Hệ thống pháp luật

TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ
INTERNATIONAL LABOUR ORGANIZATION

 

 

 

 

 

 

CÔNG ƯỚC LAO ĐỘNG HÀNG HẢI, 2006

MARITIME LABOUR CONVENTION, 2006

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cục đăng kiểm Việt Nam
VIET NAM REGISTER


CÔNG ƯỚC LAO ĐỘNG HÀNG HẢI, 2006

 

LỜI NÓI ĐẦU

Hội nghị toàn thể Tổ chức Lao động quốc tế,

Cơ quan điều hành Tổ chức Lao động quốc tế triệu tập khoá họp thứ năm mươi tư tại Geneva, ngày 07 tháng 02 năm 2006,

Mong muốn xây dựng một văn kiện chặt chẽ và duy nhất bao gồm tất cả các tiêu chuẩn mới nhất của các Công ước quốc tế và các Khuyến nghị về lao động hàng hải hiện hành và các nguyên tắc cơ bản của các Công ước lao động quốc tế khác, cụ thể là:

- Công ước về lao động cưỡng bức, 1930 (Số 29);

- Công ước về Bảo vệ quyền tổ chức và Tự do của hiệp hội, 1948 (Số 87);

- Công ước về quyền tổ chức và thương lượng giữa công đoàn và người sử dụng lao động, 1949 (Số 98);

- Công ước về trả lương công bằng, 1951 (Số 100);

- Công ước về xoá bỏ lao động cưỡng bức, 1957 (Số 105);

- Công ước về phân biệt đối xử (Việc làm và Nghề nghiệp), 1958 (Số 111);

- Công ước về Tuổi lao động tối thiểu, 1973 (Số 138);

- Công ước về các hình thức sử dụng lao động trẻ em không phù hợp, 1999 (Số 182);

Dựa vào nhiệm vụ cơ bản của Tổ chức là nâng cao các điều kiện làm việc phù hợp,

Căn cứ Tuyên bố ILO về các Nguyên tắc cơ bản và quyền lao động 1998,

Cũng lưu tâm đến các thuyền viên được bảo vệ theo các điều khoản của các văn kiện ILO khác và có các quyền khác đã quy định như các quyền cơ bản và tự do đối với tất cả mọi người,

Xem xét rằng căn cứ tính chất toàn cầu của ngành công nghiệp hàng hải, thuyền viên cần được bảo vệ đặc biệt,

Đồng thời lưu tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn tàu, an ninh con người và quản lý tàu có chất lượng của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển, 1974, đã được sửa đổi bổ sung, Công ước về các quy tắc quốc tế về tránh va trên biển, 1972, đã được sửa đổi bổ sung, và các yêu cầu về khả năng chuyên môn và đào tạo thuyền viên của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn Đào tạo, Chứng nhận và Trực ca cho thuyền viên, 1978, đã được sửa đổi bổ sung,

Căn cứ vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển, 1982, định ra một khung pháp lý chung, trong đó các hoạt động trên các đại dương và biển phải được thực hiện và có ý nghĩa quan trọng chiến lược là cơ sở cho các hành động của quốc gia, khu vực, toàn cầu, sự hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và cần thiết phải được duy trì thống nhất,

Căn cứ Điều 94 Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển, 1982, quy định các nhiệm vụ và nghĩa vụ của một quốc gia có tàu mang cờ đối với các điều kiện lao động, thuyền viên và các vấn đề xã hội trên tàu mang cờ quốc gia đó,

Căn cứ mục 8 điều 19 của Hiến chương Tổ chức Lao động quốc tế, quy định rằng trong mọi trường hợp mọi Thành viên không được thông qua bất kỳ Công ước hoặc Khuyến nghị nào bằng Hội nghị hoặc phê chuẩn bất kỳ Công ước nào mà được coi là có tác động đến các luật, ưu đãi, tập quán hoặc thỏa thuận đảm bảo các điều kiện thuận lợi hơn đối với người lao động có liên quan so với những nội dung được đưa ra trong Công ước hoặc Khuyến nghị đó,

Xác định rằng văn kiện mới này phải được thiết kế đảm bảo sự chấp thuận rộng rãi giữa các chính phủ, chủ tàu và thuyền viên đã cam kết đối với các nguyên tắc làm việc phù hợp, và nó phải dễ dàng cập nhật và bổ sung nhằm triển khai thực hiện và chế tài có hiệu quả,

Quyết định thông qua một số đề xuất nhằm cụ thể hoá văn kiện đó, là trọng tâm duy nhất của khoá họp này, và

Đã quyết định rằng các đề xuất đó phải được thiết lập thành một Công ước quốc tế;

Thông qua ngày 23 tháng 2 năm 2006 Công ước dưới đây, được gọi là Công ước Lao động Hàng hải, 2006.

NGHĨA VỤ CHUNG

Điều 1.

1. Mỗi Thành viên phê chuẩn Công ước này có nghĩa vụ thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước như nêu tại Điều VI để đảm bảo quyền lao động phù hợp của thuyền viên.

2. Các thành viên phải phối hợp với nhau nhằm mục đích đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả Công ước này.

ĐỊNH NGHĨA VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 2.

1. Trừ khi có các quy định đặc biệt khác, trong Công ước này sử dụng các thuật ngữ sau đây:

(a) Cơ quan có thẩm quyền là bộ trưởng, cơ quan chính phủ hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ban hành và thực thi các quy định, chỉ thị hoặc hướng dẫn khác có hiệu lực pháp lý đối với nội dung của điều khoản liên quan;

(b) Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải là bản tuyên bố nêu tại quy định 5.1.3;

(c) Tổng dung tích là tổng dung tích tính theo các quy định đo dung tích nêu tại Phụ lục I của Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển, 1969, hoặc bất kỳ Công ước thay thế nào sau đó; đối với các tàu áp dụng hệ thống đo dung tích tạm thời được Tổ chức hàng hải quốc tế chấp nhận, tổng dung tích là trị số ghi tại cột GHI CHÚ của Giấy chứng nhận dung tích quốc tế (1969);

(d) Giấy chứng nhận lao động hàng hải là giấy chứng nhận nêu tại quy định 5.1.3;

(e) Các yêu cầu của Công ước này là các yêu cầu nêu trong các điều và trong các quy định và Phần A Bộ luật của Công ước này;

(f) Thuyền viên là bất kỳ người nào được tuyển dụng hoặc thuê hoặc làm việc theo bất kỳ khả năng nào trên một tàu áp dụng Công ước này;

(g) Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên gồm cả thỏa thuận tuyển dụng và các điều khoản thỏa thuận;

(h) Dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên là bất kỳ cá nhân, công ty, cơ quan, đại lý hoặc tổ chức khác nào, thuộc thành phần công cộng hay tư nhân, liên quan đến tuyển dụng thuyền viên thay mặt cho chủ tàu hoặc cung cấp thuyền viên cho chủ tàu;

(i) Tàu là một tàu khác với tàu chỉ hoạt động trong vùng nước nội thủy hoặc vùng nước trong khu vực, hoặc liền kề với vùng nước kín hoặc các khu vực chỉ áp dụng các quy định của cảng;

(j) Chủ tàu là người sở hữu tàu hoặc tổ chức hay cá nhân khác, như nhà quản lý, đại lý hoặc người thuê tàu trần, chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu trước chủ sở hữu và, chấp nhận đảm nhận các nhiệm vụ và nghĩa vụ của chủ tàu phù hợp với Công ước này, bất kể có hay không các cá nhân hoặc tổ chức nào khác thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ hoặc trách nhiệm thay mặt chủ tàu.

2. Trừ khi có quy định khác, Công ước này áp dụng với mọi thuyền viên.

3. Nếu có nghi ngờ về các loại đối tượng phải được coi là thuyền viên khi áp dụng Công ước này, cơ quan có thẩm quyền của từng Quốc gia thành viên phải xác định sau khi tham vấn các tổ chức liên quan của chủ tàu và của thuyền viên về vấn đề này.

4. Trừ khi có quy định khác, Công ước này áp dụng với mọi tàu, thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, thường chỉ liên quan đến các hoạt động thương mại, không phải là tàu cá hoặc tàu có mục đích tương tự và tàu đóng theo kiểu dân gian như thuyền buồm hoặc thuyền mành. Công ước này không áp dụng với tàu chiến hoặc các phương tiện hải quân.

5. Trong trường hợp có nghi ngờ về việc áp dụng Công ước này với một tàu hoặc một loại tàu cụ thể, cơ quan có thẩm quyền của từng Quốc gia thành viên phải quyết định sau khi tham vấn các tổ chức liên quan của chủ tàu và của thuyền viên.

6. Nếu cơ quan có thẩm quyền xác định tại thời điểm hiện tại chưa phù hợp hoặc không áp dụng được một số quy định của Bộ luật nêu tại Điều VI, mục 1, đối với một tàu hoặc một số loại tàu cụ thể mang cờ của Quốc gia thành viên, thì các điều khoản liên quan của Bộ luật sẽ không được áp dụng tới phạm vi mà vấn đề này được điều chỉnh một cách khác bằng các luật hoặc các quy định khác hoặc các thương lượng giữa công đoàn và người sử dụng lao động. Một quyết định như vậy chỉ có thể được đưa ra với sự tham vấn các tổ chức liên quan của chủ tàu và của thuyền viên và chỉ có thể áp dụng đối với tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 200 không hoạt động trên tuyến quốc tế.

7. Một Quốc gia thành viên đưa ra bất kỳ quyết định nào theo mục 3, 5 hoặc 6 của Điều khoản này phải thông báo cho Tổng Giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế, để thông báo cho các Quốc gia thành viên của Tổ chức.

8. Trừ khi được nêu cụ thể, đề cập đến Công ước này cũng là đề cập đến các quy định và Bộ luật.

CÁC QUYỀN VÀ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 3.

Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các điều khoản của luật và các quy định của mình, theo nội dung của Công ước này, phải tôn trọng các quyền cơ bản đối với:

(a) tự do của hiệp hội và công nhận quyền thương lượng giữa công đoàn và người sử dụng lao động;

(b) bãi bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc;

(c) thủ tiêu một cách hiệu quả việc sử dụng lao động trẻ em; và

(d) bãi bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

VIỆC LÀM VÀ CÁC QUYỀN XÃ HỘI CỦA THUYỀN VIÊN

Điều 4.

1. Mọi thuyền viên có quyền được làm việc tại một vị trí đảm bảo an toàn và an ninh, thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn.

2. Mọi thuyền viên có quyền hưởng các điều khoản lao động công bằng.

3. Mọi thuyền viên có quyền đối với các điều kiện sống và làm việc phù hợp trên tàu.

4. Mọi thuyền viên có quyền được bảo vệ sức khoẻ, chăm sóc y tế, hưởng phúc lợi và các hình thức bảo vệ xã hội khác.

5. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng, trong giới hạn chủ quyền của mình, các quyền về việc làm và quyền xã hội của thuyền viên nêu tại các mục trên của Điều này được thực hiện đầy đủ theo các yêu cầu của Công ước này. Trừ khi có quy định khác của Công ước, việc thực hiện đó có thể đạt được thông qua các luật hoặc các quy định quốc gia, thông qua các thương lượng giữa công đoàn và người sử dụng lao động hoặc thông qua các biện pháp khác hoặc trong thực tiễn.

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VÀ THỰC THI

Điều 5.

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải thực hiện và thực thi các luật hoặc các quy định hoặc các biện pháp khác đã được thông qua nhằm hoàn thành các cam kết theo Công ước này đối với tàu và thuyền viên thuộc chủ quyền của mình.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải thi hành hiệu quả quyền hạn của mình và kiểm soát các tàu mang cờ quốc tịch của quốc gia bằng cách xây dựng một hệ thống để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của Công ước này, bao gồm việc kiểm tra, báo cáo, theo dõi thường xuyên và thực hiện các thủ tục pháp lý phù hợp với pháp luật hiện hành.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo các tàu mang cờ quốc tịch của mình phải có giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải theo yêu cầu của Công ước này.

4. Một tàu thuộc phạm vi áp dụng của Công ước này có thể, phù hợp với pháp luật quốc tế, được một Quốc gia thành viên không phải Quốc gia tàu mang cờ kiểm tra, khi tàu đó ở trong cảng của quốc gia đó, nhằm xác định tàu có phù hợp với các yêu cầu của Công ước này hay không.

5. Mỗi Quốc gia thành viên phải thi hành hiệu quả quyền hạn của mình và kiểm soát các dịch vụ tuyển dụng và cung cấp thuyền viên, nếu các dịch vụ này được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia đó.

6. Mỗi Quốc gia thành viên phải nghiêm cấm việc vi phạm các yêu cầu của Công ước này và phải, phù hợp với pháp luật quốc tế, quy định các hình phạt hoặc yêu cầu các biện pháp khắc phục trong phạm vi pháp luật của mình đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm đó.

7. Mỗi Quốc gia thành viên phải thực thi các trách nhiệm của mình theo phạm vi Công ước này theo cách thức để đảm bảo rằng các tàu mang cờ của bất kỳ quốc gia nào chưa phê chuẩn Công ước này sẽ không nhận được sự đối xử ưu đãi hơn các tàu mang cờ của các quốc gia đã phê chuẩn Công ước.

CÁC QUY ĐỊNH, PHẦN A VÀ PHẦN B CỦA BỘ LUẬT

Điều 6.

1. Các Quy định và các điều khoản của Phần A của Bộ luật là bắt buộc. Các điều khoản của Phần B của Bộ luật không bắt buộc.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo tôn trọng các quyền và nguyên tắc đề ra trong các Quy định và thực hiện từng Quy định theo cách thức như nêu tại các điều khoản tương ứng của Phần A của Bộ luật. Ngoài ra, Thành viên phải xem xét để thực thi trách nhiệm của mình như cách thức được nêu trong Phần B của Bộ luật.

3. Một Thành viên không có tư cách thực thi các quyền và nguyên tắc nêu tại Phần A của Bộ luật có thể, trừ khi có quy định khác của Công ước này, thực hiện Phần A thông qua các điều khoản trong luật và các quy định của họ hoặc các biện pháp khác được coi là cơ bản tương đương với các điều khoản của Phần A.

4. Chỉ cho mục đích của mục 3 của Điều này, mọi luật, quy định, thoả ước tập thể hoặc các biện pháp thực hiện khác phải được xem là cơ bản tương đương, trong nội dung của Công ước này, nếu Quốc gia thành viên thấy rằng:

(a) có lợi để đạt được hoàn toàn mục tiêu chung và mục đích của điều khoản hoặc các điều khoản của Phần A của Bộ luật liên quan; và

(b) làm cho điều khoản hoặc các điều khoản của Phần A của Bộ luật liên quan có hiệu lực.

THAM VẤN VỚI CÁC TỔ CHỨC CỦA CHỦ TÀU VÀ THUYỀN VIÊN

Điều 7.

Mọi sự giảm nhẹ, miễn trừ hoặc áp dụng linh hoạt khác của Công ước này mà Công ước yêu cầu tham vấn với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên có thể, trong trường hợp các tổ chức đại diện của chủ tàu hoặc thuyền viên không thuộc một Quốc gia thành viên, thì chỉ được Quốc gia thành viên đó quyết định thông qua tham vấn với Ủy ban được nêu trong Điều XIII.

HIỆU LỰC

Điều 8.

1. Các phê chuẩn chính thức Công ước này phải được thông báo cho Tổng Giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế để đăng ký.

2. Công ước này chỉ có hiệu lực đối với các Quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế có các phê chuẩn đã được Tổng Giám đốc đăng ký.

3. Công ước này có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có ít nhất 30 Thành viên chiếm 33 phần trăm tổng dung tích đội tàu thế giới đăng ký phê chuẩn.

4. Sau đó, Công ước này có hiệu lực với mọi Quốc gia thành viên 12 tháng sau ngày phê chuẩn của họ được đăng ký.

HUỶ BỎ

 

1. Một Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này có thể hủy bỏ sau mười năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực, bằng một chứng thư thông báo cho Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế. Hủy bỏ này sẽ không có hiệu lực trong một năm sau ngày đăng ký.

2. Trong năm sau thời hạn mười năm nêu tại mục 1 của Điều này, mỗi Quốc gia thành viên không thực hiện quyền hủy bỏ như quy định trong Điều này, phải đợi một giai đoạn mười năm nữa, sau đó, có thể hủy bỏ Công ước này khi kết thúc của mỗi giai đoạn mười năm mới theo các điều khoản quy định tại Điều này.

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC CÓ HIỆU LỰC CỦA CÔNG ƯỚC

Điều 10.

Công ước này sửa đổi các Công ước sau đây:

Công ước về tuổi lao động tối thiểu (trên Biển), 1920 (Số 7);

Công ước về trợ cấp thất nghiệp (do Đắm tàu), 1920 (Số 8);

Công ước về cung cấp thuyền viên, 1920 (Số 9);

Công ước về kiểm tra y tế cho thuyền viên trẻ (trên Biển), 1921 (Số 6);

Công ước về các điều khoản thỏa thuận của người đi biển. 1926 (Số 22);

Công ước về hồi hương người đi biển, 1926 (Số 23);

Công ước về cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của sĩ quan, 1936 (Số 53);

Công ước về ngày nghỉ được hưởng lương (trên Biển), 1936 (Số 54);

Công ước về trách nhiệm của chủ tàu (Thuyền viên bị ốm và bị thương), 1936 (Số 55)

Công ước về bảo hiểm y tế (trên Biển), 1936 (Số 56)

Công ước về giờ làm việc và định biên (trên Biển), 1936 (Số 57)

Công ước về tuổi lao động tối thiểu (trên Biển), (Sửa đổi) 1936 (Số 58);

Công ước về lương thực, thực phẩm và việc cung cấp lương thực, thực phẩm (Thuyền viên), 1946 (Số 68);

Công ước về chứng nhận Đầu bếp trên tàu, 1946 (Số 69);

Công ước về An sinh xã hội (Thuyền viên), 1946 (Số 70);

Công ước về thời gian nghỉ có lương (Thuyền viên), 1946 (Số 72);

Công ước về kiểm tra y tế (Thuyền viên), 1946 (Số 73);

Công ước về chứng nhận khả năng của thuyền viên, 1946 (Số 74);

Công ước về khu vực sinh hoạt của thuyền viên, 1946 (Số 75);

Công ước (trên Biển) về tiền lương, giờ làm việc và định biên, 1946 (Số 76);

Công ước (Thuyền viên) về thời gian nghỉ có lương (Sửa đổi) 1949 (Số 91);

Công ước về khu vực sinh hoạt của thuyền viên (Sửa đổi), 1949 (Số 92);

Công ước (trên Biển) về tiền lương, giờ làm việc và định biên (Sửa đổi), 1949 (Số 93);

Công ước (trên biển) về tiền lương, giờ làm việc và định biên (Sửa đổi), 1958 (Số 109);

Công ước (Các Điều khoản bổ sung) về khu vực sinh hoạt của thuyền viên, 1970 (Số 133);

Công ước (Thuyền viên) về phòng tránh tai nạn, 1970 (Số 134);

Công ước (Thuyền viên) về lao động liên tục, 1976 (Số 145);

Công ước về trả lương cho nghỉ phép hàng năm, 1976 (Số 146);

Công ước (Các Tiêu chuẩn tối thiểu) về tàu buôn, 1976 (Số 147);

Nghị định thư 1996 của Công ước (Các Tiêu chuẩn tối thiểu) Công ước về tàu buôn, 1976 (Số 147);

Công ước về phúc lợi cho thuyền viên, 1987 (Số 163);

Công ước (trên Biển) về chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ y tế, 1987 (Số 164);

Công ước (trên Biển) về an sinh xã hội (Sửa đổi), 1987 (Số 165);

Công ước về hồi hương người đi biển (Sửa đổi), 1987 (Số. 166);

Công ước về kiểm tra lao động (Thuyền viên), 1996 (Số 178);

Công ước về tuyển dụng và cung cấp thuyền viên, 1996 (Số 179);

Công ước về giờ làm việc và định biên trên tàu, 1996 (Số 180).

CHỨC NĂNG LƯU GIỮ

Điều 11.

1. Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế phải thông báo cho toàn thể các Thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế việc đăng ký tất cả các phê chuẩn, chấp thuận và hủy bỏ Công ước này.

2. Khi hoàn thành các điều kiện nêu tại mục 3 Điều VIII, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế phải thông báo cho các Thành viên của tổ chức ngày Công ước có hiệu lực.

Điều 12.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc để đăng ký theo Điều 102 của Hiến chương Liên hợp quốc đầy đủ các đặc điểm của tất cả các phê chuẩn, chấp thuận và hủy bỏ Công ước này.

ỦY BAN BA BÊN ĐẶC BIỆT

Điều 13.

1. Cơ quan điều hành của Tổ chức Lao động quốc tế phải tiếp tục làm việc về Công ước này dưới sự soát xét liên tục thông qua một Ủy ban được Tổ chức thành lập với khả năng đặc biệt trong lĩnh vực về các tiêu chuẩn lao động hàng hải.

2. Để giải quyết các vấn đề theo Công ước này, Ủy ban gồm có hai đại diện được Chính phủ của mỗi Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này chỉ định, và các đại diện của Chủ tàu và Thuyền viên do Cơ quan điều hành lựa chọn sau khi tham vấn với Ủy ban Hàng hải liên kết.

3. Các đại diện của Chính phủ của các Quốc gia thành viên chưa phê chuẩn Công ước này có thể tham gia Ủy ban nhưng không có quyền bỏ phiếu bất kỳ vấn đề nào theo Công ước này. Cơ quan điều hành có thể mời các cơ quan hoặc tổ chức khác có mặt trong Ủy ban với tư cách là các quan sát viên.

4. Phiếu bầu của mỗi đại diện Chủ tàu và Thuyền viên tại Ủy ban phải được tính toán sao cho đảm bảo rằng nhóm Chủ tàu và nhóm Thuyền viên nắm giữ một nửa của toàn bộ số phiếu của các chính phủ có mặt tại cuộc họp liên quan và có quyền bỏ phiếu.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÔNG ƯỚC

Điều 14.

1. Hội nghị toàn thể Tổ chức Lao động quốc tế có thể thông qua các sửa đổi, bổ sung bất kỳ điều khoản nào của Công ước trong khuôn khổ điều 19 Hiến chương Tổ chức Lao động quốc tế và các quy trình, quy định của Tổ chức đối với việc thông qua các Công ước. Các sửa đổi bổ sung Bộ luật cũng phải được thông qua theo các quy trình nêu tại Điều XV.

2. Trong trường hợp các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước này đã đăng ký phê chuẩn trước khi thông qua sửa đổi, bổ sung, văn bản nội dung sửa đổi, bổ sung phải được gửi cho họ để phê chuẩn.

3. Đối với các Quốc gia thành viên khác của Tổ chức, nội dung của Công ước đã được sửa đổi phải được gửi cho họ để phê chuẩn phù hợp với điều 19 của Hiến chương.

4. Một sửa đổi, bổ sung được xem là đã được chấp thuận vào ngày mà đã có ít nhất 30 Quốc gia thành viên nắm giữ tối thiểu 33 phần trăm tổng dung tích đội tàu thế giới đăng ký văn kiện phê chuẩn của sửa đổi, bổ sung hoặc của Công ước đã được sửa đổi.

5. Một sửa đổi, bổ sung được thông qua trong khuôn khổ của điều 19 Hiến chương sẽ có hiệu lực chỉ sau khi các văn kiện phê chuẩn của Quốc gia thành viên của Tổ chức đã được Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế đăng ký.

6. Đối với mọi Quốc gia thành viên nêu trong mục 2 của Điều này, một sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận nêu tại mục 4 của Điều này hoặc sau 12 tháng kể từ ngày văn kiện phê chuẩn được đăng ký, lấy ngày nào muộn hơn.

7. Theo mục 9 của Điều này, đối với các Quốc gia thành viên nêu trong mục 3 của Điều này, Công ước đã được sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận nêu tại mục 4 của Điều này hoặc sau 12 tháng kể từ ngày văn kiện phê chuẩn Công ước được đăng ký, lấy ngày nào muộn hơn.

8. Đối với các Quốc gia thành viên có văn kiện phê chuẩn Công ước này đã được đăng ký trước khi thông qua một sửa đổi, bổ sung nhưng chưa phê chuẩn sửa đổi, bổ sung, Công ước này vẫn có hiệu lực mà không có sửa đổi, bổ sung đó.

9. Mọi Thành viên có văn kiện phê chuẩn Công ước này được đăng ký sau khi thông qua sửa đổi, bổ sung, nhưng trước ngày nêu tại mục 4 của Điều này có thể, trong một thông báo kèm theo văn kiện phê chuẩn, xác nhận việc phê chuẩn Công ước không có sửa đổi, bổ sung liên quan. Trong trường hợp phê chuẩn kèm theo một thông báo đó, Công ước sẽ có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên đó sau 12 tháng kể từ ngày văn kiện phê chuẩn được đăng ký. Khi văn kiện phê chuẩn không có thông báo kèm theo, hoặc phê chuẩn được đăng ký vào hoặc sau ngày nêu tại mục 4, Công ước sẽ có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên đó sau 12 tháng kể từ ngày văn kiện phê chuẩn được đăng ký và, sau khi Công ước có hiệu lực phù hợp với mục 7 của Điều này, sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên đó trừ khi sửa đổi, bổ sung quy định khác.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BỘ LUẬT

Điều 15.

1. Bộ luật có thể được sửa đổi hoặc theo quy trình nêu tại Điều XIV hoặc, trừ khi có quy định khác, theo quy trình nêu tại Điều này.

2. Một sửa đổi, bổ sung có thể được chính quyền của mọi Quốc gia thành viên của Tổ chức hoặc nhóm đại diện Chủ tàu hoặc nhóm đại diện Thuyền viên được chỉ định trong Ủy ban theo Điều VIII đề xuất tới Tổng Giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế. Một sửa đổi, bổ sung do một chính phủ đề xuất phải đã được đề xuất bởi, hoặc được ủng hộ bởi, ít nhất các chính phủ của năm Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước hoặc nhóm đại diện Chủ tàu hoặc Thuyền viên như nêu tại mục này.

3. Sau khi kiểm tra đề xuất sửa đổi, bổ sung thỏa mãn các yêu cầu của mục 2 của Điều này, Tổng Giám đốc phải nhanh chóng thông báo đề xuất, kèm theo mọi nhận xét hoặc góp ý được xem là phù hợp, cho mọi Quốc gia thành viên của Tổ chức, yêu cầu họ nhận xét hoặc góp ý liên quan đến đề xuất trong thời hạn 6 tháng hoặc một thời hạn khác do Cơ quan điều hành quy định (không ít hơn 3 tháng và không nhiều hơn 9 tháng).

4. Sau thời hạn nêu tại mục 3 của Điều này, đề xuất, kèm theo một bản tóm tắt mọi nhận xét và góp ý liên quan đến mục đó, được chuyển cho Ủy ban để xem xét tại một phiên họp. Một sửa đổi, bổ sung được Ủy ban xem xét thông qua nếu:

(a) ít nhất một nửa chính phủ của các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước này có mặt tại cuộc họp xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung; và

(b) đa số ít nhất 2/3 thành viên Ủy ban bỏ phiếu tán thành sửa đổi, bổ sung; và

(c) đa số này bao gồm các phiếu tán thành của ít nhất một nửa quyền bỏ phiếu của Chính phủ, một nửa quyền bỏ phiếu của Chủ tàu và một nửa quyền bỏ phiếu của Thuyền viên của các thành viên của Ủy ban đăng ký tại cuộc họp khi bỏ phiếu thông qua đề xuất.

5. Các sửa đổi, bổ sung được thông qua phù hợp với mục 4 của Điều này phải được đệ trình tại phiên họp tiếp theo của Hội nghị để phê chuẩn. Phê chuẩn này yêu cầu đa số 2/3 số phiếu bầu của các đoàn có mặt. Nếu không đạt được đa số đó, sửa đổi, bổ sung được đề xuất phải được chuyển về Ủy ban để xem xét lại nếu Ủy ban thấy cần thiết.

6. Các sửa đổi, bổ sung được phê chuẩn tại Hội nghị phải được Tổng Giám đốc thông báo cho từng Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước có văn kiện phê chuẩn đã được đăng ký trước ngày mà Hội nghị phê chuẩn sửa đổi, bổ sung. Các Quốc gia thành viên này sau đây gọi là “các Quốc gia thành viên phê chuẩn”. Thông báo phải có tham chiếu đến Điều này và quy định thời hạn đưa ra ý kiến phản đối chính thức. Thời hạn này là hai năm tính từ ngày thông báo trừ khi, tại thời điểm phê chuẩn, Hội nghị quy định một thời hạn khác, ít nhất là một năm. Một bản sao thông báo được gửi tới các Thành viên khác của Tổ chức.

7. Một sửa đổi, bổ sung được phê chuẩn tại Hội nghị được xem là đã được chấp thuận trừ khi, hết thời hạn đề ra, Tổng Giám đốc nhận được thông báo phản đối chính thức từ hơn 40 phần trăm số Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước và chiếm không dưới 40 phần trăm tổng dung tích đội tàu của các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước.

8. Một sửa đổi, bổ sung xem là được chấp nhận sẽ có hiệu lực sáu tháng sau khi kết thúc thời gian quy định đối với mọi Quốc gia thành viên phê chuẩn, trừ những Quốc gia thành viên đã thông báo phản đối chính thức theo với mục 7 của Điều này và không rút lại phản đối đó theo mục 11. Tuy nhiên:

(a) trước khi kết thúc thời hạn quy định, mọi Quốc gia thành viên phê chuẩn có thể thông báo cho Tổng Giám đốc rằng Quốc gia chỉ áp dụng sửa đổi, bổ sung sau khi có một thông báo chấp thuận sau đó; và

(b) trước ngày sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, mọi Quốc gia thành viên phê chuẩn có thể thông báo cho Tổng Giám đốc rằng Quốc gia không áp dụng sửa đổi, bổ sung đó trong một thời gian cụ thể.

9. Một sửa đổi, bổ sung được chấp thuận bằng thông báo nêu ở mục 8(a) của Điều này sẽ có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên đưa ra thông báo đó sáu tháng sau khi Quốc gia thành viên đã thông báo cho Tổng Giám đốc chấp thuận sửa đổi, bổ sung hoặc vào ngày đầu tiên sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, lấy ngày nào muộn hơn.

10. Thời hạn nêu tại mục 8(b) của Điều này không được quá một năm tính từ ngày sửa đổi, bổ sung có hiệu lực hoặc không được vượt quá thời gian do Hội nghị quy định khi phê chuẩn sửa đổi, bổ sung.

11. Một Quốc gia thành viên chính thức thông báo phản đối một sửa đổi, bổ sung có thể rút lại phản đối đó bất kỳ thời gian nào. Nếu Tổng Giám đốc nhận được thông báo rút lại hủy bỏ đó sau khi sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực, sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên sáu tháng sau ngày thông báo được đăng ký.

12. Sau khi một sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, chỉ có thể phê chuẩn Công ước đã được sửa đổi, bổ sung.

13. Với một giấy chứng nhận lao động hàng hải liên quan đến các vấn đề sửa đổi, bổ sung của Công ước đã có hiệu lực:

(a) một Quốc gia thành viên chấp thuận sửa đổi, bổ sung không có nghĩa vụ mở rộng lợi ích của Công ước đối với các giấy chứng nhận lao động hàng hải được cấp cho tàu mang cờ của Quốc gia thành viên khác:

(i) theo mục 7 của Điều này, đã chính thức thông báo phản đối sửa đổi, bổ sung và không rút lại phản đối đó; hoặc

(ii) theo mục 8(a) của Điều này, đã thông báo rằng họ chấp thuận sửa đổi, bổ sung bằng thông báo sau đó và chưa chấp thuận sửa đổi, bổ sung; và

(b) một Quốc gia thành viên đã chấp thuận sửa đổi, bổ sung phải mở rộng lợi ích của Công ước cho các giấy chứng nhận lao động hàng hải được cấp cho các tàu mang cờ của Quốc gia thành viên khác mà Quốc gia đó đã thông báo rằng, theo mục 8(b) của Điều này, chưa áp dụng sửa đổi, bổ sung đó trong một thời gian cụ thể theo mục 10 của Điều này.

NGÔN NGỮ CHÍNH THỨC

Điều 16.

Các phiên bản tiếng Anh và Pháp của Công ước có giá trị như nhau.

 

CHÚ THÍCH VỀ CÁC QUY ĐỊNH VÀ BỘ LUẬT CỦA CÔNG ƯỚC LAO ĐỘNG HÀNG HẢI

1. Chú thích này, không thuộc Công ước Lao động hàng hải, được sử dụng như một hướng dẫn chung đối với Công ước.

2. Công ước này gồm ba phần khác nhau nhưng liên quan với nhau: các Điều, các Quy định và Bộ luật.

3. Các Điều và Quy định đưa ra các quyền và nguyên tắc cơ bản cũng như các nghĩa vụ chính của các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước. Các Điều và các Quy định chỉ có thể được thay đổi tại Hội nghị trong khuôn khổ điều 19 Hiến chương của Tổ chức Lao động quốc tế (xem Điều XIV của Công ước).

4. Bộ luật bao gồm các chi tiết thực hiện các Quy định. Bộ luật gồm có Phần A (các Tiêu chuẩn bắt buộc) và Phần B (các Hướng dẫn không bắt buộc). Bộ luật có thể được sửa đổi bằng các quy trình đơn giản nêu tại Điều XV của Công ước. Do Bộ luật liên quan với chi tiết thực hiện, nên các sửa đổi, bổ sung phải thuộc phạm vi chung của các Điều và các Quy định.

5. Các Quy định và Bộ luật được sắp xếp thành các phần chung theo năm Đề mục:

Đề mục 1: Các yêu cầu tối thiểu đối với thuyền viên làm việc trên tàu

Đề mục 2: Các điều kiện lao động

Đề mục 3: Khu vực sinh hoạt, phương tiện giải trí, thực phẩm và chế độ ăn uống

Đề mục 4: Chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc y tế, phúc lợi và an sinh xã hội cho thủy thủ

Đề mục 5: Sự tuân thủ và thực thi

6. Mỗi Đề mục có các nhóm điều khoản liên quan đến một quyền hoặc nguyên tắc cụ thể (hoặc biện pháp thực thi trong Đề mục 5), với số thứ tự giống nhau. Ví dụ nhóm đầu tiên trong Đề mục 1 liên quan đến tuổi lao động tối thiểu gồm có Quy định 1.1, Tiêu chuẩn A1.1 và Hướng dẫn B1.1.

7. Công ước có ba mục đích sau:

(a) đặt ra, trong các Điều khoản và Quy định, một tập hợp các quyền và nguyên tắc vững chắc;

(b) cho phép, thông qua Bộ luật, một mức độ linh hoạt tương đối bằng cách mà mỗi Thành viên thực hiện các quyền và nguyên tắc đó; và

(c) đảm bảo, thông qua Đề mục 5, các quyền và nguyên tắc được tuân thủ và thực thi đầy đủ.

8. Có hai phần chính với khả năng linh hoạt khi thực hiện: một là khả năng của một Quốc gia thành viên, nếu cần thiết (xem Điều VI, mục 3), thực hiện các yêu cầu chi tiết thuộc Phần A của Bộ luật bằng các biện pháp tương đương cơ bản (như xác định tại Điều VI, phần 4).

