu quả xấu (Khoản 3) và khả năng bị lạm dụng đó không tương xứng với lợi ích trong điều trị mà các chất ma túy có được nằm ngoài Bảng IV, Ủy ban có thể theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới chuyển chất đó vào Bảng IV.

6. Khi có thông báo liên quan đến việc một chất ma túy trong Bảng I hoặc Bảng II hoặc một chế phẩm trong bảng III thì Ủy ban ngoài biện pháp đã được quy định trong Khoản 5, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới có thể sửa đổi các Bảng bằng cách:

a) Chuyển một chất ma túy từ Bảng I sang Bảng II hoặc từ Bảng II sang Bảng I; hoặc

b) Bỏ một chất ma túy hoặc một chế phẩm tùy theo từng trường hợp ra khỏi một Bảng.

7. Bất cứ quyết định nào của Ủy ban theo quy định tại Điều này phải được Tổng thư ký thông báo cho tất cả các Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, cho các Bên của Công ước không phải là Quốc gia thành viên Liên hợp quốc cho Tổ chức Y tế thế giới và cho Ban. Quyết định đó sẽ có hiệu lực đối với các Bên sẽ thực hiện các biện pháp mà Công ước này yêu cầu.

8. a) Các quyết định của Ủy ban sửa đổi bất cứ Bảng nào cũng sẽ được Hội đồng xem xét lại trên cơ sở yêu cầu của bất kỳ Bên nào trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Bên đó nhận được thông báo về quyết định. Yêu cầu xem xét lại quyết định được gửi tới Tổng thư ký cùng với tất cả các thông tin liên quan là cơ sở của việc yêu cầu xem xét lại.

b) Tổng thư ký chuyển các bản sao bản yêu cầu xem xét lại và thông tin liên quan tới Ủy ban, tới Tổ chức Y tế thế giới và các Bên, đề nghị họ cho biết ý kiến trong vòng 90 ngày. Tất cả các ý kiến nhận được, được trình lên Hội đồng Kinh tế - xã hội để xem xét, quyết định.

c) Hội đồng có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định của Ủy ban và quyết định này của Hội đồng là quyết định cuối cùng. Thông báo về quyết định của Hội đồng được chuyển cho tất cả các Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, cho các Bên của Công ước không phải là Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, cho Ủy ban, cho Tổ chức Y tế thế giới và cho Ban.

d) Trong khi chờ đợi việc xem xét lại, quyết định ban đầu của Ủy ban vẫn có hiệu lực.

9. Quyết định của Ủy ban phù hợp với điều này không phải tuân theo thủ tục xem xét lại quy định tại Điều 7.

Điều 4. Các nghĩa vụ chung

Các Bên áp dụng các biện pháp lập pháp và hành chính cần thiết để:

a) Làm cho các quy định của Công ước này có hiệu lực và thực hiện các quy định đó trong phạm vi lãnh thổ của mình;

b) Hợp tác với các quốc gia khác trong việc thực hiện các quy định của Công ước này; và

c) Tuân theo những quy định của Công ước này riêng với mục đích y học và khoa học giới hạn việc sản xuất, điều chế, xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, buôn bán, sử dụng và sở hữu các chất ma túy vào việc chỉ giành riêng cho các mục đích y tế và khoa học.

Điều 5. Các tổ chức kiểm soát quốc tế

Thừa nhận thẩm quyền kiểm soát quốc tế của Liên hợp quốc đối với các loại ma túy, các Bên tán thành giao cho Ủy ban về các chất ma túy của Hội đồng kinh tế - xã hội và Ban kiểm soát các chất ma túy những chức năng tương ứng đã quy định trong Công ước này.

Điều 6. Chi phí của các tổ chức kiểm soát quốc tế

Chi phí của Ủy ban và của Ban do Liên hợp quốc đài thọ theo quy định của Đại hội đồng, các Bên không phải là thành viên của Liên hợp quốc sẽ đóng góp vào những chi phí này với mức mà Đại hội đồng thấy là công bằng và mức này có thể được định lại sau khi tham khảo ý kiến Chính phủ của các Bên.

Điều 7. Việc xem xét các quyết định và khuyến nghị của Ủy ban

Trừ các quyết định theo Điều 3, mỗi quyết định và khuyến nghị được Ủy ban thông qua theo các quy định của Công ước này phải được Hội đồng hay Đại hội đồng thông qua hoặc sửa đổi như đối với những quyết định và khuyến nghị khác của Ủy ban.

Điều 8. Chức năng của Ủy ban

Ủy ban có thẩm quyền xem xét tất cả mọi vấn đề liên quan tới mục tiêu của Công ước này và đặc biệt:

a) Sửa đổi các Bảng phù hợp với Điều 3;

b) Lưu ý Ban về bất kỳ vấn đề nào có thể liên quan tới chức năng của Ban;

c) Đưa ra các khuyến nghị để thực hiện các mục tiêu và các quy định của Công ước này, bao gồm cả Chương trình nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật; và

d) Lưu ý các quốc gia và lãnh thổ chưa là các Bên của Công ước về những quyết định và những khuyến nghị đã được Ủy ban thông qua theo Công ước này để họ xem xét việc tiến hành các biện pháp phù hợp.

Điều 9. Thành phần và chức năng của Ban

1. Ban gồm mười ba thành viên do Hội đồng bầu ra như sau:

a) Ba thành viên có kinh nghiệm về y học, dược lý hoặc dược học trong một danh sách gồm ít nhất năm người do Tổ chức y tế thế giới đề cử; và

b) Mười thành viên trong một danh sách những người do các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các Bên không phải là thành viên Liên hợp quốc đề cử.

2. Thành viên của Ban là những người được tất cả công chúng tin cậy do năng lực, tính công minh và tính vô tư của họ. Trong nhiệm kỳ, các thành viên Ban không giữ bất kỳ một chức vụ nào hay tham gia bất kỳ hoạt động nào có thể làm ảnh hưởng đến tính công minh của họ khi thi hành chức năng của mình. Sau khi tham khảo ý kiến của Ban, Hội đồng tiến hành tất cả những hoạt động cần thiết để đảm bảo sự độc lập hoàn toàn về chuyên môn của Ban trong việc thực hiện các chức năng của mình.

3. Hội đồng trên cơ sở chú ý thích đáng đến nguyên tắc quyền đại diện bình đẳng về mặt địa lý mà xét tầm quan trọng của việc đưa vào Ban, với tỷ lệ công bằng, những người có sự hiểu biết tình hình về ma túy trong những nước sản xuất, điều chế và tiêu thụ ma túy và liên quan với các nước đó.

4. Ban trong quan hệ hợp tác với Chính phủ và tuân thủ các quy định của Công ước này sẽ cố gắng hạn chế việc trồng, sản xuất, điều chế và sử dụng ma túy ở số lượng cần thiết cho mục đích y học và khoa học, đảm bảo đáp ứng đủ cho những mục đích ấy và ngăn ngừa việc trồng, sản xuất, điều chế, buôn bán và sử dụng bất hợp pháp các chất ma túy.

5. Mọi biện pháp cho Ban thực hiện theo Công ước này là những biện pháp phù hợp nhất với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa các Chính phủ và Ban nhằm trợ giúp và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quốc gia có hiệu quả nhằm đạt các mục tiêu của Công ước này.

Điều 10. Nhiệm kỳ và tiền thù lao của các thành viên Ban

1. Các thành viên Ban có nhiệm kỳ làm việc 5 năm và có thể được bầu lại.

2. Nhiệm kỳ của mỗi thành viên Ban sẽ kết thúc vào thời gian trước cuộc họp đầu tiên của Ban, trong cuộc họp đó người kế nhiệm sẽ được tham dự.

3. Mỗi thành viên của Ban không dự ba cuộc họp liên tiếp sẽ bị coi là đã từ chức.

4. Hội đồng trên cơ sở khuyến nghị của Ban, có thể bãi miễn một thành viên Ban không còn đáp ứng đủ những điều kiện đối với thành viên quy định tại khoản 2 Điều 9. Khuyến nghị này phải được bỏ phiếu tán thành của chín thành viên Ban.

5. Trong nhiệm kỳ nếu có chỗ trống do thiếu một thành viên Ban, Hội đồng sẽ tìm người bổ sung kịp thời phù hợp với những quy định tương ứng của Điều 9, bằng cách bầu một người khác vào Ban trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

6. Các thành viên Ban nhận một khoản thù lao thích hợp do Đại hội đồng ấn định

Điều 11. Quy tắc về thủ tục của Ban

1. Ban bầu Chủ tịch Ban, những viên chức cần thiết khác và thông qua các quy tắc thủ tục của Ban.

2. Nếu thấy cần thiết, Ban tổ chức họp để thực thi chức năng của Ban nhưng ít nhất phải có 2 cuộc họp mỗi năm.

3. Đa số cần thiết phải có mặt trong các cuộc họp của Ban phải là tám thành viên.

Điều 12. Quản lý chế độ ước tính nhu cầu

1. Ban ấn định thời hạn hoặc các thời hạn và thể thức mà theo đó số ước tính nhu cầu theo quy định tại Điều 19 được đệ trình và lập những biểu mẫu cho việc này.

2. Đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ mà Công ước này không áp dụng, Ban sẽ yêu cầu các Chính phủ hữu quan đệ trình số ước tính nhu cầu theo các quy định của Công ước này.

3. Đến thời hạn quy định, nếu bất kỳ Quốc gia nào không cung cấp các số ước tính nhu cầu của bất kỳ vùng lãnh thổ nào của họ, Ban sẽ lập ra những số ước tính đó với khả năng của mình. Khi lập số ước tính, Ban sẽ mở rộng hoạt động thực tế để làm việc này trong quan hệ phối hợp vói Chính phủ hữu quan.

4. Ban xem xét số ước tính nhu cầu bao gồm cả số ước tính bổ sung trừ trường hợp đối với các nhu cầu cho mục đích đặc biệt, nếu thấy cần thiết Ban có thể yêu cầu bất kỳ một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đại diện đã trình số ước tính nhu cầu cung cấp những thông tin nhằm hoàn chỉnh số ước tính nhu cầu hoặc để giải thích bất kỳ vấn đề nào nêu trong bản ước tính đó.

5. Để giới hạn việc sử dụng và phân phối ma túy với số lượng thích hợp vào mục đích y học và khoa học và để bảo đảm đáp ứng cho những mục đích đó, Ban sẽ xác nhận trong thời hạn nhanh nhất số ước tính nhu cầu kể cả số ước tính bổ sung, hoặc với sự chấp thuận của Chính phủ hữu quan có thể sửa đổi số ước tính đó. Trong trường hơp có sự bất đồng giữa Chính phủ và Ban, Ban có quyền lập ra, thông báo và công bố số ước tính nhu cầu do Ban lập ra kể cả các con số ước tính bổ sung.

6. Ngoài các báo cáo nói trong Điều 15, Ban công bố thông tin về những con số ước tính mà Ban cho là thuận lợi cho việc thực hiện Công ước này, vào các thời điểm do Ban quyết định, nhưng ít nhất mỗi năm một lần.

Điều 13. Quản lý chế độ báo cáo thống kê

1. Ban xác định trình tự và thể thức trình báo cáo thống kê theo quy định của Điều 20 và lập các biểu mẫu cho việc này.

2. Ban xem xét các báo cáo thống kê để xác định xem một bên hay bất kỳ quốc gia nào có tuân theo các quy định của Công ước này hay không.

3. Nếu thấy là cần thiết, Ban có thể yêu cầu cung cấp thêm thông tin để hoàn chỉnh hoặc giải thích thông tin trong các báo cáo thống kê được gửi đến.

4. Ban không có quyền chất vấn hoặc bày tỏ quan điểm đối với thông tin thống kê về các loại ma túy cần thiết cho các mục đích đặc biệt.

Điều 14. Các biện pháp của Ban để bảo đảm thực hiện các quy định của Công ước

1. a) Trên cơ sở xem xét thông tin do các Chính phủ cung cấp cho Ban theo quy định của Công ước này, hoặc thông tin do các Tổ chức của Liên hợp quốc hay các tổ chức chuyên trách cung cấp và thông tin đó đươc Ủy ban tán thành theo khuyến nghị của Ban, cũng như được các Tổ chức liên Chính phủ hay các tổ chức phi Chính phủ có thẩm quyền trực tiếp đối với vấn đề này tán thành và đã được ghi trong quy chế tư vấn đối với Hội đồng kinh tế - xã hội theo Điều 71 Hiến chương Liên hợp quốc hoặc có một quy chế tương tự bằng thỏa thuận đặc biệt của Hội đồng, nếu Ban có những lý do khách quan để tin rằng những mục tiêu của Công ước này đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc bất kỳ Bên nào, quốc gia nào hoặc vùng lãnh thổ nào thì không thực hiện các quy định của Công ước này thì Ban có quyền đề nghị Chính phủ hữu quan tiến hành trao đổi ý kiến hoặc yêu cầu họ giải thích. Nếu một Bên hoặc một quốc gia hay một vùng lãnh thổ nào đó đang thực hiện Công ước này mà đã trở thành hoặc có bằng chứng về nguy cơ trở thành một trung tâm quan trọng về trồng, sản xuất, điều chế, buôn bán hoặc tiêu thụ bất hợp pháp các chất ma túy thì Ban có quyền đề nghị Chính phủ hữu quan trao đổi ý kiến. Theo quyền hạn, Ban lưu ý các Bên, Hội đồng và Ủy an về vấn đề được đề cập trong điểm (d) dưới đây và Ban giữ kín yêu cầu về cung cấp thông tin và giải thích của một Chính phủ hoặc đề nghị trao đổi ý kiến và những cuộc trao đổi ý kiến được tiến hành với một Chính phủ theo điểm này.

b) Sau khi tiến hành các biện pháp theo điểm (a) ở trên, nếu thấy cần phải làm như vậy thì Ban có thể kêu gọi Chính phủ hữu quan thực hiện những biện pháp khắc phục thích hợp với hoàn cảnh để thực hiện các quy định của Công ước này.

c) Nếu cho rằng các biện pháp như vậy là cần thiết cho việc đánh giá vấn đề được nêu trong điểm (a) của khoản này thì Ban có thể đề nghị Chính phủ hữu quan tiến hành nghiên cứu vấn đề đó trong lãnh thổ của mình bằng các biện pháp mà Chính phủ đó thấy là thích hợp. Nếu Chính phủ hữu quan quyết định tiến hành việc nghiên cứu này, họ có thể yêu cầu Ban cử một chuyên gia với thẩm quyền cần thiết để giúp các quan chức của Chính phủ đảm trách việc nghiên cứu đó. Một hay những người mà Ban dự định cử để giúp phải được Chính phủ hữu quan chấp nhận. Thể thức nghiên cứu và thời hạn hoàn thành việc nghiên cứu do Chính phủ và Ban thỏa thuận quyết định. Chính phủ sẽ thông báo cho Ban kết quả nghiên cứu và cho biết các biện pháp khắc phục mà họ thấy là cần thiết phải áp dụng.

d) Nếu Ban thấy Chính phủ hữu quan không đưa ra được những giải thích thỏa đáng khi được yêu cầu theo điểm (a) hoặc không áp dụng bất kì biện pháp khắc phục nào theo yêu cầu của điểm (b) hoặc khi có tình hình nghiêm trọng cần có sự hợp tác ở mức quốc tế để chấn chỉnh tình hình, Ban có thể lưu ý các Bên, Hội đồng và Ủy ban về vấn đề trên, Ban sẽ hành động như vậy nếu những mục tiêu của Công ước bị đe dọa nghiêm trọng và nếu Ban không thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng bằng cách khác, Ban cũng sẽ hành động như vậy nếu Ban thấy tính nghiêm trọng cần có sự hợp tác ở cấp quốc tế để chấn chỉnh tình hình và thấy rằng việc thông báo cho các Bên, cho Hội đồng và Ủy ban để xem xét tình hình là phương pháp thích hợp nhất để tạo điều kiện cho sự hợp tác đó; sau khi xem xét các báo cáo của Ban và Ủy ban (nếu có) về vấn đề này, Hội đồng có thể lưu ý Đại hội đồng về vấn đề trên.

2. Khi lưu ý các Bên, Hội đồng và Ủy ban về một vấn đề theo Khoản 1 (d) ở trên, nếu Ban thấy tiến trình này là cần thiết, thì có thể khuyến nghị các Bên chấm dứt việc nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cả xuất khẩu và nhập khẩu ma túy từ hoặc tới các nước và lãnh thổ hữu quan trong một thời gian nhất định hoặc tới khi Ban chấp nhận tình hình trong nước hay vùng lãnh thổ đó. Quốc gia hữu quan có thể đưa vấn đề này ra trước Hội đồng.

3. Ban có quyền công bố báo cáo về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các quy định của Điều này và trình báo cáo đó cho Hội đồng; Hội đồng sẽ chuyển tới các Bên. Nếu Ban công bố trong báo cáo đó một quyết định theo Điều này thì Ban cũng phải công bố các quan điểm của Chính phủ hữu quan, nếu Chính phủ đó yêu cầu.

4. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu không có sự nhất trí về một quyết định của Ban được công bố theo Điều này thì quan điểm của thiểu số phải được nêu lên.

5. Các quốc gia có thể được mời dự cuộc họp của Ban mà tại đó những vấn đề liên quan đến quốc gia đó được xem xét theo Điều này.

6. Các quyết định của Ban theo Điều này phải được thông qua với đa số 2/3 của toàn bộ số thành viên của Ban.

Điều 14. Trợ giúp kỹ thuật và tài chính

Trong trường hợp Ban cho là thích hợp hoặc là để bổ sung, thay thế những biện pháp đề ra trong khoản 1 và 2, Điều 14, với sự đồng ý của Chính phủ hữu quan, Ban có thể khuyến nghị với các tổ chức chuyên môn để cung cấp trợ giúp kỹ thuật hay tài chính, hoặc cả hai cho Chính phủ để hỗ trợ những cố gắng nhằm thực hiện nghĩa vụ của họ theo Công ước này, bao gồm cả những biện pháp nêu trong các Điều 2, 35, 89 và 38bis.

Điều 15. Báo cáo của Ban

Ban chuẩn bị báo cáo hàng năm về công tác của Ban và những báo cáo bổ sung nếu thấy cần thiết, trong đó phân tích số ước tính nhu cầu và thông tin thống kê, đồng thời trong trường hợp thích hợp có một bản tường trình về những giải thích, nếu có, do các Chính phủ đưa ra hoặc được yêu cầu đưa ra, cùng với bất kỳ nhận xét và khuyến nghị nào mà Ban muốn. Các báo cáo này được trình lên Hội đồng thông qua Ủy ban; Ủy ban có thể có những nhận xét cần thiết.

Các báo cáo đó gửi đến các Bên và sau đó được Tổng thư ký công bố. Các bên cho phép phát hành không hạn chế các báo cáo đó.

Điều 16. Ban thư ký

Phục vụ hoạt động thư ký của Ủy ban và Ban do Tổng thư ký cung cấp. Đặc biệt, thư ký của Ban do Tổng thư ký chỉ định sau khi tham khảo ý kiến của Ban.

Điều 17. Quản lý đặc biệt

Các bên duy trì một chế độ quản lý đặc biệt nhằm áp dụng các quy định của Công ước này.

Điều 18. Thông tin do các bên cung cấp cho Tổng thư ký

1. Các Bên cung cấp cho Tổng thư ký các thông tin mà Ủy ban có thể yêu cầu là cần thiết cho việc thực hiện chức năng của Ủy ban, cụ thể là:

a) Một báo cáo hằng năm về việc thực hiện Công ước này trong mỗi vùng lãnh thổ của mình;

b) Tất cả các văn bản luật và các quy chế đã được ban hành để thực hiện Công ước này có hiệu lực.

c) Những quy định cụ thể mà Ủy ban quyết định đối với các trường hợp buôn bán bất hợp pháp, bao gồm những nội dung cụ thể về mỗi vụ buôn bán bất hợp pháp đã phát hiện có thể có ý nghĩa quan trọng vì qua đó biết được nguồn gốc ma túy bị buôn bán bất hợp pháp hoặc số lượng ma túy liên quan, hoặc phương pháp mà những kẻ buôn bán bất hợp pháp sử dụng; và

d) Tên và địa chỉ của cơ quan Chính phủ có thẩm quyền cho phép hay cấp phép xuất khẩu và nhập khẩu.

2. Các Bên cung cấp các thông tin được nêu trong khoản trên theo cách thức, thời hạn và biểu mẫu mà Ủy ban có thể yêu cầu.

Điều 19. Số ước tính nhu cầu về ma túy

1. Theo cách và biểu mẫu do Ban quy định, mỗi năm các bên sẽ cung cấp cho Ban số ước tính nhu cầu cho mỗi vùng lãnh thổ của họ theo biểu mẫu của Ban về những vấn đề sau đây:

a) Số lượng các chất ma túy được dùng cho các mục đích y học và khoa học.

b) Số lượng các chất ma túy được dùng để điều chế các chất ma túy khác, các chế phẩm trong Bảng III, và các chất không được Công ước này điều chỉnh;

c) Các kho dự trữ các chất ma túy hiện có tới ngày 31 tháng 12 của năm liên quan đến số ước tính;

d) Số lượng các chất ma túy cần bổ sung cho các kho dự trữ đặc biệt;

e) Diện tích (tính bằng Hecta) và vị trí địa lý các khu đất chuyên dụng để trồng cây anh túc.

f) Lượng thuốc phiện ước tính để sản xuất;

g) Số lượng các cơ sở công nghiệp sẽ điều chế các chất ma túy tổng hợp; và

h) Số lượng chất ma túy tổng hợp sẽ được điều chế ở mỗi cơ sở nói tại điểm (g) trên.

2. a) Căn cứ vào những khấu trừ được nêu tại Khoản 3 Điều 21, tổng số các số ước tính nhu cầu cho mỗi lãnh thổ và mỗi loại ma túy trừ thuốc phiện và các ma túy tổng hợp bao gồm tổng số các số lượng được quy định tại các điểm (a), (b) và (d) khoản 1 Điều này, cùng với bất kỳ số lượng bổ sung cần thiết để đưa số dự trữ tổng hợp thực tế tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước đó đạt tới mức ước tính như được quy định tại điểm (c) Khoản 1;

b) Căn cứ vào những khấu trừ được nêu tại khoản 3 Điều 21 về nhập khẩu và khoản 2 Điều 21 bis, tổng số các ước tính nhu cầu thuốc phiện cho mỗi vùng lãnh thổ bao gồm tổng các số lượng được tính rõ tại các điểm (a), (b) và (d) khoản 1 Điều này, cùng với bất kỳ số lượng bổ sung cần thiết để đưa số dự trữ tổng hợp thực tế tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước đó đạt tới mức ước tính như quy định tại điểm (c) Khoản 1 hoặc gồm số lượng định rõ tại điểm (f) khoản 1 Điều này, khi nó có mức cao hơn.

c) Căn cứ vào những khấu trừ được nêu tại khoản 3 Điều 21 về nhập khẩu và tại khoản 3 Điều 2, tổng các số ước tính cho từng vùng lãnh thổ về mỗi loại ma túy tổng hợp gồm tổng số lượng được định rõ tại các điểm (a), (b) và (d) khoản 1 Điều này, cùng với bất kỳ số lượng bổ sung cần thiết để đưa số dự trữ tổng hợp thực tế tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước đó đạt tới mức ước tính như được quy định tại điểm (h) Khoản 1 Điều này, khi nó có mức cao hơn.

d) Các số ước tính nhu cầu cần dược cung cấp theo các điểm trên khoản này sẽ được sửa đổi thích hợp, có xét đến số lượng bị thu giữ và sau đó được giải toả để sử dụng hợp pháp, cũng như số lượng bất kỳ lấy từ các kho dự trữ đặc biệt để đáp ứng yêu cầu dân sự.

3. Bất kỳ quốc gia nào trong năm đó cũng có thể cung cấp số ước tính bổ sung có giải thích hoàn cảnh phát sinh những ước tính như vậy.

4. Các bên thông báo cho Ban về phương pháp được sử dụng để xác định số lượng đưa ra trong các bản ước tính và những thay đổi bất kỳ trong phương pháp đó.