9. Phần linh hoạt thứ hai trong việc thực hiện được tạo ra bằng cách chuyển các yêu cầu bắt buộc của nhiều điều khoản thuộc Phần A theo một cách chung hơn, như vậy mở ra một phạm vi rộng hơn để cân nhắc đối với các hành động rõ ràng được thiết lập ở cấp quốc gia. Trong các trường hợp đó, hướng dẫn thực hiện được nêu trong Phần B không bắt buộc của Bộ luật. Theo cách này, các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước có thể xác định rõ loại hành động có thể xảy ra của họ phù hợp với nghĩa vụ chung tại Phần A, cũng như hành động không cần thiết yêu cầu. Ví dụ, Tiêu chuẩn A4.1 yêu cầu tất cả các tàu phải có khả năng tiếp cận nhanh chóng thuốc men cần thiết cho mục đích chăm sóc y tế trên tàu (mục 1(b)) và “trang bị một tủ y tế” (mục 4(a)). Việc làm đơn giản nhất để hoàn thành nghĩa vụ sau là trên mỗi tàu có một tủ thuốc. Chỉ dẫn rõ ràng hơn đối với những gì liên quan được nêu trong Hướng dẫn B4.1.1 tương ứng (phần 4) là các thành phần của tủ y tế phải được cất giữ, sử dụng và bảo quản phù hợp.

10. Các Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này không buộc phải thực hiện các hướng dẫn liên quan và, theo các điều khoản của Đề mục 5 về kiểm soát của Quốc gia có cảng, việc kiểm tra chỉ thực hiện đối với các yêu cầu liên quan của Công ước này (các Điều khoản, Quy định và Tiêu chuẩn thuộc Phần A). Tuy vậy, theo mục 2 của Điều VI, các Quốc gia thành viên được yêu cầu có sự xem xét để thực hiện các trách nhiệm của họ theo Phần A của Bộ luật theo cách thức được đưa ra tại phần B. Khi đã xem xét phù hợp Hướng dẫn này, nếu một Quốc gia thành viên quyết định sử dụng các cách thức khác nhau để đảm bảo việc cất giữ, sử dụng và bảo quản một cách phù hợp các thành phần của tủ y tế, như ví dụ ở trên, theo yêu cầu của Tiêu chuẩn tại Phần A, thì điều đó được chấp nhận. Mặt khác, thực hiện theo hướng dẫn như Phần B, Quốc gia thành viên liên quan, cũng như các cơ quan ILO chịu trách nhiệm xem xét việc thực hiện Công ước Lao động quốc tế, có thể đảm bảo, mà không cần xem xét thêm, là các cách thức mà Thành viên đó áp dụng đủ để thực hiện các trách nhiệm trong phạm vi Phần A mà Hướng dẫn liên quan tới.

 

CÁC QUY ĐỊNH VÀ BỘ LUẬT

ĐỀ MỤC 1 - YÊU CẦU TỐI THIỂU ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU

Quy định 1.1 - Tuổi lao động tối thiểu

Mục đích: Đảm bảo không có người chưa đến tuổi lao động làm việc trên tàu

1. Người chưa đủ tuổi lao động tối thiểu không được thuê hoặc tuyển dụng hoặc làm việc trên tàu.

2. Tuổi lao động tối thiểu tại thời điểm Công ước này có hiệu lực là 16 tuổi.

3. Tuổi lao động tối thiểu cao hơn được yêu cầu trong các trường hợp nêu tại Bộ luật.

Tiêu chuẩn A1.1 - Tuổi lao động tối thiểu

1. Nghiêm cấm thuê mướn, tuyển dụng hoặc làm việc trên tàu đối với mọi người dưới 16 tuổi.

2. Nghiêm cấm thuyền viên dưới 18 tuổi làm việc ban đêm. Trong Tiêu chuẩn này, “đêm” được định nghĩa phù hợp với thực tế và pháp luật quốc gia. Đêm là giai đoạn ít nhất 9 tiếng bắt đầu không muộn hơn nửa đêm và kết thúc không sớm hơn 5 giờ sáng.

3. Trường hợp ngoại lệ đối với việc tuân thủ nghiêm ngặt với sự hạn chế làm việc ban đêm có thể được cơ quan có thẩm quyền đưa ra nếu:

(a) việc đào tạo hiệu quả các thuyền viên liên quan, theo các chương trình và kế hoạch đã đề ra, bị ảnh hưởng xấu; hoặc

(b) bản chất cụ thể của nhiệm vụ hoặc chương trình đào tạo được công nhận đòi hỏi các thuyền viên thuộc phạm vi ngoại lệ phải thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm và cơ quan có thẩm quyền xác định, sau khi tham vấn với các tổ chức liên quan của thuyền viên và chủ tàu, là việc này không gây tổn hại cho sức khoẻ và thể chất của thuyền viên.

4. Nghiêm cấm thuê mướn, tuyển dụng hoặc làm việc đối với thuyền viên dưới 18 tuổi nếu công việc có thể nguy hiểm đến sức khoẻ hoặc an toàn của họ. Các loại công việc đó được xác định theo các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc bởi cơ quan có thẩm quyền, sau khi tham vấn với các tổ chức liên quan của chủ tàu và thuyền viên, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan.

Hướng dẫn B1.1 - Tuổi lao động tối thiểu

1. Khi đưa ra quy định về các điều kiện sống và làm việc, các Quốc gia thành viên phải đưa ra các lưu ý đặc biệt về nhu cầu đối với người lao động trẻ dưới 18 tuổi.

Quy định 1.2 - Giấy chứng nhận y tế

Mục đích: Đảm bảo mọi thuyền viên có sức khoẻ phù hợp với các công việc của họ trên biển

1. Thuyền viên không được làm việc trên tàu trừ khi được chứng nhận có sức khoẻ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ của họ.

2. Các ngoại lệ chỉ được phép như quy định trong Bộ luật.

Tiêu chuẩn A1.2 - Giấy chứng nhận y tế

1. Cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu, trước khi bắt đầu làm việc trên tàu, thuyền viên phải có một giấy chứng nhận y tế có hiệu lực chứng thực rằng họ có sức khoẻ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ mà họ phải tiến hành trên biển.

2. Để đảm bảo các giấy chứng nhận y tế phản ánh xác thực trạng thái sức khoẻ của thuyền viên, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, cơ quan có thẩm quyền phải, sau khi tham vấn với các tổ chức liên quan của các chủ tàu và thuyền viên, và có sự xem xét thoả đáng đối với các hướng dẫn quốc tế có thể áp dụng được nêu tại Phần B của Bộ luật này, quy định bản chất của việc kiểm tra và giấy chứng nhận y tế.

3. Tiêu chuẩn này không gây tổn hại cho Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn đào tạo, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên, 1978, đã được sửa đổi (“STCW”). Một giấy chứng nhận y tế được cấp phù hợp với các yêu cầu của STCW phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, theo Quy định 1.2. Một giấy chứng nhận y tế đáp ứng cơ bản các yêu cầu đó, trong trường hợp thuyền viên không phải là đối tượng của STCW, phải được chấp nhận tương tự.

4. Giấy chứng nhận y tế phải được cấp bởi một cơ sở y tế có trình độ chuyên môn phù hợp hoặc, trong trường hợp một giấy chứng nhận chỉ liên quan đến thị lực, bởi một người được cơ quan có thẩm quyền công nhận là có đủ năng lực để cấp giấy chứng nhận như vậy. Các cơ sở y tế phải có sự độc lập mang tính chuyên nghiệp đầy đủ trong việc thực hiện sự đánh giá y tế của mình khi tiến hành các quy trình kiểm tra sức khoẻ.

5. Thuyền viên bị từ chối cấp giấy chứng nhận y tế hoặc hạn chế khả năng làm việc, đặc biệt liên quan đến thời gian, lĩnh vực làm việc hoặc vùng hoạt động của tàu, phải được tạo cơ hội để được kiểm tra tiếp theo bởi cơ sở y tế độc lập khác hoặc một trọng tài y tế độc lập.

6. Mỗi giấy chứng nhận y tế phải công bố cụ thể:

(a) thính giác và thị giác của thuyền viên liên quan, và khả năng phân biệt màu sắc trong trường hợp thuyền viên được dùng trong công việc mà sự phù hợp đối với công việc cần thực hiện có thể bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt màu sắc không hoàn chỉnh, là hoàn toàn thỏa mãn; và

(b) thuyền viên liên quan không phải chịu bất kỳ điều kiện y tế nào có khả năng trở lên trầm trọng hơn do làm việc trên biển hoặc làm cho thuyền viên đó không có đủ sức khoẻ cho công việc như vậy hoặc gây nguy hiểm đến sức khoẻ của người khác trên tàu.

7. Trừ khi một thời hạn ngắn được yêu cầu bởi lý do của nhiệm vụ cụ thể được thực hiện bởi thuyền viên liên quan hoặc được yêu cầu theo STCW:

(a) giấy chứng nhận y tế có hiệu lực trong thời gian dài nhất là hai năm; đối với thuyền viên dưới 18 tuổi, thời gian này là một năm;

(b) giấy chứng nhận về khả năng phân biệt màu sắc có hiệu lực trong thời gian dài nhất là sáu năm.

8. Trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép một thuyền viên làm việc mà không có giấy chứng nhận y tế hợp lệ cho đến khi tàu ghé vào cảng tiếp theo, mà ở đó thuyền viên có thể nhận được giấy chứng nhận y tế của một cơ sở y tế có đủ năng lực, với điều kiện:

(a) thời gian cho phép đó không quá ba tháng; và

(b) thuyền viên đó sở hữu giấy chứng nhận y tế mới hết hạn.

9. Nếu giấy chứng nhận y tế hết hạn khi tàu đang hành trình, giấy chứng nhận tiếp tục có hiệu lực đến khi tàu ghé vào cảng tiếp theo, mà ở đó thuyền viên có thể nhận được giấy chứng nhận y tế của một cơ sở y tế có đủ năng lực, với điều kiện thời hạn đó không quá ba tháng.

10. Các giấy chứng nhận y tế của các thuyền viên làm việc trên tàu thường xuyên chạy tuyến quốc tế ít nhất phải bằng tiếng Anh.

Hướng dẫn B1.2 - Giấy chứng nhận y tế

Hướng dẫn B1.2.1 - Các hướng dẫn quốc tế

1. Cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế, người kiểm tra sức khoẻ, chủ tàu, đại diện thuyền viên và những người khác liên quan đến việc thực hiện kiểm tra sức khoẻ của ứng viên thuyền viên và các thuyền viên phục vụ phải tuân theo ILO/WHO Hướng dẫn kiểm tra sức khoẻ trước khi đi biển và định kỳ cho thuyền viên, bao gồm các phiên bản bất kỳ tiếp theo, và mọi hướng dẫn quốc tế có thể áp dụng được Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Hàng hải quốc tế hoặc Tổ chức Y tế thế giới ban hành.

Quy định 1.3 - Đào tạo và chứng nhận chuyên môn

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên được đào tạo hoặc có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ trên tàu

1. Thuyền viên không được làm việc trên tàu trừ khi được đào tạo hoặc chứng nhận có khả năng hoặc có chứng nhận chuyên môn khác thực hiện nhiệm vụ của họ.

2. Thuyền viên không được phép làm việc trên tàu trừ khi đã được đào tạo đầy đủ về an toàn cá nhân trên tàu.

3. Đào tạo và cấp giấy chứng nhận phù hợp với các văn kiện bắt buộc được Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua phải được xem là thỏa mãn các yêu cầu của mục 1 và 2 của Quy định này.

4. Bất cứ Thành viên nào, tại thời điểm phê chuẩn Công ước, đã áp dụng Công ước về chứng nhận khả năng của thuyền viên, 1946 (Số 74), phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo phạm vi Công ước đó trừ khi và cho đến khi các điều khoản bắt buộc điều chỉnh các vấn đề lệ thuộc đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua và có hiệu lực, hoặc qua năm năm tính từ ngày Công ước này có hiệu lực phù hợp với mục 3 Điều VIII, lấy ngày nào đến sớm hơn.

Quy định 1.4 - Tuyển dụng và cung ứng

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên có quyền tiếp cận một hệ thống tuyển dụng và cung ứng thuyền viên được quản lý chặt chẽ

1. Mọi thuyền viên có quyền tiếp cận hệ thống có trách nhiệm, đầy đủ và hiệu quả để tìm ra công việc trên tàu mà không mất chi phí của thuyền viên.

2. Các cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hoạt động trong lãnh thổ của Thành viên phải tuân theo các tiêu chuẩn nêu trong Bộ luật.

3. Mỗi Thành viên phải yêu cầu, đối với các thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ của họ, là các chủ tàu sử dụng các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên thiết lập tại các nước hoặc các lãnh thổ không áp dụng Công ước, phải đảm bảo các dịch vụ đó tuân thủ các yêu cầu nêu trong Bộ luật.

Tiêu chuẩn A1.4 - Tuyển dụng và cung ứng

1. Mỗi Thành viên sử dụng dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên công cộng phải đảm bảo dịch vụ hoạt động đúng đắn, bảo vệ và khuyến khích các quyền được tuyển dụng của thuyền viên như đề ra trong Công ước này.

2. Nếu một Thành viên có các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên tư nhân hoạt động trong lãnh thổ của mình với mục đích chính là tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hoặc tuyển dụng và cung ứng một số lượng đáng kể thuyền viên, thì các dịch vụ này chỉ được hoạt động theo một hệ thống được chuẩn hoá về cấp phép hoặc chứng nhận hoặc hình thức quản lý khác. Hệ thống này phải được thiết lập, sửa đổi hoặc thay đổi chỉ sau khi thảo luận với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan. Trong trường hợp nghi ngờ Công ước này có áp dụng với một dịch vụ tuyển dụng và cung ứng tư nhân hay không, cơ quan có thẩm quyền của từng Thành viên phải đưa ra quyết định sau khi tham vấn với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan. Không khuyến khích sự phát triển quá mức các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên tư nhân.

3. Các điều khoản của mục 2 Tiêu chuẩn này cũng áp dụng - đến phạm vi được cơ quan có thẩm quyền quyết định, có sự tham vấn với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan, là phù hợp - đối với các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng được điều hành bởi tổ chức của thuyền viên trong lãnh thổ của Thành viên để cung cấp thuyền viên mang quốc tịch của Thành viên đó cho tàu mang cờ của họ. Các dịch vụ nêu trong mục này phải thỏa mãn các điều kiện sau:

(a) dịch vụ tuyển dụng và cung ứng được điều hành theo một thoả ước tập thể giữa tổ chức đó và một chủ tàu;

(b) cả tổ chức của thuyền viên và chủ tàu thuộc lãnh thổ của Thành viên;

(c) Thành viên có các văn bản pháp luật quốc gia hoặc các quy định hoặc một quy trình ủy quyền hoặc đăng ký thoả ước tập thể cho phép việc điều hành dịch vụ tuyển dụng và cung ứng lao động; và

(d) dịch vụ tuyển dụng và cung ứng lao động phải được điều hành theo một cách thức đúng đắn và có các biện pháp để bảo vệ và khuyến khích các quyền được tuyển dụng của thuyền viên như những quy định nêu tại mục 5 của Tiêu chuẩn này.

4. Không có phần nào trong Tiêu chuẩn này hoặc Quy định 1.4 được hiểu là:

(a) ngăn cản một Thành viên duy trì một dịch vụ công tuyển dụng và cung ứng thuyền viên tự do trong khuôn khổ một chính sách để đáp ứng các nhu cầu của thuyền viên và chủ tàu, nếu dịch vụ đó đóng vai trò là một phần của, hoặc được kết hợp với, dịch vụ tuyển dụng công đối với tất cả người lao động và người sử dụng lao động; hoặc

(b) bắt buộc một Thành viên thiết lập một hệ thống dành cho hoạt động của các dịch vụ cung ứng hoặc tuyển dụng thuyền viên tư nhân trong lãnh thổ của họ.

5. Một Thành viên thông qua hệ thống nêu tại mục 2 của Tiêu chuẩn này phải, theo các văn bản pháp luật hoặc các quy định hoặc các biện pháp khác của mình, tối thiểu phải:

(a) cấm các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên sử dụng các biện pháp, cơ chế hoặc các hình thức có dụng ý ngăn chặn hoặc ngăn cản thuyền viên được tuyển dụng phù hợp với chuyên môn của mình;

(b) quy định thuyền viên không phải trả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hoặc một phần, các loại phí hoặc thù lao khác cho việc tuyển dụng hoặc cung cấp thuyền viên hoặc cho việc cung cấp việc làm cho thuyền viên, ngoài chi phí chứng nhận y tế theo luật quốc gia, chi phí sổ thuyền viên và hộ chiếu hoặc giấy thông hành cá nhân tương tự khác; tuy nhiên, không bao gồm chi phí cấp thị thực, chủ tàu phải chịu chi phí này; và

(c) đảm bảo rằng các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên trong lãnh thổ của mình:

(i) duy trì đăng ký cập nhật mọi thuyền viên được tuyển dụng hoặc cung ứng thông qua họ, sẵn sàng cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra;

(ii) đảm bảo thuyền viên được thông tin về các quyền và nghĩa vụ của họ theo các thỏa thuận tuyển dụng trước hoặc trong quá trình tuyển dụng và có các biện pháp thích hợp để thuyền viên kiểm tra các thỏa thuận tuyển dụng của họ trước và sau khi ký kết và để họ được nhận một bản sao các thỏa thuận;

(iii) thẩm tra xác nhận là các thuyền viên được họ tuyển dụng hoặc cung ứng đã có chứng nhận chuyên môn và các tài liệu khác cần thiết cho công việc liên quan, và các thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên phù hợp với các văn bản pháp luật và các quy định phải áp dụng và thoả ước tập thể là một phần của thỏa thuận tuyển dụng;

(iv) đảm bảo rằng, đến mức thực tế có thể thực hiện được thực hiện được, chủ tàu phải có các biện pháp để bảo vệ thuyền viên không bị kẹt lại một cảng nước ngoài;

(v) kiểm tra và trả lời mọi khiếu nại về các hoạt động của họ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền mọi khiếu nại chưa giải quyết được;

(vi) thiết lập một hệ thống bảo vệ, thông qua bảo hiểm hoặc biện pháp phù hợp tương đương, nhằm bồi thường cho thuyền viên tổn thất tiền tệ có thể có do lỗi của dịch vụ tuyển dụng và cung ứng hoặc chủ tàu thích hợp theo thỏa thuận tuyển dụng phù hợp với các nghĩa vụ của họ với thuyền viên.

6. Cơ quan có thẩm quyền của Thành viên phải giám sát chặt chẽ và kiểm soát mọi dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hoạt động trong lãnh thổ của mình. Mọi giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc các ủy quyền tương tự đối với hoạt động của các dịch vụ tư nhân trong lãnh thổ được cấp hoặc cấp lại chỉ sau khi thẩm tra xác nhận các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên liên quan đáp ứng các yêu cầu của các văn bản pháp luật và quy định quốc gia.

7. Cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo có các cơ chế và quy trình phù hợp để điều tra, nếu cần thiết, các khiếu nại liên quan đến các hoạt động của các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên, bao gồm cả các đại diện của chủ tàu và thuyền viên, nếu thích hợp.

8. Mỗi Thành viên đã thông qua Công ước này phải, đến mức thực tế có thể thực hiện được, khuyến cáo cho các công dân của mình về các vấn đề có thể xảy ra khi ký kết lao động trên một tàu mang cờ của một quốc gia chưa phê chuẩn Công ước, trừ khi khi Thành viên đó thỏa mãn rằng các tiêu chuẩn tương đương với các tiêu chuẩn nêu tại Công ước này được áp dụng. Các biện pháp đã được thực hiện bởi Thành viên đã phê chuẩn Công ước này không được mâu thuẫn với nguyên tắc di chuyển tự do của người lao động được quy định trong các hiệp định mà hai Quốc gia có thể là thành viên.

9. Mỗi Thành viên đã phê chuẩn Công ước này phải yêu cầu các chủ tàu của tàu mang cờ của họ, sử dụng các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên đặt tại các nước hoặc lãnh thổ không áp dụng Công ước này, đảm bảo rằng, đến mức thực tế có thể thực hiện được thực hiện được, các dịch vụ đó thỏa mãn các yêu cầu của Tiêu chuẩn này.

10. Không một nội dung nào trong Tiêu chuẩn này được hiểu là làm giảm nhẹ các nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tàu hoặc của một Thành viên đối với tàu mang cờ của họ.

Hướng dẫn B1.4 - Tuyển dụng và cung ứng

Hướng dẫn B1.4 - Các hướng dẫn về tổ chức và hoạt động

1. Khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nêu tại Tiêu chuẩn A1.4, mục 1, cơ quan có thẩm quyền phải xét đến các vấn đề sau:

(a) tiến hành các biện pháp cần thiết để thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên, cả công cộng và tư nhân;

(b) nhu cầu của ngành công nghiệp hàng hải ở cả mức độ quốc gia và quốc tế, trong việc xây dựng các chương trình đào tạo thuyền viên là một phần của thuyền bộ tàu chịu đối với các hoạt động hàng hải an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, với sự tham gia của các chủ tàu, thuyền viên và các cơ sở đào tạo liên quan;

(c) thiết lập các cách thức phù hợp cho sự hợp tác giữa các tổ chức của thuyền viên và chủ tàu trong việc tổ chức và hoạt động của các cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên công, nếu có;

(d) xác định, với sự quan tâm thoả đáng đến quyền cá nhân và nhu cầu bảo mật, các điều kiện mà theo đó các dữ liệu cá nhân của thuyền viên có thể được xử lý bởi các cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên, bao gồm việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp và thông tin các dữ liệu như vậy cho bên thứ ba;

(e) duy trì cách thức thu thập và phân tích tất cả các thông tin liên quan đến thị trường lao động hàng hải, gồm việc cung cấp thuyền viên để tham gia vào thuyền bộ tại thời điểm hiện tại và triển vọng, phân loại theo tuổi, giới tính, cấp bậc và chuyên môn, và các yêu cầu của ngành công nghiệp hàng hải; việc thu thập các thông số về tuổi hoặc giới tính chỉ được chấp nhận với mục đích thống kê hoặc nếu được sử dụng trong khuôn khổ một chương trình để ngăn ngừa sự phân biệt đối xử tuổi và giới tính;

(f) đảm bảo nhân viên có trách nhiệm giám sát các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên công và tư nhân cho thuyền bộ của tàu chịu trách nhiệm về các hoạt động hàng hải an toàn và phòng ngừa ô nhiễm của tàu được đào tạo đầy đủ, bao gồm cả kinh nghiệm đi biển được công nhận, và các kiến thức thích hợp của ngành công nghiệp hàng hải, gồm các văn kiện hàng hải quốc tế thích hợp về tiêu chuẩn đào tạo, cấp giấy chứng nhận và lao động;

(g) đề ra các tiêu chuẩn hoạt động và thông qua các bộ luật về đạo đức và nguyên tắc ứng xử áp dụng cho các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên; và

(h) giám sát hệ thống cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận dựa trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn chất lượng.

2. Trong việc xây dựng hệ thống nêu tại Tiêu chuẩn A1.4, mục 2, mỗi Thành viên phải xem xét yêu cầu các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên, thành lập trong lãnh thổ của họ, phải phát triển và duy trì thực tiễn hoạt động có thể kiểm tra được. Các thực tiễn hoạt động này đối với các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên tư nhân và, đến mức có thể áp dụng được, đối với các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên công phải đề cập đến các vấn đề sau đây:

(a) việc kiểm tra y tế, các tài liệu nhận biết thuyền viên và tài liệu khác có thể được yêu cầu đối với thuyền viên để được tuyển dụng;

(b) duy trì, với sự quan tâm thoả đáng đến quyền cá nhân và nhu cầu bảo mật, các hồ sơ toàn diện và đầy đủ về các thuyền viên thuộc hệ thống tuyển dụng và cung ứng của họ, bao gồm nhưng không bị giới hạn bởi:

(i) các bằng cấp chuyên môn của thuyền viên;

(ii) hồ sơ tuyển dụng;

(iii) các dữ liệu cá nhân thích hợp cho việc tuyển dụng; và

(iv) các dữ liệu y tế thích hợp cho việc tuyển dụng;

(c) duy trì các danh sách cập nhật các tàu mà các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên cung cấp thuyền viên cho các tàu đó và đảm bảo có phương tiện để các dịch vụ đó có thể liên lạc được trong các tình huống khẩn cấp;

(d) các quy trình đảm bảo các thuyền viên không bị các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng hoặc các nhân viên của họ bóc lột khi giới thiệu tuyển dụng làm việc trên các tàu cụ thể hoặc các công ty cụ thể;

(e) các quy trình ngăn chặn cơ hội bóc lột thuyền viên phát sinh bởi việc tạm ứng hoặc bất kỳ giao dịch tài chính nào khác giữa các chủ tàu và thuyền viên được các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên thực hiện;

(f) các chi phí được công khai rõ ràng, nếu có, mà thuyền viên phải chịu trong quá trình tuyển dụng;

(g) đảm bảo thuyền viên được thông báo về mọi điều kiện cụ thể liên quan đến công việc mà họ được tuyển dụng và các chính sách của chủ tàu cụ thể liên quan đến việc tuyển dụng của họ;

(h) các quy trình phù hợp với các nguyên tắc công bằng tự nhiên để giải quyết các trường hợp không đủ khả năng hoặc vi phạm kỷ luật phù hợp pháp luật quốc gia và thực tiễn và, nếu có thể áp dụng, với các thoả ước tập thể;

(i) các quy trình để đảm bảo, đến mức thực tế có thể thực hiện được, tất cả các giấy chứng nhận và hồ sơ được đệ trình phục vụ cho việc tuyển dụng phải là mới nhất, không phải có được bằng cách gian lận và các thông tin tham khảo phải được kiểm tra xác nhận;

(j) các quy trình để đảm bảo rằng các yêu cầu thông tin hoặc thông báo từ gia đình thuyền viên trong khi thuyền viên đi biển được giải quyết nhanh chóng với sự đồng cảm và không có chi phí;

(k) kiểm tra các điều kiện trên tàu mà thuyền viên làm việc phù hợp với thoả ước tập thể giữa chủ tàu và tổ chức của đại diện thuyền viên, và là một vấn đề có tính chính sách, chỉ cung cấp thuyền viên cho chủ tàu có các điều kiện và điều khoản tuyển dụng thuyền viên tuân thủ các văn bản pháp luật hoặc các quy định hoặc các thoả ước tập thể có thể áp dụng.

3. Xem xét khuyến khích hợp tác quốc tế giữa các Thành viên và các tổ chức liên quan, như:

(a) trao đổi thông tin có hệ thống về ngành công nghiệp hàng hải và thị trường lao động trên cơ sở song phương, khu vực và đa phương;

(b) trao đổi các thông tin pháp lý về lao động hàng hải;

(c) hài hoà các chính sách, phương pháp làm việc và pháp luật quản lý tuyển dụng và cung ứng thuyền viên;

(d) hoàn thiện các quy trình và các điều kiện tuyển dụng và cung ứng thuyền viên quốc tế; và

(e) lập kế hoạch xây dựng nguồn lực, xét đến quan hệ giữa cung và cầu thuyền viên và các yêu cầu của ngành công nghiệp hàng hải.

ĐỀ MỤC 2 - CÁC ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

Quy định 2.1 - Thỏa thuận lao động của thuyền viên

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên có được thỏa thuận lao động công bằng

1. Các Điều kiện và điều khoản tuyển dụng phải được đưa vào hoặc tham chiếu đến một thỏa thuận có hiệu lực pháp lý được lập thành văn bản rõ ràng và phải phù hợp với các tiêu chuẩn nêu trong Bộ luật.

2. Các thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên phải được thuyền viên đồng ý theo các điều kiện đảm bảo thuyền viên có một cơ hội xem xét và tìm kiếm sự tham vấn về các điều kiện và các điều khoản trong thỏa thuận và tự nguyện chấp nhận trước khi ký kết.

3. Tới mức phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc gia của Thành viên, các thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên phải được hiểu là bao gồm bất kỳ thoả ước tập thể có thể áp dụng nào.

Tiêu chuẩn A2.1 - Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên

1. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật hoặc các quy định yêu cầu tàu mang cờ của họ phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:

(a) thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ quốc gia của mình phải có một thỏa thuận tuyển dụng được ký kết bởi cả thuyền viên và chủ tàu hoặc một đại diện của chủ tàu (hoặc, nếu họ không phải là người được tuyển dụng thì phải có bằng chứng khế ước hoặc thỏa thuận tương tự) cung cấp cho họ các điều kiện sống và làm việc phù hợp trên tàu theo quy định của Công ước này;

(b) thuyền viên ký kết một thỏa thuận tuyển dụng phải có một cơ hội kiểm tra và tìm kiếm sự tham vấn về thỏa thuận trước khi ký, cũng như các cách thức khác nếu cần thiết để đảm bảo rằng họ tham gia thỏa thuận một cách tự do với nhận thức đầy đủ về các quyền lợi và trách nhiệm của họ;

(c) mỗi chủ tàu và thuyền viên liên quan phải giữ một bản thỏa thuận tuyển dụng gốc đã ký;

(d) phải có các biện pháp đảm bảo rằng các thông tin rõ ràng về các điều kiện tuyển dụng của thuyền viên trên tàu có thể nhận được dễ dàng từ các thuyền viên, kể cả Thuyền trưởng; và các thông tin đó, gồm một bản sao thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên, cũng có thể được các quan chức của cơ quan có thẩm quyền, gồm cả các cơ quan có thẩm quyền tại các cảng mà tàu ghé vào, tiếp cận và xem xét; và

(e) thuyền viên phải nhận được tài liệu bao gồm hồ sơ về quá trình tuyển dụng của họ trên tàu.

2. Nếu một thoả ước tập thể là một phần hoặc toàn bộ một thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên, thì phải giữ bản sao thỏa thuận đó trên tàu. Nếu ngôn ngữ của thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên hoặc thoả ước tập thể không phải bằng tiếng Anh thì phải dùng tiếng Anh cho các tài liệu sau đây (trừ tàu chạy tuyến nội địa):

(a) một bản sao một mẫu thỏa thuận tiêu chuẩn; và

(b) các phần của thoả ước tập thể chịu sự kiểm tra của quốc gia có cảng theo Quy định 5.2.

3. Tài liệu nêu tại mục 1(e) của Tiêu chuẩn này không báo gồm bất kỳ thông báo nào về chất lượng công việc của thuyền viên hoặc tiền lương của họ. Mẫu tài liệu này, các chi tiết phải ghi chép vào hồ sơ và cách ghi các chi tiết đó phải được luật quốc gia quy định.

4. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật và các quy định chỉ rõ các vấn đề được bao gồm trong tất cả các thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên được điều chỉnh bởi luật quốc gia của Thành viên đó. Các thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên trong mọi trường hợp phải bao gồm các chi tiết sau đây:

(a) tên đầy đủ, ngày sinh hoặc tuổi, và nơi sinh của thuyền viên;

(b) tên và địa chỉ chủ tàu;

(c) địa điểm và ngày thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên có hiệu lực;

(d) năng lực mà theo đó thuyền viên được tuyển dụng;

(e) mức lương của thuyền viên, nếu phù hợp, cách tính lương;

(f) tiền thanh toán nghỉ phép hàng năm hoặc, nếu phù hợp, cách tính tiền thanh toán này;

(g) kết thúc thỏa thuận và các điều kiện kèm theo, bao gồm:

(i) nếu thỏa thuận không có thời hạn xác định, các điều kiện cho phép một trong hai bên kết thúc hợp đồng, cùng với thời hạn thông báo được yêu cầu; thời hạn thông báo được yêu cầu của chủ tàu không được ngắn hơn của thuyền viên;

(ii) nếu thỏa thuận có một thời hạn xác định, lấy hạn đó; và

(iii) nếu là thỏa thuận cho một chuyến đi biển, ghi rõ cảng đến và thời gian hết hạn sau khi tàu đến cảng, trước khi thuyền viên kết thúc sự ràng buộc của thỏa thuận;

(h) chủ tàu phải cung cấp cho thuyền viên trợ cấp bảo vệ sức khoẻ và an sinh xã hội;

(i) quyền hồi hương của thuyền viên;

(j) tham chiếu đến thoả ước tập thể, nếu phù hợp; và

(k) mọi chi tiết khác mà luật quốc gia có thể yêu cầu.

5. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật hoặc các quy định chỉ rõ khoảng thời gian thông báo tối thiểu được chủ tàu hoặc thuyền viên đưa ra khi kết thúc sớm một thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên. Thời gian tối thiểu đó được xác định sau khi tham vấn với các tổ chức của thuyền viên và chủ tàu liên quan, nhưng không ít hơn bảy ngày.

6. Một khoảng thời gian thông báo ít hơn tối thiểu có thể được đưa ra trong các trường hợp được công nhận theo pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các thoả ước tập thể có thể áp dụng, nếu chứng minh được tính phù hợp của sự kết thúc thỏa thuận tuyển dụng với thời gian thông báo ngắn hơn hoặc không có thông báo. Khi quyết định các trường hợp này, mỗi Thành viên phải đảm bảo rằng nhu cầu của thuyền viên để kết thúc, mà không bị phạt, thỏa thuận tuyển dụng với thời gian thông báo ngắn hơn hoặc không có thông báo vì sự cảm thông hoặc các lý do khẩn cấp khác được xem xét.

Hướng dẫn B2.1 - Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên

Hướng dẫn B2.2.1 - Hồ sơ tuyển dụng

1. Để xác định các chi tiết phải ghi vào hồ sơ tuyển dụng được nêu tại Tiêu chuẩn A2.1, mục 1(e), mỗi Thành viên phải đảm bảo rằng hồ sơ này có đủ thông tin, với một bản dịch tiếng Anh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được các công việc tiếp theo hoặc thỏa mãn các yêu cầu phục vụ trên biển nhằm mục đích nâng cấp hoặc thăng tiến. Sổ kết thúc quá trình làm việc của thuyền viên có thể thỏa mãn các yêu cầu mục 1(e) của Tiêu chuẩn.

Quy định 2.2 - Tiền lương

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên được trả lương cho công việc của họ

1. Tất cả các thuyền viên phải được trả lương cho công việc đều đặn và đầy đủ phù hợp với các thỏa thuận tuyển dụng.

Tiêu chuẩn A2.2 - Tiền lương

1. Mỗi Thành viên phải quy định việc trả lương cho thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ của họ phải được thực hiện trong các khoảng thời gian không quá một tháng và phù hợp với thoả ước tập thể có thể áp dụng.

2. Thủy thủ phải được nhận bản kê chi trả hàng tháng và số tiền được trả, bao gồm tiền lương, phụ cấp và tỷ giá hối đoái áp dụng nếu trả bằng tiền hoặc với tỷ giá khác với những nội dung đã thỏa thuận.

3. Mỗi Thành viên phải yêu cầu các chủ tàu áp dụng các biện pháp, như được nêu tại mục 4 của Tiêu chuẩn này, cho phép thuyền viên chuyển tất cả hoặc từng phần thu nhập của họ tới gia đình hoặc người thân hoặc người hưởng lợi hợp pháp.

4. Các biện pháp đảm bảo rằng thuyền viên có thể chuyển thu nhập của họ cho gia đình gồm:

(a) một hệ thống cho phép thuyền viên, từ khi bắt đầu công việc được tuyển dụng hoặc trong thời gian tuyển dụng, chuyển, nếu họ muốn, một phần tiền lương của họ trong các khoảng thời gian đều đặn cho gia đình họ thông qua chuyển khoản ngân hàng hoặc các biện pháp tương tự; và

(b) một yêu cầu là việc chuyển một phần tiền lương phải được thực theo đúng hạn và trực tiếp cho người hoặc những người được thuyền viên chỉ định.

5. Mọi chi phí dịch vụ theo mục 3 và 4 của Tiêu chuẩn này phải ở mức chấp nhận được, và tỷ giá hối đoái tiền tệ, trừ khi có quy định khác, phải, phù hợp với các văn bản luật và quy định quốc gia, là tỷ giá thị trường phổ biến hoặc tỷ giá được công bố chính thức không bất lợi cho thuyền viên.

6. Mỗi Thành viên thông qua các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia điều chỉnh tiền lương của thuyền viên phải xem xét hướng dẫn nêu tại Phần B của Bộ luật.