5. Căn cứ vào những khấu trừ được quy định tại Khoản 3 Điều 21 và xét đến số lượng phù hợp được quy định tại Điều 21bis, thì các số lượng ước tính không được vượt quá.

Điều 20. Báo cáo thống kê phải cung cấp cho Ban

1. Theo cách thức và biểu mẫu do Ban quy định, các Bên cung cấp cho Ban các báo cáo thống kê về từng vùng lãnh thổ của họ, theo biểu mẫu do Ban cung cấp về những vấn đề sau:

a) Việc sản xuất hay điều chế các chất ma tuý;

b) Việc sử dụng các chất ma tuý để điều chế các chất ma tuý khác, các chế phẩm của Bảng III và các chất không được Công ước này điều chỉnh và việc sử dụng thân, cành cây anh túc để điều chế các chất ma tuý.

c) Việc tiêu thụ các chất ma tuý;

d) Việc nhập khẩu và xuất khẩu các chất ma tuý và thân, cành cây anh túc;

e) Các vụ thu giữ chất ma tuý và việc giải quyết các chất ma tuý đó;

f) Các kho dự trữ ma tuý tính đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo thống kê;

g) Khu vực có thể xác định chắc chắn là nơi trồng cây anh túc.

2. a) Các báo cáo thống kê về những vấn đề nêu tại Khoản 1, trừ điểm (d) được chuẩn bị hàng năm và cung cấp cho Ban trước ngày 30 tháng 6 của năm tiếp theo.

b) Các báo cáo thống kê về các vấn đề nêu tại điểm (d) khoản 1 được chuẩn bị hàng quý và cung cấp cho Ban trong thời hạn 1 tháng sau khi hết quý.

3. Các Bên không phải cung cấp báo cáo thống kê về các kho dự trữ đặc biệt, nhưng phải cung cấp báo cáo thống kê riêng rẽ về các chất ma tuý nhập khẩu hoặc có được trong phạm vi nước hay vùng lãnh thổ đó cho các mục đích đặc biệt, cũng như số lượng ma tuý lấy ra từ các kho dự trữ đặc biệt để đáp ứng yêu cầu dân sự.

Điều 21. Hạn chế việc điều chế và nhập khẩu

1. Tổng số lượng mỗi loại chất ma tuý được điều chế và nhập khẩu của mỗi nước hay vùng lãnh thổ trong một năm bất kỳ không được vượt qua số lượng sau:

a) Số lượng ma tuý được tiêu thụ cho mục đích y học và khoa học trong giới hạn của số ước tính liên quan;

b) Số lượng ma tuý được sử dụng để điều chế các chất ma tuý khác hay các chế phẩm của Bảng III, và các chất không được Công ước này điều chỉnh trong giới hạn của số ước tính liên quan;

c) Số lượng ma tuý xuất khẩu;

d) Số lượng ma tuý bổ sung vào kho dự trữ để đưa số dự trữ đạt mức quy định trong số ước tính liên quan; và

e) Số lượng ma tuý được giành cho các mục đích đặc biệt trong giới hạn ước tính liên quan.

2. Từ tổng các số lượng nêu tại khoản 1 sẽ trừ đi số lượng thu giữ và giải toả cho việc sử dụng hợp pháp cũng như số lượng bất kỳ được lấy ra từ kho dự trữ đặc biệt phục vụ cho yêu cầu dân sự.

3. Nếu Ban nhận thấy rằng số lượng ma tuý được điều chế và nhập khẩu trong bất kỳ năm nào vượt quá tổng số của các số lượng xác định tại Khoản 1, sau khi được khấu trừ theo Khoản 2 Điều này, thì bất kỳ lượng vượt quá nào được hình thành và tồn tại đến cuối năm, sẽ bị khấu trừ trong năm tiếp theo vào số lượng sẽ được phép điều chế hay nhập khẩu và vào tổng các số ước tính nhu cầu được xác định tại Khoản 2 Điều 19.

4. a) Nếu qua báo cáo thống kê về số lượng xuất khẩu và nhập khẩu (Điều 20) mà thấy số lượng xuất khẩu tới bất kỳ nước hoặc vùng lãnh thổ nào vượt quá tổng số ước tính nhu cầu cho nước hay lãnh thổ đó như quy định tại Khoản 2 Điều 19, với số lượng bổ sung đã xuất và sau khi khấu trừ vượt quá bất kỳ như quy định tại Khoản 3 Điều này, Ban có thể thông báo sự việc này cho các quốc gia mà Ban thấy cần phải được thông báo.

b) Sau khi nhận được thông báo như vậy, các bên trong năm đó sẽ không cho phép xuất thêm ma tuý cho nước hay lãnh thổ hữu quan đối với số lượng đã nhập quá mức và số lượng bổ sung cần thiết, hoặc

c) Trong trường hợp ngoại lệ theo ý kiến của Chính phủ nước xuất khẩu, việc xuất khẩu là rất thiết yếu cho điều trị bệnh.

Điều 21. Hạn chế việc sản xuất thuốc phiện

1. Việc sản xuất thuốc phiện ở bất kỳ nước hay vùng lãnh thổ nào phải được tổ chức và kiểm soát theo phương pháp bảo đảm theo khả năng để số lượng sản xuất trong mỗi năm bất kỳ không vượt qua số lượng thuốc phiện ước tính sẽ sản xuất như quy định tại Khoản 1 (f) Điều 19.

2. Trên cơ sở thông tin có được và phù hợp với các quy định của Công ước này nếu Ban phát hiện thấy một bên đã đưa ra số ước tính nhu cầu theo khoản 1 (f) Điều 19 không hạn chế số lượng thuốc phiện được sản xuất trong phạm vi biên giới của mình cho những mục đích hợp pháp phù hợp với số ước tính liên quan và thấy rằng một số lượng đáng kể thuốc phiện đã sản xuất hợp pháp hoặc bất hợp pháp trong phạm vi biên giới của bên đó đang bị đưa vào buôn bán bất hợp pháp thì Ban sau khi nghiên cứu giải thích của bên hữu quan đã được gửi tới Ban trong vòng một tháng. Sau khi nhận được thông báo về vấn đề đó Ban có thể quyết định khấu trừ toàn bộ hoặc một phần số đó từ số lượng được sản xuất và từ tổng số ước tính được xác định tại Khoản 2 (b) Điều 19 cho năm tiếp theo. Trong năm đó, việc khấu trừ có thể được hoàn thành về mặt kỹ thuật, có chiếu cố đến thời vụ trong năm và những cam kết của hoạt động xuất khẩu thuốc phiện. Quyết định này có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi bên hữu quan được thông báo về việc đó.

3. Sau khi thông báo cho bên hữu quan biết quyết định của Ban theo Khoản 2 nói trên về việc khấu trừ, Ban sẽ bàn bạc với bên đó để giải quyết tình hình một cách thích hợp.

4. Nếu tình hình không được giải quyết ổn thoả Ban có thể sử dụng các biện pháp được quy định tại Điều 14 nếu thấy thích hợp.

5. Khi đưa ra quyết định về việc khấu trừ theo Khoản 2 nói trên, Ban không chỉ xem xét tất cả những hoàn cảnh liên quan ban gồm cả hoàn cảnh làm phát sinh vấn đề buôn bán bất hợp pháp như đã đề cập tại khoản 2 nói trên, mà còn xem xét tất cả những biện pháp kiểm soát mới mà Bên đó có thể áp dụng.

Điều 22. Quy định dặc biệt áp dụng cho việc trồng trọt

1. Khi nào các điều kiện hiện hành trong nước hay ở một vùng lãnh thổ của một bên khiến cho việc cấm trồng cây anh túc, cây bụi côca, hay cây cần sa theo ý kiến họ là biện pháp thích hợp nhất để bảo vệ sức khoẻ và phúc lợi cộng đồng và ngăn chặn việc chuyển ma tuý sang buôn bán bất hợp pháp thì bên đó sẽ cấm việc trồng trọt này.

2. Bên tiến hành cấm việc trồng cây anh túc hoặc cây cần sa sẽ áp dụng những biện pháp thích hợp để thu giữ bất kỳ những cây nào được trồng trọt bất hợp pháp và tiêu huỷ chúng, trừ một số lượng nhỏ mà bên đó thấy cần thiết cho các mục đích khoa học và nghiên cứu.

Điều 23. Các cơ quan nhà nước về kiểm soát thuốc phiện

1. Nếu chưa thực hiện việc này thì bên cho phép trồng cây anh túc để sản xuất thuốc phiện thành lập và duy trì một hoặc một số cơ quan Chính phủ (sau đây trong Điều này được gọi là cơ quan) để thực hiện các chức năng cần thiết theo Điều này.

2. Mỗi bên như vậy áp dụng các quy định sau đây đối với việc trồng cây anh túc để sản xuất thuốc phiện và đối với thuốc phiện:

a) Cơ quan quy định các vùng và những khoảng đất được phép trồng cây anh túc cho mục đích sản xuất thuốc phiện;

b) Chỉ những người trồng trọt được cấp giấy phép của cơ quan trên mới có quyền trồng cây anh túc;

c) Mỗi giấy phép quy định rõ phạm vi khu đất được phép trồng trọt;

d) Tất cả những người trồng cây anh túc phải giao cho cơ quan toàn bộ số anh túc thu hoạch được; cơ quan này nhanh chóng thu mua và lưu giữ số anh túc đó trong thời gian ngắn nhất nhưng không muộn quá 4 tháng sau khi thu hoạch;

e) Đối với thuốc phiện, cơ quan sẽ độc quyền nhập, xuất khẩu bán buôn và duy trì các kho dự trữ, ngoài các kho dự trữ của các nhà điều chế các Alkaloid của thuốc phiện, thuốc phiện được dùng hoặc chế phẩm chứa thuốc phiện. Các bên không cần mở rộng độc quyền này đối với thuốc phiện được dùng và những chế phẩm chứa thuốc phiện.

3. Các chức năng của Chính phủ được nêu trong Khoản 2 do một cơ quan duy nhất của Chính phủ đảm trách nếu Hiến pháp của bên hữu quan cho phép.

Điều 24. Hạn chế việc sản xuất thuốc phiện cho thương mại quốc tế

1. a) Nếu bất kỳ bên nào chủ trương khởi xướng việc sản xuất thuốc phiện hay tăng cường việc sản xuất đang có thì phải tính đến nhu cầu hiện có của thế giới về thuốc phiện phù hợp với số lượng thuốc phiện ước tính do Ban công bố để việc sản xuất thuốc phiện của bên đó không làm cho thuốc phiện được sản xuất trên thế giới tăng quá mức;

b) Mỗi bên không cho phép sản xuất thuốc phiện hoặc tăng cường việc sản xuất thuốc phiện, nếu theo họ việc sản xuất hay tăng sản xuất đó trong lãnh thổ của họ có thể dẫn tới việc buôn bán bất hợp pháp thuốc phiện.

2. a) Theo Khoản 1 nếu một bên tính từ ngày 01 tháng 01 năm 1961 không sản xuất thuốc phiện để xuất khẩu, nay muốn xuất khẩu thuốc phiện do mình sản xuất, với số lượng không quá 5 tấn mỗi năm, bên đó phải thông báo cho Ban cùng các thông tin liên quan về:

i) Những biện pháp kiểm soát đang được thực hiện theo yêu cầu của Công ước này đối với thuốc phiện được sản xuất và xuất khẩu; và

ii) Tên của nước hay các nước mà bên đó dự định xuất khẩu thuốc phiện tới;

Ban có thể chấp nhận thông báo đó hoặc khuyến nghị với bên đó không sản xuất thuốc phiện để xuất khẩu.

b) Khi một bên không phải là bên đã nêu tại khoản 4 muốn sản xuất thuốc phiện để xuất khẩu với số lượng quá 5 tấn mỗi năm, bên đó phải thông báo cho Hội đồng và cung cấp cho Hội đồng những thông tin liên quan bao gồm:

i) Số lượng ước tính sẽ sản xuất để xuất khẩu;

ii) Các biện pháp kiểm soát đang áp dụng hoặc dự định thực hiện đối với thuốc phiện sẽ sản xuất;

iii) Tên của nước hay các nước mà bên đó dự định xuất khẩu số thuốc phiện đó tới;

Và Hội đồng chấp nhận thông báo đó hoặc có thể khuyến nghị bên đó không sản xuất thuốc phiện để xuất khẩu.

3. Mặc dù có các quy định tại các điểm (a) và (b) khoản 2, mỗi bên trong thời hạn 10 năm, ngay trước ngày 01/01/1961 đã xuất khẩu thuốc phiện do mình sản xuất thì họ có thể tiếp tục xuất khẩu thuốc phiện đó.

4. a) Mỗi bên không nhập thuốc phiện từ bất kỳ nước hay vùng lãnh thổ nào, trừ thuốc phiện được sản xuất trong lãnh thổ của :

i) Một bên được nêu tại Khoản 3;

ii) Một bên đã thông báo cho Ban như quy định tại điểm (a)khoản 2 hoặc

iii) Một bên đã được Hội đồng chấp nhận như quy định tại điểm (b) khoản 2;

b) Mặc dù có điểm (a) của khoản này, một bên có thể nhập thuốc phiện được sản xuất ở bất kỳ nước nào sản xuất và xuất khẩu thuốc phiện trong vòng 10 năm trước ngày 01/01/1961, nếu nước này đã thành lập và duy trì một tổ chức hoặc cơ quan kiểm soát quốc gia cho các mục đích được quy định tại Điều 23 và có những phương pháp hữu hiệu để đảm bảo rằng thuốc phiện do họ sản xuất không bị chuyển sang buôn bán bất hợp pháp.

5. Các quy định của Điều này không ngăn cản bất kỳ một bên nào;

a) Sản xuất thuốc phiện đủ đáp ứng các nhu cầu của mình; hoặc

b) Xuất khẩu thuốc phiện bắt giữ được từ buôn bán bất hợp pháp, cho một Bên khác phù hợp với yêu cầu của Công ước này.

Điều 25. Kiểm soát thân, cành cây anh túc

1. Một bên cho phép trồng cây anh túc ngoài mục đích sản xuất thuốc phiện sẽ áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để bảo đảm :

a) Thuốc phiện không sản xuất từ những cây anh túc đó;

b) Việc điều chế các chất ma tuý từ thân, cành cây anh túc được kiểm soát một cách thích đáng.

2. Các Bên áp dụng đối với chế độ cấp giấy phép nhập khẩu và cho phép xuất khẩu thân cành cây anh túc như quy định tại các khoản 4 đến 15 Điều 31.

3. Các bên cung cấp các thông tin thống kê về nhập khẩu, và xuất khẩu thân, cành cây anh túc như quy đỉnh đối với ma tuý theo các khoản 1 (d) và 2 (b) Điều 20.

Điều 26. Cây bụi côca và lá côca

1. Nếu một bên cho phép trồng cây bụi côca, Bên đó phải áp dụng đối với cây bụi côca và lá côca một chế độ kiểm soát như kiểm soát cây anh túc, quy định tại Điều 23, riêng đối với Khoản 2 (d) Điều này cơ quan chỉ có nghĩa vụ là thu được toàn bộ số cây côca đã thu hoạch sau khi kết thúc và thu hoạch đó.

2. Các Bên theo khả năng của mình áp dụng các biện pháp phá bỏ tất cả các bụi côca mọc hoang. Các Bên cũng phá bỏ các cây bụi côca trồng bất hợp pháp.

Điều 27. Các điều khoản bổ sung đối với lá côca

1. Các Bên có thể cho phép sử dụng lá côca để chế các hương liệu nhưng không chứa alkaloid và trong phạm vi cần thiết cho việc sử dụng, có thể cho phép sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sở hữu các lá đó.

2. Các Bên cung cấp số ước tính riêng rẽ (Điều 19) và thông tin thống kê (Điều 2) về lá côca được dùng để chế hương liệu, trừ trường hợp số lá côca đó được dùng để chiết xuất alkaloid và hương liệu, và điều này được giải thích trong các bản ước tính và thông tin thống kê.

Điều 28. Kiểm soát cây cần sa

1. Nếu một Bên cho phép trồng cây cần sa để sản xuất cần sa hay nhựa cần sa. Bên đó sẽ áp dụng chế độ kiểm soát như kiểm soát cây anh túc được quy định tại Điều 23.

2. Công ước này không áp dụng đối với việc trồng cây cần sa dành riêng cho mục đích công nghiệp (sợi và hạt) hoặc mục đích làm vườn.

3. Các Bên áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lạm dụng và buôn bán bất hợp pháp lá cần sa.

Điều 29. Việc điều chế

1. Các Bên yêu cầu việc điều chế các chất ma tuý phải có giấy phép, trừ khi việc điều chế đo do một hoặc nhiều doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

2. Các Bên:

a) Kiểm soát tất cả những cá nhân và doanh nghiệp tiến hành hoặc tham gia điều chế ma tuý;

b) Kiểm soát theo giấy phép các cơ sở và nhà xưởng nơi có thể tiến hành điều chế ma tuý;

c) Yêu cầu các nhà điều chế ma tuý có giấy phép phải xin phép định kỳ ghi rõ chủng loại và số lượng chất ma tuý mà họ được phép điều chế. Tuy nhiên, đối với chế phẩm thì không cần xin phép định kỳ.

3. Các Bên ngăn ngừa việc các nhà điều chế tích luỹ, tàng trữ số lượng ma tuý và thân cành cây anh túc vượt quá số lượng cho việc kinh doanh bình thường trong điều kiện thị trường hiện tại.

Điều 30. Buôn bán và phân phối

1. a) Các Bên yêu cầu việc buôn bán và phân phối các chất ma tuý phải có giấy phép, trừ khi việc buôn bán hay phân phối đó do một hoặc nhiều doanh nghiệp nhà nước tiến hành.

b) Các Bên:

i) Kiểm soát tất cả những cá nhân và doanh nghiệp tiến hành hoặc tham gia buôn bán hoặc phân phối các chất ma tuý;

ii) Kiểm soát theo giấy phép các cơ sở và nhà cửa nơi có thể diễn ra việc buôn bán và phân phối đó. Đối với các chế phẩm thì không yêu cầu có giấy phép.

c) Có thể không áp dụng các quy định tại các điểm (a) và (b) về giấy phép đối với những người được quyền tiến hành các chức năng điều trị bệnh hoặc nghiên cứu khoa học trong khi họ đang thực hiện các chức năng đó.

2. Các Bên còn:

a) Ngăn ngừa việc những người buôn bán, phân phối, các doanh nghiệp nhà nước hay những người được quyền trên tích luỹ, tàng trữ số lượng ma tuý và thân cành cây anh túc vượt quá số lượng yêu cầu cho việc kinh doanh bình thường, trong các điều kiện thị trường hiện tại.

b) (i) Yêu cầu phải có đơn thuốc mới cung cấp hay phân phát các chất ma tuý cho cá nhân. Yêu cầu này không áp dụng đối với các loại ma tuý cá nhân có thể có được, sử dụng, phân phối hay quản lý một cách hợp pháp do họ được quyền tiến hành điều trị bệnh;

ii) Nếu các Bên thấy cần thiết hoặc mong muốn thực hiện các biện pháp đó thì có thể yêu cầu để việc kê đơn về các chất ma tuý trong Bảng I phải được viết theo mẫu chính thức được phát hành dưới dạng quyển hoá đơn có cuống lưu chiểu do cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ hoặc do các hiệp hội nghề nghiệp phát hành.

3. Các Bên nên yêu cầu để đơn chào hàng các chất ma tuý, các loại quảng cáo hoặc các tài liệu mô tả các ma tuý và dùng cho mục đích thương mại, bao bì các hộp ma tuý và nhãn dùng chào bán ma tuý dưới hình thức rằng phải ghi rõ tên quốc tế (phi bản quyền) do Tổ chức y tế thế giới thông báo.

4. Nếu một Bên thấy biện pháp như vậy là cần thiết hoặc phù hợp với nguyện vọng của mình thì họ yêu cầu gói đựng ma tuý bên trong hoặc bao bì ma tuý phải có hai vạch đỏ rõ nét. Phần bọc ngoài hộp đựng ma tuý không cần có hai vạch đỏ.

5. Mỗi Bên yêu cầu rằng nhãn chào hàng để bán ma tuý phải ghi chính xác hàm lượng ma tuý bằng trọng lượng hoặc tỷ lệ phần trăm. Yêu cầu thông tin về nhãn hiệu này không áp dụng đối với các chất ma tuý được phân phối cho cá nhân theo đơn thuốc.

6. Các quy định tại Khoản 2 và 5 không áp dụng đối với việc buôn bán lẻ hoặc phân phối lẻ các chất ma tuý trong Bảng II.

Điều 31. Các điều khoản đặc biệt liên quan tới thương mại quốc tế

1. Các Bên có ý thức không cho phép xuất khẩu các chất ma tuý sang bất kỳ nước hay vùng lãnh thổ nào, trừ trường hợp:

a) Phù hợp với các luật và các quy định của nước hay vùng lãnh thổ đó.

b) Trong giới hạn của tổng số các số lượng ước tính nhu cầu cho nước hay vùng lãnh thổ đó, như quy định tại Khoản 2 Điều 19, cộng thêm số lượng định tái xuất.

2. Ở các cảng và vùng tự do thương mại các bên thực hiện các biện pháp giám sát và kiểm soát tương tự như đối với những khu vực khác thuộc lãnh thổ của mình, tuy nhiên với điều kiện là họ có thể áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Các Bên:

a) Kiểm soát theo giấy phép việc nhập khẩu và xuất khẩu các chất ma tuý, trừ khi việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu do một hay nhiều doanh nghiệp nhà nước tiến hành.

b) Kiểm soát tất cả mọi cá nhân và doanh nghiệp tiến hành hay tham gia vào việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu đó.

4. a) Các bên cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu các chất ma tuý yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu riêng cho mỗi lần nhập khẩu hoặc xuất khẩu dù là một hay nhiều loại ma tuý;

b) Giấy phép đó phải ghi rõ tên ma tuý, tên quốc tế phi bản quyền nếu có, số lượng được nhập khẩu hay xuất khẩu, tên và địa chỉ của người nhập và xuất, và ghi cụ thể thời hạn việc nhập hay xuất khẩu phải được thực hiện.

c) Giấy phép xuất khẩu cũng phải ghi rõ số và ngày tháng của giấy phép nhập khẩu (khoản 5) và tên cơ quan đã cấp giấy đó;

d) Giấy phép nhập khẩu có thể cho phép nhập hàng trong một hoặc nhiều chuyến.

5. Trước khi cấp giấy phép xuất khẩu, các bên yêu cầu giấy phép nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước hay vùng lãnh thổ nhập khẩu cấp và xác nhận rằng việc nhập các loại ma tuý ghi rõ trong giấy phép nhập khẩu được chấp nhận và giấy phép xuất trình với khả năng có thể các bên tuân theo mẫu giấy chứng nhận nhập khẩu đã được Uỷ ban thông qua.

6. Mỗi chuyến hàng phải kèm theo một bản sao giấy phép xuất khẩu, và Chính phủ cấp giấy phép xuất khẩu gửi một bản sao tới Chính phủ của nước hay vùng lãnh thổ nhập khẩu chất ma tuý đó.

7. a) Khi việc nhập khẩu đã được thực hiện hay khi thời hạn được quy định cho việc nhập khẩu đã hết, Chính phủ nước hay vùng lãnh thổ nhập khẩu gửi trả giấy phép xuất khẩu cùng một giấy xác nhận việc đó cho Chính phủ nước hay vùng lãnh thồ xuất khẩu;

b) Giấy xác nhận phải ghi cụ thề số lượng thực tế đã được nhập khẩu;

c) Nếu sẽ lượng xuất khẩu thật sự ít hơn số lượng được ghi trong giấy phép xuất khẩu thì số lượng đã xuất trên thực tế dược cơ quan có thầm quyền ghi trên giấy phép xuất khẩu và trong bất kỳ bản sao chính thức nào của giấy phép đó.

8. Cấm việc xuất khẩu hàng tới một hộp thư bưu điện hoặc tới một tài khoản ngân hàng của một bên không phải là bên có tên trong giấy phép xuất khẩu.