Hướng dẫn B2.2 - Tiền lương

Hướng dẫn B2.2.1 - Các định nghĩa

1. Trong Hướng dẫn này, thuật ngữ:

(a) thuyền viên có khả năng là bất kỳ thuyền viên nào được coi là có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào có thể được yêu cầu theo chuyên môn làm việc thuộc bộ phận boong, không phải nhiệm vụ của một cương vị giám sát hay chuyên gia, hoặc người được xác định rõ bằng các văn bản pháp luật quốc gia, các quy định hoặc thực tiễn, hoặc bởi thoả ước tập thể;

(b) tiền lương hoặc tiền công cơ bản là tiền trả cho giờ làm việc thông thường; không bao gồm tiền trả cho các việc ngoài giờ, thưởng, trợ cấp, tiền nghỉ phép hoặc thù lao thêm khác;

(c) lương tổng hợp là tiền lương hoặc tiền công gồm lương cơ bản và các tiền thưởng khác; lương tổng hợp có thể bao gồm tiền làm ngoài giờ và các tiền thưởng khác, hoặc có thể chỉ gồm các khoản tiền thưởng cụ thể trong một lương tổng hợp từng phần;

(d) Giờ làm việc là thời gian thuyền viên làm việc được trả lương trên tàu;

(e) Ngoài giờ là thời gian làm việc vượt quá giờ làm việc thông thường.

Hướng dẫn B2.2.2 - Tính và trả lương

1. Với thuyền viên có tiền làm việc ngoài giờ riêng biệt:

(a) khi tính tiền lương, giờ làm việc thông thường trên biển và tại cảng không được quá tám giờ một ngày;

(b) khi tính tiền ngoài giờ, số giờ thông thường mỗi tuần được trả bằng tiền lương hoặc tiền công cơ bản được nêu trong các quy định hoặc các văn bản pháp luật quốc gia, nếu không có trong thoả ước tập thể, không quá 48 giờ một tuần; thoả ước tập thể có thể quy định khác nhưng không được thấp hơn sự đối xử thuận lợi này;

(c) mức hoặc các mức tiền làm việc ngoài giờ, không được thấp hơn năm phần tư tiền lương hoặc tiền công cơ bản mỗi giờ, phải được đưa vào trong các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các thỏa ước tập thể, nếu có; và

(d) các bản ghi toàn bộ thời gian làm việc ngoài giờ được thuyền trưởng, hoặc người được thuyền trưởng phân công lưu giữ, và được thuyền viên ký xác nhận trong các khoảng thời gian không quá một tháng.

2. Với thuyền viên nhận lương tổng hợp hoặc lương tổng hợp từng phần:

(a) thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên phải nêu rõ, nếu phù hợp, số giờ thuyền viên phải làm việc để có được mức lương này, và mọi trợ cấp bổ sung có thể được hưởng ngoài tổng tiền lương, và trong các trường hợp nào;

(b) nếu tiền làm việc ngoài giờ vượt quá tổng tiền lương làm việc theo giờ quy định thì tiền ngoài giờ không nhỏ hơn năm phần tư tiền lương cơ bản tương ứng với số giờ làm việc được định nghĩa tại mục 1 của Hướng dẫn này; áp dụng cùng nguyên tắc đối với giờ làm thêm tính trong lương tổng hợp;

(c) thù lao cho các phần của lương tổng hợp toàn bộ hoặc từng phần với giờ làm việc thông thường được quy định tại mục 1(a) của Hướng dẫn này không thấp hơn tiền lương tối thiểu áp dụng; và

(d) đối với thuyền viên có lương tổng hợp từng phần, các bản ghi làm việc ngoài giờ phải được lưu giữ và xác nhận như quy định tại mục 1(d) của Hướng dẫn này.

3. Các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các thoả ước tập thể có thể quy định tiền thù lao cho việc ngoài giờ vào các ngày nghỉ cuối tuần và vào các ngày nghỉ lễ bằng số ngày nghỉ phép hoặc số ngày không đi biển tương đương với số thời gian nói trên.

4. Các văn bản pháp luật và quy định quốc gia được thông qua sau khi tham vấn với các tổ chức đại diện chủ tàu và thuyền viên hoặc, nếu phù hợp, các thoả ước tập thể phải được xem xét theo các nguyên tắc sau đây:

(a) phải áp dụng thù lao bình đẳng cho các công việc với giá trị tương ứng với mọi thuyền viên cùng làm việc trên tàu, không phân biệt đối xử theo chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị, nguồn gốc xã hội;

(b) trên tàu phải có thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên chỉ rõ lương hoặc các mức lương được áp dụng; thông tin về tiền lương hoặc các mức lương phải có sẵn cho từng thuyền viên, hoặc tối thiểu, một bản sao được ký xác nhận các thông tin cho thuyền viên bằng ngôn ngữ thuyền viên hiểu được, hoặc niêm yết một bản sao của thỏa thuận tại vị trí thuyền viên dễ đọc được hoặc bằng phương tiện thích hợp khác.

(c) tiền lương được trả theo hình thức được pháp luật quy định, nếu phù hợp, có thể qua các hình thức chuyển tiền ngân hàng, séc ngân hàng, séc bưu điện hoặc chi phiếu;

(d) khi kết thúc thỏa thuận, mọi thù lao phải được chi trả mà không có sự chậm trễ phi lý;

(e) cơ quan có thẩm quyền quy định các hình phạt thích đáng hoặc các biện pháp thích hợp khác nếu chủ tàu trì hoãn không chính đáng, hoặc từ chối, trả tất cả các khoản thù lao;

(f) phải trả lương trực tiếp vào tài khoản ngân hàng do thuyền viên chỉ định trừ khi họ có yêu cầu khác đi bằng văn bản;

(g) theo tiểu mục (h) của mục này, chủ tàu không được áp đặt giới hạn quyền tự do của thuyền viên trong việc sử dụng tiền lương của họ.

(h) chỉ được phép khấu trừ thù lao nếu:

(i) có một điều khoản rõ ràng trong các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc một thoả ước tập thể có thể áp dụng và thuyền viên được biết, theo cách thức được cơ quan có thẩm quyền coi là phù hợp nhất, về các điều kiện khấu trừ đó; và

(ii) tổng cộng các khấu trừ không được quá giới hạn đã nêu trong các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các thoả ước tập thể hoặc quyết định của toà án đối với các khấu trừ đó;

(i) không được khấu trừ thù lao của một thuyền viên cho phí tuyển dụng hoặc phí duy trì tuyển dụng; và

(j) cấm phạt tiền thuyền viên ngoài quy định của các văn bản pháp luật quốc gia hoặc các quy định, các thoả ước tập thể hoặc các biện pháp khác;

(k) cơ quan có thẩm quyền có quyền kiểm tra các kho dự trữ và các dịch vụ cung cấp trên tàu đảm bảo giá cả hợp lý được áp dụng cho quyền lợi thuyền viên liên quan; và

(l) trong phạm vi các khiếu nại của thuyền viên về tiền lương và các khoản tiền khác liên quan đến việc tuyển dụng của họ không được bảo đảm bởi Công ước quốc tế về bắt giữ và cầm cố hàng hải, 1993, các khiếu nại đó phải được bảo vệ phù hợp với Công ước bảo vệ khiếu nại (tình trạng không trả được nợ của người sử dụng lao động) của người lao động, 1992 (Số 173).

5. Mỗi Thành viên phải, sau khi tham vấn đại diện các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên, có các quy trình điều tra các khiếu nại liên quan đến bất kỳ vấn đề nào nêu trong Công ước.

Hướng dẫn B.2.2.3 - Tiền lương tối thiểu

1. Không làm tổn hại đến nguyên tắc thương lượng tập thể tự do, mỗi Thành viên phải, sau khi tham vấn với các tổ chức đại diện của chủ tàu và thuyền viên, phải thiết lập các quy trình quyết định tiền lương tối thiểu cho thuyền viên. Các tổ chức đại diện của chủ tàu và thuyền viên tham gia vào hoạt động của các quy trình đó.

2. Khi thiết lập các quy trình đó và ấn định lương tối thiểu, cần phải quan tâm thoả đáng đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan đến quy định lương tối thiểu, cũng như các nguyên tắc sau đây:

(a) mức lương tối thiểu phải xét đến bản chất của công việc trên biển, trình độ thuyền viên của tàu, và số giờ làm việc thông thường trên tàu; và

(b) mức lương tối thiểu được điều chỉnh để có sự quan tâm đến các thay đổi về giá cả sinh hoạt và các nhu cầu của thuyền viên.

3. Cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo:

(a) thông qua một hệ thống giám sát và các hình thức phạt, tiền lương phải được trả không thấp hơn mức hoặc các mức quy định; và

(b) mọi thuyền viên được trả thấp hơn mức lương tối thiểu phải có thể được đền bù, thông qua các công cụ pháp luật khẩn trương và không tốn kém hoặc quy trình khác, số tiền mà họ không được trả đủ.

Hướng dẫn B.2.2.4 - Tiền lương hoặc tiền công cơ bản tối thiểu hàng tháng của thủ thủy có khả năng

1. Tiền lương hoặc tiền công cơ bản theo tháng dương lịch cho công việc của một thuyền viên có khả năng không thấp hơn số tiền được quy định theo định kỳ bởi Ủy ban Hàng hải liên kết hoặc tổ chức khác được ủy quyền bởi Ban điều hành của Văn phòng Lao động quốc tế. Theo quyết định của Ban điều hành, Tổng Giám đốc sẽ thông báo bất kỳ mức sửa đổi nào cho các Thành viên của Tổ chức.

2. Không có nội dung nào trong hướng dẫn này được hiểu là làm tổn hại đến các thoả ước đã được nhất trí giữa các chủ tàu hoặc các tổ chức của họ với các tổ chức của thuyền viên liên quan đến quy định về các điều kiện và điều khoản tiêu chuẩn tối thiểu của việc tuyển dụng, với điều kiện là các điều kiện và điều khoản như vậy được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Quy định A2.3 - Giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi

Mục đích: Đảm bảo thủy thủ có được giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi theo quy định

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo việc quy định số giờ làm việc và nghỉ ngơi của thuyền viên.

2. Mỗi Thành viên phải quy định số giờ làm việc tối đa hoặc số giờ nghỉ ngơi tối thiểu trong một khoảng thời gian nhất định phù hợp với các điều khoản của Bộ luật.

Tiêu chuẩn A2.3 - Giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi

1. Trong Tiêu chuẩn này, thuật ngữ:

(a) giờ làm việc là thời gian thuyền viên phải làm việc trên tàu;

(b) giờ nghỉ ngơi là thời gian ngoài giờ làm việc; thuật ngữ này không bao gồm giải lao ngắn.

2. Trong phạm vi nêu tại mục 5 đến mục 8 của Tiêu chuẩn này, mỗi Thành viên phải quy định hoặc số giờ làm việc tối đa không được vượt quá trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc phải quy định số giờ nghỉ tối thiểu trong một khoảng thời gian nhất định.

3. Mỗi Thành viên thừa nhận là tiêu chuẩn số giờ làm việc thông thường của thuyền viên, như đối với các lao động khác, phải dựa trên cơ sở 8 giờ một ngày với một ngày nghỉ cho mỗi tuần và các ngày nghỉ lễ. Tuy vậy, điều này không ngăn cản Thành viên đưa ra các quy trình cho phép hoặc đăng ký một thoả ước tập thể quy định số giờ làm việc thông thường của thuyền viên dựa trên cơ sở không kém thuận lợi hơn tiêu chuẩn này.

4. Khi quyết định các tiêu chuẩn quốc gia, mỗi Thành viên phải xem xét nguy cơ đối khi thuyền viên bị làm việc quá sức, đặc biệt là đối với những người mà nhiệm vụ của họ liên quan đến an toàn hàng hải và hoạt động an toàn, an ninh của tàu.

5. Các giới hạn về số giờ làm việc hoặc nghỉ ngơi như sau:

(a) số giờ làm việc tối đa không được quá:

(i) 14 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ; và

(ii) 72 giờ trong khoảng thời gian bảy ngày bất kỳ; hoặc

(b) số giờ nghỉ ngơi tối thiểu không được ít hơn:

(i) mười giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ; và

(ii) 77 giờ trong khoảng thời gian bảy ngày bất kỳ.

6. Số giờ nghỉ ngơi có thể được chia ra không quá hai đợt, một đợt ít nhất sáu giờ, và thời gian giữa các đợt nghỉ liên tiếp không quá 14 giờ.

7. Việc tập trung, thực tập cứu sinh, cứu hoả, và các thực tập được quy định bởi văn bản pháp luật và các quy định quốc gia và các văn kiện quốc tế, phải được tiến hành sao cho hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của thuyền viên và không làm cho họ quá mệt mỏi.

8. Nếu một thuyền viên được yêu cầu làm việc trong giờ nghỉ, ví dụ trường hợp buồng máy không có người trực ca, thì thuyền viên đó phải được nghỉ bù đầy đủ.

9. Nếu không có thoả ước tập thể hoặc quyết định phân xử, hoặc nếu cơ quan có thẩm quyền xác định rằng các điều khoản trong thoả ước hoặc quyết định phân xử liên quan đến mục 7 hoặc 8 của Tiêu chuẩn này chưa thích đáng, thì cơ quan có thẩm quyền phải quy định các điều khoản như vậy để đảm bảo thuyền viên liên quan có đủ sự nghỉ ngơi.

10. Mọi Thành viên phải yêu cầu việc niêm yết, tại các vị trí dễ đến gần, một bảng kế hoạch làm việc trên tàu, cho từng vị trí tối thiểu:

(a) lịch làm việc trên biển và trong cảng; và

(b) số giờ làm việc tối đa hoặc số giờ nghỉ ngơi tối thiểu được quy định bởi văn bản pháp luật hoặc quy định quốc gia hoặc các thoả ước tập thể có thể áp dụng.

11. Bảng kế hoạch như nêu tại mục 10 của Tiêu chuẩn này được lập theo mẫu tiêu chuẩn bằng ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ làm việc của tàu và tiếng Anh.

12. Mỗi Thành viên phải yêu cầu việc lưu giữ các bản ghi số giờ làm việc hàng ngày của thuyền viên, hoặc số giờ nghỉ hàng ngày của họ, để cho phép giám sát sự phù hợp với mục 5 đến 11 của Tiêu chuẩn này. Các bản ghi theo mẫu tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền quy định, lưu ý đến bất kỳ hướng dẫn hiện hành nào của Tổ chức Lao động quốc tế hoặc phải theo mẫu tiêu chuẩn được Tổ chức lập ra. Các bản ghi phải sử dụng ngôn ngữ yêu cầu tại mục 11 của Tiêu chuẩn này. Các thuyền viên phải được nhận một bản sao các bản ghi liên quan đến họ và bản sao này phải được xác nhận bởi thuyền trưởng, hoặc người được thuyền trường ủy quyền, và bởi thuyền viên.

13. Không nội dung nào của mục 5 và 6 của Tiêu chuẩn này ngăn cản Thành viên có các văn bản luật hoặc các quy định quốc gia, hoặc một quy trình, cho cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc đăng ký các thoả ước tập thể cho phép các trường hợp ngoại lệ đối với các giới hạn đã được quy định. Các ngoại lệ đó, đến mức có thể được, phải tuân theo các điều khoản của Tiêu chuẩn này, nhưng có thể xem xét khoảng thời gian nghỉ phép thường xuyên hơn hoặc lâu hơn, hoặc cho phép nghỉ phép bù cho thuyền viên trực ca hoặc thuyền viên làm việc trên tàu thực hiện các chuyến đi ngắn.

14. Không nội dung nào trong Tiêu chuẩn này được hiểu là làm ảnh hưởng đến quyền của thuyền trưởng của tàu được yêu cầu thuyền viên thực hiện bất kỳ giờ làm việc nào cần thiết cho an toàn ngay lập tức của tàu, người trên tàu hoặc hàng hoá, hoặc nhằm mục đích giúp đỡ các tàu hoặc người khác gặp sự cố trên biển. Theo đó, thuyền trưởng có thể tạm ngừng số giờ làm việc hoặc giờ nghỉ ngơi theo kế hoạch và yêu cầu thuyền viên thực hiện bất kỳ giờ làm việc cần thiết nào cho đến khi trạng thái thông thường được khôi phục. Đến mức thực tế có thể được, ngay sau khi trạng thái thông thường đã được khôi phục, thuyền trưởng phải đảm bảo mọi thuyền viên đã thực hiện công việc trong thời gian nghỉ ngơi theo kế hoạch được nghỉ bù đầy đủ.

Hướng dẫn B2.3 - Giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi

Hướng dẫn B2.3.1 - Thuyền viên trẻ

1. Phải áp dụng các quy định sau đây đối với tất cả thuyền viên dưới 18 tuổi khi tàu ở trên biển và ở trong cảng:

(a) không làm việc quá 8 giờ một ngày và 40 giờ một tuần và chỉ được làm việc ngoài giờ trong các trường hợp không thể tránh khỏi vì lý do an toàn;

(b) đảm bảo đủ thời gian cho phép các bữa ăn, và thời gian nghỉ tối thiểu là một giờ cho bữa ăn chính của ngày; và

(c) được phép nghỉ 15 phút ngay sau mỗi hai giờ làm việc liên tục.

2. Trường hợp ngoại lệ, không cần thiết áp dụng các quy định trong mục 1 của Hướng dẫn này nếu:

(a) việc áp dụng là không thể thi hành được đối với các thuyền viên trẻ ở bộ phận boong, máy và phục vụ được phân công nhiệm vụ trực ca hoặc làm việc theo ca; hoặc

(b) việc đào tạo thuyền viên trẻ một cách hiệu quả theo các chương trình đã được thiết lập và kế hoạch có thể bị ảnh hưởng.

3. Các trường hợp ngoại lệ đó phải được ghi lại, kèm theo lý do, và được thuyền trưởng ký tên.

4. Mục 1 Hướng dẫn này không miễn cho thuyền viên trẻ nghĩa vụ chung đối với tất cả thuyền viên phải làm việc trong trường hợp khẩn cấp như được quy định tại Tiêu chuẩn A2.3, mục 14.

Quy định 2.4 - Quyền nghỉ phép

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên được nghỉ phép thích đáng

1. Mỗi Thành viên phải đưa ra yêu cầu là thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ quốc gia của mình được nghỉ phép có lương hàng năm theo các điều kiện thích hợp, phù hợp với các điều khoản của Bộ luật.

2. Thuyền viên được nghỉ phép trên bờ vì lợi ích sức khoẻ và tinh thần, và phù hợp với các điều kiện vị trí công việc của họ trên tàu.

Tiêu chuẩn A2.4 - Quyền nghỉ phép

1. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật và quy định quốc gia quy định các tiêu chuẩn nghỉ phép hàng năm tối thiểu đối với thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ của mình, với sự quan tâm thoả đáng đến các nhu cầu đặc biệt của thuyền viên về việc nghỉ phép như vậy.

2. Tuỳ theo các thoả ước tập thể hoặc các văn bản pháp luật hoặc các quy định đưa ra các phương thức tính toán phù hợp, với sự quan tâm đến các nhu cầu đặc biệt của thuyền viên về mặt này, quyền nghỉ phép hàng năm có lương phải được tính trên cơ sở tối thiểu 2,5 ngày cho mỗi tháng làm việc. Cách tính thời gian làm việc được

quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc theo cơ chế thích hợp ở mỗi nước. Những ngày nghỉ việc có lý do chính đáng không được tính vào ngày nghỉ phép hàng năm.

3. Cấm mọi thỏa thuận bỏ qua nghỉ phép có lương hàng năm nêu trong Tiêu chuẩn này, trừ khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Hướng dẫn B2.4 - Quyền nghỉ phép

Hướng dẫn B2.4.1 - Cách tính ngày nghỉ phép

1. Theo các điều kiện được quy định bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc bởi cơ chế thích hợp của mỗi nước, số ngày nghỉ phép cũng phải được tính là một phần của thời gian làm việc.

2. Theo các điều kiện quy định bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc theo một thoả ước tập thể có thể áp dụng, nghỉ việc để tham dự khoá đào tạo nghề hàng hải được chấp thuận, hoặc vì lý do chẳng hạn như bị ốm hoặc bị thương, hoặc sinh đẻ, được là một phần của thời gian làm việc.

3. Mức trả lương trong thời gian nghỉ phép là mức thù lao thông thường của thuyền viên được quy định theo các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia, hoặc thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên có thể áp dụng. Đối với các thuyền viên được tuyển dụng trong khoảng thời gian dưới một năm hoặc trong trường hợp chấm dứt quan hệ tuyển dụng, quyền nghỉ phép tính dựa trên cơ sở tỷ lệ.

4. Các trường hợp sau đây không được tính là một phần của việc nghỉ phép hàng năm có lương:

(a) các ngày lễ công cộng và theo phong tục được công nhận tại quốc gia tàu mang cờ, cho dù các ngày đó trùng hay không trùng vào phép hàng năm có lương;

(b) các thời gian không đủ khả năng làm việc do bị ốm hoặc bị thương, hoặc sinh đẻ, theo các điều kiện được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua cơ chế thích hợp ở mỗi nước;

(c) việc đi bờ tạm thời được cho phép đối với thuyền viên theo thỏa thuận tuyển dụng; và

(d) ngày phép bù dưới bất kỳ hình thức nào, theo các điều kiện được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua cơ chế thích hợp ở mỗi nước.

Hướng dẫn B2.4.2 - Việc nghỉ phép

1. Trừ khi được ấn định bởi quy định, thoả ước tập thể, quyết định của trọng tài hoặc các biện pháp khác phù hợp với thực tiễn quốc gia, thời gian nghỉ phép được chủ tàu xác định sau khi tham vấn và, đến mức có thể, thỏa thuận với thuyền viên liên quan hoặc đại diện của họ.

2. Về nguyên tắc, thuyền viên có quyền nghỉ phép hàng năm tại nơi mà họ có người thân, thường là nơi họ có quyền được hồi hương về. Nếu không được sự đồng ý của thuyền viên, không được yêu cầu họ nghỉ phép ở một nơi khác, trừ khi theo quy định của thỏa thuận tuyển dụng thuyền viên ,hoặc của văn bản luật hoặc quy định quốc gia.

3. Nếu thuyền viên được yêu cầu nghỉ phép hàng năm tại nơi khác với nơi như nêu tại mục 2 của Hướng dẫn này, thì họ có quyền di chuyển tự do đến nơi họ được tuyển dụng hoặc sử dụng, nơi nào gần nhà họ hơn; phương tiện và các chi phí khác trực tiếp liên quan trực tiếp đến việc di chuyển này do cho chủ tàu chịu; thời gian đi lại không tính vào phép có lương hàng năm của thuyền viên.

4. Thuyền viên đang nghỉ phép hàng năm chỉ bị gọi trở lại trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt và với sự chấp thuận của bản thân thuyền viên đó.

Hướng dẫn B2.4.3 - Phân chia và tích luỹ phép

1. Việc phân chia số ngày phép có lương hàng năm thành các phần, hoặc gộp phép hàng năm của một năm với một thời gian nghỉ phép năm sau, có thể được chấp nhận bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua cơ chế thích hợp ở mỗi nước;

2. Theo mục 1 của Hướng dẫn này và trừ khi có quy định khác đi trong thỏa thuận được áp dụng đối với chủ tàu và thuyền viên liên quan, nghỉ phép có lương hàng năm nêu trong Hướng dẫn này phải là một khoảng thời gian liên tục.

Hướng dẫn B2.4.4 - Thuyền viên trẻ

1. Các biện pháp đặc biệt phải được xem xét đối với thuyền viên trẻ dưới 18 tuổi, đã phục vụ 6 tháng hoặc khoảng thời gian bất kỳ ngắn hơn, theo một thoả ước tập thể hoặc thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên không có nghỉ phép trên một tàu chạy nước ngoài không quay lại quốc gia nơi cư trú của họ vào thời điểm đó, và sẽ không quay lại quốc gia đó trong các chuyến đi ba tháng tiếp theo của tàu. Các biện pháp đó có thể bao gồm việc hồi hương, mà thuyền viên không phải chịu chi phí, về nơi tuyển dụng ban đầu tại quốc gia nơi cư trú của họ cho mục đích hưởng bất kỳ việc nghỉ phép nào mà họ có được trong quá trình chuyến đi của tàu.

Quy định 2.5 - Hồi hương

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên được trở về nhà

1. Thuyền viên có quyền hồi hương mà không phải chịu chi phí trong các trường hợp và theo các điều kiện được quy định tại Bộ luật.

2. Mỗi Thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ quốc gia của họ cung cấp an ninh tài chính để đảm bảo rằng thuyền viên được hồi hương phù hợp với Bộ luật.

Tiêu chuẩn A2.5 - Hồi hương

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo thuyền viên trên tàu mang cờ quốc gia của mình có quyền hồi hương trong các trường hợp sau đây:

(a) khi thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên hết hạn trong khi họ trên tàu;

(b) khi thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên bị chấm dứt bởi:

(i) chủ tàu; hoặc

(ii) thuyền viên do có lý do chính đáng; và

(c) khi thuyền viên không có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình theo thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên, hoặc khi cho rằng họ không thể thực hiện được nhiệm vụ trong các trường hợp cụ thể.

2. Mỗi thành viên phải đảm bảo có các điều khoản phù hợp trong các văn bản pháp luật và các quy định của mình, hoặc các biện pháp khác, hoặc trong các thỏa ước tập thể, nêu rõ:

(a) các trường hợp thuyền viên được quyền hồi hương phù hợp với mục 1(b) và (c) của Tiêu chuẩn này;

(b) thời gian làm việc tối đa trên tàu, mà sau đó thuyền viên được quyền hồi hương - khoảng thời gian đó phải dưới 12 tháng; và

(c) các vấn đề cụ thể liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên mà chủ tàu phải giải quyết, bao gồm những vấn đề về nơi hồi hương, chế độ đi lại, các khoản chi phí phải trả và các vấn đề khác chủ tàu phải chịu.

3. Mỗi Thành viên phải nghiêm cấm việc chủ tàu đòi hỏi thuyền viên trả trước chi phí hồi hương tại thời điểm họ bắt đầu được tuyển dụng, và cũng không được đòi lại khoản thu chi phí hồi hương từ tiền lương của thuyền viên hoặc thu nhập khác, trừ khi thuyền viên vi phạm các lỗi nghiêm trọng thuộc về trách nhiệm tuyển dụng của mình, phù hợp với các văn bản pháp luật hoặc quy định quốc gia, hoặc các biện pháp khác, hoặc thoả ước tập thể có thể áp dụng.

4. Các văn bản pháp luật và quy định quốc gia không được làm tổn hại đến bất kỳ quyền nào của chủ tàu trong việc lấy lại chi phí hồi hương theo các hợp đồng với bên thứ ba.

5. Nếu một chủ tàu không bố trí được hoặc đáp ứng chi phí hồi hương cho thuyền viên được quyền hồi hương:

(a) cơ quan có thẩm quyền của Thành viên có tàu mang cờ phải bố trí hồi hương cho thuyền viên đó; nếu không thực hiện được điều này, Quốc gia mà thuyền viên được hồi hương về đó hoặc Quốc gia thuyền viên mang quốc tịch có thể bố trí hồi hương cho thuyền viên và đòi chi phí từ Thành viên mà tàu mang cờ;

(b) các chi phí phải trả trong việc hồi hương thuyền viên được Thành viên có tàu mang cờ đòi chủ tàu;

(c) các chi phí hồi hương trong mọi trường hợp không thuộc trách nhiệm của thuyền viên, ngoài trừ trường hợp được quy định tại mục 3 của Tiêu chuẩn này.

6. Lưu ý đến các văn kiện quốc tế hiện hành, gồm cả Công ước quốc tế về bắt giữ tàu, 1999, một Thành viên đã trả chi phí hồi hương theo Bộ luật này có thể lưu giữ, hoặc yêu cầu lưu giữ, các tàu của chủ tàu liên quan cho đến khi việc hoàn trả cho phí được thực hiện phù hợp với mục 5 của Tiêu chuẩn này.

7. Mỗi Thành viên phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương thuyền viên làm việc trên tàu, khi tàu ghé vào các cảng của mình hoặc đi qua lãnh hải hoặc vùng nước nội thủy của mình, cũng như việc thay thế thuyền viên trên tàu.

8. Đặc biệt, một Thành viên không được từ chối quyền hồi hương của bất kỳ thuyền viên nào vì các lý do tài chính của chủ tàu, hoặc vì chủ tàu không có khả năng hoặc không có thiện chí thay thế thuyền viên.

9. Mỗi thành viên phải yêu cầu các tàu mang cờ quốc tịch của mình có sẵn trên tàu một bản sao các quy định quốc gia phải áp dụng liên quan đến việc hồi hương bằng ngôn ngữ phù hợp.

Hướng dẫn B2.5 - Hồi hương

Hướng dẫn B2.5.1 - Quyền hồi hương

1. Thuyền viên có quyền hồi hương:

(a) trong trường hợp nêu tại Tiêu chuẩn A2.5, mục 1(a), khi hết thời hạn thông báo đưa ra phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên;

(b) trong các trường hợp nêu tại Tiêu chuẩn A2.5, mục 1(b) và (c):

(i) trong trường hợp bị ốm hoặc bị thương, hoặc các điều kiện phải chăm sóc y tế khác, đòi hỏi phải hồi hương nếu sức khoẻ cho phép đi lại;

(ii) trong trường hợp tàu đắm;

(iii) trong trường hợp chủ tàu không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý, hoặc các nghĩa vụ trong hợp đồng của họ với tư cách là người tuyển dụng lao động của thuyền viên bởi lý do mất khả năng thanh toán, bán tàu, thay đổi đăng ký tàu hoặc bất kỳ lý do nào tương tự khác;

(iv) trong trường hợp tàu phải đi đến vùng có chiến sự, như định nghĩa trong các văn bản pháp luật hoặc quy định quốc gia, hoặc các thỏa thuận tuyển dụng mà thuyền viên không chấp nhận; và

(v) trong trường hợp kết thúc hoặc ngắt quãng việc tuyển dụng theo quyết định của ngành công nghiệp hoặc thoả ước tập thể, hoặc sự kết thúc việc tuyển dụng bởi bất kỳ lý do tương tự nào khác.

2. Khi xác định thời gian làm việc tối đa trên tàu, để theo đó thuyền viên có quyền hồi hương theo Bộ luật này, phải xét đến các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường làm việc của thuyền viên. Mỗi Thành viên phải tìm kiếm các biện pháp, nếu có thể được, để rút ngắn thời gian này dựa trên các thay đổi và phát triển công nghệ, và có thể tham khảo bất kỳ khuyến nghị nào về vấn đề này của Ủy ban Hàng hải kết hợp.

3. Chủ tàu phải chịu các chi phí hồi hương theo tiêu chuẩn A2.5 ít nhất bao gồm:

(a) việc đi đến đến địa điểm hồi hương đã chọn phù hợp với mục 6 của Hướng dẫn này;

(b) ăn và ở từ thời điểm thuyền viên rời tàu cho đến khi đến được địa điểm hồi hương;

(c) các khoản tiền và các trợ cấp từ thời điểm thuyền viên rời tàu cho đến khi đến địa điểm hồi hương, nếu được quy định trong các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia, hoặc thoả ước tập thể;

(d) vận chuyển 30 kg hành lý cá nhân của thuyền viên tới nơi hồi hương; và

(e) điều trị y tế nếu cần thiết cho đến khi thuyền viên có đủ sức khoẻ để đi đến địa điểm hồi hương.

4. Thời gian chờ hồi hương và thời gian đi đến nơi hồi hương không được tính vào thời gian nghỉ phép có lương của thuyền viên.

5. Chủ tàu được yêu cầu tiếp tục chịu chi phí hồi hương cho đến khi thuyền viên đến được địa điểm quy định phù hợp với Bộ luật này, hoặc khi thuyền viên được tuyển dụng làm việc phù hợp trên tàu hành trình vào một hoặc những điểm đến đó.

6. Mỗi Thành viên phải yêu cầu các chủ tàu chịu trách nhiệm đối với các thu xếp hồi hương thuyền viên bằng các phương tiện phù hợp và nhanh chóng. Phương thức di chuyển thông thường là bằng máy bay. Thành viên có thể quy định những địa điểm hồi hương cho thuyền viên. Các địa điểm hồi hương là những nước mà thuyền viên có người thân bao gồm:

(a) địa điểm thuyền viên chấp thuận việc tuyển dụng;

(b) địa điểm quy định trong thoả ước tập thể; hoặc

(c) quốc gia cư trú của thuyền viên; hoặc

(d) các địa điểm khác có thể được thỏa thuận song phương tại thời điểm tuyển dụng.

7. Thuyền viên có quyền chọn trong số các địa điểm hồi hương đã quy định.

8. Thuyền viên có thể mất quyền hồi hương nếu không khiếu nại về vấn đề này trong khoảng thời gian phù hợp được quy định tại các văn bản pháp luật hoặc quy định quốc gia, hoặc các thoả ước tập thể.

Hướng dẫn B2.5.2 - Việc thực hiện của các Thành viên

1. Phải tạo mọi khả năng hỗ trợ thực tế có thể cho thuyền viên bị kẹt tại một cảng nước ngoài trong quá trình hồi hương và trong trường hợp chậm trễ hồi hương. Cơ quan có thẩm quyền tại cảng nước ngoài phải đảm bảo việc thông báo kịp thời cho lãnh sự hoặc đại diện địa phương của quốc gia có tàu mang cờ và quốc gia thuyền viên mang quốc tịch, hoặc quốc gia thuyền viên cư trú, nếu thích hợp.

2. Mỗi Thành viên phải lưu ý đến việc có các quy định thích hợp:

(a) đối với việc đưa trở lại các thuyền viên được tuyển dụng làm việc trên tàu mang cờ nước ngoài bị đưa lên bờ tại cảng nước ngoài với lý do họ mà họ không phải chịu trách nhiệm:

(i) tới cảng mà thuyền viên đó được tuyển dụng; hoặc

(ii) tới một cảng thuộc quốc gia thuyền viên mang quốc tịch hoặc Quốc gia thuyền viên cư trú; hoặc

(iii) tới cảng khác theo thỏa thuận giữa thuyền viên với thuyền trưởng hoặc chủ tàu, được cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan bảo vệ thích hợp khác chấp thuận;

(b) đối với việc chăm sóc y tế và duy trì sức khoẻ cho thuyền viên, được tuyển dụng làm việc trên tàu mang cờ nước ngoài, bị đưa lên bờ tại một cảng nước ngoài do bị ốm hoặc bị thương trong khi làm việc trên tàu và không phải do lỗi bất cẩn của họ.

3. Nếu, thuyền viên trẻ dưới 18 tuổi đã làm việc trên một tàu ít nhất bốn tháng trong hành trình quốc tế đầu tiên, có biểu hiện rõ ràng không thích nghi với cuộc sống trên biển, phải được cơ hội hồi hương không phải trả chi phí từ cảng ghé thích hợp đầu tiên có các cơ quan lãnh sự của quốc gia tàu mang cờ, hoặc quốc gia thuyền viên trẻ mang quốc tịch hoặc cư trú. Mọi thông báo về việc hồi hương như vậy, kèm theo lý do, được gửi đến nơi có thẩm quyền đã cấp giấy tờ cho phép thuyền viên trẻ đó làm việc trên biển.

Quy định 2.6 - Bồi thường cho thuyền viên khi tàu bị đắm hoặc mất tích

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên được bồi thường khi tàu bị đắm hoặc mất tích

1. Thuyền viên có quyền được bồi thường thoả đáng trong trường hợp họ bị thương, mất tích hoặc thất nghiệp do tàu bị đắm hoặc mất tích.

Tiêu chuẩn A2.6 - Bồi thường cho thuyền viên khi tàu bị đắm hoặc mất tích

1. Mỗi Thành viên phải có các quy định đảm bảo, trong mọi trường hợp tàu bất kỳ bị đắm hoặc mất tích, chủ tàu phải bồi thường cho mọi thuyền viên trên tàu do thất nghiệp bởi tàu bị đắm hoặc mất tích.