9. Cấm việc xuất khẩu hàng tới các kho ngoại quan trừ khi Chính phủ của nước nhập khẩu xác nhận trên giấy phép nhập khẩu có người hoặc cơ sở xin phép xuất khẩu xuất trình, rằng Chính phủ đã đồng ý hàng nhập được để trong kho ngoại quan. Trong trường hợp đó, giấy phép xuất khẩu ghi rõ là chuyến hàng xuất khẩu tới kho ngoại quan. Mỗi lần xuất hàng từ kho ngoại quan phải được phép của cơ quan có thẩm quyền quản lý kho ngoại quan và trong trường hợp hàng được đưa ra nước ngoài thì bị coi như được xuất khẩu lần nữa theo ý nghĩa của Công ước này.

10. Các chuyến hàng ma tuý đưa đưa vào hay ra khỏi lãnh thổ của một bên không kèm giấy phép xuất khẩu sẽ bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ.

11. Các bên không cho phép bất kỳ loại ma tuý nào được chuyển tới một nước khác qua lãnh thổ của mình, dù hàng có được tháo dỡ ra khỏi phương tiện vận tải hay không, trừ khi có xuất trình bản sao giấy phép xuất khẩu chuyến hàng đó cho cơ quan có thẩm quyền của bên này.

12. Cơ quan có thẩm quyền của bất kỳ nước hay vùng lãnh thổ nào có chuyến hàng ma tuý được phép quá cảnh áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc chuyển hàng đó tới một nơi khác ngoài nơi đã ghi trong bản sao của giấy phép xuất khẩu theo hàng, trừ khi Chính phủ của nước hay vùng lãnh thổ đó cho phép chuyến hàng quá cảnh chuyển tới địa điểm khác. Chính phủ nước hay vùng lãnh thổ quá cảnh coi bất kỳ sự chuyển hàng sang nơi khác theo yêu cầu là một lần xuất từ trước hoặc vùng lãnh thổ mới. Nếu được phép chuyển tới địa điểm mới thì các quy định tại khoản 7 (a) và (b) cũng dược áp dụng đối với quan hệ giữa nước hay vùng lãnh thổ quá cảnh và nước hay vùng lãnh thổ ban đầu xuất chuyến hàng.

13. Các chuyến hàng chở ma tuý trong khi quá cảnh hoặc trong lúc được xếp ở một kho ngoại quan không phải qua bất kỳ quá trình xử lý nào có thể làm thay đổi tính chất của các chất ma tuý đó. Không được thay đổi tính chất của các chất ma tuý đó. Không được thay đổi bao bì nếu không dược phép của các cơ quan có thẩm quyền.

14. Các quy định tại các khoản 11 đến 13 về việc vận chuyển các chất ma tuý qua lãnh thổ của một bên không áp dụng khi chuyển hàng được chuyên chở bằng máy bay không hạ cánh xuống nước hay vùng lãnh thổ quá cảnh. Nếu máy bay hạ cánh xuống bất kỳ nước hay vùng lãnh thổ nào thì các quy định đó sẽ được áp dụng theo yêu cầu của hoàn cảnh cụ thể.

15. Các quy định tại điều này không làm phương hại đến các quy định của bất kỳ hiệp ước quốc tế nào hạn chế việc kiểm soát mà bất kỳ bên nào cũng có thể thực hiện đối với các chất ma tuý khi quá cảnh.

16. Không một khoản nào trong Điều này ngoài các khoản 1 (a) và 2 được áp dụng cho các chế phẩm trong Bảng III.

Điều 32. Các quy định đặc biệt đối với việc mang chất ma tuý trong các túi thuốc cấp cứu trên tàu thuỷ và máy bay trong giao thông quốc tế

1. Việc mang theo trên tàu thuỷ hoặc máy bay một số lượng hạn chế các chất ma tuý có thể cần cho công tác sơ cứu hoặc cấp cứu trong các chuyến đi hoặc hành trình không được coi là nhập khẩu, xuất khẩu hay quá cảnh theo ý nghĩa của Công này.

2. Nước đăng ký tàu, máy bay áp dụng những biện pháp an toàn để ngăn chặn việc sử dụng ma tuý không thích hợp như nói tại Khoản 2 hoặc đưa ma tuý đến địa điểm khác vì các mục đích bất hợp pháp. Uỷ ban, sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế hữu quan sẽ khuyến nghị các biện pháp an toàn này.

3. Các chất ma tuý được mang trên tàu thuỷ hoặc máy bay như quy định tại Khoản 1 phải tuân theo các luật, các quy định về cho phép và giấy phép của nước đăng ký, không phương hại đến bất kỳ quyền hạn nào của cơ quan địa phương có thẩm quyền khi tiến hành kiểm tra, thanh tra và những biện pháp kiểm soát khác trên tàu hay máy bay. Việc sử dụng các chất ma tuý trong trường hợp cấp cứu không bị coi là vi phạm các yêu cầu của Khoản 2 (b) Điều 30.

Điều 33. Chiếm hữu ma túy

Các bên không cho phép chiếm hữu các chất ma tuý trừ khi được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 34. Các biện pháp giám sát và kiểm soát

Các bên yêu cầu:

a) Tất cả những người có giấy phép phù hợp với Công ước này hoặc những người có chức vụ quản lý hay giám sát trong một doanh nghiệp nhà nước được thành lập phù hợp với Công ước này phải có đủ khả năng để thi hành trung thực và có hiệu quả các điều khoản của những đạo luật và quy chế đã được ban hành phù hợp với Công ước.

b) Các cơ quan của Chính phủ, các nhà điều chế, buôn bán, nhà khoa học, các viện nghiên cứu khoa học và các bệnh viện phải lưu giữ hồ sơ ghi rõ số lượng của từng loại ma tuý được điều chế và mỗi lần nhận và phân phát các loại ma tuý. Các hồ sơ đó được lưu giữ trong một thời hạn không dưới 2 năm. Ở nơi nào dùng sổ sách có Công ước lưu chiểu ghi các đơn thuốc chính thức (khoản 2 (b) Điều 30), thì những sổ sách đó kể cả cuống đơn thuốc cũng phải được lưu giữ trong thời hạn không dưới 2 năm.

Điều 35. Hoạt động chống buôn bán bất hợp pháp

Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, pháp luật và hệ thống hành chính của mình, các Bên:

a) Có những biện pháp ở cấp quốc gia để phối hợp hoạt động phòng ngừa và trấn áp việc buôn bán bất hợp pháp. Với mục tiêu này, các bên có thể chỉ định một cơ quan thích hợp chịu trách nhiệm về việc phối hợp này;

b) Giúp đỡ lẫn nhau trong chiến dịch chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý;

c) Hợp tác chặt chẽ với nhau và với các tổ chức quốc tế có thẩm quyền mà họ là thành viên để duy trì chiến dịch phối hợp chống buôn bán bất hợp pháp;

d) Bảo đảm sự hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thích hợp được thực hiện một cách khẩn trương;

e) Bảo đảm khi các giấy tờ pháp lý được chuyển giao trong phạm vi quốc tế cho mục đích khởi tố, việc chuyển giao này được thực hiện nhanh chóng tới các tổ chức do các bên chỉ định; yêu cầu này không làm tổn hại tới quyền của một bên yêu cầu của hồ sơ pháp lý phải được gửi tới họ qua con đường ngoại giao;

i) Nếu thấy thích hợp, cung cấp cho Ban và Uỷ ban thông qua Tổng thư ký những thông tin ngoài các thông tin theo yêu cầu được quy định tại Điều 18 liên quan tới các hoạt động bất hợp pháp về ma tuý trong phạm vi biên giới của họ, bao gồm các thông tin về trồng trọt, sản xuất, điều chế, sử dụng trái phép và buôn bán bất hợp pháp ma tuý;

g) Cung cấp các thông tin như quy định tại khoản trên, theo cách thức và thời hạn do Ban có thể yêu cầu; nếu một bên yêu cầu, Ban có thể cố vấn cho họ trong việc cung cấp thông tin và trong cố gắng đẩy lùi các hoạt động bất hợp pháp về ma tuý trong phạm vi biên giới của bên đó.

Điều 36. Các quy định về hình phạt

1. a) Tùy theo hạn chế do Hiến pháp đặt ra, các Bên áp dụng các biện pháp để bảo đảm rằng việc trồng trọt, sản xuất, điều chế, chiết xuất, pha chế, cất giữ, biếu tặng, chào hàng, phân phối, mua, bán, giao hàng theo bất kỳ điều kiện nào: môi giới, gửi hàng, quá cảnh, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu chất ma tuý trái với các quy định của Công ước này và bất kỳ hoạt động nào khác mà theo các Bên có thể trái với quy định của Công ước này là những tội phạm bị trừng phạt thích đáng; đặc biệt là xử phạt tù hoặc các hình phạt tước quyền tự do khác;

b) Mặc dù có điểm trên đây, khi người lạm dùng ma tuý thực hiện những tội này, các Bên có thể áp dụng đối với họ biện pháp điều trị, giáo dục, chăm sóc sau điều trị, phục hồi và tái hoà nhập vào xã hội phù hợp với khoản 1 Điều 38 thay cho việc thi hành án hoặc hình phạt, hoặc coi đó là biện pháp bổ sung vào hình phạt.

2. Tùy theo các hạn chế trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật và luật trong nước của các Bên mà:

a) (i) Một trong các tội liệt kê trong Khoản 1, nếu thực hiện ở các nước khác nhau, thì bị coi là một tội phạm riêng biệt;

ii) Cố ý tham gia, đồng phạm hoặc thực hiện chưa đạt bất kỳ loại tội nào như vậy và các hành động chuẩn bị, cũng như các hoạt động tài chính liên quan đến các tội phạm đã nêu trong điều này là các tội phải bị trừng phạt như quy định ở Khoản 1;

iii) Việc kết án ở nước ngoài đối với các tội này được tính để xác định tái phạm;

iv) Các tội nghiêm trọng nêu trên do công dân trong nước hoặc người nước ngoài phạm phải sẽ bị bên có lãnh thổ là nơi tội phạm thực hiện hoặc bên có lãnh thổ là nơi phát hiện ra tội phạm khởi tố, nếu việc dẫn độ là không phù hợp với luật của Bên bị yêu cầu và nếu người phạm tội chưa bị khởi tố và chưa bị kết án.

b) (i) Mỗi loại tội liệt kê trong các khoản 1 và 2 (a) (ii) Điều này phải được coi là tội phạm bị dẫn độ trong bất kỳ hiệp định dẫn độ nào hiện hành giữa các bên. Các Bên cam kết đưa các tội đó vào danh mục tội phạm bị dẫn độ, trong mọi hiệp ước dẫn độ được ký giữa các bên.

ii) Nếu một bên coi dẫn độ là điều kiện tồn tại của một hiệp ước nhận được yêu cầu dẫn độ từ một bên khác không có hiệp ước dẫn độ với mình, thì họ có thể tùy ý lựa chọn coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ dối với các tội đã được liệt kê trong các khoản 1 và 2 (a) (ii) Điều này. Việc dẫn độ tuân theo các điều kiện khác do luật pháp của Bên được yêu cầu quy định;

iii) Các bên nếu không coi dẫn độ là điều kiện tồn tại của một hiệp ước sẽ công nhận những tội danh được liệt kê trong khoản 1 và 2 (a) (iii) Điều này như những tội phạm bị dẫn độ giữa các Bên, tuỳ thuộc vào các diều kiện do luật pháp của Bên được yêu cầu quy định;

iv) Chi phí việc dẫn độ dược thực hiện phù hợp với luật pháp của Bên yêu cầu thực hiện và mặc dù có các mục (b) (ii), (i) và (iii) Khoản này, Bên đó vẫn có quyền từ chối thực hiện việc dẫn độ trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền cho rằng tội phạm chưa đến mức nghiêm trọng.

3. Các quy định tại Điều này có hiệu lực thấp hơn các quy định trong luật hình sự của Bên hữu quan đối với những vấn đề tài phán.

4. Toàn bộ điều này không ảnh hưởng đến nguyên tắc là các tội phạm mà điều này đề cập phải được xác minh, khởi tố và trừng trị phù hợp với luật trong nước của mỗi bên.

Điều 37. Bắt giữ và tịch thu

Bất kỳ các chất ma tuý, các chất liệu và trang bị nào được dùng hoặc có ý định sử dụng để thực hiện bất kỳ những tội danh nào quy định tại Điều 36 phải bị bắt giữ và tịch thu.

Điều 38. Các biện pháp chống lạm dụng ma tuý

1. Các bên chú ý đặc biệt và thực hiện tất cả các biện pháp thiết thực để ngăn chặn việc lạm dụng ma tuý, và để sớm phân loại, điều trị, giáo dục, chăm sóc sau điều trị, phục hồi và thực hiện việc tái hoà nhập vào xã hội đối với những người này và phối hợp các nỗ lực của mình để đạt các mục đích nói trên.

2. Các bên thúc đẩy với mọi khả năng việc đào tạo cán bộ điều trị, chăm sóc sau điều trị, phục hồi tái hoà nhập vào xã hội cho những người nghiện ma tuý.

3. Các bên áp dụng mọi biện pháp có thể để giúp đỡ những người mà công việc của họ đòi hỏi phải hiểu biết về vấn đề lạm dụng ma tuý và việc phòng ngừa lạm dụng ma tuý, cũng như nâng cao sự hiểu biết đó trong cộng đồng nếu sự lạm dụng ma tuý có nguy cơ lan rộng.

Điều 38. Các hiệp định về các trung tâm khu vực

Nếu một bên mong muốn và coi đó là một phần trong các hoạt động chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý thì căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật và hệ thống hành chính quốc gia và nếu muốn có thể căn cứ vào ý kiến tư vấn kỹ thuật của Ban hay các cơ quan chuyên môn trên cơ sở tham khảo ý kiến các Bên khác có quan tâm trong khu vực, Bên đó sẽ thúc đẩy để đạt được các hiệp định nhằm xây dựng các trung tâm của khu vực về nghiên cứu khoa học và giáo dục để đấu tranh với các vấn đề là hậu quả của việc sử đụng và buôn bán ma tuý bất hợp pháp.

Điều 39. Áp đụng các biện pháp kiểm soát quốc gia nghiêm ngặt hơn so với các biện pháp do Công ước này yêu cầu

Không một quy định nào của Công ước này lại cản trở các Bên áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoặc nghiêm ngặt hơn những biện pháp đã quy định trong Công ước và đặc biệt là yêu cầu các chế phẩm trong Bảng III hoặc các chất ma túy trong Bảng II phải chịu mọi biện pháp kiểm soát áp dụng đối với các chất ma túy trong Bảng I mà họ cho là cần thiết hoặc nên làm để bảo vệ sức khỏe hoặc phúc lợi cộng đồng.

Điều 40. Ngôn ngữ của Công ước và thủ tục ký kết, phê chuẩn và tham gia(1)

1. Các văn bản Công ước bằng tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha có giá trị ngang nhau, được mở đến ngày 1 tháng 8 năm 1961 cho việc ký kết của bất kỳ thành viên nào của Liên hợp quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào không phải thành viên của Liên hợp quốc nhưng là một bên của quy chế toà án quốc tế hoặc thành viên của một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác mà Hội đồng có thể mời để trở thành một bên.

2. Công ước này phải được phê chuẩn, các văn kiện phê chuẩn được nộp lưu chiểu tới Tổng thư ký.

3. Sau ngày 01 tháng 8 nám 1961 Công ước này được mở để các quốc gia nói tại Khoản 1 gia nhập. Các văn kiện gia nhập dược nộp lưu chiểu tới Tổng thư ký.

Điều 41. Hiệu lực thi hành (1)

1. Công ước này có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 40 được nộp lưu chiểu phù hợp với quy định của Điều 40.

2. Đối với các quốc gia khác nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập sau ngày chuyển văn kiện thứ 40 nói trên thì Công ước này có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau khi quốc gia đó nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của mình.

Điều 42. Áp dụng đối với vùng lãnh thổ

Công ước này áp dụng cho mọi lãnh thổ hải ngoại và một bên bất kỳ có trách nhiệm về các quan hệ quốc tế, trừ khi cần có chấp thuận trước của lãnh thổ đó theo Hiến pháp của bên hoặc của vùng lãnh thổ hữu quan yêu cầu hoặc do yêu cầu của tập quán. Trong trường hợp này, bên hữu quan cố gắng trong thời gian ngắn nhất có được sự chấp thuận cần thiết của lãnh thổ liên quan và khi đã có sự chấp thuận sẽ thông báo cho Tổng thư ký. Công ước này áp dụng cho vùng lãnh thổ này hoặc các lãnh thổ có tên trong bản thông báo từ ngày Tổng thư ký nhận được thông báo. Trong trường hợp không cần có sự chấp thuận của vùng lãnh thổ hải ngoại, bên hữu quan se tuyên bố rõ lãnh thổ hải ngoại hoặc các vùng lãnh thổ mà Công ước này áp dụng vào thời gian ký, phê chuẩn hay gia nhập.

Điều 43. Các vùng lãnh thổ để thi hành các Điều 19, 20, 21 và 31

1. Để thi hành các Điều 19, 20, 21 và 31, một bên có thể thông báo cho Tổng thư ký biết về một trong các vùng lãnh thổ của họ được chia thành 2 hay nhiều vùng lãnh thổ hoặc 2 hay nhiều vùng lãnh thổ được hợp nhất thành 1 vùng.

2. Hai hoặc nhiều bên có thể thông báo cho Tổng thư ký rằng do việc thành lập một liên minh thuế quan giữa họ, các bên này trở thành một vùng lãnh thổ thống nhất để thi hành các điều 19, 20, 21 và 31.

3. Bất kỳ thông báo nào theo khoản 1 và 2 trên đây sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo năm đã ra thông báo.

Điều 44. Chấm dứt hiệu lực của các Hiệp ước quốc tế trước đây

1. Kể từ ngày Công ước này có hiệu lực, các điều khoản của Công ước sẽ chấm dứt và thay thế các điều khoản của các hiệp định sau đây với các bên tham gia:

a) Công ước quốc tế về thuốc phiện ký tại Lahay ngày 23 tháng 01 năm 1912;

b) Hiệp định về việc điều chế, buôn bán và sử dụng thuốc phiện đã pha chế ở trong nước, ký tại Giơnevơ ngày 11 tháng 02 năm 1925;

c) Công ước quốc tế về thuốc phiện ký tại Giơnevơ ngày 19 tháng 02 năm 1925;

d) Công ước về hạn chế việc điều chế và quản lý việc phân phối chất gây nghiện ký tại Giơnevơ ngày 13 tháng 7 năm 1931;

e) Hiệp định về kiểm soát việc hút thuốc phiện ở Viễn Đông, ký tại Băng Cốc ngày 27 tháng 11 năm 1931;

i) Nghị định thư tại Lake Success ngày 11 tháng 12 năm 1946 sửa đổi các Hiệp định, các Công ước và các Nghị định thư về chất ma tuý ký tại Lahay ngày 23 tháng 1 năm 1912, tại Giơnevơ ngày 11 tháng 02 năm 1925 ngày 19 tháng 2 năm 1925; ngày 13 tháng 7 năm 1931, tại Băng Cốc ngày 27 tháng 11 nám 1931 và tại Giơnevơ ngày 26 tháng 6 năm 1936 trừ việc ảnh hưởng đến Công ước sau cùng; (1)

g) Các Công ước và hiệp định được nêu trong các điểm từ (a) đến (e) được sửa đổi tại Nghị định thư 1946 nêu trong điểm (f);

h) Nghị định thư ký tại Pari ngày 19 tháng 11 năm 1948 đưa vào phạm vi kiểm soát quốc tế những chất ma tuý nằm ngoài phạm vi của Công ước ngày 13 tháng 7 năm 1931 về hạn chế điều chế và quản lý việc phân phối chất ma tuý như đã được sửa đồi bởi Nghị định thư ký tại Lake success ngày 11 tháng 12 năm 1946;

i) Nghị định thư hạn chế và quản lý việc trồng cây anh túc, việc sản xuất, buôn bán quốc tế, buôn bán và sử dụng thuốc phiện ký tại New York ngày 23 tháng 6 năm 1953 nếu Nghị định thư đó đã có hiệu lực.

2. Đối với các bên của Công ước về trấn áp việc buôn bán bất hợp pháp các chất nguy hiểm tại Giơnevơ ngày 26 tháng 6 năm 1936 và đồng thời là các bên ký Công ước 1961 này (kể từ khi Công ước 1961 có hiệu lực) Điều 9 của Công ước 1936 chấm dứt hiệu lực và được thay thế bằng khoản 2 (b) Điều 36 Công ước 1961 này với điều kiện là các bên phải thông báo cho Tổng thư ký biết về việc họ tiếp tục duy trì hiệu lực của Điều 9 này.

Điều 45. Các điều khoản quá độ (1)

1. Từ ngày Công ước này có hiệu lực (Khoản 1 Điều 41) các chức năng của Ban quy định tại Điều 9 được Ban thường trực trung tâm thành lập theo Điều 44 (c) Chương VI Công ước đã sửa đổi và tổ chức giám sát thành lập theo Điều 44 (d) Chương II của Công ước đã sửa đổi, tạm thời đảm nhiệm theo yêu cầu tương ứng.

2. Hội đồng ấn định ngày để Ban mới thành lập như quy định tại Điều 9 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình. Từ ngày đó, Ban mới thực hiện các chức năng của Ban thường trực trung tâm và của tổ chức giám sát, như quy định tại Khoản 1 đối với quốc gia thành viên của các hiệp ước đã liệt kê trong Điều 44 mà không phải là các bên của Công ước này.

Điều 46. Rút khỏi Công ước

1. Sau khi kết thúc 2 năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực (Khoản 1 Điều 41) một bên bất kỳ có thể tự mình hoặc thay mặt cho vùng lãnh thổ mà họ có trách nhiệm quốc tế và sau khi vùng lãnh thổ đó đã rút sự chấp thuận theo Điều 42, tuyên bố rút khỏi Công ước này bằng một văn bản gửi lên Tổng thư ký.

2. Nếu Tổng thư ký nhận được trước hoặc vào ngày 01 tháng 7 bất kỳ năm nào, văn bản rút khỏi Công ước sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm kế tiếp và nếu nhận được sau ngày 01 tháng 7 sẽ có hiệu lực như là nó đã được nhập trước hoặc vào ngày 01 tháng 7 năm kế tiếp.

3. Công ước này sẽ hết hiệu lực nếu do những tuyên bố rút khỏi Công ước phù hợp với khoản 1 các điều kiện để Công ước có hiệu lực như đã quy định tại Khoản 1 Điều 41 không còn tồn tại.

Điều 47. Sửa đổi Công ước

1. Một bên bất kỳ đều có thể đề nghị sửa đổi Công ước này. Văn bản sửa đổi và những lý do yêu cầu sửa đổi được thông báo cho Tổng thư ký. Tổng thư ký sẽ thông báo cho các bên và Hội đồng. Hội đồng có thể quyết định:

a) Triệu tập một Hội nghị phù hợp với Khoản 4 Điều 61 Hiến chương Liên hợp quốc để xem xét đề nghị sửa đổi; hoặc

b) Tham khảo ý kiến các bên xem họ có chấp nhận đề nghị sửa đổi hay không và yêu cầu họ trình lên Hội đồng mọi nhận xét về đề nghị sửa đổi.

2. Đề nghị sửa đổi theo Khoản 1 (b) Điều này nếu không bị bất kỳ bên nào bác bỏ trong vòng 18 tháng kể từ ngày đưa ra thì có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu đề nghị sửa đổi bị bất kỳ Bên nào bác bỏ thì Hội đồng căn cứ vào các ý kiến nhận được từ các bên có thể quyết định triệu tập một Hội nghị để xem xét việc sửa đổi hay không.

Điều 48

1. Nếu có sự tranh chấp giữa hai hay nhiều bên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước này thì các bên tham khảo ý kiến của nhau để giải quyết bất đồng bằng đàm phán, điều tra, trung gian hoà giải, trọng tài, các tổ chức khu vực, toà án hoặc các biện pháp hoà bình khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

2. Những tranh chấp không thể giải quyết được theo các cách thức trên được chuyển cho Toà án quốc tế quyết định.

Điều 49. Các bảo lưu quá độ

1. Khi ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước, mỗi Bên có thể bảo lưu quyền tạm thời cho phép trong bất kỳ phần lãnh thổ nào của mình;

a) Dùng thuốc phiện vào mực đích gần như y học;

b) Hút thuốc phiện;

c) Nhai lá côca;

d) Sử dụng cần sa, nhựa cần sa, chất chiết xuất và cồn cần sa cho các mục đích không thuộc y học;

e) Sản xuất, điều chế và buôn bán các chất ma tuý như đã nêu tại các điều từ (a) đến (d) cho các mục đích ghi trong đó.