2. Các quy định như nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này không được làm tổn hại đến mọi quyền lợi khác mà thuyền viên có thể có theo quy định của các văn bản pháp luật quốc gia của Thành viên liên quan đến sự mất tích hoặc thương tích gây ra bởi tàu bị đắm hoặc mất tích.

Hướng dẫn B2.6 - Bồi thường cho thuyền viên khi tàu bị đắm hoặc mất tích

Hướng dẫn B2.6.1 - Cách tính bồi thường do thất nghiệp

1. Bồi thường thất nghiệp do tàu bị đắm hoặc mất tích phải được trả cho những ngày thuyền viên thất nghiệp thực tế, với mức tương đương tiền lương theo thỏa thuận tuyển dụng, nhưng toàn bộ tiền trả cho một thuyền viên có thể được giới hạn trong tiền lương của hai tháng.

2. Mỗi Thành viên phải đảm bảo rằng các thuyền viên đều được hưởng các biện pháp xử lý pháp luật giống nhau để đòi quyền bồi thường giống như trong việc đòi tiền lương trong quá trình phục vụ.

Quy định 2.7 - Định biên

Mục đích: đảm bảo thuyền viên làm việc trên tàu có đội ngũ nhân lực đầy đủ để khai thác tàu an toàn, hiệu quả và an ninh.

1. Mỗi Thành viên phải yêu cầu tất cả các tàu mang cờ Quốc gia của mình có đủ số lượng thuyền viên làm việc trên tàu để đảm bảo tàu hoạt động an toàn và hiệu quả, và với sự quan tâm thoả đáng đến vấn đề an ninh trong mọi điều kiện, lưu ý đến sự mệt mỏi của thuyền viên và bản chất, điều kiện cụ thể của chuyến đi.

Tiêu chuẩn A2.7 - Định biên

1. Mỗi Thành viên phải yêu cầu tất cả các tàu mang cờ quốc gia của mình có đủ số lượng thuyền viên trên tàu đảm bảo tàu hoạt động an toàn, hiệu quả, và với sự quan tâm thoả đáng đến vấn đề an ninh. Mỗi tàu phải được định biên một thuyền bộ phù hợp, về số lượng và năng lực chuyên môn, đảm bảo an toàn và an ninh của tàu và con người trên tàu, trong mọi điều kiện hoạt động, phù hợp với hồ sơ định biên an toàn tối thiểu hoặc một văn bản tương đương của cơ quan có thẩm quyền, và phù hợp với các tiêu chuẩn của Công ước này.

2. Khi quyết định, phê chuẩn hoặc sửa đổi mức độ định biên, cơ quan có thẩm quyền phải lưu ý đến nhu cầu nhằm tránh hoặc hạn chế đến mức tối thiểu số giờ làm việc quá mức, để đảm bảo thuyền viên được nghỉ ngơi đầy đủ và hạn chế mệt mỏi, cũng như các nguyên tắc của các văn bản quốc tế có thể áp dụng, đặc biệt là của Tổ chức Hàng hải quốc tế, về mức độ định biên.

3. Khi quyết định mức độ định biên, cơ quan có thẩm quyền phải lưu ý đến tất cả các yêu cầu của Quy định 3.2 và Tiêu chuẩn A3.2 về thực phẩm cho thuyền viên.

Hướng dẫn B2.7 - Định biên

Hướng dẫn B2.7.1 - Giải quyết tranh chấp

1. Mỗi Thành viên phải duy trì hoặc đảm bảo rằng có cơ chế được duy trì hiệu quả để điều tra và giải quyết các khiếu nại hoặc tranh chấp liên quan đến mức độ định biên của tàu.

2. Các đại diện của các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên phải tham gia vào hoạt động của cơ chế như vậy, cùng hoặc không cùng với những người hoặc cơ quan khác.

Quy định 2.8 - Phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và cơ hội cơ hội tuyển dụng của thuyền viên

Mục đích: Thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và các cơ hội tuyển dụng của thuyền viên

1. Mỗi Thành viên phải có các chính sách quốc gia để thúc đẩy việc tuyển dụng trong lĩnh vực hàng hải và để khuyến khích sự phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và các cơ hội tuyển dụng lớn hơn cho thuyền viên sống trong lãnh thổ quốc gia đó.

Tiêu chuẩn A2.8 - Phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và cơ hội tuyển dụng của thuyền viên

1. Mỗi Thành viên phải có các chính sách quốc gia khuyến khích sự phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và cơ hội tuyển dụng cho thuyền viên, nhằm mục đích cung cấp cho lĩnh vực hàng hải một lực lượng lao động ổn định và có khả năng.

2. Mục đích của các chính sách được nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này là giúp thuyền viên nâng cao năng lực, khả năng chuyên môn và cơ hội tuyển dụng của họ.

3. Mỗi thành viên phải, sau khi tham vấn với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan, đưa ra các mục tiêu rõ ràng về hướng nghiệp, giáo dục và đào tạo đối với thuyền viên mà nhiệm vụ của họ trên tàu liên quan chủ yếu đến hoạt động và hàng hải an toàn của tàu, bao gồm cả đào tạo tiếp theo.

Hướng dẫn B2.8 - Phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và cơ hội tuyển dụng của thuyền viên

Hướng dẫn B2.8.1 - Các biện pháp thúc đẩy phát triển nghề nghiệp, kỹ năng và cơ hội tuyển dụng của thuyền viên

1. Các biện pháp để đạt được mục tiêu nêu tại Tiêu chuẩn A2.8 gồm:

(a) các thỏa thuận cung cấp đào tạo về sự phát triển nghề nghiệp và kỹ năng với chủ tàu hoặc tổ chức của các chủ tàu; hoặc

(b) các biện pháp thúc đẩy tuyển dụng thông qua việc thiết lập và duy trì các sổ đăng ký hoặc danh sách, theo thứ hạng, các thuyền viên có đủ năng lực; hoặc

(c) thúc đẩy các cơ hội, cả trên bờ và trên tàu, cho việc đào tạo và giáo dục tiếp theo cho thuyền viên để tạo ra sự phát triển kỹ năng và năng lực có thể chuyển đổi, nhằm mục đích đảm bảo và duy trì việc làm phù hợp, để cải thiện triển vọng tuyển dụng cá nhân và để đáp ứng các điều kiện thị trường lao động và công nghệ thay đổi của ngành công nghiệp hàng hải.

Hướng dẫn B2.8.2 - Đăng ký thuyền viên

1. Nếu việc tuyển dụng thuyền viên được quản lý bằng sổ đăng ký hoặc danh sách, thì sổ đăng ký và danh sách này phải bao gồm tất cả các cấp bậc nghề nghiệp của thuyền viên, theo cách thức được quy định bởi các văn bản pháp luật hoặc thực tiễn quốc gia, hoặc bởi thoả ước tập thể.

2. Thuyền viên có tên trong sổ đăng ký hoặc danh sách như vậy phải được ưu tiên tuyển dụng đi biển.

3. Thuyền viên có tên trong sổ đăng ký hoặc danh sách như vậy phải được yêu cầu sắn sàng thực hiện công việc, theo cách thức được quy định bởi các văn bản pháp luật hoặc thực tiễn quốc gia, hoặc bởi thoả ước tập thể.

4. Theo phạm vi mà các văn bản pháp luật và quy định quốc gia cho phép, số lượng thuyền viên có tên trong sổ đăng ký hoặc danh sách như vậy phải được xem xét định kỳ sao cho đạt được các mức phù hợp với nhu cầu của ngành công nghiệp hàng hải

5. Nếu cần giảm số lượng thuyền viên có tên trong sổ đăng ký hoặc danh sách như vậy, phải có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn hoặc giảm đến mức tối thiểu các ảnh hưởng bất lợi đối với thuyền viên, lưu ý đến hoàn cảnh xã hội và kinh tế của quốc gia liên quan.

ĐỀ MỤC 3 - KHU VỰC SINH HOẠT, PHƯƠNG TIỆN GIẢI TRÍ, LƯƠNG THỰC VÀ THỰC PHẨM

Quy định 3.1 - Khu vực sinh hoạt và phương tiện giải trí

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên có tiện nghi sinh hoạt và phương tiện giải trí phù hợp trên tàu.

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo các tàu mang cờ của mình được trang bị và duy trì khu vực sinh hoạt và các phương tiện giải trí thích hợp cho thuyền viên làm việc hoặc sống trên tàu, hoặc cả hai, phù hợp với việc tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần của thuyền viên.

2. Các yêu cầu của Bộ luật về thực hiện Quy định này liên quan đến kết cấu và trang thiết bị của tàu chỉ áp dụng với các tàu được đóng vào hoặc sau ngày Công ước này có hiệu lực đối với các Thành viên liên quan. Đối với các tàu đóng trước ngày đó, các yêu cầu liên quan đến kết cấu và trang thiết bị của tàu quy định tại Công ước về khu vực sinh hoạt của thuyền viên (sửa đổi), 1949 (Số 92), và Công ước về khu vực sinh hoạt của thuyền viên (các Điều khoản bổ sung) 1970 (Số 133), phải tiếp tục được thực hiện tới mức độ mà chúng đã được áp dụng, trước ngày đó, theo quy định của các văn bản pháp luật hoặc thực tiễn của Thành viên liên quan. Một tàu được xem là được đóng mới vào ngày nó được đặt sống chính hoặc khi nói ở giai đoạn đóng mới tương tự.

3. Trừ khi có quy định khác đi, bất kỳ yêu cầu nào trong sửa đổi, bổ sung của Bộ luật liên quan đến các điều khoản về khu vực sinh hoạt và các phương tiện giải trí của thuyền viên chỉ áp dụng đối với những tàu đóng vào hoặc sau ngày sửa đổi, bổ sung đó có hiệu lực đối với Thành viên liên quan.

Tiêu chuẩn A3.1 - Khu vực sinh hoạt và phương tiện giải trí

1. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật và quy định quốc gia yêu cầu tàu mang cờ quốc tịch của mình:

(a) đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo mọi khu vực sinh hoạt của thuyền viên, làm việc hoặc sống trên tàu, hoặc cả hai, an toàn, thích hợp và phù hợp với các quy định liên quan của Tiêu chuẩn này; và

(b) được kiểm tra lần đầu và các lần tiếp theo để đảm bảo sự phù hợp với Tiêu chuẩn này.

2. Trong việc xây dựng và áp dụng các văn bản pháp luật và quy định để thực hiện Tiêu chuẩn này, cơ quan có thẩm quyền, sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan, phải:

(a) Lưu ý đến Quy định 4.3 và các điều khoản của Bộ luật liên quan về bảo vệ an toàn và sức khoẻ, và ngăn ngừa tai nạn dựa trên các nhu cầu đặc thù của thuyền viên sống và làm việc trên tàu, và

(b) xem xét thoả đáng đối với hướng dẫn nêu tại Phần B của Bộ luật này.

3. Tiến hành việc kiểm tra theo Quy định 5.1.4 khi:

(a) một tàu được đăng ký hoặc đăng ký lại; hoặc

(b) khu vực sinh hoạt của thuyền viên trên tàu đã được hoán cải lớn.

4. Cơ quan có thẩm quyền phải lưu ý đặc biệt để đảm bảo thực hiện các yêu cầu của Công ước này về:

(a) kích thước các buồng và các không gian sinh hoạt khác;

(b) sưởi và thông gió;

(c) tiếng ồn, chấn động và các yếu tố môi trường khác;

(d) các phương tiện vệ sinh;

(e) chiếu sáng; và

(f) khu vực y tế.

5. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ quốc tịch của mình đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về khu vực sinh hoạt và các phương tiện giải trí trên tàu nêu tại các mục 6 đến 17 của Tiêu chuẩn này.

6. Với các yêu cầu chung về khu vực sinh hoạt:

(a) Khu vực sinh hoạt của thuyền viên phải có đủ chiều cao; chiều cao cho phép tối thiểu ở khu vực sinh hoạt của tất cả thuyền viên, nếu cần thiết phải có sự di chuyển đầy đủ một cách tự do, không được nhỏ hơn 203 cm; cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép một số giảm bớt có giới hạn về chiều cao ở bất kỳ không gian nào, hoặc một phần của không gian bất kỳ, trong khu vực sinh hoạt đó nếu thỏa mãn rằng các giảm bớt đó:

(i) có thể chấp nhận được; và

(ii) không gây ra sự bất tiện cho thuyền viên.

(b) khu vực sinh hoạt phải được bọc cách nhiệt phù hợp;

(c) đối với các tàu không phải tàu khách, như định nghĩa tại Quy định 2(e) và (f) của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển, 1974, đã được sửa đổi, bổ sung (“Công ước SOLAS”), phải bố trí các buồng ngủ trên đường nước ở giữa hoặc đuôi tàu, trừ các trường hợp ngoại lệ, nếu kích thước, kiểu hoặc công dụng dự kiến của tàu cho thấy bất kỳ vị trí nào khác đều không thể thực hiện được, các buồng ngủ có thể được bố trí tại phần mũi tàu, nhưng trong mọi trường hợp không được bố trí trước vách chống va;

(d) đối với tàu khách, và các tàu đặc biệt được đóng phù hợp với Bộ luật về an toàn đối với tàu có công dụng đặc biệt, 1983, của IMO và các phiên bản sau đó (sau đây gọi là “tàu có công dụng đặc biệt”), cơ quan có thẩm quyền có thể, với điều kiện tàu có các bố trí thỏa mãn phục vụ cho việc thông gió và chiếu sáng, cho phép bố trí các buồng ngủ dưới đường nước, nhưng trong mọi trường hợp không được bố trí các buồng ngủ ngay dưới các lối đi làm việc;

(e) không được có lỗ trực tiếp vào buồng ngủ từ không gian chứa hàng và buồng máy hoặc từ nhà bếp, kho dự trữ, buồng sấy hoặc khu vực vệ sinh chung; các vách ngăn chia những không gian đó với buồng ngủ và các vách ngoài phải được làm bằng thép hoặc vật liệu tương đương khác được duyệt, và phải kín nước và kín khí;

(f) vật liệu được sử dụng để chế tạo vách nội bộ, ván lót, tấm phủ, sàn và các liên kết phải phù hợp với mục đích sử dụng và đảm bảo môi trường sức khoẻ;

(g) phải trang bị chiếu sáng đầy đủ và thoát nước hiệu quả; và

(h) khu vực sinh hoạt và các phương tiện giải trí, phục vụ ăn uống phải thỏa mãn các yêu cầu trong Quy định 4.3, và các điều khoản liên quan của Bộ luật, về bảo vệ sức khoẻ và an toàn, phòng ngừa tai nạn, về phòng ngừa nguy cơ tiếp xúc với các mức độ độc hại của tiếng ồn và chấn động, các yếu tố môi trường khác và hoá chất trên tàu, cung cấp cho thuyền viên môi trường sống là làm việc được chấp nhận trên tàu.

7. Các yêu cầu thông gió và sưởi:

(a) các buồng ngủ và phòng ăn phải được thông gió đầy đủ;

(b) các tàu, trừ những tàu thường xuyên hoạt động trong các điều kiện khí hậu ôn hoà không yêu cầu điều này, phải được trang bị điều hoà tại khu vực sinh hoạt của thuyền viên, cho mọi buồng vô tuyến điện riêng biệt và cho mọi buồng điều khiển máy tập trung;

(c) tất cả các khu vực vệ sinh phải được thông gió bằng khí trời, độc lập với các phần bất kỳ khác của khu vực sinh hoạt; và

(d) cung cấp đủ nhiệt bằng một hệ thống sưởi phù hợp, trừ các tàu chuyên chạy trong vùng khí hậu nhiệt đới.

8. Đối với các yêu cầu chiếu sáng, tuỳ theo các hệ thống đặc biệt nếu có thể được cho phép trên các tàu khách, các buồng ngủ và buồng ăn phải được chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên và được cung cấp đủ chiếu sáng nhân tạo.

9. Nếu tàu được yêu cầu phải có khu vực để người ngủ, thì phải áp dụng các yêu cầu sau đối với phòng ngủ:

(a) với tàu không phải tàu khách, phải có một buồng ngủ cá nhân cho mỗi thuyền viên; với tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000 hoặc tàu có công dụng đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép miễn giảm các yêu cầu này sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan;

(b) phải trang bị các buồng ngủ riêng biệt cho nam giới và nữ giới;

(c) các buồng ngủ phải có kích thước phù hợp và được trang bị hợp lý đảm bảo tiện nghi và gọn gàng;

(d) trong mọi trường hợp, phải trang bị cho mỗi người một giường nằm riêng biệt;

(e) các kích thước trong tối thiểu của một giường nằm là 198 cm x 80 cm;

(f) diện tích sàn buồng ngủ của thuyền viên có một giường không nhỏ hơn:

(i) 4,5 mét vuông đối với các tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000;

(ii) 5,5 mét vuông đối với các tàu có tổng dung tích từ 3.000 đến dưới 10.000;

(iii) 7 mét vuông đối với các tàu có tổng dung tích từ 10.000 trở lên.

(g) tuy nhiên, nhằm mục đích trang bị các phòng ngủ một giường cho các tàu có tổng dung tích dưới 3.000, các tàu khách và tàu có công dụng đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép giảm bớt diện tích sàn của buồng ngủ;

(h) với tàu không phải tàu khách và tàu có công dụng đặc biệt có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000, có thể bố trí tối đa hai thuyền viên mỗi buồng ngủ; diện tích sàn của các buồng ngủ đó không nhỏ hơn 7 mét vuông;

(i) diện tích sàn của các buồng ngủ cho thuyền viên không phải sĩ quan trên tàu khách và tàu có công dụng đặc biệt không được nhỏ hơn:

(i) 7,5 mét vuông đối với các buồng dành cho hai người;

(ii) 11,5 mét vuông đối với các buồng dành cho ba người;

(iii) 14,5 mét vuông đối với các buồng dành cho bốn người;

(j) buồng ngủ trên tàu có công dụng đặc biệt có thể chứa nhiều hơn bốn người; diện tích sàn các buồng ngủ đó không nhỏ hơn 3,6 mét vuông mỗi người;

(k) trên các tàu không phải tàu khách hoặc tàu có công dụng đặc biệt, các buồng ngủ cho sĩ quan trên tàu, nếu không có phòng khách hoặc phòng làm việc ban ngày riêng cho cá nhân, thì diện tích sàn cho mỗi người không nhỏ hơn:

(i) 7,5 mét vuông đối với tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000;

(ii) 8,5 mét vuông đối với các tàu có tổng dung tích từ 3.000 trở lên nhưng nhỏ hơn 10.000;

(iii) 10 mét vuông đối với các tàu có tổng dung tích từ 10.000 trở lên;

(l) trên các các tàu khách và tàu có công dụng đặc biệt không, các buồng ngủ cho sĩ quan trên tàu, nếu có phòng khách hoặc làm việc ban ngày riêng cho cá nhân, thì diện tích sàn cho mỗi sĩ quan cấp thấp không nhỏ hơn 7,5 mét vuông và cho các sĩ quan cấp cao không nhỏ hơn 8,5 mét vuông; các sĩ quan cấp thấp là sĩ quan cấp vận hành, và sĩ quan cấp cao là sĩ quan cấp quản lý;

(m) thuyền trưởng, máy trưởng và đại phó phải có, ngoài các buồng ngủ của họ, một phòng khách, phòng làm việc ban ngày liên kề hoặc không gian bổ sung tương đương; các tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000 có thể được cơ quan có thẩm quyền miễn trừ yêu cầu này sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan;

(n) đối với mỗi thuyền viên, đồ đạc gồm có một tủ quần áo với thể tích rộng rãi (tối thiểu 475 lít) và một ngăn kéo hoặc không gian tương đương tối thiểu 56 lít; nếu ngăn kéo liền với tủ quần áo thì tổng thể tích tối thiểu phải là 500 lít; tủ phải có một giá sách và có thể được khoá bởi người sử dụng để đảm bảo tính riêng tư;

(o) mỗi buồng ngủ phải có một bàn hoặc bàn viết, có thể là kiểu cố định, kiểu trượt hoặc kiểu gấp bản lề, và với chỗ ngồi thoải mái, nếu cần thiết.

10. Các yêu cầu đối với phòng ăn:

(a) phòng ăn phải bố trí cách biệt với buồng ngủ và gần bếp đến mức thực tế có thể thực hiện được; các tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000 có thể được cơ quan có thẩm quyền miến giảm yêu cầu đó sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan; và

(b) các phòng ăn phải có kích thước và tiện nghi phù hợp và được trang bị và bố trí hợp lý (bao gồm cả các phương tiện tiện phục vụ ăn uống), lưu ý đến số lượng thuyền viên có thể sử dụng chúng tại cùng một thời điểm bất kỳ; phải có các quy định về các trang bị phòng ăn được sử dụng chung hoặc riêng, nếu thích hợp.

11. Các yêu cầu đối với các phương tiện vệ sinh:

(a) thuyền viên phải có các phương tiện vệ sinh thỏa mãn các tiêu chuẩn tối thiểu về sức khoẻ và vệ sinh, và các tiêu chuẩn tiện nghi có thể chấp nhận được, phải có các phương tiện vệ sinh riêng biệt cho nam giới và nữ giới;

(b) phải có các phương tiện vệ sinh với khả năng tiếp cận dễ dàng của buồng lái và buồng máy hoặc gần trung tâm điều khiển buồng máy; các tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000 có thể được cơ quan có thẩm quyền miễn trừ yêu cầu này sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan;

(c) phải bố trí tại vị trí thích hợp trên tàu tối thiểu một nhà vệ sinh, một chậu rửa và một bồn tắm hoặc nơi tắm có vòi hoa sen, hoặc cả hai, cho mỗi nhóm sáu người hoặc ít hơn không có các phương tiện dành riêng cho cá nhân;

(d) trừ tàu khách, mỗi buồng ngủ phải được trang bị một chậu rửa có vòi nước nóng lạnh, trừ khi có chậu rửa như vậy được bố trí trong phòng tắm cá nhân.

(e) với các tàu khách thường chạy không quá bốn giờ, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét các bố trí đặc biệt hoặc giảm số lượng thiết bị yêu cầu; và

(f) vòi nước sạch nóng lạnh phải sẵn có tại mọi vị trí rửa.

12. Đối với các yêu cầu khu vực bệnh viện, tàu có từ 15 thuyền viên trở lên và dự định chạy trên ba ngày phải có khu vực bệnh viện riêng biệt được sử dụng riêng cho mục đích chăm sóc y tế; cơ quan có thẩm quyền có thể giảm bớt yêu cầu này đối với các tàu hoạt động ven biển; khi phê duyệt khu vực bệnh viện trên tàu, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo khu vực này, trong mọi điều kiện thời tiết, có thể dễ dàng tiếp cận, cung cấp chỗ ở thoải mái và cho phép thuyền viên được chăm sóc phù hợp và kịp thời.

13. Phải có phương tiện giặt quần áo được bố trí và trang bị thích hợp.

14. Tất cả các tàu phải có một hoặc một số khu vực trên boong hở, có đủ diện tích tương ứng với kích thước tàu và số thuyền viên trên tàu, để thuyền viên có thể đến đó khi không phải thực hiện nhiệm vụ.

15. Tất cả các tàu phải có các văn phòng riêng hoặc một văn phòng chung cho bộ phận boong và máy sử dụng; tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 3.000 có thể được cơ quan có thẩm quyền miễn trừ yêu cầu này sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên.

16. Các tàu thường xuyên ra vào các cảng có nhiều muỗi phải được trang bị các thiết bị theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

17. Các tiện nghi, thiết bị và phương tiện giải trí, để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của thuyền viên phải sống và làm việc trên tàu, phải được trang bị cho lợi ích của mọi thuyền viên, lưu ý đến Quy định 4.3 và các điều khoản liên quan của Bộ luật về bảo vệ an toàn và sức khoẻ, và phòng ngừa tai nạn.

18. Cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng ủy quyền kiểm tra thường xuyên trên tàu, đảm bảo khu vực sinh hoạt của thuyền viên sạch sẽ, có thể ở được và được bảo dưỡng với tình trạng tốt. Kết quả của các đợt kiểm tra như vậy phải được lập thành hồ sơ và luôn có sẵn cho việc xem xét.

19. Đối với các tàu nếu có nhu cầu phải quan tâm đến, không có sự phân biệt, lợi ích của các thuyền viên với tôn giáo và thành phần xã hội khác nhau, cơ quan có thẩm quyền có thể, sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên, cho phép áp dụng khác đôi chút so với các Tiêu chuẩn này, với điều kiện sự sai khác đó không làm cho toàn bộ các phương tiện trở lên kém tiện nghi hơn khi áp dụng Tiêu chuẩn này.

20. Mỗi Thành viên có thể, sau khi tham vấn các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên liên quan, miễn trừ cho các tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 200 nếu có lý do có thể chấp nhận, xét đến kích thước và số lượng thuyền viên trên tàu, liên quan đến các yêu cầu của các điều khoản sau đây của Tiêu chuẩn này:

(a) các mục 7(b), 11(d) và 13; và

(b) mục 9(f) và toàn bộ từ (h) đến (l), chỉ đối với diện tích sàn.

21. Chỉ có thể miễn trừ các yêu cầu của Tiêu chuẩn này nếu chúng được cho phép rõ ràng trong Tiêu chuẩn này, và chỉ trong các trường hợp đặc biệt mà các miễn trừ đó có thể được chứng minh một cách rõ ràng dựa trên các lý lẽ đủ mạnh và tuỳ thuộc vào việc bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho thuyền viên.

Hướng dẫn B3.1 - Khu vực sinh hoạt và các phương tiện giải trí

Hướng dẫn B3.1.1 - Thiết kế và kết cấu

1. Các vách ngoài của các buồng ngủ và phòng ăn phải được bọc thích hợp. Tất  cả các vách quây buồng máy và biên của nhà bếp và các không gian khác sinh ra nhiệt phải được bọc thích hợp nếu có khả năng gây ra các ảnh hưởng nhiệt trong khu vực sinh hoạt và các lối đi liền kề. Phải có các biện pháp bảo vệ tránh các ảnh hưởng nhiệt của hơi nước hoặc các đường ống phục vụ nước nóng, hoặc cả hai.

2. Các buồng ngủ, phòng ăn và phòng giải trí và lối đi trong khu vực sinh hoạt phải được bọc thích hợp chống ngưng tụ hơi nước hoặc quá nhiệt.

3. Các bề mặt vách và trần phải làm bằng vật liệu có bề mặt dễ dàng giữ sạch. Không sử dụng các dạng kết cấu có khả năng chứa côn trùng.

4. Các bề mặt vách và trần của các buồng ngủ, phòng ăn phải có khả năng giữ gìn sạch sẽ và được sơn phủ sáng màu với lớp ngoài cùng bền và không độc hại.

5. Cấu trúc và vật liệu của sàn boong tại tất cả các khu vực sinh hoạt của thuyền viên phải được phê duyệt và phải có bề mặt chống trượt, không thấm hút hơi ẩm và giữ gìn sạch sẽ một cách dễ dàng.

6. Nếu sàn làm bằng vật liệu tổng hợp, các mối ghép với các vách phải vát cạnh để tránh các khe hở.

Hướng dẫn B3.1.2 - Thông gió

1. Hệ thống thông gió cho các buồng ngủ và phòng ăn phải được kiểm soát để duy trì không khí theo điều kiện thỏa mãn và đảm bảo một lượng không khí đầy đủ được lưu thông trong tất cả các điều kiện thời tiết và khí hậu.

2. Các hệ thống điều hoà, dù là kiểu trung tâm hay đơn nguyên riêng lẻ, phải được thiết kế để:

(a) duy trì không khí với một nhiệt độ và độ ẩm tương đối thỏa mãn so với các điều kiện không khí bên ngoài, đảm bảo sự thay đổi không khí đầy đủ trong mọi không gian được điều hoà không khí, lưu ý đến các đặc điểm hoạt động đặc thù trên biển và không gây tiếng ồn hoặc hoặc rung động quá mức; và

(b) tạo điều kiện thuận lợi cho việc vệ sinh và khử trùng nhằm ngăn ngừa hoặc kiểm soát sự lây lan của bệnh tật.

3. Năng lượng cung cấp cho hoạt động của điều hoà không khí và các phương tiện thông gió khác, được yêu cầu bởi các mục trước trong Hướng dẫn này, phải luôn có sẵn khi thuyền viên sống hoặc làm việc trên tàu và khi các điều kiện yêu cầu như vậy. Tuy vậy, nguồn năng lượng này không cần được cung cấp từ nguồn sự cố.

Hướng dẫn B3.1.3 - Hệ thống sưởi

1. Hệ thống sưởi khu vực sinh hoạt của thuyền viên phải hoạt động tại mọi thời điểm khi thuyền viên sống và làm việc trên tàu, và khi ác điều kiện yêu cầu việc sử dụng hệ thống này.

2. Đối với tất cả các tàu được yêu cầu trang bị hệ thống sưởi, thì công chất sưởi sinh nhiệt có thể là nước nóng, khí nóng, điện, hơi nước hoặc tương đương. Tuy vậy, trong khu vực sinh hoạt, không được sử dụng hơi nước làm công chất truyền nhiệt. Hệ thống sưởi phải có khả năng duy trì nhiệt độ trong khu vực sinh hoạt của thuyền viên ở mức độ thỏa mãn theo các điều kiện bình thường của thời tiết và khí hậu thường gặp trong các hành trình tàu đã dự định. Cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra các tiêu chuẩn trang bị.

3. Lò sưởi và các thiết bị sưởi khác phải được bố trí, nếu cần thiết, che chắn tránh các nguy cơ cháy hoặc nguy hiểm hoặc bất tiện cho người sử dụng.

Hướng dẫn B3.1.4 - Chiếu sáng

1. Trên tất cả các tàu, phải có đèn điện chiếu sáng tại khu vực sinh hoạt của thuyền viên. Nếu không có hai nguồn điện chiếu sáng độc lập, phải trang bị chiếu sáng bổ sung bằng các đèn được chế tạo thích hợp hoặc các thiết bị chiếu sáng sự cố.

2. Bố trí một đèn điện đọc sách tại đầu giường trong các buồng ngủ.

3. Cơ quan có thẩm quyền phải quy định các tiêu chuẩn phù hợp về ánh sáng nhân tạo và tự nhiên.

Hướng dẫn B3.1.5 - Buồng ngủ

1. Phải có đủ giường ngủ trên tàu, tạo thoải mái đến mức có thể được cho thuyền viên và bất kỳ người nào đi theo thuyền viên.

2. Nếu kích thước tàu, các hoạt động mà tàu dự định và cách bố trí của tàu làm cho điều này là thích hợp và được phép, các buồng ngủ của tàu phải được bố trí một buồng tắm cá nhân, bao gồm cả nhà vệ sinh, sao cho có thể cung cấp điều kiện tiện nghi cho người sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự ngăn nắp.

3. Đến mức thực tế có thể được, các buồng ngủ của thuyền viên phải được bố trí tách rời các khu vực trực ca và không có thuyền viên nào làm việc ban ngày chung một buồng với thuyền viên trực ca.

4. Đối với thuyền viên thực hiện nhiệm vụ của sỹ quan tập sự, mỗi buồng ngủ của họ có không quá hai người.

5. Cần xem xét để trang bị phương tiện nêu tại Tiêu chuẩn A3.1, mục 9(m), cho với sĩ quan máy hai hai, nếu có thể.

6. Các không gian chiếm chỗ của giường, tủ, ngăn kéo và ghế ngồi phải được tính vào diện tích sàn. Các không gian nhỏ, hoặc có hình dạng đặc biệt, không bổ sung một cách hữu hiệu cho không gian có sẵn cho việc di chuyển tự do, và không thể sử dụng để bố trí nội thất, phải được loại trừ.

7. Các giường không được bố trí nhiều hơn hai tầng; nếu đặt giường dọc theo mạn tàu thì chỉ được bố trí giường một tầng nếu có cửa lấy ánh sáng mạn ở phía trên giường.

8. Tầng dưới của loại giường hai tầng phải cách sàn không nhỏ hơn 30 cm; tầng trên nên bố trí trong khoảng giữa đáy của tầng dưới và mặt dưới xà boong.

9. Khung và thành, nếu có, của giường phải là vật liệu cứng, nhẵn được phê duyệt không dễ bị hao mòn và chứa côn trùng.

10. Nếu dùng các khung hình ống để chế tạo giường thì chúng phải được bịt kín hoàn toàn và không có các lỗ thủng cho côn trùng xâm nhập.

11. Mỗi giường phải có đệm có đế êm hoặc đệm êm kết hợp, gồm một đế lò xo đáy hoặc đệm lò xo. Đệm và vật liệu lót phải được làm bằng vật liệu được phê duyệt. Không được sử dụng nhồi vật liệu để côn trùng dễ dàng xâm nhập.

12. Khi giường được bố trí ở trên giường khác, phải có một tấm đáy chống bụi ở phía dưới đế đệm hoặc đế lò xo của giường tầng trên.

13. Đồ đạc trong phòng phải được làm bằng vật liệu nhẵn, cứng và không dễ cong vênh hoặc hao mòn.

14. Các buồng ngủ phải được trang bị rèm che hoặc dụng cụ tương đương tại các cửa sổ mạn tàu.

15. Buồng ngủ phải có một gương soi, tủ nhỏ để đựng đồ vệ sinh, một giá sách và một số lượng đủ các móc áo.

Hướng dẫn B3.1.6 - Phòng ăn

1. Phòng ăn có thể là loại tập thể hoặc riêng. Quyết định vấn đề này được đưa ra sau khi tham vấn các đại diện của chủ tàu và thuyền viên, và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phải lưu ý đến các yếu tố như kích thước tàu và các nhu cầu văn hoá, tôn giáo, xã hội khác biệt của thuyền viên.

2. Nếu có phòng ăn riêng cho thuyền viên, thì phải có các phòng ăn riêng biệt cho:

(a) thuyền trưởng và các sĩ quan; và

(b) các sĩ quan tập sự và các thuyền viên khác.

3. Trên các tàu không phải tàu khách, diện tích sàn phòng ăn không nhỏ hơn 1,5 mét vuông cho mỗi người theo khả năng bố trí chỗ ngồi.

4. Trên tất cả các tàu, các phòng ăn phải có các bàn ăn và chỗ ngồi phù hợp, cố định hoặc di chuyển được, đủ phục vụ cho số lượng thuyền viên lớn nhất có thể cùng sử dụng nhà ăn một lúc.

5. Phải luôn có sẵn trên tàu khi thuyền viên ở trên tàu:

(a) một tủ lạnh, đặt tại vị trí thuận tiện và có dung tích đủ cho số người sử dụng phòng ăn hoặc các phòng ăn;

(b) các phương tiện phục vụ đồ uống nóng; và

(c) các phương tiện phục vụ nước mát.

6. Nếu phòng chia thức ăn của tàu không thể đi sang phòng ăn, thì phải trang bị tủ thích hợp để đựng các dụng cụ ăn uống và phải có phương tiện thích hợp để rửa các dụng cụ ăn uống.

7. Mặt trên của bàn ăn và ghế ngồi phải là vật liệu chịu được ẩm ướt.

Hướng dẫn B3.1.7 - Khu vực vệ sinh

1. Chậu rửa mặt và bồn tắm phải có kích thước phù hợp và được làm bằng vật liệu phê duyệt có bề mặt cứng khó nứt, bong và mòn.

2. Tất cả các bệ xí phải theo mẫu được duyệt và được trang bị phương tiện xả nước hoặc phương tiện xả phù hợp khác, như xả khí; các phương tiện xả này phải luôn sẵn sàng và được điều khiển một cách độc lập.

3. Khu vực vệ sinh dành cho từ hai người trở lên phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(a) sàn là vật liệu bền được phê duyệt, không thấm nước, và được thoát nước tốt;

(b) các vách phải được làm bằng thép hoặc vật liệu được duyệt khác và phải kín nước đến chiều cao tối thiểu là 23 cm tính từ mặt boong;

(c) khu vực vệ sinh phải được chiếu sáng, thông gió và sưởi ẩm thích đáng;

(d) nhà vệ sinh phải được bố trí thuận tiện, nhưng biệt lập, với các buồng ngủ và các buồng rửa, không có lối vào trực tiếp từ buồng ngủ, hoặc từ lối đi giữa buồng ngủ và nhà vệ sinh, mà để tới đó, không có lối đi khác; yêu cầu này không áp dụng đối với nhà vệ sinh bố trí giữa hai buồng ngủ có tổng số người không nhiều hơn bốn; và

(e) nếu có từ hai bệ xí trở lên bố trí trong một buồng, thì chúng phải được che chắn thích hợp để đảm bảo sự riêng tư.

4. Các phương tiện giặt trang bị cho thuyền viên gồm có:

(a) các máy giặt;

(b) các máy sấy hoặc các buồng được thông gió và sấy nóng thích hợp; và

(c) các bàn là và cầu là hoặc bố trí tương đương.

Hướng dẫn B3.1.8 - Khu vực bệnh viện

1. Khu vực bệnh viện phải được thiết kế tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội chẩn và chăm sóc y tế, và trợ giúp ngăn ngừa lan truyền bệnh truyền nhiễm.

2. Bố trí lối vào, giường nằm, chiếu sáng, thông gió, sưởi và cung cấp nước phải được thiết kế đảm bảo sự thoải mái và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị người bệnh.

3. Cơ quan có thẩm quyền quy định số lượng giường bệnh.

4. Phải có khu vực vệ sinh riêng cho người bệnh tại khu vực bệnh viện, khu vực vệ sinh này có thể là một phần của, hoặc ở gần, khu vực bệnh viện. Khu vực vệ sinh này phải bao gồm có ít nhất một bệ xí, một chậu rửa và một bồn tắm hoặc nơi tắm có vòi hoa sen.

Hướng dẫn B3.1.9 - Các phương tiện khác

1. Nếu có khu vực riêng phục vụ cho việc thay quần áo của bộ phận máy, thì khu vực này phải:

(a) bố trí ngoài buồng máy nhưng dễ dàng đến được; và

(b) có các tủ quần áo cá nhân cùng với bồn tắm, hoặc nơi tắm có vòi hoa sen, hoặc cả hai và các chậu rửa có vòi nước nóng lạnh.

Hướng dẫn B3.1.10 - Giường ngủ, dụng cụ ăn uống và các trang bị khác

1. Mỗi Thành viên phải xem xét áp dụng các nguyên tắc sau:

(a) chủ tàu phải cung cấp bộ đồ giường sạch sẽ và các dụng cụ ăn uống cho mọi thuyền viên sử dụng khi làm việc trên tàu, các thuyền viên đó phải có trách nhiệm hoàn trả khi thuyền trưởng yêu cầu và khi hoàn thành công việc trên tàu;

(b) bộ đồ giường phải có chất lượng tốt, và chén, đĩa và các dụng cụ ăn uống khác phải là vật liệu được phê duyệt dễ dàng làm sạch được; và

(c) chủ tàu phải cung cấp khăn tắm, xà phòng và giấy vệ sinh cho thuyền viên.

Hướng dẫn B3.1.11 - Các phương tiện giải trí, bưu phẩm và bố trí tham quan tàu

1. Phải xem xét các phương tiện và dịch vụ giải trí thường xuyên để đảm bảo rằng chúng phù hợp với các thay đổi và nhu cầu của thuyền viên do sự phát triển công nghệ, hoạt động và phát triển khác của ngành công nghiệp hàng hải.

2. Cung trang bị cho phương tiện giải trí tối thiểu gồm một tủ sách và các dụng cụ đọc, viết và, nếu có thể, các trò chơi.

3. Trong việc lập kế hoạch trang bị phương tiện giải trí, cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc cả việc bố trí căng tin..

4. Cũng lưu ý đến việc trang bị các phương tiện sau đây mà thuyền viên không phải trả phí sử dụng, nếu có thể:

(a) một phòng hút thuốc;

(b) phương tiện xem vô tuyến truyền hình và nghe đài phát thanh;

(c) phương tiện chiếu phim, số lượng phim dự trữ đủ trong thời gian hành trình và, nếu cần thiết, thay đổi trong các khoảng thời gian phù hợp;

(d) Trang bị thể thao gồm các thiết bị luyện tập, các trò chơi trên bảng và trò chơi trên bà n tàu;

(e) nếu có thể, phương tiện dành cho bơi lội;

(f) một thư viện có sách giáo dục và các loại sách khác, số sách dự trữ đủ trong thời gian hành trình và, nếu cần, thay đổi trong các khoảng thời gian phù hợp;

(g) các phương tiện dành cho các công việc thủ công mang tính giải trí;

(h) các thiết bị điện tử như đài, vô tuyến truyền hình, đầu video, đầu DVD/CD, máy tính cá nhân và phần mềm, và các máy cát xét;

(i) nếu phù hợp, có thể bố trí quầy bar trên tàu cho thuyền viên nêu không vi phạm tập quán quốc gia, tôn giáo hoặc xã hội; và

(j) việc tiếp cận thích hợp đối với việc trao đổi thông tin bằng điện thoại tàu - bờ, thư tín và các thiết bị in tơ nét, nếu có thể, với chi phí hợp lý cho việc sử dụng các dịch vụ này.

5. Cố gắng đảm bảo thư tín của thuyền viên được gửi đi kịp thời và tin cậy. Phải xem xét tránh cho thuyền viên phải trả thêm bưu phí khi thư tín phải gửi lại bởi các trường hợp ngoài kiểm soát của họ.

6. Phải xem xét đến các biện pháp đảm bảo, phụ thuộc vào văn bản luật hoặc quy định bất kỳ của quốc gia hoặc quốc tế, bất cứ khi nào có thể và thích hợp, thuyền viên được phép để vợ/ chồng, họ hàng, bạn bè xuống thăm khi tàu trong cảng. Các biện pháp đó phải đáp ứng thỏa mãn mọi yêu cầu liên quan đến thủ tục an ninh.

7. Xem xét các khả năng cho phép thuyền viên được đưa vợ/ chồng đi theo các chuyến đi không thường xuyên nếu điều đó là khả thi và hợp lý. Những người đi theo thuyền viên phải được bảo hiểm tai nạn và ốm đau đầy đủ; các chủ tàu phải hỗ trợ thuyền viên để thực hiện việc bảo hiểm đó.

Hướng dẫn B3.1.12 - Ngăn ngừa tiếng ồn và rung động

1. Khu vực sinh hoạt và các phương tiện giải trí, phục vụ ăn uống phải được bố trí càng cách xa càng tốt các động cơ, buồng máy lái, tời boong, thiết bị thông gió, sưởi, điều hoà, và các bộ phận và máy móc gây ồn khác.

2. Các vật liệu cách âm và hút âm thích hợp khác nên được sử dụng để chế tạo và trang trí vách, trần và boong trong các khu vực tạo ra âm thanh cũng như các cửa cách ly tiếng ồn tự đóng cho các buồng máy.

3. Buồng máy và các khu vực máy móc khác phải có, nếu có thể được, buồng điều khiển trung tâm cách âm dành cho những người làm việc trong buồng máy. Các khu vực làm việc, như xưởng cơ khí, phải được cách ly, đến mức thực tế có thể thực hiện được, tiếng ồn chung của buồng máy, và phải có các biện pháp giảm tiếng ồn trong khi máy hoạt động.

4. Các giới hạn độ ồn của các không gian sống và làm việc phải phù hợp với các hướng dẫn quốc tế của ILO về các mức xuất lộ cho phép, gồm cả các vấn đề được nêu trong bộ luật thực hành có tựa đề Các yếu tố môi trường tại nơi làm việc, 2001, và, nếu có thể, công tác bảo vệ đặc biệt được Tổ chức hàng hải quốc tế khuyến nghị, và các văn kiện sửa đổi, bổ sung tiếp theo về các mức độ ồn cho phép trên tàu. Trên tàu phải luôn có một bản sao các văn kiện hiện hành bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ làm việc trên tàu và thuyền viên có thể dễ tiếp cận.

5. Các khu vực sinh hoạt hoặc phương tiện giải trí hoặc phục vụ ăn uống không chịu tác động của sự rung động quá mức.

Quy định 3.2 - Lương thực, thực phẩm và việc cung cấp lương thực, thực phẩm

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên được cung cấp lương thực, thực phẩm và nước uống có chất lượng tốt trong các điều kiện hợp vệ sinh quy định

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo các tàu mang cờ quốc tịch của mình mang theo và phục vụ lương thực, thực phẩm và nước uống với chất lượng, giá trị dinh dưỡng và chất lượng phù hợp với các nhu cầu của tàu, và lưu ý đến nền tảng tôn giáo và văn hoá khác nhau.

2. Thuyền viên trên tàu được cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí trong thời gian làm việc.

3. Thuyền viên được tuyển dụng để làm đầu bếp trên tàu với trách nhiệm chuẩn bị đồ ăn phải được đào tạo và có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tiêu chuẩn A3.2 - Lương thực, thực phẩm và việc cung cấp lương thực, thực phẩm

1. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật và quy định hoặc các biện pháp khác để quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm và nước uống, và các tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm đối với các bữa ăn của thuyền viên trên tàu mang cờ quốc tịch của mình, và phải thực hiện các hoạt động giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hiện các tiêu chuẩn nêu tại mục này.

2. Mỗi Thành viên phải đảm bảo các tàu mang cờ của quốc tịch của mình thỏa mãn các tiêu chuẩn tối thiểu sau đây:

(a) việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nước uống, lưu ý đến số lượng thuyền viên trên tàu, các yêu cầu về tôn giáo và thực tiễn văn hoá của họ liên quan đến lương thực, thực phẩm, thời gian và đặc điểm của chuyến đi, phải phù hợp về số lượng, giá trị dinh dưỡng, chất lượng và sự đa dạng phong phú về chủng loại;

(b) tổ chức và các thiết bị của bộ phận cung cấp lương thực, thực phẩm phải cho phép cung cấp cho thuyền viên các bữa ăn đầy đủ, phong phú và đảm bảo dinh dưỡng được chuẩn bị và phục vụ trong điều kiện vệ sinh; và

(c) các nhân viên cung cấp lương thực, thực phẩm phải được đào tạo hoặc chỉ dẫn phù hợp về công việc của họ.

3. Chủ tàu phải bảo đảm thuyền viên được tuyển dụng vào vị trí cấp dưỡng được đào tạo, chứng nhận và đủ khả năng thực hiện công việc, phù hợp với các yêu cầu được nêu trong văn bản pháp luật và quy định của Thành viên liên quan.

4. Các yêu cầu nêu tại mục 3 của Tiêu chuẩn này phải bao gồm việc hoàn thành một khoá đào tạo được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc công nhận về nghề nấu ăn, vệ sinh lương thực, thực phẩm và vệ sinh cá nhân, dự trữ lương thực, thực phẩm, kiểm soát kho lương thực, thực phẩm, và bảo vệ môi trường, an toàn và sức khoẻ trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm.

5. Trên tàu hoạt động với định biên dưới mười người, do quy mô của thuyền bộ và đặc tính thương mại, cơ quan có thẩm quyền có thể không yêu cầu một cấp dưỡng có đầy đủ chứng nhận, nhưng bất cứ người nào thực hiện việc chế biến thức ăn trong nhà bếp phải được đào tạo hoặc chỉ dẫn về lĩnh vực này, bao gồm vệ sinh lương thực, thực phẩm và vệ sinh cá nhân, cũng như việc bảo quản và dự trữ lương thực, thực phẩm trên tàu.

6. Trong các trường hợp đặc biệt cần thiết, cơ quan có thẩm quyền có thể cấp một giấy miễn giảm cho phép một cấp dưỡng không được chứng nhận đầy đủ phục vụ trên một tàu cụ thể trong một thời gian giới hạn quy định, cho đến khi tàu ghé vào cảng thuận tiện tiếp theo hoặc trong khoảng thời gian không quá một tháng, với điều kiện người được cấp giấy miễn giảm đã được đào tạo hoặc chỉ dẫn về lĩnh vực này, bao gồm vệ sinh lương thực, thực phẩm và vệ sinh cá nhân, cũng như việc bảo quản và dự trữ lương thực, thực phẩm trên tàu.

7. Phù hợp với các quy trình tại Đề mục 5, cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu việc kiểm tra được lập thành hồ sơ thường xuyên được thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng ủy quyền thực hiện đối với:

(a) việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nước uống;

(b) tất cả các khu vực và thiết bị được sử dụng để bảo quản và dự trữ lương thực, thực phẩm và nước uống; và

(c) nhà bếp và các thiết bị khác để chuẩn bị và phục vụ các bữa ăn.

8. Không được tuyển dụng thuyền viên dưới 18 tuổi làm cấp dưỡng trên tàu.

Hướng dẫn B.3.2 - Lương thực, thực phẩm và việc cung cấp thực phẩm trên tàu

Hướng dẫn B3.2.1 - Kiểm tra, giáo dục, nghiên cứu và công bố

1. Cơ quan có thẩm quyền phải, phối hợp với các tổ chức và các cơ quan liên quan khác, tổng hợp thông tin mới nhất về dinh dưỡng và các phương pháp mua, dự trữ, bảo quản, nấu và phục vụ lương thực, thực phẩm, với sự quan tâm đặc biệt đến các yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm trên tàu. Thông tin này phải sẵn có, miễn phí hoặc có giá chấp nhận được, cho các nhà sản xuất và kinh doanh cung cấp lương thực, thực phẩm và trang thiết bị cho tàu, các thuyền trưởng, phục vụ viên và cấp dưỡng, và cho các tổ chức liên quan của chủ tàu và thuyền viên. Các mẫu công bố thích hợp, như các sổ tay, cẩm nang, áp phích, biểu đồ, hoặc quảng cáo trong các tập san thương mại, phải được sử dụng cho mục đích này.

2. Cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra các khuyến nghị tránh lãng phí lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì một tiêu chuẩn vệ sinh phù hợp, và đảm bảo sự thuận lợi thực tế tối đa trong cách thức bố trí làm việc.

3. Cơ quan có thẩm quyền phải làm việc với các cơ quan và tổ chức liên quan trong việc xây dựng tài liệu giáo dục và thông tin trên tàu liên quan đến các biện pháp đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm thích hợp và các dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm.

4. Cơ quan có thẩm quyền phải làm việc với sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan của chủ tàu và thuyền viên và các cơ quan chuyên môn của địa phương hoặc quốc gia để giải quyết các vấn đề về lương thực, thực phẩm và sứa khỏe, và có thể sử dụng dịch vụ của các cơ quan có chuyên môn đó nếu cần thiết.

Hướng dẫn B3.2.2 - Cấp dưỡng

1. Thuyền viên chỉ được chứng nhận là cấp dưỡng trên tàu nếu:

(a) đã phục vụ trên biển trong một thời gian tối thiểu được cơ quan có thẩm quyền quy định, thời gian này có thể được thay đổi khi xét đến năng lực hoặc kinh nghiệm thích hợp hiện có.

(b) đã hoàn thành một kỳ kiểm tra theo quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã hoàn thành một kỳ kiểm tra tương đương tại một khoá đào tạo cấp dưỡng được chứng nhận.

2. Kỳ kiểm tra theo quy định có thể được thực hiện và giấy chứng nhận được cấp hoặc trực tiếp từ cơ quan cơ thẩm quyền hoặc, dưới sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền, bởi trường đào tạo cấp dưỡng được công nhận.

3. Cơ quan có thẩm quyền phải công nhận, nếu phù hợp, các giấy chứng nhận chuyên môn của cấp dưỡng trên tàu được cấp bởi Thành viên khác đã phê chuẩn Công ước này hoặc Công ước về cấp giấy chứng nhận cho cấp dưỡng trên tàu, 1946 (Số 69), hoặc cơ quan được được công nhận khác.

ĐỀ MỤC 4 - BẢO VỆ SỨC KHOẺ, CHĂM SÓC Y TẾ, PHÚC LỢI VÀ BẢO VỆ AN SINH XÃ HỘI

Quy định 4.1 - Chăm sóc y tế trên tàu và trên bờ

Mục đích: Để bảo vệ sức khoẻ thuyền viên và đảm bảo họ được tiếp cận ngay lập tức sự chăm sóc y tế trên tàu và trên bờ.

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo tất cả thuyền viên trên tàu mang cờ quốc tịch của mình được hưởng các biện pháp thích đáng để bảo vệ sức khoẻ của họ, và được tiếp cận sự chăm sóc y tế đầy đủ và kịp thời khi làm việc trên tàu.

2. Việc bảo vệ và chăm sóc được nêu tại mục 1 của Quy định này, về nguyên tắc, phải được cung cấp miễn phí cho thuyền viên.

3. Mỗi Thành viên phải bảo đảm rằng thuyền viên trên tàu đang ở trong lãnh thổ của mình, có nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp, được tiếp cận các cơ sở y tế trên bờ của Thành viên đó.

4. Các yêu cầu về bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế trên tàu nêu trong Bộ luật gồm có các tiêu chuẩn về các biện pháp nhằm tạo ra cho thuyền viên sự bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế tương đương đến mức có thể được như với các lao động trên bờ.

Tiêu chuẩn A4.1 - Chăm sóc y tế trên tàu và trên bờ

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo các biện pháp để tạo ra sự bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế, gồm cả chăm sóc nha khoa, cho thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ quốc tịch của mình được thông qua:

(a) đảm bảo việc áp dụng cho thuyền viên các điều khoản chung về bảo vệ sức khoẻ nghề nghiệp và chăm sóc y tế liên quan đến các nhiệm vụ của họ, cũng như các điều khoản đặc biệt quy định đối với công việc trên tàu;

(b) đảm bảo rằng thuyền viên được bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế tương đương đến mức có thể được như với các lao động làm việc trên bờ, gồm việc tiếp cận kịp thời các loại thuốc, trang bị y tế và các phương tiện để chẩn đoán và điều trị, cũng như các thông tin y tế và các ý kiến chuyên môn.

(c) tạo cho thuyền viên quyền đến thăm khám với bác sĩ hoặc nha sĩ có chuyên môn tại các cảng ghé vào, nếu thực tế có thể;

(d) đảm bảo rằng, tới phạm vi phù hợp với các văn bản pháp luật và thực tiễn quốc gia Thành viên, các dịch vụ chăm sóc y tế và bảo vệ sức khoẻ trong khi một thuyền viên trên tàu hoặc trên đất liền ở cảng nước ngoài được cung cấp miễn phí cho thuyền viên; và

(e) không chỉ giới hạn ở việc điều trị bệnh tật hoặc thương tật, mà còn phải có các biện pháp phòng chống đặc biệt như các chương trình tuyên truyền và giáo dục sức khoẻ.

2. Cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra một mẫu báo cáo y tế tiêu chuẩn để Thuyền trưởng của tàu và các nhân viên y tế liên quan trên tàu và trên bờ sử dụng. Mẫu, sau khi hoàn thành, và nội dung của mẫu phải được bảo mật và chỉ được dùng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều trị cho thuyền viên.

3. Mỗi Thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật và quy định đưa ra các yêu cầu đối với phương tiện bệnh viện và chăm sóc y tế trên tàu, và trang thiết bị, đào tạo trên tàu mang cờ quốc gia của của mình.

4. Các văn bản pháp luật và quy định quốc gia phải quy định các yêu cầu tối thiểu sau đây:

(a) tất cả các tàu phải có một tủ thuốc, trang thiết bị y tế và hướng dẫn y tế, phải có các quy định về các hạng mục và chúng phải được kiểm tra thường xuyên bởi cơ quan có thẩm quyền; các yêu cầu của quốc gia phải lưu ý đến kiểu tàu, số người trên tàu và bản chất, nơi đến, thời gian hành trình của chuyến đi và các tiêu chuẩn y tế được khuyến nghị phù hợp của quốc gia và quốc tế;

(b) các tàu chở từ 100 người trở lên, thường thực hiện các chuyến đi quốc tế dài hơn ba ngày, phải có một bác sĩ có đủ năng lực chịu trách nhiệm chăm sóc y tế; các văn bản pháp luật và quy định quốc gia cũng phải quy định yêu cầu đối với các tàu khác phải có một bác sĩ, có sự quan tâm đến, không kể các quy định khác, các yếu tố như thời gian, bản chất và điều kiện chuyến đi và số thuyền viên trên tàu;

(c) các tàu không có bác sĩ phải được yêu cầu có hoặc ít nhất một thuyền viên có trách nhiệm chăm sóc y tế và quản lý y tế là một phần nhiệm vụ thường xuyên của họ, hoặc ít nhất một thuyền viên trên tàu có khả năng sơ cứu y tế; những người phụ trách chăm sóc y tế trên tàu không phải là bác sĩ phải hoàn thành khoá đào tạo chăm sóc y tế thỏa mãn các yêu cầu của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp giấy chứng nhận và trực ca cho thuyền viên, 1978, đã được sửa đổi, bổ sung (“STCW”); Các thuyền viên được phân công sơ cứu phải hoàn thành đào tạo sơ cứu thỏa mãn các yêu cầu của STCW; Các văn bản pháp luật và quy định quốc gia phải nêu rõ mức độ đào tạo yêu cầu được công nhận, lưu ý đến, không kể các quy định khác, các yếu tố như thời gian, bản chất và điều kiện chuyến đi và số lượng thuyền viên trên tàu; và

(d) Cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo, bằng một hệ thống bố trí trước, các tư vấn về y tế bằng thông tin vô tuyến điện hoặc thông tin vệ tinh, bao gồm cả các tư vấn của các chuyên gia, luôn có sẵn 24 giờ một ngày; tư vấn y tế, bao gồm cả tư vấn bằng thông tin vô tuyến điện hoặc thông tin vệ tinh giữa tàu và những người trên bờ đưa ra ý kiến tư vấn phải luôn có sẵn miễn phí cho tất cả các tàu bất kể tàu đó mang cờ quốc tịch của quốc gia nào.

Hướng dẫn B4.1 - Chăm sóc y tế trên tàu và trên bờ

Hướng dẫn B4.1.1

1. Khi xác định mức độ đào tạo của thuyền viên trên tàu không yêu cầu có một bác sĩ, cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu:

(a) tàu thông thường có khả năng tiếp cận được các thiết bị chăm sóc y tế có chất lượng trong vòng tám giờ phải có ít nhất một thuyền viên được công nhận về đào tạo sơ cứu theo yêu cầu của STCW có thể hành động kịp thời và hiệu quả trong trường hợp tai nạn hoặc ốm xảy ra trên một tàu và sử dụng tư vấn y tế thông qua thông tin vô tuyến hoặc vệ tinh; và

(b) tất cả các tàu khác phải có ít nhất một thuyền viên được công nhận đào tạo chăm sóc y tế theo yêu cầu của STCW, bao gồm đào tạo thực hành và các kỹ thuật cứu sinh như phẫu thuật tĩnh mạch, cho phép tham gia hiệu quả vào kế hoạch phối hợp trợ giúp y tế trên tàu khi đi biển, và cung cấp cho người bị ốm hoặc thương tiêu chuẩn chăm sóc y tế phù hợp khi họ còn ở trên tàu.

2. Đào tạo như nêu tại mục 1 của Hướng dẫn này trên cơ sở các nội dung của các ấn phẩm mới nhất của Hướng dẫn y tế quốc tế cho tàu biển, Hướng dẫn sơ cứu y tế trong trường hợp tai nạn liên quan đến hàng nguy hiểm, Tài liệu hướng dẫn - Một hướng dẫn đào tạo hàng hải quốc tế, và các phần liên quan đến y tế của Bộ luật tín hiệu quốc tế cùng với các hướng dẫn quốc gia tương tự.

3. Những người nêu tại mục 1 của Hướng dẫn này và các thuyền viên khác có thể được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải tham gia, trong các khoảng thời gian xấp xỉ năm năm, khoá bồi dưỡng cho phép họ củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng và cập nhật các thành tự khoa học mới nhất.

4. Tủ thuốc y tế và thành phần trong đó, cũng như trang bị y tế và hướng dẫn y tế trên tàu, phải được cất giữ phù hợp và được kiểm tra thường xuyên theo chu kỳ không quá 12 tháng, bởi những người có trách nhiệm được cơ quan có thẩm quyền phân công, người kiểm tra phải đảm bảo rằng nhãn mác, hạn sử dụng và các điều kiện cất giữ của tất cả thuốc men và hướng dẫn sử dụng được kiểm tra và mọi trang bị có chức năng như yêu cầu. Khi đưa ra các quy định hoặc soát xét hướng dẫn y tế của tàu được sử dụng trong phạm vi quốc gia, và xác định các thành phần của tủ thuốc và trang bị y tế, cơ quan có thẩm quyền phải xét đến các khuyến nghị quốc tế trong lĩnh vực này, bao gồm ấn phẩm mới nhất của Hướng dẫn quốc tế về y tế cho tàu biển, và các hướng dẫn khác nêu tại mục 2 của Hướng dẫn này.

5. Nếu một hàng hoá được phân loại là hàng nguy hiểm mà không có nêu trong ấn phẩm mới nhất Hướng dẫn sơ cứu y tế trong trường hợp tai nạn liên quan đến hàng nguy hiểm, thì phải cung cấp các thông tin cần thiết cho thuyền viên về đặc điểm hàng hoá, các nguy cơ liên quan, các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết, các quy trình y tế liên quan và các loại thuốc giải độc đặc biệt. Thuốc giải độc và các dụng cụ bảo hộ cá nhân phải luôn có trên tàu khi chở hàng nguy hiểm. Thông tin này được hợp nhất với các chính sách và chương trình của tàu về an toàn lao động và sức khoẻ nêu tại Quy định 4.3 và các điều khoản liên quan của Bộ luật.

6. Tất cả các tàu phải có một danh mục đầy đủ và cập nhật các trạm vô tuyến điện để có thể nhận được thông báo y tế; và, nếu được trang bị một hệ thống thông tin vệ tinh, có một danh sách đầy đủ và cập nhật các trạm bờ ven biển để có thể nhận được thông báo y tế. Thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế hoặc sơ cứu y tế trên tàu phải được hướng dẫn sử dụng hướng dẫn y tế của tàu và phần y tế của ấn phẩm mới nhất Bộ luật tín hiệu quốc tế cho phép họ nắm bắt được loại thông tin cần thiết của bác sĩ tư vấn cũng như thông tin tư vấn nhận được.

Hướng dẫn B4.1.2 - Mẫu báo cáo y tế

1. Mẫu báo cáo y tế chuẩn cho các thuyền viên được yêu cầu tại Phần A của Bộ luật này được lập ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin y tế và liên quan về các thuyền viên riêng biệt giữa tàu và bờ trong các trường hợp ốm và bị thương.

Hướng dẫn B4.1.3 - Chăm sóc y tế trên bờ

1. Các thiết bị y tế trên bờ điều trị cho các thuyền viên phải phù hợp với mục đích. Bác sĩ, nha sĩ và nhân viên y tế khác phải có chuyên môn phù hợp.

2. Phải có các biện pháp để đảm bảo thuyền viên có điều kiện, khi ở tại cảng, để:

(a) điều trị ngoại trú khi bị ốm và bị thương;

(b) nhập viện nếu cần thiết; và

(c) điều trị nha khoa, đặc biệt các trường hợp khẩn cấp.

3. Phải có các biện pháp tạo thuận lợi điều trị các thuyền viên bị bệnh. Trong trường hợp đặc biệt, thuyền viên phải được nhanh chóng đưa đến các phòng khám hoặc các bệnh viện trên bờ mà không được gây khó khăn và không tính đến khác biệt về quốc tịch hoặc tôn giáo, và phải bố trí để đảm bảo họ tiếp tục được điều trị đến khi có thiết bị y tế bổ sung, nếu cần thiết.

Hướng dẫn B4.1.4 - Hỗ trợ y tế cho các tàu khác và hợp tác quốc tế.

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải xem xét tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hỗ trợ, các chương trình và nghiên cứu bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế. Hợp tác này bao gồm:

(a) phát triển và phối hợp trong các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn và bố trí kịp thời hỗ trợ y tế và sơ tán thuyền viên ốm hoặc bị thương nghiêm trọng trên tàu thông qua các biện pháp như các hệ thống báo cáo định kỳ vị trí tàu, các trung tấm phối hợp tìm kiếm, các dịch vụ cứu nạn bằng trực thăng, phù hợp với Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, 1979. sửa đổi, bổ sung, và Sổ tay tìm kiếm và cứu nạn hàng hải và hàng không quốc tế;

(b) tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các tàu có một bác sĩ và bố trí các tàu trên biển có thể cung cấp các phương tiện bệnh viện và phương tiện cứu nạn;

(c) biên soạn và duy trì một danh sách quốc tế các các bác sĩ và các phương tiện chăm sóc y tế có thể sử dụng trên toàn thế giới nhằm cung cấp chăm sóc y tế khẩn cấp cho thuyền viên;

(d) đưa các thuyền viên vào bờ điều trị khẩn cấp;

(e) hồi hương thuyền viên đang nằm ở bệnh viện nước ngoài sớm nhất có thể, phù hợp với chỉ định điều trị của các bác sĩ đang chịu trách nhiệm điều trị, xét đến mong muốn và nhu cầu của các thuyền viên;

(f) bố trí người giúp đỡ thuyền viên khi hồi hương, phù hợp với chỉ định điều trị của các bác sĩ đang chịu trách nhiệm điều trị, xét đến mong muốn và nhu cầu của các thuyền viên;

(g) cố gắng xây dựng các trung tâm sức khoẻ cho thuyền viên nhằm:

(i) nghiên cứu tình trạng sức khoẻ, điều trị y tế và phòng chống bệnh tật cho thuyền viên; và

(ii) đào tạo nhân viên chăm sóc sức khoẻ và y tế thuộc lĩnh vực hàng hải;

(h) tập hợp và đánh giá các số liệu thống kê liên quan đến tai nạn, bệnh nghề nghiệp, rủi ro của thuyền viên, tổng hợp và hài hoà số liệu thống kê với mọi hệ thống thống kê quốc gia hiện có về các tai nạn và bệnh nghề nghiệp liên quan đến các nghề nghiệp khác;

(i) tổ chức trao đổi thông tin kỹ thuật quốc tế, đào tạo lý thuyết và thực hành, cũng như các khoá đào tạo, hội thảo quốc tế quốc tế;

(j) cung cấp cho thuyền viên các dịch vụ đặc biệt phòng chống bệnh tật và dịch vụ y tế tại cảng, hoặc các dịch vụ y tế phục hồi sức khoẻ chung cho họ; và

(k) bố trí hồi hương các thi thể hoặc tro của các thuyền viên bị tử vong, phù hợp với nguyện vọng của gia quyến họ trong thời gian nhanh nhất.

2. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế cho thuyền viên trên cơ sở các hiệp định hoặc hội đàm song phương hoặc đa phương giữa các Quốc gia thành viên.

Hướng dẫn B4.1.5 - Người đi theo thuyền viên

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải thông qua các biện pháp y tế đầy đủ và thích hợp cho những người đi cùng thuyền viên thuộc lãnh thổ của mình khi chưa có dịch vụ chăm sóc y tế dành cho người lao động nói chung và những người đi theo họ và thông báo cho Cơ quan lao động quốc tế về các biện pháp này.

Quy định 4.2 - Trách nhiệm của chủ tàu

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên không phải chịu chi phí do ốm, bị thương hoặc tử vong khi làm việc.

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các biện pháp, phù hợp với Bộ luật, áp dụng trên tàu mang cờ quốc gia của mình để thuyền viên có quyền nhận được hỗ trợ và giúp đỡ vật chất từ chủ tàu về chi phí tài chính khi bị ốm, bị thương hoặc tử vong xảy ra trong khi họ làm việc theo thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên hoặc phát sinh từ công việc của họ trong phạm vi hợp đồng đó.

2. Quy định này không ảnh hưởng đến bất kỳ phương pháp chữa bệnh hợp pháp nào khác mà thuyền viên có thể tìm kiếm.

Tiêu chuẩn A4.2 - Trách nhiệm của chủ tàu

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải thông qua các văn bản pháp luật và các quy định yêu cầu các chủ tàu của các tàu mang cờ quốc gia của mình phải có trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế cho thuyền viên làm việc trên tàu theo các tiêu chuẩn tối thiểu sau đây:

(a) chủ tàu có nghĩa vụ chịu các chi phí cho thuyền viên làm việc trên tàu khi bị ốm và bị thương tích xảy ra từ ngày bắt đầu nhiệm vụ đến ngày hồi hương, hoặc phát sinh do công việc trong các ngày đó;

(b) chủ tàu phải cung cấp an ninh tài chính đảm bảo bồi thường trong trường hợp tử vong hoặc mất khả năng làm việc lâu dài của thuyền viên do ốm đau thương tật hoặc rủi ro nghề nghiệp, như nêu tại pháp luật quốc gia, thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên hoặc thoả ước tập thể;

(c) chủ tàu có nghĩa vụ đài thọ chi phí chăm sóc y tế, bao gồm điều trị y tế và cung cấp thuốc men cần thiết và các thiết bị khám chữa bệnh, ăn ở xa nhà đến khi thuyền viên bình phục, hoặc cho đến bệnh tật của thuyền viên được cho thấy là mãn tính; và

(d) chủ tàu có nghĩa vụ trả chi phí chôn cất trong trường hợp thuyền viên tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian được tuyển dụng.

2. Pháp luật hoặc các quy định quốc gia có thể giới hạn trách nhiệm pháp lý của chủ tàu trong việc đài thọ chi phí chăm sóc y tế và khám sức khoẻ và ăn ở xa nhà trong một khoảng thời gian không ít hơn 16 tuần tính từ ngày bị thương hoặc bị bệnh.

3. Nếu bị bệnh hoặc bị thương dẫn đến mất khả năng làm việc của thuyền viên thì chủ tàu phải có trách nhiệm:

(a) trả đầy đủ lương chừng nào các thuyền viên bị bệnh hoặc bị thương vẫn còn ở trên tàu hoặc cho đến khi thuyền viên được hồi hương phù hợp với Công ước này; và

(b) trả toàn bộ hoặc một phần lương như quy định tại pháp luật hoặc quy định quốc gia hoặc như nêu tại các thoả ước tập thể tính từ thời gian thuyền viên hồi hương hoặc lên bờ cho đến khi họ bình phục hoặc, nếu sớm hơn, cho đến khi họ được quyền trợ cấp tiền mặt theo pháp luật của Quốc gia thành viên liên quan.

4. Pháp luật hoặc các quy định quốc gia có thể giới hạn trách nhiệm của chủ tàu phải trả lương toàn bộ hoặc một phần cho thuyền viên không còn làm việc trên tàu trong thời gian không ít hơn 16 tuần từ ngày bị thương hoặc bắt đầu bị bệnh.

5. Pháp luật hoặc các quy định quốc gia có thể loại trừ trách nhiệm của chủ tàu trong các trường hợp:

(a) bị thương xảy ra khi không làm việc trên tàu;

(b) bị thương hoặc ốm do có lỗi có chủ tâm của thuyền viên bị ốm, bị thương hoặc bị tử vong đó; và

(c) bệnh tật hoặc thương tật được giấu kín có chủ định khi tuyển dụng.

6. Pháp luật hoặc các quy định quốc gia có thể miễn trách nhiệm cho chủ tàu không phải chịu chi phí chăm sóc sức khoẻ trên tàu, chi phí ăn ở xa nhà và chi phí mai táng khi trách nhiệm này thuộc về các cơ quan nhà nước.

7. Các chủ tàu và đại diện của chủ tàu phải có các biện pháp bảo vệ tài sản để lại trên tàu của thuyền viên rời tàu khi bị ốm, bị thương hoặc tử vong và trả lại tài sản cho họ hoặc người thân.

Hướng dẫn B4.2 - Trách nhiệm của chủ tàu

1. Trả đầy đủ lương đủ theo yêu cầu của Tiêu chuẩn A4.2, mục 3(a), có thể không có tiền thưởng.

2. Pháp luật hoặc các quy định quốc gia có thể cho phép một chủ tàu ngừng trách nhiệm chịu các chi phí cho thuyền viên bị ốm hoặc bị thương từ thời điểm mà thuyền viên đó có thể đòi được trợ cấp y tế từ một hệ thống bảo hiểm bệnh tật bắt buộc, bảo hiểm tai nạn bắt buộc hoặc bồi thường tai nạn cho người lao động.

3. Pháp luật hoặc các quy định quốc gia có thể quy định rằng chi phí chôn cất thuyền viên do chủ tàu trả phải được một cơ quan bảo hiểm hoàn trả trong các trường hợp chi phí mai táng có thể trả được phù hợp với pháp luật hoặc các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội hoặc bồi thường cho người lao động.

Quy định 4.3 - Bảo vệ sức khoẻ và an toàn và phòng ngừa tai nạn

Mục đích: Đảm bảo rằng môi trường làm việc của thuyền viên trên tàu đẩy mạnh an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo các thuyền viên trên tàu mang cờ quốc gia của mình được bảo vệ sức khoẻ lao động và cuộc sống, làm việc và đào tạo trên tàu trong môi trường an toàn và vệ sinh.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải xây dựng và ban hành các hướng dẫn quốc gia về quản lý an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ trên tàu mang cờ quốc gia của mình, sau khi tham vấn với đại diện các tổ chức của các chủ tàu và thuyền viên và tính đến các bộ luật, hướng dẫn, tiêu chuẩn hiện hành được các tổ chức quốc tế, chính quyền hàng hải quốc gia và các tổ chức công nghiệp hàng hải khuyến nghị.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải thông qua các luật và các quy định và các biện pháp khác điều chỉnh các vấn đề nêu trong Bộ luật, lưu tâm đến các văn kiện quốc tế liên quan, và đề ra các tiêu chuẩn quy định về an toàn nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn trên tàu mang cờ quốc gia của mình.

Tiêu chuẩn A4.3 - Bảo vệ sức khoẻ, an toàn và phòng ngừa tai nạn

1. Các luật và các quy định và các biện pháp khác được thông qua theo mục 3 Quy định 4.3, phải gồm các vấn đề sau:

(a) thông qua, triển khai hiệu quả và thúc đẩy an toàn lao động và các chính sách và các chính sách và chương trình sức khoẻ trên tàu mang cờ Quốc gia thành viên, bao gồm cả đánh giá rủi ro cũng như đào tạo và hướng dẫn thuyền viên;

(b) các cảnh báo thích hợp để phòng ngừa tai nạn lao động, thương tích và bệnh tật trên tàu, gồm các biện pháp làm giảm bớt và phòng ngừa nguy cơ tiếp xúc với các mức độ độc hại của hoá chất và các tác nhân xung quanh cũng như nguy cơ thương tích hoặc bệnh tật có thể phát sinh do sử dụng thiết bị và máy móc trên tàu;

(c) các chương trình phòng ngừa tai nạn, thương tích, bệnh tật nghề nghiệp trên tàu và liên tục nâng cao an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ, liên quan đến các đại diện của thuyền viên và những người khác liên quan đến việc thực hiện, tính đến các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả kiểm soát thiết kế và vận hành máy, thay thế các quá trình và các quy trình đối với các nhiệm vụ cá nhân và tập thể, và sử dụng dụng cụ bảo hộ cá nhân; và

(d) các yêu cầu kiểm tra, báo cáo và khắc phục các điều kiện không an toàn và điều tra và báo cáo tai nạn lao động trên tàu;

2. Các quy định như nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này phải:

(a)  lưu tâm đến các văn kiện quốc tế liên quan đề cập đến an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ nói chung và các nguy cơ cụ thể, và điều chỉnh mọi vấn đề liên quan nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp có thể áp dụng cho công việc của thuyền viên và đặc biệt là các vấn đề về lao động trong ngành hàng hải;

(b) quy định rõ nghĩa vụ của chủ tàu, thuyền viên và những người khác liên quan để phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành và với chính sách và chương trình an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ của tàu với chú ý đặc biệt đến an toàn và sức khoẻ của thuyền viên dưới 18 tuổi;

(c) quy định các nhiệm vụ của thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng phân công, hoặc cả hai, nắm giữ trách nhiệm quy định cụ thể thực hiện và tuân thủ chính sách và chương trình an toàn và sức khoẻ của tàu; và

(d) quy định quyền hạn của thuyền viên trên tàu được phân công hoặc được chọn với tư cách là đại diện an toàn tham gia các cuộc họp của Ủy ban an toàn của tàu. Ủy ban này được thành lập trên một tàu có từ năm thuyền viên trở lên.

3. Các luật và các quy định và các biện pháp khác nêu tại mục 3 Quy định 4.3, phải được soát xét thường xuyên có tham vấn các đại diện của các tổ chức của các chủ tàu và thuyền viên, nếu cần thiết, sửa đổi tính đến các thay đổi về công nghệ và nghiên cứu để thúc đẩy liên tục nâng cao các chính sách và chương trình an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ nghề nghiệp và tạo ra một môi trường nghề nghiệp an toàn cho thuyền viên trên tàu mang cờ của Quốc gia thành viên.

4. Phù hợp với các yêu cầu của các văn kiện quốc tế hiện hành về các mức độ tiếp xúc với các nguy cơ tại vị trí làm việc trên tàu có thể chấp nhận được, xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp của tàu phải được xem xét thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này.

5. Cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo:

(a) các tai nạn lao động, thương tích, bệnh tật nghề nghiệp được báo cáo đầy đủ, theo hướng dẫn Tổ chức lao động quốc tế về báo cáo và ghi chép các tai nạn lao động và bệnh tật;

(b) các thống kê tổng hợp về các tai nạn, bệnh tật đó phải được lưu giữ, phân tích và công bố và, nếu phù hợp, nghiên cứu tiếp nhằm xác định xu hướng chung và nhận dạng các nguy cơ; và

(c) các tai nạn lao động phải được điều tra.

6. Báo cáo và điều tra các vấn đề an toàn lao động và sức khoẻ phải bảo mật các dữ liệu cá nhân của thuyền viên, và phù hợp với hướng dẫn Tổ chức lao động thế giới liên quan đến vấn đề này.

7. Cơ quan có thẩm quyền phải hợp tác với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên để có các biện pháp cung cấp cho thuyền viên thông tin liên quan các nguy hiểm cụ thể trên tàu, ví dụ, dán các thông báo chính thức về các chỉ dẫn liên quan.

8. Cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu chủ tàu đánh giá rủi ro liên quan đến đến quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp phù hợp với thông tin dữ liệu từ tàu của mình và từ các dữ liệu chung của cơ quan có thẩm quyền.

Hướng dẫn A4.3 - Bảo vệ sức khoẻ, an toàn và phòng ngừa tai nạn

Hướng dẫn B4.3.1 - Các điều khoản về tai nạn, thương tích và bệnh tật nghề nghiệp

1. Các điều khoản yêu cầu tại Tiêu chuẩn A4.3 phải phù hợp với bộ luật thực hành của ILO có tựa đề Phòng ngừa tai nạn trên tàu trên biển và trong cảng, 1996, và các phiên bản tiếp theo và các văn bản liên quan của ILO khác và các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế khác và các bộ luật thực hành liên quan đến bảo vệ an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp, gồm mọi mức độ tiếp xúc xác định.

2. Cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo các hướng dẫn quốc gia về quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp có các vấn đề sau đây, cụ thể:

(a) các điều khoản chung và cơ bản;

(b) đặc điểm kết cấu của tàu, gồm các phương tiện tiếp cận và các mối nguy hiểm về a-mi-ăng;

(c) hệ thống máy;

(d) hiệu ứng nhiệt độ cao hoặc quá thấp của mọi bề mặt mà thuyền viên có thể tiếp xúc;

(e) ảnh hưởng của tiếng ồn tại vị trí làm việc và khu vực sinh hoạt trên tàu;

(f) ảnh hưởng của rung động tại vị trí làm việc và khu vực sinh hoạt trên tàu;

(g) các ảnh hưởng của các yếu tố xung quanh, trừ những yếu tố nêu tại tiểu mục (e) và (f), tại vị trí làm việc và khu vực sinh hoạt trên tàu, kể cả khói thuốc;

(h) các biện pháp an toàn đặc biệt trên và dưới boong;

(i) thiết bị nhận và trả hàng;

(j) phòng chống cháy;

(k) neo, xích và dây;

(l) hàng nguy hiểm và dằn;

(m) dụng cụ bảo hộ cá nhân cho thuyền viên;

(n) làm việc trong các không gian kín;

(o) ảnh hưởng của mệt mỏi đến thần kinh và thể chất;

(p) các ảnh hưởng nghiện ma tuý và rượu;

(q) phòng tránh HIV/AIDS; và

(r) đối phó với tai nạn và trường hợp khẩn cấp.

3. Đánh giá các nguy hiểm và giảm bớt rủi ro nêu tại mục 2 của Hướng dẫn này phải tính đến các ảnh hưởng về thể chất đến sức khoẻ lao động, gồm có bốc xếp vật nặng bằng tay, tiếng ồn và rung động và ảnh hưởng sức khoẻ lao động về sinh học và hoá học, ảnh hưởng sức khoẻ lao động về tinh thần, ảnh hưởng của mệt mỏi đến sức khoẻ thể chất và tinh thần và các tai nạn lao động. Các biện pháp cần thiết phải xét đến đến nguyên tắc phòng ngừa là: chống lại các mối nguy hiểm từ nguồn gây ra, thích nghi với công việc đối với các cá nhân, đặc biệt liên quan đến thiết kế vị trí làm việc, và thay thế các vật liệu nguy hiểm bằng loại không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm hơn, ưu tiên dụng cụ bảo hộ cá nhân cho thuyền viên.

4.  Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo các quy định về sức khoẻ và an toàn bao gồm, cụ thể trong các phần sau đây:

(a) đối phó trường hợp khẩn cấp hoặc tai nạn;

(b) ảnh hưởng của nghiện ma tuý và rượu;

(c) phòng tránh HIV/AIDS.

Hướng dẫn B4.3.2 - Tiếp xúc với tiếng ồn

1. Cơ quan có thẩm quyền, kết hợp với các cơ quan quốc tế có thẩm quyền và các đại diện của các tổ chức liên quan của chủ tàu và thuyền viên, cân nhắc nguyên nhân gây tiếng ồn trên tàu với mục tiêu nâng cao bảo vệ thuyền viên, đến mức thực tế có thể thực hiện được, tránh tác hại của tiếng ồn.

2. Soát xét nêu tại mục 1 của Hướng dẫn này phải tính đến tác hại khi chịu tiếng ồn quá mức đối với thính giác, sức khoẻ và thích nghi của thuyền viên và các biện pháp được quy định hoặc khuyến nghị để giảm tiếng ồn trên tàu bảo vệ thuyền viên.

Các biện pháp xem xét gồm có:

(a) cảnh báo thuyền viên về các mối nguy hiểm đối với thính giác và sức khoẻ do phải chịu tiếng ồn lớn kéo dài và sử dụng hợp lý các dụng cụ bảo hộ;

(b) cung cấp dụng cụ bảo vệ thính giác được duyệt cho thuyền viên nếu cần thiết; và

(c) đánh giá nguy cơ và giảm các mức độ tiếng ồn trong tất cả khu vực sinh hoạt, giải trí và chế biến thực phẩm, cũng như buồng máy và các không gian chứa động cơ khác.

Hướng dẫn B4.3.3 - Tiếp xúc với rung động

1. Cơ quan có thẩm quyền, kết hợp với các cơ quan quốc tế có thẩm quyền và các đại diện của các tổ chức liên quan của chủ tàu và thuyền viên, tham khảo, nếu phù hợp, các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, xem xét vấn đề rung động trên tàu với mục tiêu tăng cường bảo vệ thuyền viên, đến mức thực tế có thể thực hiện được, tránh các tác hại của rung động.

2. Xem xét mục 1 của Hướng dẫn này bao gồm các ảnh hưởng do phải chịu rung động quá mức đối với sức khoẻ và thích nghi và các biện pháp được quy định hoặc khuyến nghị nhằm giảm rung động trên tàu bảo vệ thuyền viên. Các biện pháp xem xét gồm có:

(a) cảnh báo cho thuyền viên về các mối nguy hiểm đối với sức khoẻ khi phải chịu rung động kéo dài;

(b) cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân được duyệt cho thuyền viên nếu cần thiết; và

(c) đánh giá các nguy cơ và giảm rung động trong mọi khu vực sinh hoạt, giải trí và chế biến thực phẩm bằng thông qua các biện pháp phù hợp với hướng dẫn bộ luật thực hành của ILO có Tựa đề Các yếu tố xung quanh vị trí làm việc, 2001, và bất kỳ sửa đổi nào tiếp theo, tính đến khả năng chịu rung động khác nhau tại các khu vực đó và tại vị trí làm việc.

Hướng dẫn B.4.3.4 - Nghĩa vụ của chủ tàu

1. Chủ tàu có nghĩa vụ cung cấp thiết bị bảo vệ hoặc dụng cụ bảo vệ phòng tránh tai nạn, nói chung, kèm theo các quy định sử dụng các thiết bị này và yêu cầu thuyền viên đáp ứng các biện pháp phòng tránh tai nạn và bảo vệ sức khoẻ liên quan.

2. Cũng xem xét Điều 7 và 11 Công ước bảo vệ hệ thống máy, 1963 (Số 119), và các điều khoản tương ứng của Khuyến nghị về bảo vệ hệ thống máy, 1963, (Số 118), theo đó nghĩa vụ phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu rằng hệ thống máy đang sử dụng phải được bảo vệ phù hợp, và không cho phép sử dụng khi không có bảo vệ thích đáng thuộc về người thuê lao động, trong khi đó nghĩa vụ của thuyền viên là không được sử dụng máy móc khi không có bảo vệ đúng vị trí hoặc tháo bỏ các bảo vệ được trang bị.

Hướng dẫn B4.3.5 - Báo cáo và tập hợp các số liệu

1. Mọi tai nạn, thương tích, bệnh tật nghề nghiệp phải được báo cáo để điều tra và các số liệu tổng hợp phải được lưu giữ, phân tích và công bố, lưu ý đến bảo vệ dữ liệu các nhân của thuyền viên liên quan. Các báo cáo không được hạn chế công bố về số thương vong hoặc tai nạn liên quan đến tàu.

2. Các số liệu nêu tại mục 1 của Hướng dẫn này phải ghi số lượng, bản chất, các nguyên nhân và ảnh hưởng của các tai nạn lao động và các thương tích và bệnh nghề nghiệp, kèm theo một thông báo rõ, nếu phù hợp, khu vực trên tàu, loại hình tai nạn và nơi xảy ra trên biển hay tại cảng.

3. Mỗi Thành viên phải chú ý đến mọi hệ thống hoặc tổ chức quốc tế ghi nhận các tai nạn của thuyền viên có thể được Tổ chức Lao động quốc tế thành lập.

Hướng dẫn B4.3.6 - Điều tra

1. Cơ quan có thẩm quyền phải điều tra nguyên nhân và tình huống của mọi tai nạn, thương tích nghề nghiệp và bệnh tật dẫn đến chết người hoặc thương tích nghiêm trọng, và các trường hợp khác như quy định tại các văn bản pháp luật và quy định quốc gia.

2. Xem xét các vấn đề sau khi điều tra:

(a) môi trường làm việc, như các bề mặt làm việc, bố trí buồng máy, các phương tiện tiếp cận, hệ thống chiếu sáng và các phương pháp làm việc;

(b) phạm vi ảnh hưởng theo các nhóm tuổi khác nhau đối với tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp;

(c) các vấn đề tâm sinh lý đặc biệt tạo ra bởi môi trường trên tàu;

(d) các vấn đề phát sinh do căng thẳng thể chất trên tàu, đặc biệt do hậu quả tăng cường độ làm việc;

(e) các vấn đề phát sinh và xuất phát từ ảnh hưởng của phát triển kỹ thuật và tác động của chúng đến thuyền viên; và

(f) các vấn đề phát sinh do lỗi của con người.

Hướng dẫn B4.3.7 - Chương trình bảo vệ và phòng ngừa quốc gia

1. Để cung cấp một cơ sở vững chắc cho các biện pháp nâng cao bảo vệ an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp và phòng ngừa tai nạn, thương tích và bệnh tật gây ra bởi các nguy hiểm cụ thể của công việc hàng hải, phải nghiên cứu các xu hướng chung về các nguy hiểm đó khi được xác định từ các số liệu thống kê.

2. Việc triển khai các chương trình bảo vệ và phòng ngừa nâng cao an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp phải được tổ chức sao cho cơ quan có thẩm quyền, các chủ tàu và thuyền viên hoặc đại diện của họ và các cơ quan phù hợp khác có vai trò thiết thực, gồm các buổi họp phổ biến thông tin, cảnh báo các mức độ tối đa về với các nguy cơ độc hại tiềm ẩn của các nhân tố môi trường làm việc và các độc hại khác hoặc kết quả của một quá trình đánh giá nguy hiểm có hệ thống. Cụ thể, các Ủy ban an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp quốc gia hoặc liên chính phủ hoặc các bộ phận làm việc tạm thời và các Ủy ban trên tàu, mà các tổ chức liên quan của các chủ tàu và thuyền viên đại diện ở đó, phải được thành lập.

3. Nếu có hoạt động ở cấp công ty, phải xem xét sự có mặt đại diện của thuyền viên tại mọi Ủy ban an toàn trên tàu.

Hướng dẫn B4.3.8 - Nội dung các chương trình bảo vệ và phòng ngừa

1. Phải xem xét các chức năng sau của các Ủy ban và các cơ quan khác nêu tại Hướng dẫn B4.3.7, mục 2:

(a) chuẩn bị các hướng dẫn và chính sách quốc gia về các hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khoẻ và về các quy định, quy phạm và tài liệu liên quan đến phòng ngừa tai nạn;

(b) tổ chức đào tạo và các chương trình an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn;

(c) tổ chức tuyên truyền về an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn lao động, gồm phim ảnh, áp phích, thông báo và tờ rơi; và

(d) phân phối tài liệu và thông tin về về an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn cho thuyền viên trên tàu.

2. Các điều khoản và khuyến nghị liên quan được thông qua bởi các cơ quan có thẩm quyền hoặc các tổ chức hoặc các tổ chức quốc tế phù hợp phải đưa vào nội dung các biện pháp an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp hoặc các khuyến nghị thực hành.

3. Khi xây dựng các chương trình an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn, mỗi Quốc gia thành viên phải xem xét mọi bộ luật thực hành liên quan đến an toàn và sức khoẻ của thuyền viên mà Tổ chức Lao động quốc tế ban hành.

Hướng dẫn B4.3.9 - Hướng dẫn về an toàn và bảo vệ sức khoẻ nghề nghiệp và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp

1. Giáo trình đào tạo nêu tại Tiêu chuẩn A4.3, mục 1(a), phải được xem xét định kỳ và cập nhật theo sự phát triển về loại và kích thước tàu và trang bị của chúng, cũng như các thay đổi về định biên, quốc tịch, ngôn ngữ và tổ chức làm việc trên tàu.

2. Duy trì tuyên truyền về an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp, theo các hình thức sau:

(a) tài liệu giáo dục nghe nhìn, như phim ảnh, sử dụng tại các trung tâm đào tạo hướng nghiệp thuyền viên và nếu có thể sử dụng trên tàu;

(b) dán các áp phích trên tàu;

(c) các tạp chí thường xuyên của thuyền viên về các điều khoản liên quan đến các mối nguy hiểm của lao động hàng hải và các biện pháp an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp; và

(d) các chiến dịch đặc biệt sử dụng các phương tiện thông tin công cộng thông báo cho thuyền viên, kể cả các chiến dịch thực hành làm việc an toàn.

3. Tuyên truyền nêu tại mục 2 của Hướng dẫn này phải lưu ý đến sự khác nhau về quốc tịch, ngôn ngữ và văn hoá của thuyền viên trên tàu.

Hướng dẫn B4.3.10 - Giáo dục an toàn và sức khoẻ cho thuyền viên trẻ

1. Các quy định về an toàn và sức khoẻ phải có các quy định chung về kiểm tra y tế trước và trong khi làm việc và phòng ngừa tai nạn và bảo vệ sức khoẻ trong khi làm việc, có thể áp dụng cho công việc của thuyền viên. Các quy định đó phải đề ra các biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các nguy hiểm nghề nghiệp đối với thuyền viên trẻ trong khi làm việc.

2. Trừ khi một thủy trẻ được cơ quan có thẩm quyền công nhận có đủ chuyên môn và kỹ năng phù hợp, các quy định phải chỉ ra giới hạn cụ thể cho của thuyền viên, khi không được hướng dẫn và giám sát phù hợp, một số loại công việc nào đó có các nguy cơ tai nạn đặc biệt hoặc tác hại đến sức khoẻ và phát triển thể chất của thuyền viên, hoặc yêu cầu một mức độ cẩn thận, kinh nghiệm hoặc kỹ năng cụ thể. Xác định loại công việc hạn chế theo các quy định, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét công việc liên quan cụ thể:

(a) việc di chuyển hoặc mang vác vật dụng hoặc các đồ vật nặng;

(b) đi vào các nồi hơi, két và khoang cách ly;

(c) tiếp xúc với tiếng ồn và rung động có hại;

(d) vận hành cần trục và các dụng cụ và máy móc cơ giới khác, hoặc làm nhiệm vụ của người ra hiệu vận hành thiết bị đó;

(e) điều khiển dây kéo, chằng buộc hoặc thiết bị neo;

(f) sử dụng tời;

(g) làm việc trên cao hoặc trên boong khi thời tiết xấu;

(h) trực ca đêm;

(i) bảo dưỡng thiết bị điện;

(j) tiếp xúc với các vật liệu tiềm ẩn nguy hiểm, hoặc các tác nhân vật chất có hại như các chất độc hại hoặc nguy hiểm và phóng xạ ion hoá;

(k) vệ sinh thiết bị chế biến thực phẩm; và

(l) vận hành hoặc trông nom các xuồng trên tàu.

3. Các biện pháp thực hành phải được thực hiện theo cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua bộ phận phù hợp làm cho thuyền viên trẻ chú ý đến thông tin liên quan đến phòng ngừa tai nạn và bảo vệ sức khoẻ của họ trên tàu. Các biện pháp đó có thể bao gồm các khoá hướng dẫn, tuyên truyền phòng ngừa tai nạn cho thuyền viên trẻ và hướng dẫn chuyên ngành và giám sát thuyền viên trẻ.

4. Giáo dục và đào tạo thuyền viên trẻ cả ở bờ và trên tàu bao gồm hướng dẫn về các tác hại về thể chất và tinh thần do lạm dụng rượu, ma tuý và các chất độc có hại tiềm ẩn khác, và các nguy hiểm liên quan đến HIV/AIDS và các hoạt động liên quan đến nguy cơ sức khoẻ khác.

Hướng dẫn A4.3.11 - Hợp tác quốc tế

1. Các Quốc gia thành viên, với sự trợ giúp của các tổ chức liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế khác, phải cố gắng, hợp tác với nhau, để đạt được hành động thống nhất cao nhất nhằm nâng cao an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp.

2. Trong việc xây dựng các chương trình nâng cao an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp theo Quy định A4.3, mỗi Quốc gia thành viên phải quan tâm đến các bộ luật thực hành được Tổ chức Lao động quốc tế ban hành và phù hợp với các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.

3. Các Quốc gia thành viên phải xem xét nhu cầu hợp tác quốc tế liên tục thúc đẩy hoạt động liên quan đến an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp. Hợp tác dưới các hình thức:

(a) các thỏa thuận song phương và đa phương nhằm thống nhất các phương pháp bảo vệ và các tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp;

(b) trao đổi thông tin về các nguy hiểm đặc biệt ảnh hưởng đến thuyền viên và các phương pháp nâng cao an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp;

(c) hỗ trợ thử thiết bị và kiểm tra phù hợp với các quy định quốc gia của Quốc gia có tàu mang cờ;

(d) cộng tác biên soạn và phổ biến các sổ tay, quy định, điều khoản về an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp;

(e) cộng tác sản xuất và sử dụng các thiết bị đào tạo; và

(f) chia sẻ hoặc giúp đỡ lẫn nhau, đào tạo thuyền viên về an toàn, bảo vệ sức khoẻ và phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp và thực hành làm việc an toàn.

Quy định 4.4 - Quyền hưởng các tiện nghi phúc lợi trên bờ

Mục đích: Đảm bảo thuyền viên làm việc trên tàu có quyền hưởng các dịch vụ và các tiện nghi trên bờ bảo vệ sức khoẻ của mình

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm các tiện nghi phúc lợi trên bờ, nếu có, phải dễ  dàng tiếp cận được. Quốc gia thành viên cũng phải thúc đẩy phát triển các tiện nghi phúc lợi, như nêu tại Bộ luật, tại các cảng dành cho thuyền viên trên tàu đang ở trong cảng của thành viên có thể sử dụng được các dịch vụ và các tiện nghi phúc lợi thích đáng.

2. Trách nhiệm của mỗi Quốc gia thành viên đối với các tiện nghi trên bờ, như các tiện nghi và dịch vụ phúc lợi, văn hoá, giải trí, nêu tại Bộ luật.

Tiêu chuẩn A4.4 - Quyền hưởng các tiện nghi phúc lợi trên bờ

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu, nếu có các tiện nghi phúc lợi trong lãnh thổ của họ, phải sẵn sàng cho thuyền viên sử dụng bất kể quốc tịch, chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc nguồn gốc xã hội và Quốc gia có tàu mang cờ mà họ lao động, tuyển dụng hoặc làm việc.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải đẩy mạnh phát triển các tiện nghi phúc lợi trên bờ tại các cảng phù hợp của quốc gia và xác định, sau khi tham vấn các tổ chức liên quan của các chủ tàu và thuyền viên, những cảng nào được xem là phù hợp.

3. Mọi Quốc gia thành viên phải khuyến khích lập ra các bảng tin phúc lợi, thường xuyên xem xét các dịch vụ và các tiện nghi phúc lợi đảm bảo chúng phù hợp với các nhu cầu của thuyền viên bắt kịp các thay đổi về kỹ thuật, khai thác, và các phát triển khác của công nghiệp hàng hải.

Hướng dẫn B4.4 - Quyền hưởng các tiện nghi phúc lợi trên bờ

Hướng dẫn B4.4.1 - Trách nhiệm của Quốc gia thành viên

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải:

(a) có các biện pháp đảm bảo các dịch vụ và tiện nghi phúc lợi thích đáng được cung cấp cho thuyền viên tại các cảng tàu ghé bảo vệ thích đáng thuyền viên khi thực hiện chuyên môn của họ; và

(b) khi thực hiện các biện pháp này, phải xem xét các nhu cầu cụ thể của thuyền viên, đặc biệt khi ở nước ngoài và khi vào vùng chiến tranh, đối với sức khoẻ, an toàn và các hoạt động khi rảnh rỗi của họ.

2. Việc bố trí giám sát các và tiện nghi và dịch vụ phúc lợi phải bao gồm sự tham gia của các tổ chức đại diện liên quan của chủ tàu và thuyền viên.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải có các biện pháp dành cho tự do luân chuyển giữa các tàu, các đại lý trung tâm cung cấp và thiết lập các tài liệu phúc lợi như phim ảnh, sách, báo và thiết bị thể thao cho thuyền viên sử dụng trên tàu của họ và các trung tâm phúc lợi trên bờ.

4. Các Quốc gia thành viên phải hợp tác với một Quốc gia thành viên khác nâng cao phúc lợi xã hội cho thuyền viên trên biển và trong cảng, gồm có:

(a) thảo luận giữa các cơ quan có thẩm quyền về cung cấp và và cải thiện các tiện nghi và dịch vụ phúc lợi cho thuyền viên, cả ở trên tàu và trong cảng;

(b) các thỏa thuận về nguồn đóng góp và cung cấp chung các tiện nghi phúc lợi trong các cảng chính tránh trùng lặp không cần thiết;

(c) tổ chức các giải thi đấu quốc tế và khuyến khích thuyền viên tham gia các hoạt động thể thao; và

(d) tổ chức các hội thảo quốc tế với chủ đề phúc lợi cho thuyền viên trên biển và trong cảng.

Hướng dẫn B4.4.2 - Dịch vụ và tiện nghi phúc lợi trong cảng

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải trang bị hoặc đảm bảo cung cấp các tiện nghi và dịch vụ phúc lợi như được yêu cầu, tại các cảng thích hợp của đất nước.

2. Phải trang bị các tiện nghi và dịch vụ phúc lợi, phù hợp với các điều kiện và thực tiễn quốc gia, bởi một hoặc nhiều hơn các thành phần sau:

(a) các cơ quan có thẩm quyền nhà nước;

(b) các tổ chức liên quan của chủ tàu và thuyền viên theo các thoả ước tập thể hoặc các thỏa thuận đã đồng ý khác; và

(c) các tổ chức tự nguyện.

3. Phải xây dựng hoặc thiết lập trong cảng các tiện nghi phúc lợi và giải trí sau:

(a) các phòng họp và giải trí như yêu cầu;

(b) các dụng cụ thể thao và các tiện nghi ngoài trời, kể cả phục vụ thi đấu;

(c) các tiện nghi giáo dục; và

(d) nếu phù hợp, các tiện nghi phục vụ nghi lễ tôn giáo và tư vấn cá nhân.

4. Các tiện nghi đó có thể được trang tạo điều kiện cho thuyền viên sử dụng phù hợp với các nhu cầu của họ và sử dụng với mục đích chung.

5. Nếu có số lượng lớn thuyền viên mang nhiều quốc tịch khác nhau yêu cầu các tiện nghi như khách sạn, câu lạc bộ và các tiện nghi thể thao tại một cảng cụ thể, cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan có chức năng của quốc gia quản lý thuyền viên và Quốc gia tàu mang cờ, cũng như các hiệp hội quốc tế liên quan, phải thảo luận và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan có chức năng của quốc gia có cảng và nên thứ ba, nhằm đóng góp chung các nguồn lực tránh trùng hợp không cần thiết.

6. Các khách sạn và nhà nghỉ phù hợp cho thuyền viên phải sẵn sàng khi họ có nhu cầu. Chúng phải được trang bị các tiện nghi tương đương một khách sạn loại tốt, và được xây dựng tại vị trí cách khu vực tàu sửa chữa phù hợp. Các khách sạn và nhà nghỉ đó phải được giám sát phù hợp, có giá cả phải chăng và, nếu cần thiết và có thể, cung cấp chỗ ở cho người nhà thuyền viên.

7. Các tiện nghi ở đó phải sẵn sàng cho tất cả thuyền viên, mọi quốc tịch, chủng tộc, màu gia, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc xuất thân xã hội và mọi Quốc gia mà tàu mang cờ có thuyền viên lao động, tuyển dụng hoặc làm việc. Không vi phạm nguyên tắc này, có thể cho phép các cảng cụ thể trang bị một số loại các tiện nghi, tương đương tiêu chuẩn nhưng được sửa lại cho phù hợp với phong tục và nhu cầu của các nhóm thuyền viên khác nhau.

8. Phải có các biện pháp bảo đảm, nếu cần thiết, nhân viên kỹ thuật làm việc toàn bộ thời gian tại các tiện nghi và dịch vụ phúc lợi của thuyền viên, ngoài những người tự nguyện.

Hướng dẫn B4.4.3 - Ban phúc lợi

1. Phải lập ra các ban phúc lợi, tại cảng, khu vực và quốc gia, nếu phù hợp. Chức năng của các ban phúc lợi gồm có:

(a) duy trì ở dạng xem xét sự phù hợp của các tiện nghi phúc lợi hiện có và kiểm soát nhu cầu cung cấp các tiện nghi bổ sung hoặc loại bỏ các tiện nghi sử dụng không đúng chức năng; và

(b) hỗ trợ và tư vấn cho những cơ quan có trách nhiệm cung cấp các tiện nghi phúc lợi và đảm bảo sự kết hợp giữa những cơ quan này.

2. Ban phúc lợi bao gồm thành viên đại diện của các tổ chức của chủ tàu hoặc thuyền viên, các cơ quan có thẩm quyền và, nếu có, các tổ chức và các cơ quan xã hội tự nguyện.

3. Nếu phù hợp, các lãnh sự của các Quốc gia hàng hải và các đại diện tại địa phương của tổ chức phúc lợi nước ngoài phải, phù hợp với các văn bản pháp luật và quy định quốc gia, phải kết hợp với công việc của các ban phúc lợi cảng, khu vực, quốc gia.

Hướng dẫn B4.4.4 - Tài trợ cho tiện nghi phúc lợi

1. Theo các điều kiện và thực tiễn quốc gia, ủng hộ tài chính cho các tiện nghi phúc lợi trong cảng được cung cấp bởi một hoặc nhiều hơn các phần sau:

(a) trợ cấp từ ngân sách nhà nước;

(b) các khoản thuế hoặc phí từ các nguồn thu từ chủ tàu;

(c) các đóng góp tự nguyện của chủ tàu, thủy thủ, hoặc các tổ chức của họ; và

(d) các đóng góp tự nguyện từ các nguồn khác.

2. Nếu đánh các loại thuế và phí phúc lợi đặc biệt, chỉ được sử dụng với các mục đích đã được đề ra.

Hướng dẫn B4.4.5 - Phổ biến thông tin về dịch vụ phúc lợi

1. Phải phổ biến thông tin cho các thuyền viên về các dịch vụ sử dụng công cộng tại các cảng tàu ghé vào, cụ thể như giao thông vận tải, phúc lợi, các phương tiện giải trí và giáo dục và nơi cử hành nghi lễ, cũng như các thiết bị dành riêng cho thuyền viên.

2. Phải có các phương tiện vận chuyển thích hợp với giá cả phải chăng có thể sử dụng bất kỳ thời gian nào giúp thuyền viên đến được khu vực trung tâm từ các địa điểm trong cảng.

3. Các cơ quan có thẩm quyền phải có các biện pháp thích hợp thông báo cho các chủ tàu và thuyền viên vào cảng tập quán và pháp luật cụ thể, có thể ảnh hưởng đến tự do của họ.

4. Các cơ quan có thẩm quyền phải bố trí chiếu sáng, biển báo và tuần tra phù hợp bảo vệ thuyền viên trong khu vực và đường đi thuộc cảng.

Hướng dẫn B4.4.6 - Thuyền viên ở cảng nước ngoài

1. Để bảo vệ thuyền viên ở cảng nước ngoài, phải có các biện pháp để:

(a) tiếp xúc với các lãnh sự Quốc gia mà thuyền viên mang quốc tịch hoặc cư trú; và

(b) hợp tác hiệu quả giữa các lãnh sự và các cơ quan chức năng quốc gia hoặc địa phương.

2. Thuyền viên bị lưu giữ ở cảng nước ngoài phải được giải quyết nhanh chóng theo các thủ tục pháp luật và bảo vệ thích đáng của lãnh sự.

3. Mỗi thuyền viên bị lưu giữ vì bất kỳ lý do gì và tại bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ một Quốc gia thành viên, cơ quan có thẩm quyền phải, nếu được thuyền viên yêu cầu, phải nhanh chóng thông báo cho Quốc gia có tàu mang cờ và Quốc gia thuyền viên mang quốc tịch. Cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng thông báo cho thuyền viên biết quyền lợi để thực hiện một yêu cầu đó. Quốc gia có thuyền viên mang quốc tịch phải nhanh chóng thông báo cho thân nhân thuyền viên. Cơ quan có thẩm quyền phải cho phép các nhân viên lãnh sự của các quốc gia đó tiếp xúc với thuyền viên và thường xuyên thăm hỏi thời gian thuyền viên bị lưu giữ.

4. Mỗi Quốc gia thành viên phải có các biện pháp, nếu cần thiết, đảm bảo an toàn cho thuyền viên tránh các hành động thù địch và trái pháp luật trong khi tàu ở trong vùng lãnh hải của mình và đặc biệt trong khi trên luồng vào cảng.

5. Những người có trách nhiệm tại cảng và trên tàu phải nỗ lực tạo điều kiện cấp phép đi bờ cho thuyền viên ngay sau khi tàu cập cảng.

Quy định 4.5 - An sinh xã hội

Mục đích: Đảm bảo các biện pháp mang lại cho thuyền viên an sinh xã hội

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm mọi thuyền viên, trong phạm vi pháp luật quốc gia quy định, và những người đi theo họ được bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với Bộ luật mà không tổn hại tới bất kỳ điều kiện thuận lợi hơn nào được đề cập đến trong mục 8 điều 9 của Hiến chương.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải thực hiện các bước, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia của mình, một cách độc lập và thông qua hợp tác quốc tế, nhằm đạt được bảo đảm an sinh xã hội cho thuyền viên.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các thuyền viên thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về an sinh xã hội, và những người đi theo, trong phạm vi pháp luật quốc gia quy định, được quyền hưởng lợi ích từ bảo đảm an sinh xã hội không thấp hơn những người lao động trên bờ.

Tiêu chuẩn A4.5 - An sinh xã hội

1. Các yếu tố phải được xem xét theo quan điểm mang lại bảo đảm an sinh xã hội toàn diện theo Quy định 4.5 là: chăm sóc y tế, trợ cấp bệnh tật, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp người già, trợ cấp thương tật nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp sinh đẻ, trợ cấp tàn tật và trợ cấp cho người sống sót, tạo nên sự bảo đảm như nêu tại Quy định 4.1, về chăm sóc y tế, và 4.2, về trách nhiệm của chủ tàu, và trong phạm vi các Đề mục khác của Công ước.

2. Tại thời điểm thông qua công ước, sự bảo đảm được mỗi Quốc gia thành viên đưa ra theo mục 1 Quy định 4.5, phải bao gồm ít nhất ba trong chín yếu tố nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải thực hiện các bước phù hợp với các hoàn cảnh quốc gia của mình để cung cấp sự bảo đảm phúc lợi xã hội nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này cho mọi thuyền viên thường xuyên cư trú trong lãnh thổ của mình. Trách nhiệm này có thể được đáp ứng, ví dụ, thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương hoặc các hệ thống đóng góp. Sự bảo đảm phải không thấp hơn những người lao động trên bờ được hưởng.

4. Không kể đến quyền hạn trách nhiệm nêu tại mục 3 của Tiêu chuẩn này, các Quốc gia thành viên có thể xác định, bằng các thỏa thuận song phương hoặc đa phương và bằng các điều khoản thông qua tại khuôn khổ các tổ chức hợp tác kinh tế trong khu vực, các quy định khác liên quan đến luật pháp an sinh xã hội mà thuyền viên thuộc phạm vi điều chỉnh.

5. Trách nhiệm của mỗi Quốc gia thành viên đối với thuyền viên trên tàu mang cờ quốc gia của mình gồm những trách nhiệm nêu tại Quy định 4.1 và 4.2 và các điều khoản liên quan của Bộ luật, cũng như các quy định vốn có trong phạm vi các nghĩa vụ chung của pháp luật quốc tế.

6. Mỗi Quốc gia thành viên phải xem xét theo các phương thức khác nhau mà theo đó lợi ích tương đương, phù hợp với pháp luật quốc gia và thực tiễn, phải được cung cấp cho thuyền viên chưa được hưởng đầy đủ các yếu tố an sinh xã hội nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này.

7. Sự bảo đảm theo mục 1 Quy định 4.5, nếu phù hợp, có thể được đưa vào trong các luật hoặc các quy định, trong các tổ chức cá nhân hoặc các thỏa thuận thương lượng tập thể hoặc tổng hợp hai hình thức này.

8. Trong phạm vi phù hợp với luật và thực tiễn quốc gia của họ, các Quốc gia thành viên phải hợp tác, thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương hoặc các thỏa thuận khác, để đảm bảo duy trì quyền an sinh xã hội, được cung cấp thông qua các hệ thống đóng góp hoặc phi đóng góp mà các hệ thống đó có được do tất cả mọi thuyền viên bất kể nơi cư trú đóng góp.

9. Mỗi Quốc gia thành viên phải xây dựng các quy trình công bằng và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp.

10. Mỗi Quốc gia thành viên tại thời điểm thông qua quy định những yếu tố cần được bảo đảm nêu tại mục 2 của Tiêu chuẩn này. Quốc gia sau đó phải thông báo cho Tổng Giám đốc Cơ quan lao động quốc tế khi cung cấp một hay nhiều yếu tố bảo đảm an sinh xã hội khác với các yếu tố nêu tại mục 1 của Tiêu chuẩn này. Tổng Giám đốc Phải duy trì đăng ký này và phổ biến cho mọi thành viên quan tâm.

11. Các báo cáo tới Cơ quan lao động quốc tế theo điều 22 của Hiến chương, cũng phải gồm cả thông tin liên quan đến các bước thực hiện phù hợp với Quy định 4.5, mục 2, nhằm mở rộng các yếu tố bảo đảm an sinh xã hội.

Hướng dẫn B4.5 - An sinh xã hội

1. Sự bảo đảm an sinh xã hội phải được quy định tại thời điểm thông qua phù hợp với mục 2 Tiêu chuẩn A4.5, ít nhất phải gồm có các thành yếu tố chăm sóc y tế, trợ cấp bệnh tật và trợ cấp thương tích nghề nghiệp.

2. Trong các tình huống nêu tại mục 6 Tiêu chuẩn A4.5, các lợi ích tương đương có thể được cung cấp thông qua bảo hiểm, các thỏa thuận song phương và đa phương hoặc các phương thức hiệu quả khác, tính đến các điều khoản của thỏa thuận tập thể liên quan. Nếu các biện pháp đó được chấp nhận, thuyền viên được hưởng lợi ích phải được tư vấn về các phương thức mà các yếu tố bảo đảm an sinh xã hội khác nhau sẽ được cung cấp cho họ.

3. Nếu thuyền viên là đối tượng điều chỉnh của nhiều luật pháp quốc gia về an sinh xã hội, các Quốc gia thành viên liên quan phải phối hợp để quyết định áp dụng luật nào bằng thỏa thuận cùng có lợi, tính đến các yếu tố như loại hình và mức độ bảo đảm theo luật tương ứng có lợi hơn cho thuyền viên liên quan cũng như sở thích của thuyền viên.

4. Các quy trình được thiết lập theo mục 9 Tiêu chuẩn A4.5, phải được lập để bao hàm cho mọi tranh chấp liên quan đến khiếu nại của thuyền viên, bất kể cách thức cung cấp bảo đảm an sinh xã hội.

5. Mỗi Quốc gia thành viên có thuyền viên mang quốc tịch của mình, thuyền viên không mang quốc tịch của mình hoặc cả hai làm việc trên tàu mang cờ quốc gia của mình phải cung cấp bảo đảm an sinh xã hội theo Công ước hiện hành, và phải xem xét định kỳ các yếu tố đảm bảo an sinh xã hội tại mục 1 Tiêu chuẩn 4.5, với quan điểm xác định mọi yếu tố bổ sung phù hợp cho thuyền viên.

6. Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên phải chỉ rõ cách thức mà các yếu tố khác nhau của bảo đảm an sinh xã hội sẽ phải được chủ tàu cung cấp cho thuyền viên cũng như bất kỳ thông tin liên quan nào khác khi chủ tàu chối bỏ, như các khấu trừ từ tiền lương của thuyền viên và các khoản đóng góp của chủ tàu có thể được thực hiện phù hợp với các yêu cầu của cơ quan chức năng theo các hệ thống an sinh xã hội của quốc gia liên quan.

7. Các Quốc gia thành viên có tàu mang cờ phải, thực hiện hiệu quả trách nhiệm pháp lý đối với các vấn đề xã hội, bảo đảm các trách nhiệm của chủ tàu liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội thỏa mãn, bao gồm thực hiện các đóng góp được yêu cầu cho các hệ thống an sinh xã hội.

ĐỀ MỤC 5 - THỰC HIỆN VÀ TUÂN THỦ

1. Các quy định của đề mục này quy định trách nhiệm của mỗi Quốc gia thành viên trong việc thực hiện và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và quyền nêu trong các Điều của Công ước cũng như các nghĩa vụ cụ thể nêu tại Đề mục 1,2,3 và 4.

2. Các mục 3 và 4 của Điều VI, cho phép triển khai Phần A của Bộ luật bằng các điều khoản tương đương, không áp dụng Phần A của Bộ luật trong Đề mục này.

3. Theo mục 2 Điều VI, mỗi Quốc gia thành viên phải thực thi trách nhiệm của mình theo các Quy định như nêu tại các Tiêu chuẩn tương ứng của Phần A của Bộ luật, lưu ý tham khảo các Hướng dẫn tương ứng tại Phần B của Bộ luật.

4. Các điều khoản của Đề mục này phải được thi hành với quan điểm các chủ tàu và thuyền viên, giống như tất cả người những khác, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ công bằng không chịu phân biệt đối xử tại toà án hoặc các cơ quan giải quyết tranh chấp khác. Các điều khoản của đề mục này không quy định cơ quan pháp lý cũng như nơi pháp luật giải quyết tranh chấp.

Quy định 5.1 - Trách nhiệm của quốc gia có tàu mang cờ

Mục đích: Đảm bảo mọi Thành viên thực hiện các trách nhiệm của mình theo Công ước này đối với các tàu mang cờ quốc gia của họ.

Quy định 5.1.1 - Các nguyên tắc chung

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải có trách nhiệm đảm bảo thực thi các nghĩa vụ theo công ước này đối với các tàu mang cờ quốc gia của mình.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải xây dựng một hệ thống hiệu quả để kiểm tra và chứng nhận về các điều kiện lao động hàng hải, phù hợp với Quy định 5.1.3 và 5.1.4 đảm bảo các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên trên tàu mang cờ quốc gia của mình thỏa mãn, và luôn thỏa mãn, các tiêu chuẩn của Công ước này.

3. Khi xây dựng một hệ thống hiệu quả kiểm tra và chứng nhận các điều kiện lao động hàng hải, một Quốc gia thành viên có thể, nếu phù hợp, ủy quyền cho các tổ chức công hoặc các tổ chức khác (gồm cả các tổ chức của Quốc gia thành viên khác, nếu họ đồng ý) mà tổ chức đó được công nhận đủ năng lực và độc lập để kiểm tra hoặc cấp giấy chứng nhận hoặc làm cả hai. Trong mọi trường hợp, Quốc gia thành viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc kiểm tra và chứng nhận về các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên trên tàu mang cờ của mình.

4. Một giấy chứng nhận lao động hàng hải, kèm theo một bản tuyên bố phù hợp về lao động hàng hải, sẽ là bằng chứng chứng tỏ tàu đã được Quốc gia thành viên mà tàu mang cờ kiểm tra phù hợp và rằng các yêu cầu của Công ước này liên quan đến các điều kiện làm việc và sống cho thuyền viên đã thỏa mãn theo phạm vi được chứng nhận.

5. Thông tin về hệ thống nêu tại mục 2 của quy định này, kể cả phương pháp dùng để đáng giá tính hiệu quả của hệ thống, phải đưa vào các báo cáo của Quốc gia thành viên gửi đến Cơ quan lao động quốc tế theo điều 22 của Hiến chương.

Tiêu chuẩn A5.1.1 - Các nguyên tắc chung

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải xây dựng các mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng bao gồm quản lý nhà nước đối với các hệ thống kiểm tra và chứng nhận, cũng như toàn bộ các quy trình đầy đủ cho việc đánh giá mức độ đạt được các tiêu chuẩn và mục tiêu đó.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu tất cả các tàu mang cờ quốc gia của mình luôn có một bản sao của Công ước này trên tàu.

Hướng dẫn B5.1.1 - Các nguyên tắc chung

1. Cơ quan có thẩm quyền phải bố trí phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, nêu tại Quy định 5.1.1 và 5.1.2, liên quan đến các điều kiện làm việc và sống trên tàu của thuyền viên.

2. Nhằm đảm bảo hợp tác tốt hơn giữa thanh tra viên và chủ tàu, các thuyền viên và các tổ chức tương ứng của họ, và để duy trì hoặc cải thiện các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên, cơ quan có thẩm quyền phải tham khảo định kỳ với các đại diện của các tổ chức đó nhằm đạt được các điều kiện tốt nhất về các mục tiêu đó. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cách thức tham khảo sau khi tham vấn với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên.

Quy định 5.1.2 - Ủy quyền cho các tổ chức được công nhận

1. Các tổ chức công hoặc các tổ chức khác nêu tại mục 3 quy định 5.1.1 (“các tổ chức được công nhận”) phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận là đáp ứng các yêu cầu của Bộ luật liên quan đến năng lực và sự độc lập. Các chức năng kiểm tra hoặc chứng nhận mà các tổ chức được công nhận có thể được ủy quyền phải thuộc phạm vi các hoạt động mà được diễn giải trong Bộ luật là phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc một tổ chức được công nhận thực hiện.

2. Các báo cáo nêu tại mục 5 Quy định 5.1.1 phải có các thông tin về mọi tổ chức được công nhận, phạm vi ủy quyền và các biện pháp của Quốc gia thành viên để đảm bảo rằng các hoạt động ủy quyền được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.

Tiêu chuẩn A5.1.2 - Uỷ quyền cho các tổ chức được công nhận

1. Nhằm mục đích công nhận phù hợp với mục 1 Quy định 5.1.2, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét năng lực và sự độc lập của tổ chức liên quan và xác định các tổ chức đã, đến mức độ cần thiết để thực hiện các hoạt động trong phạm vi ủy quyền, chứng minh được rằng:

(a) có chuyên môn cần thiết về các lĩnh vực liên quan của Công ước này và có kiến thức phù hợp về các hoạt động của tàu biển, kể cả các yêu cầu tối thiểu đối với thuyền viên làm việc trên tàu, các điều kiện lao động, sinh hoạt, phương tiện giải trí, cung cấp và chế biến thực phẩm, phòng ngừa tai nạn, bảo vệ sức khoẻ, chăm sóc y tế, phúc lợi và bảo đảm an sinh xã hội;

(b) có khả năng duy trì và cập nhật chuyên môn cho các nhân viên;

(c) có kiến thức cần thiết về các yêu cầu của Công ước này cũng như các văn bản pháp luật và các quy định quốc gia và các văn kiện quốc tế liên quan hiện hành; và

(d) có quy mô, bộ máy, kinh nghiệm và khả năng phù hợp với loại và mức độ  ủy quyền.

2. Mọi sự ủy quyền đối với việc kiểm tra phải, tối thiểu, trao quyền cho tổ chức được công nhận quyền yêu cầu khắc phục các khiếm khuyết phát hiện về các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên và kiểm tra các khiếm khuyết liên quan đó theo yêu cầu của Chính quyền cảng.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải xây dựng:

(a) một hệ thống đảm bảo tính đầy đủ về công việc của các tổ chức được công nhận, gồm thông tin về mọi văn bản pháp luật và quy định quốc gia đang áp dụng và các văn kiện quốc tế liên quan; và

(b) các quy trình trao đổi thông tin và giám sát các tổ chức đó.

4. Mỗi Quốc gia thành viên phải cung cấp cho Cơ quan lao động quốc tế một danh sách hiện có các tổ chức được công nhận được ủy quyền hoạt động thay mặt họ và liên tục cập nhật danh sách này. Danh sách quy định các chức năng mà tổ chức được công nhận được ủy quyền. Cơ quan lao động quốc tế phổ biến công khai danh sách này.

Hướng dẫn B5.1.2 - ủy quyền cho các tổ chức được công nhận

1. Tổ chức đề nghị được công nhận phải chứng tỏ khả năng kỹ thuật, hành chính và quản lý để đảm bảo các yêu cầu về dịch vụ đúng thời gian có chất lượng thỏa mãn.

2. Khi đánh giá khả năng của một tổ chức, cơ quan có thẩm quyền phải xác định xem tổ chức có:

(a) đầy đủ nhân viên kỹ thuật, quản lý và hỗ trợ;

(b) đầy đủ nhân viên chuyên môn phục vụ được phân bố phù hợp theo địa lý;

(c) chứng tỏ khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu về thời gian và chất lượng;

(d) độc lập và tin cậy trong hoạt động.

3. Cơ quan có thẩm quyền phải ký kết một văn bản thỏa thuận với tổ chức được công nhận cho mục đích ủy quyền. Thỏa thuận gồm các phần sau:

(a) phạm vi áp dụng;

(b) mục đích;

(c) các điều khoản chung;

(d) thực hiện các chức năng trong phạm vi ủy quyền;

(e) cơ sở pháp luật của các chức năng trong phạm vi ủy quyền;

(f) báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền;

(g) quy định ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền đối với tổ chức được công nhận; và

(h) giám sát các hoạt động giao phó của cơ quan có thẩm quyền đối với tổ chức được công nhận.

4. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu các tổ chức được công nhận xây dựng một hệ thống về trình độ chuyên môn đối với các nhân viên được giao nhiệm vụ là thanh tra viên để đảm bảo họ được cập nhật kịp thời chuyên môn và kiến thức.

5. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu các tổ chức được công nhận lưu giữ các biên bản công việc mà họ thực hiện để chứng tỏ đạt được các tiêu chuẩn yêu cầu đối với các lĩnh vực được ủy quyền.

6. Xây dựng các quy trình giám sát nêu tại Tiêu chuẩn A5.1.2, mục 3(b), mỗi Thành viên phải xem xét Hướng dẫn ủy quyền cho các tổ chức hoạt động thay mặt chính quyền hàng hải, thông qua trong khuôn khổ của Tổ chức hàng hải quốc tế.

Quy định 5.1.3 - Giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải

1. Quy định này áp dụng đối với các tàu có:

(a) tổng dung tích từ 500 trở lên, chạy tuyến quốc tế; và

(b) tổng dung tích từ 500 trở lên, mang cờ của một Quốc gia thành viên và đang hoạt động trong một cảng, hoặc giữa các cảng, thuộc lãnh thổ quốc gia khác.

Trong quy định này, “chạy tuyến quốc tế” là một chuyến đi từ một nước tới một cảng ngoài nước đó.

2. Quy định này cũng áp dụng với mọi tàu mang cờ một Quốc gia thành viên và không thuộc phạm vi của mục 1 của Quy định này, theo yêu cầu của chủ tàu với Quốc gia thành viên đó.

3. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ của mình luôn có trên tàu một Giấy chứng nhận lao động hàng hải chứng nhận rằng các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên, các biện pháp đang áp dụng phải được nêu trong bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải nêu tại mục 4 của quy định này, đã được kiểm tra và thỏa mãn các yêu cầu của các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các biện pháp khác để thi hành Công ước này.

4. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ của mình luôn có trên tàu một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải nêu rõ các yêu cầu quốc gia trong việc thi hành Công ước này đối với các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên và đưa ra các biện pháp đã được chủ tàu chấp nhận để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu trên tàu hoặc các tàu liên quan.

5. Giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải phải theo mẫu quy định của Công ước.

6. Nếu cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên hoặc một tổ chức được công nhận ủy quyền kiểm tra xác định rằng tàu mang cờ của Thành viên thỏa mãn hoặc liên tục thỏa mãn các tiêu chuẩn của Công ước này, họ phải cấp hoặc cấp mới một giấy chứng nhận lao động hàng hải có hiệu lực và duy trì sự công bố công khai giấy chứng nhận đó.

7. Các yêu cầu chi tiết đối với giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, gồm một danh sách các hạng mục kiểm tra và chấp nhận, nêu tại Phần A của Bộ luật.

Tiêu chuẩn A5.1.3 - Giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải

1. Giấy chứng nhận lao động hàng hải được cấp cho tàu bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc  một tổ chức được công nhận được ủy quyền, có thời hạn không quá năm năm. Một danh sách các hạng mục phải được kiểm tra và được chứng minh đáp ứng các luật và các quy định quốc gia hoặc các biện pháp khác để thực thi các yêu cầu của Công ước này đối với các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên trên tàu trước khi có thể cấp một giấy chứng nhận lao động hàng hải nêu tại Phụ chương A5-I.

2. Hiệu lực của giấy chứng nhận lao động hàng hải phải chịu một đợt kiểm tra trung gian do cơ quan có thẩm quyền, hoặc một tổ chức được công nhận được ủy quyền kiểm tra, thực hiện để đảm bảo liên tục phù hợp với các yêu cầu quốc gia thực thi Công ước này. Nếu chỉ có một đợt kiểm tra trung gian và thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận là năm năm, thì đợt kiểm tra trung gian đó phải được thực hiện trong khoảng thời gian đến hạn hàng năm lần thứ hai hoặc thứ ba của giấy chứng nhận. Ngày đến hạn là ngày và tháng của từng năm tương ứng với ngày hết hạn của giấy chứng nhận lao động hàng hải. Phạm vi và mức độ của kiểm tra trung gian bằng kiểm tra cấp mới của giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận phải được xác nhận sau khi kiểm tra trung gian thỏa mãn.

3. Bất kể mục 1 của Tiêu chuẩn này, nếu kiểm tra cấp mới hoàn thành trong vòng ba tháng trước ngày hết hạn của giấy chứng nhận lao động hàng hải hiện có thì giấy chứng nhận lao động mới có hiệu lực từ ngày hoàn thành kiểm tra cấp mới không quá năm năm tính từ ngày hết hạn của giấy chứng nhận hiện có.

4. Nếu kiểm tra cấp mới hoàn thành quá ba tháng trước ngày hết hạn của giấy chứng nhận lao động hàng hải hiện có, giấy chứng nhận lao động hàng hải mới có hiệu lực không quá năm năm tính từ ngày hoàn thành kiểm tra cấp mới.

5. Một giấy chứng nhận lao động hàng hải có thể được cấp tạm thời:

(a) cho tàu mới được bàn giao;

(b) khi tàu đổi cờ; hoặc

(c) khi chủ tàu nhận trách nhiệm khai thác một tàu mới.

6. Một giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời có thể được cấp trong một thời gian không quá sáu tháng bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc một tổ chức được công nhận được ủy quyền.

7. Chỉ được cấp một giấy chứng nhận hàng hải tạm thời sau khi kiểm tra xác nhận rằng:

(a) tàu đã được kiểm tra, đến mức phù hợp và thực tế có thể, đối với các vấn đề nêu tại Phụ chương A5-I, xét đến kiểm tra xác nhận các hạng mục nêu tại các mục (b), (c) và (d) của mục này.

(b) chủ tàu đã chứng minh với cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận rằng tàu đã có đủ các quy trình thỏa mãn Công ước này;

(c) thuyền trưởng nắm vững các yêu cầu của Công ước này và các trách nhiệm thực hiện; và

(d) thông tin liên quan được trình cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận để cấp một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải.

8. Một đợt kiểm tra toàn diện phù hợp với Tiêu chuẩn này phải được thực hiện trước ngày hết hạn của giấy chứng nhận tạm thời để có thể cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải dài hạn. Không được cấp thêm giấy chứng nhận tạm thời sau thời gian 06 tháng ban đầu như nêu tại mục 6 của Tiêu chuẩn này. Không cần thiết phải cấp một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải trong khi giấy chứng nhận tạm thời còn hiệu lực.

9. Giấy chứng nhận lao động hàng hải, giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải được lập theo mẫu phù hợp với các mẫu nêu tại Phụ trương A5-II.

10. Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải kèm theo giấy chứng nhận lao động hàng hải gồm hai phần:

(a) Phần I được cơ quan có thẩm quyền lập:

(i) xác định danh mục các hạng mục kiểm tra phù hợp với mục 1 của Tiêu chuẩn này;

(ii) xác định các yêu cầu quốc gia bao gồm các điều khoản liên quan của Công ước này bằng cách đưa ra một danh mục tham khảo các điều khoản của luật quốc gia liên quan cũng như, tới phạm vi cần thiết, thông tin ngắn gọn về nội dung chính của các yêu cầu quốc gia;

(iii) chỉ ra các yêu cầu cụ thể đối với loại tàu theo phạm vi pháp luật quốc gia;

(iv) ghi mọi điều khoản tương đương được thông qua theo mục 3 Điều VI; và

(v) cho biết rõ bất kỳ miễn giảm nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Đề mục 3; và

(b) Phần II được chủ tàu lập và xác định các biện pháp đã thông qua bảo đảm luôn phù hợp với các yêu cầu quốc gia giữa các đợt kiểm tra và các biện pháp đề xuất đảm bảo luôn cải thiện.

Cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận được ủy quyền chứng nhận Phần II và cấp bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải.

11. Các kết quả của mọi đợt kiểm tra hoặc kiểm tra xác nhận khác sau đó thực hiện đối với tàu và mọi khiếm khuyết đáng kể trong khi kiểm tra xác nhận đó phải được ghi lại, cùng với ngày mà các khiếm khuyết đã được khắc phục. Biên bản này, kèm theo bản dịch tiếng Anh khi không sử dụng bằng tiếng Anh, phù hợp với các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia, phải được ghi vào hoặc viết thêm vào bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải hoặc bằng cách nào đó để sẵn sàng cho thuyền viên, các thanh tra viên của Quốc gia tàu mang cờ, các nhân viên được ủy

quyền của Chính quyền cảng và các đại diện của chủ tàu và thuyền viên.

12. Một giấy chứng nhận lao động hàng hải có hiệu lực và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, kèm theo một bản dịch tiếng Anh nếu không sử dụng tiếng Anh, phải có trên tàu và một bản sao dán tại một vị trí dễ thấy trên tàu. Một bản sao phù hợp với các văn bản pháp luật và quy định quốc gia, phải sẵn sàng theo yêu cầu, cho thuyền viên, các thanh tra viên của Quốc gia tàu mang cờ, các nhân viên được ủy quyền của Chính quyền cảng và các đại diện của chủ tàu và thuyền viên.

13. Yêu cầu một bản dịch tiếng Anh tại mục 11 và 12 của Tiêu chuẩn này không áp dụng với tàu không chạy tuyến quốc tế.

14. Một giấy chứng nhận cấp theo mục 1 hoặc 5 của Tiêu chuẩn này sẽ mất hiệu lực trong bất kỳ trường hợp nào sau đây:

(a) nếu các đợt kiểm tra liên quan không hoàn thành trong các thời gian quy định tại mục 2 của tiêu chuẩn này;

(b) nếu giấy chứng nhận không được xác nhận phù hợp với mục 2 của Tiêu chuẩn này;

(c) khi tàu đổi cờ;

(d) khi chủ tàu không còn trách nhiệm khai thác tàu; và

(e) khi thực hiện thay đổi đáng kể về kết cấu hoặc thiết bị nêu tại Đề mục 3.

15. Trong trường hợp nêu tại mục 14(c), (d) hoặc (e) của Tiêu chuẩn này, giấy chứng nhận mới sẽ chỉ được cấp khi cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận cấp giấy chứng nhận mới thỏa mãn hoàn toàn rằng tàu phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn này.

16. Giấy chứng nhận lao động hàng hải sẽ bị cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận được quốc gia tàu mang cờ ủy quyền thu hồi, nếu có bằng chứng cho thấy tàu đó không thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này và chưa có hành động khắc phục nào được yêu cầu được thực hiện.

17. Khi cân nhắc thu hồi một giấy chứng nhận lao động hàng hải theo mục 16 của Tiêu chuẩn này, cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận phải xét mức độ nghiêm trọng hoặc số lượng các khiếm khuyết.

Hướng dẫn B5.1.3 - Giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải

1. Nội dung của các yêu cầu quốc gia tại Phần I của bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải phải bao gồm hoặc kèm theo các tham khảo về các điều khoản pháp luật liên quan đến các điều kiện sống và làm việc tại từng hạng mục nêu tại Phụ chương A5-I. Nếu pháp luật quốc gia hoàn toàn như các yêu cầu nêu tại Công ước này, một tham khảo cho tất cả các yêu cầu đó là đủ. Nếu một quy định của công ước được thực hiện tương đương như nêu tại Điều VI, mục 3, quy định này phải được xác định và diễn đạt ngắn gọn. Khi cơ quan có thẩm quyền cấp một miễn giảm như quy định tại Đề mục 3, điều khoản hoặc các điều khoản cụ thể liên quan phải được chỉ rõ.

2. Các biện pháp nêu tại Phần II của bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, do chủ tàu lập, cụ thể, phải chỉ ra các trường hợp bất thường mà trong đó sự luôn phù hợp với các yêu cầu quốc gia cụ thể phải được kiểm tra, những người có trách nhiệm kiểm tra xác nhận, biên bản phải được lập, cũng như các quy trình phải tuân theo sau khi có sự không phù hợp được nêu ra. Phần II có thể lập theo một số mẫu, có thể tham các tài liệu toàn diện hơn về các chính sách và quy trình liên quan đến các lĩnh vực khác của ngành hàng hải, ví dụ các tài liệu yêu cầu của Bộ luật quản lý an toàn quốc tế (ISM) hoặc thông tin yêu cầu tại Quy định 5, Chương XI-1 Công ước SOLAS liên quan đến Bản ghi lý lịch liên tục của tàu (CSR).

3. Các biện pháp để đảm bảo luôn phù hợp phải bao gồm các yêu cầu quốc tế chung đối với chủ tàu và thuyền trưởng tự cập nhật thông tin về tiến bộ mới nhất của công nghệ và các phát hiện khoa học liên quan đến thiết kế vị trí làm việc, tính đến các nguy cơ cố hữu đối với công việc của thuyền viên, và thông báo cho các đại diện của thuyền viên phù hợp, bằng cách bảo đảm mức bảo vệ các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên tốt hơn trên tàu.

4. Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, trên tất cả, được soạn thảo bằng các thuật ngữ rõ ràng hỗ trợ những người liên quan, như các thanh tra viên của quốc gia có tàu mang cờ, các viên chức được ủy quyền của quốc gia có cảng và các thuyền viên, kiểm tra các yêu cầu đã được thực hiện đầy đủ.

5. Một ví dụ về loại thông tin có thể được nêu trong một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải của Phụ chương B5-I.

6. Nếu một tàu thay đổi cờ quốc tịch như nêu tại Tiêu chuẩn A5.1.3, mục 14(c), và nếu cả hai quốc gia liên quan đã phê chuẩn Công ước, Quốc gia thành viên cũ có tàu mang cờ phải, trong thời gian nhanh nhất, chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên mới các bản sao giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải có trên tàu trước khi đổi cờ quốc tịch và, nếu có thể, các bản sao của các báo cáo kiểm tra liên quan nếu cơ quan có thẩm quyền cũng yêu cầu trong vòng ba tháng sau khi thay đổi cờ được thực hiện.

Quy định 5.1.4 - Kiểm tra và chế tài

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải kiểm tra xác nhận, bằng một hệ thống phối hợp kiểm tra thường xuyên và có hiệu quả, giám sát và các biện pháp kiểm soát khác, rằng tàu mang cờ quốc gia của mình thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này như thực thi trong các văn bản pháp luật và quy định quốc gia.

2. Các yêu cầu chi tiết liên quan đến hệ thống kiểm tra và tuân thủ nêu tại mục 1 của quy định này nằm trong Phần A của Bộ luật.

Tiêu chuẩn A5.1.4 - Kiểm tra và chế tài

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải duy trì một hệ thống kiểm tra các điều kiện của thuyền viên trên tàu mang cờ quốc gia của mình bao gồm kiểm tra xác nhận rằng các biện pháp liên quan đến các điều kiện sống và làm việc nêu trong bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, nếu có, được tuân thủ, và rằng các yêu cầu của Công ước này được thỏa mãn.

2. Cơ quan có thẩm quyền phải cử đủ số lượng thanh tra viên có chuyên môn để thực hiện các trách nhiệm của mình theo mục 1 của Tiêu chuẩn này. Nếu các tổ chức được công nhận đã được ủy quyền kiểm tra, Quốc gia thành viên phải yêu cầu người thực hiện kiểm tra phải có trình độ chuyên môn đảm bảo thi hành các nhiệm vụ đó và trao cho họ đủ thẩm quyền pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ.

3. Phải có điều khoản thích hợp để đảm bảo rằng các thanh tra viên được đào tạo, đủ khả năng, các điều kiện tham khảo, quyền hạn, vị thế và sự độc lập cần thiết hoặc mong muốn để cho phép họ thực hiện kiểm tra xác nhận và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của mục 1 trong Tiêu chuẩn này.

4. Đợt kiểm tra phải được thực hiện theo các khoảng thời gian yêu cầu của Tiêu chuẩn A5.1.3, nếu phù hợp. Khoảng thời gian giữa hai đợt kiểm tra không quá ba năm.

5. Nếu một Quốc gia thành viên nhận được một khiếu nại mà xem xét là có cơ sở hoặc nhận được bằng chứng một tàu mang cờ quốc tịch của mình không tuân thủ các yêu cầu của Công ước hoặc có các khiếm khuyết nghiêm trọng trong khi thực hiện các biện pháp nêu tại bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, Quốc gia thành viên phải thực hiện các bước cần thiết điều tra nguyên nhân và đảm bảo hành động khắc phục mọi khiếm khuyết đã phát hiện.

6. Có các luật thích hợp thi hành hiệu quả bởi mỗi Thành viên đảm bảo các thanh tra viên có vị thế và điều kiện làm việc độc lập với các thay đổi của chính phủ và các ảnh hưởng không phù hợp bên ngoài.

7. Các thanh tra viên, được cung cấp các hướng dẫn rõ ràng khi làm nhiệm vụ và giấy ủy nhiệm phù hợp, có quyền:

(a) lên tàu mang cờ của Thành viên;

(b) thực hiện mọi kiểm tra, thử hoặc yêu cầu mà họ coi là cần thiết nhằm thỏa mãn các tiêu chuẩn đã được tuân thủ nghiêm ngặt; và

(c) yêu cầu mọi khiếm khuyết phải khắc phục, nếu có bằng chứng các khiếm khuyết cấu thành một vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu của Công ước này (gồm cả các các quyền của thuyền viên), hoặc xuất hiện một nguy cơ đáng kể ảnh hưởng đến an toàn, sức khoẻ hoặc an ninh của thuyền viên, cấm tàu rời cảng cho đến khi các hành động cần thiết được thực hiện.

8. Mọi hành động thực hiện theo mục 7 (c) của Tiêu chuẩn này phải phụ thuộc vào quyền phán quyết của toà án hoặc cơ quan chính quyền hành chính.

9. Các thanh tra viên phải thận trọng đưa ra ý kiến thay cho việc điều tra hoặc lập khuyến nghị nếu không có vi phạm rõ ràng các yêu cầu của công ước này ảnh hưởng đến an toàn, sức khoẻ hoặc an ninh của thuyền viên liên quan và nếu không có các vi phạm tương tự trước đó.

10. Các thanh tra viên phải xử lý bí mật nguồn tin về mọi cáo buộc hoặc khuyến nghị cho rằng có một nguy cơ hoặc khiếm khuyết liên quan đến các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên hoặc một vi phạm pháp luật và các quy định và không báo cho chủ tàu, đại diện chủ tàu hoặc hoặc người khai thác tàu mà đợt kiểm tra được thực hiện bởi cáo buộc hoặc khiếu nại đó.

11. Các thanh tra viên không được giao các nhiệm vụ mà có thể, do số lượng hoặc bản chất của chúng, ngăn cản cản kiểm tra hiệu quả hoặc tổn hại đến ủy quyền của họ hoặc các quan hệ của họ với chủ tàu, thuyền viên và các bên liên quan khác. Đặc biệt, thanh tra viên:

(a) bị cấm không được có quyền lợi trực tiếp hay gián tiếp trong mọi hoạt động mà họ được giao nhiệm vụ kiểm tra; và

(b) tuân thủ nội quy hoặc biện pháp kỷ luật phù hợp, không tiết lộ, kể cả sau khi không còn công tác nữa, mọi bí mật thương mại hoặc các quy trình bí mật hoặc thông tin cá nhân của thuyền viên có thể có được trong khi họ làm nhiệm vụ.

12. Các thanh tra viên phải gửi báo cáo mỗi đợt kiểm tra cho cơ quan có thẩm quyền. Một bản sao báo cáo bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ làm việc trên tàu được gửi cho thuyền trưởng và một bản sao khác được dán trên bảng thông báo của tàu để thuyền viên biết và, nếu được yêu cầu, gửi cho các đại diện của họ.

13. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Quốc gia thành viên phải lưu giữ các báo cáo về các điều kiện của thuyền viên trên các tàu mang cờ của mình. Cơ quan có thẩm quyền phải xuất bản báo cáo hàng năm về các hoạt động theo thời điểm phù hợp, không quá sáu tháng sau khi kết thúc năm.

14. Trong trường hợp điều tra một vụ tai nạn nghiêm trọng, phải gửi báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền càng sớm càng tốt nhưng không quá một tháng sau khi có kết luận điều tra.

15. Khi kiểm tra hoặc thực hiện các biện pháp theo Tiêu chuẩn này, phải cố gắng tránh làm cho tàu bị lưu giữ hoặc trì hoãn một cách vô lý.

16. Phải bồi hoàn theo các luật quốc gia và quy định quốc gia đối với mọi tổn thất hoặc hư hại gây ra bởi cách làm trái với quyền hạn của thanh tra viên. Trách nhiệm dẫn chứng trong mỗi trường hợp phải thông qua khiếu nại.

17. Phạt hành chính và các biện pháp khắc phục thích đáng khác cho các vi phạm các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên) và đối với cản trở thanh tra viên thi hành nhiệm vụ của họ phải được mỗi Quốc gia thành viên quy định và chế tài hiệu quả.

Hướng dẫn B5.1.4 - Kiểm tra và chế tài

1. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan có liên quan toàn bộ hoặc từng phần đến việc kiểm tra các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên phải có các nguồn lực cần thiết để thực hiện các chức năng của họ. Cụ thể là:

(a) mỗi Quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết để các nhà chuyên môn và chuyên gia kỹ thuật phù hợp có thể được triệu tập, khi cần thiết để hỗ trợ công việc của các thanh tra viên; và

(b) các thanh tra viên phải được cung cấp văn phòng làm việc bố trí tại nơi thuận tiện, thiết bị và các phương tiện giao thông phù hợp để thi hành hiệu quả nhiệm vụ của họ.

2. Cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng một chính sách về tuân thủ và chế tài để đảm bảo tính thống nhất và hướng dẫn kiểm tra và các hành động chế tài liên quan đến Công ước này. Các bản sao của chính sách này được cung cấp cho tất cả các thanh tra viên và các quan chức thi hành pháp luật liên quan và công khai cho công chúng, các chủ tàu và thuyền viên.

3. Cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng các quy trình đơn giản có thể nhận thông tin tin cậy về các vi phạm yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên) trực tiếp từ thuyền viên hoặc từ các đại diện của thuyền viên, và cho phép thanh tra viên điều tra các vấn đề đó ngay lập tức, bao gồm:

(a) cho phép thuyền trưởng, thuyền viên hoặc đại diện của thuyền viên yêu cầu kiểm tra nếu họ thấy cần thiết; và

(b) cung cấp thông tin và thông báo kỹ thuật cho các chủ tàu, thuyền viên và các tổ chức liên quan như là phương tiện hiệu quả nhất thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này và nâng cao các điều kiện trên tàu cho thuyền viên.

4. Các thanh tra viên phải được đào tạo đầy đủ và đủ số lượng để đảm bảo thi hành hiệu quả các nhiệm vụ của họ liên quan đến:

(a) tầm quan trọng của các nhiệm vụ mà các thanh tra viên phải thi hành, đặc biệt về số lượng, bản chất và kích thước của tàu được kiểm tra và số lượng và sự phức tạp của các điều khoản pháp luật phải tuân thủ.

(b) các nguồn thông tin cung cấp cho thanh tra viên; và

(c) các điều kiện thực tế để kiểm tra có hiệu quả.

5. Theo các điều kiện tuyển dụng của dịch vụ công có thể được quy định trong các luật và quy định quốc gia, thanh tra viên phải có chuyên môn và được đào tạo phù hợp để thi hành nhiệm vụ của họ và nếu có thể phải được đào tạo trong lĩnh vực hàng hải hoặc có kinh nghiệm là thuyền viên. Họ phải có kiến thức đầy đủ về các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên và biết sử dụng tiếng Anh.

6. Phải có các biện pháp để cung cấp cho thanh tra viên các khoá đào tạo bổ sung phù hợp trong quá trình làm việc của họ.

7. Mọi thanh tra viên phải hiểu rõ các hoàn cảnh đợt kiểm tra phải được thực hiện, phạm vi kiểm tra phải được thực hiện trong các hoàn cảnh khác nhau cũng như phương pháp kiểm tra chung.

8. Thanh tra viên được cấp giấy phép thích hợp theo luật quốc gia phải có quyền hạn tối thiểu:

(a) tự do lên tàu và không thông báo trước; tuy nhiên, khi bắt đầu kiểm tra, thanh tra viên phải thông báo sự có mặt của họ cho thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm và, nếu phù hợp, cho các thuyền viên hoặc các đại diện của họ;

(b) đặt câu hỏi với thuyền trưởng, thuyền viên hoặc người bất kỳ khác, gồm chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu, về mọi vấn đề liên quan đến áp dụng các yêu cầu của các văn bản pháp luật và các quy định, với sự có mặt của nhân chứng bất kỳ được yêu cầu;

(c) yêu cầu xuất trình mọi sổ sách, nhật ký, đăng ký, giấy chứng nhận hoặc các tài liệu khác hoặc thông tin trực tiếp liên quan đến các vấn đề kiểm tra, để kiểm tra xác nhận phù hợp với các văn bản pháp luật và quy định quốc gia nhằm thực hiện công ước;

(d) bắt buộc niêm yết các thông báo được yêu cầu trong các văn bản pháp luật và các quy định quốc gia nhằm thực hiện Công ước này;

(e) lấy hoặc chuyển, cho mục đích phân tích, các mẫu sản phẩm, hàng hoá, nước uống, trang bị, vật liệu và các chất sử dụng hoặc xếp dỡ;

(f) sau khi kiểm tra, ngay lập tức thông báo cho chủ tàu, người khai thác tàu hoặc thuyền trưởng, các khiếm khuyết có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và an toàn của thủy thủ trên tàu;

(g) cảnh báo cho cơ quan có thẩm quyền và, nếu có thể, tổ chức được công nhận khiếm khuyết hoặc sai phạm bất kỳ không nêu cụ thể trong các văn bản pháp luật hoặc các quy định hiện có; và đề xuất với họ nhằm sửa đổi các văn bản pháp luật hoặc quy định; và

(h) thông báo cho cơ quan có thẩm quyền mọi thương tích hoặc bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến thuyền viên trong các trường hợp đó theo cách thức như quy định tại các luật hoặc các quy định.

9. Nếu một mẫu thử nêu tại mục 8(e) của Hướng dẫn này được lấy hoặc chuyển đi, chủ tàu hoặc đại diện chủ tàu, và nếu có thể một thuyền viên, phải được thông báo hoặc phải có mặt tại thời điểm mẫu được lấy hoặc mang đi. Số lượng một mẫu đó phải được thanh tra viên ghi chép phù hợp.

10. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Quốc gia thành viên xuất bản báo cáo hàng năm các tàu mang cờ của họ, bao gồm:

(a) một danh mục các văn bản pháp luật và các quy định hiện hành liên quan đến các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên và mọi sửa đổi, bổ sung có hiệu lực trong năm;

(b) các chi tiết tổ chức của hệ thống kiểm tra;

(c) thống kê tàu hoặc các hạng mục khác phải kiểm tra và tàu và các hạng mục khác thực tế đã kiểm tra;

(d) các thông về tất cả thuyền viên là đối tượng của các văn bản pháp luật và quy định quốc gia;

(e) thống kê và thông tin về các vi phạm pháp luật, các biện pháp trừng phạt và các trường hợp lưu giữ tàu; và

(f) thống kê báo cáo thương tích và bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến thuyền viên.

Quy định 5.1.5 - Các thủ tục khiếu nại trên tàu

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu các tàu mang cờ của mình có trên tàu các quy trình công bằng, hiệu quả và khẩn trương xử lý các khiếu nại của thuyền viên về các vi phạm yêu cầu của Công ước này (kể cả quyền của thuyền viên).

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải cấm và xử phạt mọi hình thức ngược đãi thuyền viên đưa ra khiếu nại.

3. Các điều khoản của Quy định này và các phần liên quan của Bộ luật không ngăn cản thuyền viên có quyền tìm kiếm cách thức xử lý thông qua bất kể các phương tiện luật pháp nào mà họ xem là phù hợp.

Tiêu chuẩn A5.1.5 - Các quy trình khiếu nại trên tàu

1. Không mâu thuẫn với phạm vi rộng hơn có thể được đưa ra trong các luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các thoả ước tập thể, các quy trình trên tàu có thể được thuyền viên sử dụng để đưa ra các khiếu nại liên quan đến bất kỳ vấn đề nào mà được cho là cấu thành vi phạm yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên).

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo, các luật hoặc các quy định của mình, phù hợp với các quy trình khiếu nại trên tàu thỏa mãn các yêu cầu của Quy định 5.1.5. Các quy trình đó phải đưa ra cách thức giải quyết các khiếu nại ở mức thấp nhất có thể. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, thuyền viên có quyền khiếu nại trực tiếp tới thuyền trưởng và, nếu họ thấy cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền bên ngoài.

3. Các quy trình khiếu nại trên tàu gồm quyền của thuyền viên được giúp đỡ hoặc đại diện trong quá trình xử lý các khiếu nại, cũng như các bảo vệ chống lại khả năng ngược đãi thuyền viên đưa ra khiếu nại. Thuật ngữ “ngược đãi” là mọi hành động xấu được bất kỳ người nào thực hiện đối với một thuyền viên đưa ra một khiếu nại thể hiện không hài lòng hoặc cố tình làm hại.

4. Ngoài một bản sao thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên, mọi thuyền viên phải được cung cấp một bản sao các quy trình khiếu nại trên tàu. Các quy trình này gồm thông tin liên lạc với cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia tàu treo cờ, nếu không có, của quốc gia thuyền viên cư trú, và tên của thuyền viên trên tàu, trên cơ sở bí mật, tư vấn cho thuyền viên về các khiếu nại của họ hoặc hỗ trợ thuyền viên theo các quy trình khiếu nại trên tàu.

Hướng dẫn B5.1.5 - Các quy trình khiếu nại trên tàu

1. Theo sự điều chỉnh của mọi điều khoản liên quan của một thoả ước tập thể hiện hành, cơ quan có thẩm quyền phải, tham vấn với các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên, đưa ra một mô hình công bằng, mau lẹ và lập hồ sơ phù hợp trên tàu các quy trình giải quyết khiếu nại đối với tất cả các tàu mang cờ của Quốc gia thành viên. Khi xây dựng các quy trình này phải xem xét các vấn đề sau đây:

(a) nhiều khiếu nại có thể liên quan đặc biệt đến những cá nhân với người được nêu trong khiếu nại hoặc thậm chí cả thuyền trưởng. Trong mọi trường hợp thuyền viên có thể trực tiếp khiếu nại tới thuyền trưởng và cơ quan bên ngoài; và

(b) để tránh ngược đãi thuyền viên đưa ra các khiếu nại liên quan đến các quy định của Công ước này, các quy trình phải khuyến khích bổ nhiệm một người trên tàu có thể tư vấn cho thuyền viên các quy trình hiện hành và, nếu được thuyền viên khiếu nại yêu cầu, tham dự các cuộc họp liên quan đến khiếu nại.

2. Tối thiểu, các quy trình thảo luận trong khi tư vấn nêu tại mục 1 của Hướng dẫn này phải gồm có:

(a) các khiếu nại phải được thông báo cho trưởng bộ phận của thuyền viên đưa ra khiếu nại hoặc sĩ quan quản lý thuyền viên;

(b) trưởng bộ phận hoặc sĩ quan quản lý phải xử lý các vấn đề trong giới hạn thời gian quy định phù hợp với thực tế của các vấn đề liên quan.

(c) nếu trưởng bộ phận hoặc sĩ quan cấp trên không thể giải quyết thoả đáng khiếu nại của thuyền viên, thuyền viên có thể chuyển đến thuyền trưởng, giải quyết vấn đề với tư cách cá nhân;

(d) thuyền viên luôn có quyền được thuyền viên khác được hộ tống và được đại diện bởi thuyền viên khác do họ lựa chọn trên tàu;

(e) mọi khiếu nại và quyết định về khiếu nại phải được ghi chép và một bản sao được cấp cho thuyền viên liên quan;

(f) nếu một khiếu nại không thể giải quyết được trên tàu, vụ việc được chuyển về bờ cho chủ tàu, có một thời gian phù hợp để xử lý, nếu phù hợp, tham vấn thuyền viên liên quan hoặc bất kỳ người nào thuyền viên chọn là đại diện; và

(g) trong mọi trường hợp, thuyền viên có quyền gửi khiếu nại của họ trực tiếp cho thuyền trưởng và chủ tàu và các cơ quan có thẩm quyền.

Quy định 5.1.6 - Tai nạn hàng hải

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải tổ chức điều tra chính thức với các tai nạn hàng hải nghiêm trọng, dẫn đến thương tích hoặc tử vong, liên quan đến một tàu mang cờ của mình. Báo cáo cuối cùng của một điều tra phải công khai.

2. Các Quốc gia thành viên phải hợp tác với nhau tạo điều kiện điều tra các tai nạn hàng hải nghiêm trọng nêu tại mục 1 của Quy định này.

Tiêu chuẩn A5.1.6 - Tai nạn hàng hải

(không có quy định)

Hướng dẫn B5.1.6 - Tai nạn hàng hải

(không có quy định)

Quy định 5.2 - Trách nhiệm của Quốc gia có cảng

Mục đích: cho phép mỗi Quốc gia thành viên thực thi các trách nhiệm của mình trong phạm vi Công ước này liên quan đến hợp tác quốc tế về thực hiện và tuân thủ các tiêu chuẩn của Công ước đối với các tàu nước ngoài

Quy định 5.2.1 - Kiểm tra tại cảng

1. Mọi tàu nước ngoài, trên tuyến đường thương mại hoặc lý do khai thác, ghé vào cảng của một Quốc gia thành viên có thể phải chịu kiểm tra phù hợp với mục 4 Điều V với mục đích xem xét sự phù hợp với các yêu cầu của Công ước (kế cả các quyền của thuyền viên) về các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên trên tàu.

2. Mỗi Thành viên phải chấp nhận giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải theo yêu cầu của Quy định 5.1.3 nếu chứng tỏ sơ bộ phù hợp với các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên). Theo đó, kiểm tra tại cảng phải, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt quy định tại Bộ luật, được giới hạn ở mức xem xét giấy chứng nhận và bản Tuyên bố.

3. Kiểm tra tại cảng phải được thực hiện bởi những người được ủy quyền phù hợp với các quy định của Bộ luật và các hệ thống quốc tế áp dụng khác quản trị các đợt kiểm tra của kiểm soát của Quốc gia có cảng của Thành viên. Mọi kiểm tra như vậy được giới hạn kiểm tra xác nhận vấn đề được kiểm tra phù hợp với các yêu cầu nêu tại các Điều và các Quy định của Công ước này và chỉ tại Phần A của Bộ luật.

4. Các kiểm tra có thể được thực hiện phù hợp với Quy định này dựa vào một hệ thống kiểm tra và theo dõi hiệu quả của quốc gia có cảng trợ giúp đảm bảo các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên trên tàu đang vào một cảng của Thành viên liên quan thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên).

5. Thông tin về hệ thống nêu tại mục 4 của Quy định này, gồm có phương pháp đánh giá tính hiệu quả của nó, được ghi vào báo cáo của Thành viên theo điều 22 của Hiến chương.

Tiêu chuẩn A5.2.1 - Kiểm tra tại cảng

1. Khi một người được ủy quyền, lên tàu thực hiện kiểm tra và yêu cầu, nếu phù hợp, giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, phát hiện:

(a) các tài liệu yêu cầu không được trình hoặc lưu giữ hoặc bảo quản tin cậy hoặc các tài liệu đưa ra không có thông tin được yêu cầu bởi Công ước này hoặc không có hiệu lực; hoặc

(b) có các bằng chứng rõ ràng tin rằng các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên trên tàu không thỏa mãn các yêu cầu của Công ước

(c) có bằng chứng xác đáng tin rằng tàu đã đổi cờ với mục đích tránh thực hiện Công ước này; hoặc

(d) có một khiếu nại cho rằng các điều kiện sống và làm việc cụ thể trên tàu không thỏa mãn yêu cầu của Công ước này;

phải thực hiện một đợt kiểm tra chi tiết hơn để đảm bảo các điều kiện làm việc và sống trên tàu. Phải kiểm tra như vậy trong mọi trường hợp mà các điều kiện làm việc và sống được tin hoặc cho rằng vi phạm gây ra mối nguy hiểm rõ ràng cho an toàn, sức khoẻ hoặc an ninh của thuyền viên hoặc khi người kiểm tra được ủy quyền có các bằng chứng tin rằng mọi khiếm khuyết vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên).

2. Nếu thực hiện kiểm tra chi tiết hơn đối với một tàu nước ngoài tại cảng của một Thành viên bởi thanh tra viên được ủy quyền trong các trường hợp nêu tại tiểu mục (a), (b) hoặc (c) của mục 1 Tiêu chuẩn này, về nguyên tắc phải kiểm tra toàn bộ các vấn đề nêu tại Phụ chương A5-III.

3. Trong trường hợp một khiếu nại như nêu tại mục 1 (d) của Tiêu chuẩn này, Nói chung phải kiểm tra giới hạn các vấn đề thuộc khiếu nại, mặc dù một khiếu nại, hoặc điều tra khiếu nại, có thể cung cấp các bằng chứng rõ ràng cho kiểm tra chi tiết hơn phù hợp với mục 1(b) của Tiêu chuẩn này. Trong mục 1(d) của Tiêu chuẩn này, “khiếu nại” là thông tin được một thuyền viên, cơ quan chuyên môn, hiệp hội, liên minh thương mại hoặc, nói chung, cá nhân bất kỳ quan tâm đến an toàn của tàu, kể cả quan tâm đến các nguy cơ về  sức khoẻ hoặc an toàn cho thuyền viên trên tàu đưa ra.

4. Nếu, sau khi thực hiện kiểm tra chi tiết hơn, các điều kiện làm việc và sống trên tàu vẫn chưa thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này, người kiểm tra được ủy quyền phải đưa vào lưu ý các khiếm khuyết cho thuyền trưởng, với các thời hạn yêu cầu phải khắc phục. Trong trường hợp người kiểm tra được ủy quyền cho rằng các khiếm khuyết đó là đáng kể, hoặc liên quan đến một khiếu nại phù hợp với mục 3 của Tiêu chuẩn này, người kiểm tra được ủy quyền phải đưa các khiếm khuyết vào lưu ý cho các tổ chức phù hợp của chủ tàu và thuyền viên của Thành viên kiểm tra, và có thể:

(a) thông báo cho đại diện của Quốc gia có tàu mang cờ;

(b) cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền của cảng tàu ghé tiếp theo thông tin liên quan.

5. Thành viên nơi kiểm tra thực hiện có quyền chuyển một bản sao báo cáo của thanh tra viên, kèm theo mọi thông tin trả lời nhận được từ các cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia có tàu mang cờ trong thời hạn quy định, tới Tổng Giám đốc Cơ quan lao động quốc tế với quan điểm hành động này có thể phù hợp và thiết thực đảm bảo biên bản có thông tin đó và đưa vào lưu ý cho các bên liên quan.

6. Nếu, sau khi thanh tra viên được ủy quyền kiểm tra chi tiết hơn, tàu vẫn chưa thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này và:

(a) các điều kiện trên tàu có nguy hiểm rõ ràng đến an toàn, sức khoẻ hoặc an ninh của thuyền viên; hoặc

(b) sự không phù hợp tạo ra một vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp lại các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên);

thanh tra viên được ủy quyền phải thực hiện các bước đảm bảo tàu không hành trình được cho đến khi các sự không phù hợp thuộc phạm vi tiểu mục (a) hoặc (b) của mục này được khắc phục hoặc cho đến khi thanh tra viên được ủy quyền chấp nhận kế hoạch hành động khắc phục các sự không phù hợp đó và thỏa mãn rằng kế hoạch sẽ được thực hiện kịp thời. Nếu không cho tàu hành trình, người kiểm tra được ủy quyền phải thông báo cho Quốc gia có tàu mang cờ và mời một đại diện Quốc gia có tàu mang cờ có mặt, nếu có thể, yêu cầu Quốc gia có tàu mang cờ trả lời trong thời hạn ấn định. Người kiểm tra được ủy quyền cũng phải thông báo khuyến nghị cho các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên phù hợp tại Quốc gia có cảng mà kiểm tra thực hiện.

7. Mỗi Thành viên phải đảm bảo người kiểm tra được ủy quyền của mình được hướng dẫn, các hình thức nêu tại Phần B của Bộ luật, là các tình huống dẫn đến lưu giữ tàu nêu tại mục 6 của Tiêu chuẩn này.

8. Khi thực thi trách nhiệm theo Tiêu chuẩn này, mỗi Thành viên phải cố gắng hết sức tránh tàu bị lưu giữ hoặc chậm trễ. Nếu một tàu bị lưu giữ hoặc chậm trễ không chính đáng, phải bồi thường cho mọi tổn thất hoặc hư hỏng mà tàu phải chịu. Trách nhiệm dẫn chứng trong từng trường hợp thuộc người thưa kiện.

Hướng dẫn B5.2.1 - Kiểm tra tại cảng

1. Cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng một chính sách kiểm tra đối với các thanh tra viên được ủy quyền kiểm tra theo Quy định 5.2.1. Mục tiêu của chính sách đảm bảo nhất quán và hướng dẫn các hoạt động kiểm tra và tuân thủ khác liên quan đến các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên). Bản sao chính sách này phải cung cấp cho tất cả các thanh tra viên được ủy quyền và công khai cho các chủ tàu và thuyền viên.

2. Xây dựng một chính sách liên quan đến các tình huống ra lệnh lưu giữ tàu theo Tiêu chuẩn A5.2.1. mục 6, của cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, đối với các vi phạm nêu tại Tiêu chuẩn A5.2.1, mục 6(b), tính nghiêm trọng có thể do bản chất của vi phạm. Điều này liên quan đặc biệt đến các trường hợp vi phạm quyền và nguyên tắc của thuyền viên hoặc các quyền lao động và xã hội của thuyền viên nêu tại các Điều III và IV. Ví dụ, sử dụng người lao động chưa đến tuổi phải được xem là một vi phạm nghiêm trọng thậm chí nếu chỉ có một người như vậy trên tàu. Trong các trường hợp khác, số khiếm khuyết khác nhau phát hiện trong một đợt kiểm tra cụ thể phải được xem xét: ví dụ, một số trường hợp khiếm khuyết liên quan đến sinh hoạt hoặc hoặc cung cấp và chế biến thực phẩm không đe doạ an toàn hoặc sức khoẻ có thể cần thiết trước khi coi chúng dẫn đến một vi phạm nghiêm trọng.

3. Các Thành viên phải hợp tác với nhau tới mức tối đa có thể thông qua các hướng dẫn thỏa thuận quốc tế về các chính sách kiểm tra, đặc biệt liên quan đến các tình huống ra lệnh lưu giữ tàu.

Quy định 5.2.2 - Quy trình giải quyết khiếu nại của thuyền viên trên bờ

1. Mỗi Thành viên phải đảm bảo thuyền viên trên tàu ghé vào một cảng thuộc chủ quyền của Thành viên tố cáo có một vi phạm đối với các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên) có quyền đưa ra khiếu nại như vậy nhằm tạo điều kiện cho một biện pháp khắc phục kịp thời và thực tế.

Tiêu chuẩn A5.2.2 - Quy trình giải quyết khiếu nại của thuyền viên trên bờ

1. Một khiếu nại của một thuyền viên trên tàu tố cáo vi phạm các yêu cầu của Công ước này (kể cả các quyền của thuyền viên) có thể được báo cho một thanh tra viên được ủy quyền tại cảng mà tàu ghé vào. Trong các trường hợp đó, thanh tra viên được ủy quyền phải tiến hành một cuộc điều tra ban đầu.

2. Nếu phù hợp, tuỳ theo bản chất của khiếu nại, điều tra ban đầu phải xem xét các thủ tục khiếu nại trên tàu theo Quy định 5.1.5 đã được tìm hiểu hay chưa. Thanh tra viên được ủy quyền có thể tiến hành kiểm tra chi tiết hơn phù hợp với Tiêu chuẩn A5.2.1.

3. Thanh tra viên được ủy quyền phải, nếu có thể, tìm kiếm biện pháp giải quyết khiếu nại từ tàu.

4. Trong trường hợp mà điều tra hoặc kiểm tra quy định theo Tiêu chuẩn này phát hiện một sự không phù hợp thuộc phạm vi mục 6 của Tiêu chuẩn A5.2.1, phải áp dụng các quy định của mục đó.

5. Nếu không áp dụng các điều khoản của mục 4 Tiêu chuẩn này, và khiếu nại chưa được giải quyết tại tàu, thanh tra viên được ủy quyền phải thông báo ngay cho Quốc gia có tàu mang cờ, tìm kiếm, trong một thời hạn ấn định, một kế hoạch hành động khắc phục.

6. Nếu khiếu nại chưa được giải quyết sau khi thực hiện hành động phù hợp với mục 5 của Tiêu chuẩn này, Quốc gia có cảng phải chuyển một bản sao báo cáo của thanh tra viên được ủy quyền cho Tổng Giám đốc. Báo cáo phải kèm theo bất kỳ phản hồi nào nhận được trong thời hạn ấn định từ cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia có tàu mang cờ. Các tổ chức phù hợp của chủ tàu và thuyền viên tại Quốc gia có cảng phải được thông báo tương tự. Ngoài ra, các thống kê và thông tin liên quan đến khiếu nại đã giải quyết phải được Quốc gia có cảng gửi thường xuyên cho Tổng Giám đốc. Việc gửi thống kê và báo cáo đó nhằm mục đích, làm cơ sở cho hành động nếu có thể được xem xét phù hợp và thiết thực, một bản về thông tin lưu ý cho các bên, gồm các tổ chức của chủ tàu và thuyền viên, có thể liên quan đến lợi ích của chính họ với các quy trình hỗ trợ liên quan.

7. Phải thực hiện các bước phù hợp bảo mật các khiếu nại của thuyền viên.

Hướng dẫn B.5.2.2 - Quy trình giải quyết khiếu nại của thuyền viên trên bờ

1. Nếu một khiếu nại nêu tại Tiêu chuẩn A5.2.2 được một thanh tra viên được ủy quyền giải quyết, trước hết người đó phải kiểm tra có hay không bản chất chung liên quan đến tất cả thuyền viên trên tàu, hoặc một nhóm thuyền viên, hoặc chỉ liên quan đến một cá nhân.

2. Nếu khiếu nại có bản chất chung, phải xem xét thực hiện một kiểm tra chi tiết hơn phù hợp với Tiêu chuẩn A5.2.1.

3. Nếu khiếu nại liên quan đến một trường hợp cá nhân, phải tiến hành kiểm tra các kết quả của mọi quy trình khiếu nại giải quyết khiếu nại trên tàu. Nếu các quy tình đó chưa được dùng đến, người kiểm tra được ủy quyền phải gợi ý cho người khiếu nại lợi dụng mọi quy trình có thể sử dụng được đó. Phải có những lý xác đáng xem xét một khiếu nại trước khi bất kỳ quy trình nào được sử dụng. Những lý do này bao gồm sự không đầy đủ, làm chậm trễ không thích đáng, các quy trình nội bộ hoặc lo sợ trả đũa việc khiếu nại của thuyền viên.

4. Khi điều tra một khiếu nại bất kỳ, người kiểm tra được ủy quyền phải cung cấp cho thuyền trưởng, chủ tàu hoặc những người bất kỳ khác liên quan đến khiếu nại một cơ hội phù hợp trình bày quan điểm của họ.

5. Trong trường hợp Quốc gia có tàu mang cờ chứng tỏ, trả lời thông báo của Quốc gia có cảng phù hợp với mục 5 Tiêu chuẩn A5.2.2, cho biết họ sẽ giải quyết vấn đề, và có các quy trình hiệu quả đối với mục đích này và đề xuất một kế hoặc hành động có thể chấp nhận, thanh tra viên được ủy quyền có thể dừng mọi công việc liên quan đến khiếu nại.

Quy định 5.3 - Trách nhiệm của cung ứng lao động

Mục đích: Đảm bảo mỗi Thành viên thực thi các trách nhiệm của mình phù hợp với Công ước liên quan đến tuyển dụng và cung ứng thuyền viên và bảo vệ xã hội đối với thuyền viên

1. Không tác động đến nguyên tắc thuộc về trách nhiệm của mỗi Thành viên đối với các điều kiện sống và làm việc trên các tàu mang cờ của họ, Thành viên cũng phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các yêu cầu của Công ước này về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên cũng như bảo vệ an sinh xã hội cho thuyền viên mang quốc tịch hoặc cư trú hoặc định cư trong phạm vi lãnh thổ của mình, trong phạm vi trách nhiệm được quy định trong Công ước này.

2. Các yêu cầu chi tiết thực hiện mục 1 của Quy định này nêu tại Bộ luật.

3. Mỗi Thành viên phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và theo dõi hiệu quả việc tuân thủ các trách nhiệm cung ứng lao động của mình theo phạm vi Công ước này.

4. Thông tin liên quan đến hệ thống nêu tại mục 3 của Quy định này, gồm cả phương pháp đánh giá hiệu quả của nó, được đưa vào các báo cáo của Thành viên theo điều 22 của Hiến chương.

Tiêu chuẩn A5.3 - Trách nhiệm của cung ứng lao động

1. Mỗi Thành viên phải tuân thủ các yêu cầu của Công ước này liên quan đến hoạt động và thực tế của các dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thành lập trong lãnh thổ của mình bằng một hệ thống kiểm tra và theo dõi các quy trình pháp luật đối với các vi phạm cấp phép hoặc các yêu cầu hoạt động khác nêu tại Tiêu chuẩn A1.4.

Hướng dẫn B5.3 - Trách nhiệm của cung ứng lao động

1. Các dịch vụ tư nhân tuyển dụng và cung ứng thuyền viên thành lập trong lãnh thổ Thành viên và đảm bảo sự phục vụ của một thuyền viên đối với một chủ tàu, bất kể nơi nào, được yêu cầu đảm đương các nghĩa vụ đảm bảo chủ tàu thực hiện đúng các điều kiện trong thỏa thuận tuyển dụng của họ đối với thủy thủ.

PHỤ CHƯƠNG A5-I

Các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên phải được quốc gia có tàu mang cờ kiểm tra và phê duyệt trước khi cấp giấy chứng nhận tàu phù hợp với Tiêu chuẩn A5.1.3, mục 1:

Tuổi lao động tối thiểu

Chứng nhận y tế

Các bằng cấp chuyên môn của thuyền viên

Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên

Sử dụng chứng chỉ, chứng nhận, quy định của dịch vụ tư nhân tuyển dụng và cung ứng

Giờ làm việc và nghỉ ngơi

Định biên của tàu

Khu vực sinh hoạt

Phương tiện giải trí trên tàu

Thực phẩm và chế biến

Sức khoẻ, an toàn và phòng ngừa tai nạn

Chăm sóc y tế trên tàu

Các quy trình khiếu nại trên tàu

Tiền lương

 

PHỤ CHƯƠNG A5- II

Giấy chứng nhận lao động hàng hải

(Lưu ý: Giấy chứng nhận này được kèm theo bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải)

Cấp theo các điều khoản của Điều V và Đề mục 5 Công ước lao động hàng hải, 2006
(sau đây gọi là ”Công ước”) theo ủy quyền của Chính phủ

..........................................................................................................................

(tên chính thức đầy đủ của quốc gia tàu treo cờ)

bởi: .......................................................................................................................

(tên chính thức và địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận được ủy quyền toàn quyền phù hợp theo các điều khoản của Công ước)

Đặc điểm tàu

Tên tàu ..........................................................................................................................

Số hiệu phân biệt hoặc hô hiệu .....................................................................................

Cảng đăng ký ................................................................................................................

Ngày đăng ký................................................................................................................

Tổng dung tích[1] .............................................................................................................

Số IMO .........................................................................................................................

Kiểu tàu ........................................................................................................................

Tên và địa chỉ chủ tàu [2] ..................................................................................................

......................................................................................................................................

Chứng nhận rằng:

1. Tàu đã được kiểm tra và xác nhận phù hợp với các yêu cầu của Công ước, và các điều khoản của bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải kèm theo.

2. Các điều kiện làm việc và sinh hoạt của thuyền viên quy định tại Phụ chương A5-I của Công ước thỏa mãn các yêu cầu của quốc gia nêu trên thực hiện Công ước. Các yêu cầu quốc gia này được tóm tắt trong bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, Phần I.

Giấy chứng nhận này có hiệu lực đến ...................................... với điều kiện phải được kiểm tra phù hợp với các Tiêu chuẩn A5.1.3 và A5.1.4 của Công ước.

Giấy chứng nhận này chỉ có hiệu lực khi bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải được cấp

Tại..........................................................ngày.................................................kèm theo.

Ngày hoàn thành kiểm tra làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận này....................................

Cấp tại ....................................................ngày................................................................

Chữ ký của người được ủy nhiệm toàn quyền cấp giấy chứng nhận

(đóng dấu của tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận)

Kiểm tra xác nhận trung gian bắt buộc và, nếu yêu cầu, kiểm tra bổ sung bất kỳ

Chứng nhận rằng tàu đã được kiểm tra phù hợp với Tiêu chuẩn A5.1.3 và A5.1.4 của Công ước và thấy các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên quy định tại Phụ chương A5-I của Công ước phù hợp với các yêu cầu của quốc gia nêu trên thực hiện Công ước.

 

Kiểm tra trung gian:

(hoàn thành vào giữa ngày ấn định kiểm tra hàng năm thứ hai hoặc thứ ba)

Chữ ký..................................................

(Chữ ký của người được ủy quyền)

............................................................

Nơi......................................................

Ngày....................................................

(Đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

Kiểm tra xác nhận bổ sung (nếu yêu cầu)

Chứng nhận rằng tàu đã được kiểm tra bổ sung với mục đích xác nhận tàu tiếp tục phù hợp với các yêu cầu yêu cầu quốc gia thực hiện Công ước, như quy định tại Tiêu chuẩn A3.1, mục 3, của Công ước (đăng ký lại hoặc thay đổi lớn khu vực sinh hoạt) hoặc với các lý do khác.

 

Kiểm tra bổ sung:

(nếu yêu cầu)

Chữ ký.................................................

(Chữ ký của người được ủy quyền)

............................................................

Địa điểm.............................................

Ngày....................................................

(Đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

Kiểm tra bổ sung:

(nếu yêu cầu)

Chữ ký.................................................

(Chữ ký của người được ủy quyền)

............................................................

Địa điểm.............................................

Ngày....................................................

(Đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

Kiểm tra bổ sung:

(nếu yêu cầu)

Chữ ký.................................................

(Chữ ký của người được ủy quyền)

............................................................

Địa điểm.............................................

Ngày....................................................

(Đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

 

Công ước lao động hàng hải, 2006

Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải - Phần I

(Lưu ý: Bản Tuyên bố này kèm theo Giấy chứng nhận lao động hàng hải)

Cấp theo ủy quyền của........................................................................... (điền tên cơ quan có thẩm quyền như định nghĩa tại Điều II, mục 1(a), của Công ước)

Theo các điều khoản của Công ước lao động hàng hải, 2006, tàu sau đây:

Tên tàu

Số IMO

Tổng dung tích

 

 