2. Các bảo lưu tại khoản 1 phải tuân theo các hạn chế sau đây:

a) Chỉ cho phép thực hiện các hoạt động nêu tại khoản 1 nếu có tính cổ truyền trong các vùng lãnh thổ đã có bảo lưu về những hoạt động đó và đã được phép tại các nơi này kể ngày 01 tháng 01 năm 1961 về trước;

b) Không được phép xuất khẩu các chất ma tuý nêu tại khoản 1 với các mục đích nói trên sang một nước không phải là một bên hoặc sang một vùng lãnh thổ mà Công ước này không áp dụng theo Điều 42;

c) Chỉ những người đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền vào ngày 01 tháng 01 năm 1964 mới được phép hút thuốc phiện;

d) Việc sử dụng thuốc phiện không phải hoàn toàn cho y học sẽ được xoá bỏ trong vòng 15 năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực, như quy định tại khoản 1 điều 41 ;

e) Vấn đề nhai lá côca phải được chấm dứt trong vòng 25 năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực như quy định tại khoản 1 Điều 41;

g) Việc sản xuất, điều chế và buôn bán ma tuý như quy định tại Khoản 1 cho bất kỳ mục đích sử dụng nào đã nêu phải giảm, tiến tới chấm dứt cùng với việc giảm và chấm dứt việc sử dụng các chất ấy.

3. Một bên có bảo lưu theo Khoản 1 phải:

a) Trong báo cáo hàng năm trình lên Tổng thư ký theo khoản 1 (a) Điều 18 cần trình bày tiến độ đã đạt được trong năm trước nhằm tiến tới chấm dứt việc sử dụng, sản xuất, điều chế hoặc buôn bán, như đã nêu tại Khoản l;

b) Trình cho Ban số ước tính riêng rẽ (Điều 19) và báo cáo thống kê (Điều 20) về các hoạt động được bảo lưu theo cách thức và kiểu mẫu do Ban quy định.

4. (a) Nếu một bên có bảo lưu theo Khoản 1 không phải gửi:

i) Báo cáo như đã nêu tại khoản 3 (a) trong vòng sáu tháng sau khi kết thúc năm liên quan đến thông tin đó;

ii) Những con số ước tính như đã nêu tại Khoản 3 (b) trong vòng ba tháng sau hạn nộp do Ban quy định theo Khoản 1 Điều 121

iii) Số liệu thống kê như đã nêu tại khoản 3 (b) trong vòng 3 tháng sau hạn nộp theo khoản 2 Điều 20.

Ban hoặc Tổng thư ký tuỳ trường hợp mà gửi cho bên hữu quan một bản thông báo về sự chậm trễ và yêu cầu cung cấp thông tin về vấn đề đó trong vòng ba tháng sau khi nhận được thông báo.

b) Nếu một bên không tuân theo yêu cầu của Ban hoặc Tổng thư ký trong thời hạn nói trên thì điều bảo lưu theo Khoản 1 không có hiệu lực nữa.

5. Mọi quốc gia có bảo lưu vào bất cứ lúc nào đều có thể thông báo bằng văn bản rút toàn bộ hoặc một phần bảo lưu đó.

Điều 50. Các bảo lưu khác (1)

1. Không có các bảo lưu nào khác ngoài các bảo lưu phù hợp với Điều 49 hoặc các quy định tại các khoản sau:

2. Bất kỳ quốc gia nào vào thời điểm kí kết, phê chuẩn hoặc gia nhập đều có thể đưa ra bảo lưu đối với các quy định sau của Công ước này:

- Khoản 2 và 3 Điều 12;

- Khoản 2 Điều 13;

- Khoản 1 và 2 Điều 14; khoản 1(b) Điều 31 và Điều 48.

3. Một quốc gia có nguyện vọng trở thành một bên nhưng muốn được bảo lưu những điều khoản khác với quy định tại Khoản 2 Điều này hay Điều 49 thì có thể thông báo cho Tổng thư ký ý định này. Trừ phi sau mười hai tháng từ khi Tổng thư ký thông báo về bảo lưu liên quan là bảo lưu này bị 1/3 các quốc gia đã phê chuẩn hoặc ra nhập công ước này bác bỏ thì trước khi kết thúc thời hạn trên, bảo lưu đó được coi là được phép, tuy nhiên các quốc gia đã bác bỏ bảo lưu không có nghĩa vụ pháp lý đối với quốc gia bảo lưu theo Công ước liên quan đến bảo lưu đó.

Điều 51. Thông báo

Tổng thư ký thông báo cho tất cả các quốc gia đã nêu trong khoản 1 Điều 40:

a) Việc ký kết, phê chuẩn và gia nhập theo Điều 40;

b) Ngày Công ước này có hiệu lực theo Điều 41;

c) Việc rút khỏi Công ước này theo Điều 46;

d) Các tuyên bố và thông báo theo các Điều 42, 43, 47, 49 và 50.

CÁC BẢNG[2]

DANH SÁCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG BẢNG I

ACETORPHIN

(3-0 acetylterahudro 7 (1-hydroxy - 1 - methylbuty)- 6, 14 endoethencripavine)

ACETYLMETHADOL

(3- acetory -6 dimethylamico -4,4-dephenylheptan)

ALLYPRODIN

(3-allyi -1 -methyl - 4 - phenyl -4 propionoxyphiperdin)

ALPHACETYLMETHADOL

(alpha - 3 - acetoxy - 6 - dimethylamino -4 diphenylheptan)

ALPHAMETHADOL

(Alpha 6 - dimethylamino -4 -4 dipheny 1 -3 heptanol)

ALPHPRODIN

(Alpha-1, 3- dymethyl 4 phenyl -4 - propionoxyphiperdin)

ANILERRIDIN

(1 - para - aminophenethy) -4 - phenylpiperidine - 4 carboxylic acid ethl seter

BEDENTHIDIN

(1 (2-benzyloxyethyl) -4 - phenylpiperridin 4 carboxylic acid ethl seter

BENZYIMORPHIN

(3-benzyimorphin)

BETACETYLMETHADOL

(beta-3 - scetoxy -6 dimethylamine 4.4 diphenylheptano

BETAMEPRPDIN

(beta 3 - ethyl -1- methyl- 1 4 propino- xypiperridin)

BETAMETHADOL

(beta-1.3 - dimethyllamino - 4.4 - diphenyl -3- heptanol)

BETAPRODIN

(beta-1.3 –dymethyl – 4 phenyl -4 -propionoxypiplridine)

BEZITRAMID

( 1- ( 3-cyano – 3. 3-diphenylpropyl) -4-(2-oxo-3-propnonyl-1-benzinmidazolinyl)- piperidin)

CẦN SA – Nhựa cần sa- chất chiết xuất

CLONITAZEN

(2-para-chlorbenzyl -1-diethylami-noethyl -5- nitrobenzimidazole)

Lá CÔCA

COCAIN

Methyl ester of benzoylecgonin

 

CODOXIM (dihydrocodeinon-6-carboxymethyloxim)

Tính chất của thân, cành anh túc ( có nguyên liệu này khi thân, cành anh túc đã xử lý bằng quá trình làm tinh chế chất alkaloid. Khi những nguyên liệu này sẵn có trong thương mại)

DESOMORPHIN

(dihydrodeoxymorphin)

DEXTROMORAMID

((+) -4-2-OXO-3.3 diphenul-4(l-pyrrolidinyl) butyl)porpholin

DIAMPROMID

(N-(2-methylphenethylamino propin) propionarilid)

DIETTHYLTHIAMBUTEN)

(3- diethylamino-l.l-di-(2-thienyl) -1-buten

DIFENOXIN

(II-(3-Cyano-3.3. diphenylpropyl)-4- phenylisonipecoticacid)

D1HYDROMORPHIN

DIMENOXADONL

(2-dimethylaminoethyl-l -ethoxy-1.1 -diphenylaacetar)

DIMEPHEPTANCL

(6-dimethylaminoethyI-1.4-diphennyl -3 heptanol)

DIMETHYLTHIAMBUTEN

(3-dimethy lamino-1.1 -di-2* -thieny 1)-1 –buten

DIOXAPHETYL BUTYRAT

(ethyl-4-morpholino-2.2-dipheny......... )

DIPHENOXYLAT

(l-(3-cyano-3.3-diphenylpropyl-4-phenylpiperidin 4-4 carboxylic acid ethyl ester)

DIPI

(1,4dipheny l-6-piperidine-3-heptanon)

EROTEBANOL

(3.4-dimathoxy-17methylmor-phinam-6.B.14-diol)

ECGONIN

Chất ester của nó và các chất dẫn xuất mà có thể chuyển thành ecgonin và cocain

CTHYKMETHYL THIAMBUTEN (........................... )

ETONITAZDN

(diethylaminoethyl -2-para-othoxybenayl-5 nitrobenzinmidazolo)

ETOXIPIN

(tetrahydro-( 1- hydroxy-l-methylbuty)-6.14 endoetheno- oripavin)

ETOXERIDIN

(l-(2-(2- hydroxyethoxy)-ethyl)-4-phenylpi-peridine-4 0 carboxylic acid ethyl - seter)

FENTANIL

(l-phenethyl-4-N-propionylznomipiperidin)

FURETHIDIN

(1 -2-tetrahydrofurfuryloxyethyl)-4-phenylpi-peridine-4- carboxylic acid ethyl ester)

HYROIN

(diacetylmorphin)

HYDROMORPHINOL

(14- hydroxydihydromorphine)

HYDROXYPETHIDIN

(4-meta-hydroxy phenyl-1 -methy lpiperdine-4-carboxy lie acid ethyl ester)

ISOMH THADON

(6-dimethyllanino-5-methyl-4 popionylpi-peridin)

KETOBEMIDON

(4-meta-hydroxyphenyl-1 -methy 1-4-propiony-ipipri din)

LEVOMEHTORPHAN *

(-)-3-methoxy-N-methylmoerphinan)

LEVOMORAMID *

((-)3-hydroxy-N-methylmoerphinan)

MATAZOC1N

(2'-hydroxy-2.5.9-trimethyl-6.7-benzornorphan)

METHADON

(6-domethylamino-44-diphenyl-3-heptanon)

METHADON IN TEPMEDIAT

(4-cyano-2-dimethylamino-44-diphenyl-butan)

METHYLDESCRPHIN

(6-methyl-delta-6-deoxymorphin)

METHYLDESOPHIN

(6-methyidihydromorphin)

HETOPON

(5-methyldihyromorphinon)

MOR AMID TRUNG GIAN 5

(2-methyl-3-morpholino-1.1 -dipheny 1-propane caboxylic acid)

MORPHERIDIN

( 1 -(2-morpholinoethyl)4-4-phenylpiperidine-4carboxylic acid ethyl ester)**

MORPHIN

MORPHIN METHOBROMED và các chất dẫn xuất của morphin nitroger pentavalent khác

MORPHIN -N-OXID-MORPHIN-

(myristylbenxylmorphin)

MORPHIN -N-OXID-MORPHIN-

(my risty Ibenxy lmorphin)

NICOMORPHIN

(3.6-dinicotynylmorphin)

NORACYNETHADOL

((+)- alpha-3-aceroxy-6-methyllamino-44 diphenylhyptane)

NORACYMETHADOL

((-)-3- hydroxymorphinan)

NORMETHADON

(6-dimethylamino-44-diphenyI-3-hexanon)

NORMORPHIN

(demethy lmorphin)

NORPIPANON

(4.4-diphenyl-6-phiperidino-3-hexanon)

Thuốc phiện

OXYCODON

(14- hydroxydihydrocodeinon)

OXYMORPHON

(14-hy droxydihydrocodeinon)

PETHIDIN

(l-methyl-4-phenylpiperidine-4-carboxylic acid ethyl ester)

PETHIDIN TRUNG GIAN A

(4- cyanol-l-methyl-4 phenylpiperidine)

PETHIDIN TRUNG GIAN E

(4 phenylpiperidine-4-carboxyIic acid methyl ester)

PETHIDIN TRUNG GIAN C

1- methyl-4- phenylpiperidine-4-carboxyIic acid)

PENADOXON

(6-mophokino -4.4-diphenyl-3-heptanon)

PHENAMPROMID

(N-(l-methyl-2-piperidinoethyI) propionanilide)

PHENAZOCIN

2' -ydroxy-5.9-dimethyl-2-phenythy 1-6.7 benzomorphan ^

 

 

 

Ghi chú: Dextromethorphac ((;)-3-methoxy-N-rnethylnior-hina) và Dextrorphan ((;)-3-methoxy-N- methylmorphinam) được đưa riêng ra khỏi bảng này.

FIMINODIN

(4-phny 1-1 -(3-pheny laminopropyl) piperidine-4- carboxylic acid ethyl ester)

PIRITRAMID

(1 -(3-cy ano-3,3-dipheny lpropy l)-4-( 1- phiperidino)piperidinr-4-carboxylic acid amid)

PROHEPTAZIN

(1.3-dimethyl-4-propionoxyazacyclo-heptan)

PROHEPTAZIN

(l-methyl-4-phenylpiperidine-4-carboxylic acid isopropyl ester)

RACEMETHORPHAN

((*)-3-methoxy-N-methylmorphinan)

RACEMORAMID

(+)-4-(2-methyI-4-oxo-3.3- diphenyl-4(l-pyrro-lidiny) butyl) morpholin

RACEMORPHAN

((+)-3-hydroxy-N-methylmorphinan)

THEBACON

(acetyldihydrocodeinnon)

THEBAIN

 

TRIMEPERIDIN (l,2,5-trimethyl-4-phenyl-4-propionoxypepeiridin); và các chất đồng phân của các chất ma túy trong Bảng này, trừ trường hợp đặc biệt có thể tồn tại các chất đồng phân ấy trong phạm vi xác định hóa học đặc thù.

Các ester và ether của các chất ma túy trong Bảng này nếu chúng không xuất hiện trong bảng khác, khio co thể tồn tại các chất ester và ether đó.

Muối của các chất ma túy ghi trong Bảng này, bao gồm cả muối của ester, ether và những chất đồng phân nêu trên, khi có thể tồn tại những muối như vậy

 

DANH SÁCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG BẢNG II

ACHTYLOIH YDR OCODEIN

CODEIN

(3-methylmorphin)

DIHYDROCODEIN

ETHYLMORPHIN

(3-ethylmorphin)

NICOCODIN

(6-nicotinyldihydrocodein)

NORCODEIN

(N-demothylcodein)

PHOLCODIN

(morpholinylmorphin)

PROPIRAM (N-methyl-2-piperidinoethyl) - N-2- pyridylpro-pionamid) và

Các chất đồng phân của các chất ma túy trong bảng này, trừ ngoại lệ đặc biệt khi có thể tồn tại các chất đồng phân ấy trong phạm vi xác định hóa học đặc thù.

Các muối của các chất ghi trong bảng này bao gồm cả các muối của các chất đồng phân như đã nêu trên, khi có thể tồn tại các muối đó.

 

DANH SÁCH CÁC CHẾ PHẨM TRONG BẢNG III

1. Các chế phẩm

Acetyldihytrocodein

Codein,

Cihydrocodein,

Ethylmorphin,

Nicodicodin,

Norcodein,

Pholcodin,

Khi được kết hợp với một hoặc nhiều thành phần khác và chứa không quá 100 miligram ma tuý cho một tiêu dùng ở dạng bào chế và một nồng độ không quá 2,5% chế phẩm không phân liều.

2. Các chế phẩm của propiram chứa không quả 100 miligram cho một liều ở dạng bào chế và được kết hợp với ít nhất là cùng số lượng methylcellulose.

3. Các chế phẩm cocain, chứa không quá 0,1% cocain tính theo cocain bazơ và các chế phẩm của thuốc phiện hoặc moocphin, chứa không quá 0,2% moocphin tính theo moocphin bazơ khan và được kết hợp với một hoặc nhiều thành phần khác theo cách mà chất ma tuý không dễ tách khỏi chế phẩm đó hoặc một lượng có thể nguy hiểm đối với sức khoẻ công cộng.

4. Các chế phẩm chứa difenoxin chứa không quá 0,5 miligam difenoxin cho một liều dùng và một số lượng artropin sulfat tương đương với ít nhất 5% của liều difenoxin.

5. Các chế phẩm của diphenoxylat chứa không quá 2,5 minigram diphenoxy-lai cho một tiêu dùng tính là bazơ và một số lượng atrophin sulffat tương đương với ít nhất 1% của liều diphenoxylate.

6. Pulvis ipecacuanhea et opii compóitú (Bột kép thổ căn và thuốc phiện): 10% bột rễ Ipecacuanha, trộn đều với 80% bất kỳ thành phần bột tá dược nào khác (không chứa ma tuý).

7 . Các chế phẩm chứa bất kỳ chất nào ghi trong bảng này là hỗn hợp của chế phẩm đó với bất kỳ nguyên liệu nào không chữa ma tuý.

 

DANH SÁCH CÁC CHẤT CÓ CHỨA MA TÚY TRONG BẢNG IV

ACETORPIN

(3-0-acety ltetrahydro-7-(l -hydroxy-1 - methylbutyl 6.14 - endoetheno-orifavin)

Cần sa và nhựa cần sa

DESOMORPHIN

(dihytrodeoxymorphin)

ETOROPHIN

(tetrahydro-7-( 1 -hydroxy-1 -methylbuty)6.11 - endoetheno-oripavirl)

HEROIN

(diacetylmorphin)

KETOBEMIDON (4-meta-hydroxy phenyl-1 -methyl-4-propionylphipe-ridin); và

Các muối của các chất ma túy ghi trong bảng này, khi các muối đó có thể hình thành và tồn tại./.

 


[1] Chú thích của Ban thư kí;

Phần mở đầu của Nghị định thư sửa đổi Công ước thống nhất 1961 về các chất ma túy viết như sau:

“Các bên của nghị định thư này, xem xét các điều khoản của Công ước thống nhất 1961 về các chất ma túy, kí tại New York ngày 30 tháng 3 năm 1961 (dưới đây gọi là Công ước thống nhất). Mong muốn sửa đổi Công ước thống nhất, Đã thỏa thuận như sau:”.

(1) Chú thích của Ban thư ký: hai đoạn sau dây được trích từ tài liệu giới thiệu văn bản Công ước thống nhất năm 1961 về các chất ma tuý, được sửa đổi bằng Nghị định thư sửa đổi Công ước thống nhất năm 1961 về các chất ma tuý do Tổng thư ký lập ngày 08 tháng 8 năm 1975 theo Điều 22 của Nghị định thư ngày 25 tháng 02 năm 1972.

“Nghị định thư sửa đổi Công ước năm 1961 về các chất ma tuý (sau đây gọi là Nghị đinh thư 1972) có hiệu lực từ ngày 08 tháng 8 năm 1975, phù hợp với Khoản 1 Điều 18 Nghị định thư: Đối với bất kỳ quốc gia nào đã là một bên của Công ước thống nhất và đã gửi công hàm chính thức lên Tổng thư ký, sau ngày trình văn kiện thứ 40 về phê chuẩn hoặc ra nhập Nghị định thư năm 1972; Nghị định thư này sẻ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày quốc gia đó gửi văn kiện (xem các Điều 17 và 18 của nghị định thư 1972)".

"Bất kỳ quốc gia nào trở thành một bên của Công ước thống nhất sau khi Nghị định thư năm 1972 có hiệu lực, nếu quốc gia đó không có ý kiến khác thì: (a) được coi là một bên của Công ước quốc tế đã sửa đổi; và (b) dược coi là một bên của Công ước chưa sửa đổi trong mối quan hệ với bất kỳ một bên nào của Công ước không bị ràng buộc bởi Nghị định thư năm 1972 (Xem điều 19 của Nghị định thư năm 1972)”.

(1) Xem phần Ghi chú của Điều 40

(1) Sau đây là nguyên văn Điều 20 Nghị định thư 1972;

Điều 20. Các điều khoản quá độ:

1. Các chức năng của Ban kiểm soát ma tuý quốc tế như quy định trong phần sửa đổi trong Nghị  định thư này sẽ do Ban được thành lập theo Công ước thống nhất không sửa đổi đảm nhiệm, kể từ ngày Nghị định thư này có hiệu lực theo đoạn 1 Điều 18 ở trên.

2. Hội đồng kinh tế - xã hội ấn định ngày bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của Ban được thành lập theo các sửa đổi trong Nghị định thư này. Từ ngày thành lập Ban mới, các bên của Công ước thống nhất không sửa đổi và các bên của hiệp ước được liệt kê trong Điều 44 không phải là các  bên của Nghị định này, sẽ thực hiện các chức năng của Ban dã được thành lập theo Công ước thống nhất không sửa đổi.

3. Trong số các thành viên đươc bầu tại lần bầu cử đầu tiên sau khi số thành viên Ban tăng từ 11 lên 13, nhiệm kỳ của 6 thành viên sẽ kết thúc sau 3 năm và nhiệm kỳ của 7 thành viên khác sẽ kết thúc sau 5 năm hoạt động.

4. Các thành viên của Ban mà nhiệm kỳ kết thúc vào thời gian sau 3 năm đầu tiên như đã nêu ở trên được lựa chọn bằng cách rút thăm do Tổng thư ký tổ chức ngày sau khi kết thúc lần bầu cử đầu tiên.

(1)  Dưới đây là nguyên văn Điều 21 Nghị định thư 1972:

“Điều 21 Bảo lưu:

1. Vào thời gian ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đưa ra bảo lưu đôi với bất kỳ sự sửa đổi nào trong Nghị định thư ngoài những sửa đổi đối với các khoản 6 và 7 Điều 2 (Điều 2 Nghị định thư), các khoản 1, 4 và 5 Điều 9 (Điều 2 Nghị định thư). Điều 11 (Điều 4 Nghị định thư), Điều 14bis (Điều 7 Nghị định thư), Điều 16 (Điều 8 Nghị định thư), Điều 22 (Điều 12 Nghị định thư), Điều 35 (Điều 13 Nghị định thư), Khoản 1 (b) Điều 36 (Điều 14 Nghị định thư), Điều 38 (Điều 15 Nghị định thư) và Điều 38 bis (Điều 16 Nghị định thư). (*)

2. Một quốc gia đã đưa ra bảo lưu, vào bất kỳ thời gian nào đều có thể thông báo bằng văn bản rút toàn bộ hoặc một phần những bảo lưu của mình.

(*) Ghi chú của Ban Thư ký: Điều giải thích sau đây được in lại từ bản sao chính thức đã được chứng nhận, do Tổng thư ký làm ngày 08 tháng 8 năm 1975 của Công ước thống nhất 1961 về các chất ma tuý, đã được sửa đổi theo Nghị định thư 1972 sửa đổi Công ước thống nhất năm 1961 về các chất ma tuý:

"Cần ghi nhận là để các quốc gia muốn đưa ra một bảo lưu đối với một hoặc nhiều sửa đổi, theo Điều 21 trên đây của Nghị định thư 1972, trước hết phải là các bên của Công ước thống nhất trước khi sửa đổi (nếu họ chưa làm như vậy) và sau đó phải phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư 1972 liên quan đến điều bảo lưu mong muốn".

[2] Chú thích của ban thư ký: các Bảng I đến IV kèm theo tài liệu này bao gồm không chỉ các chất đã được ghi vào những Bảng này do Hội nghị Liên hợp quốc thông qua Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (xem các Bảng gốc E/COF.34/24/ađ-1) mà còn cả các sửa đổi cho các Bảng này cho đến Công ước cuối năm 1976 phù hợp với các quyết định của Ủy ban về các chất ma túy theo các yêu cầu và thủ tục được quy định tại Điều 3 Công ước 1961. Ban thư ký cũng đã có một vài sửa chữa nhỏ về tên hóa học của một số chất có trong các Bảng từ I đến IV.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công ước thống nhất về chất ma túy năm 1961

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 09/11/1961
  • Nơi ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản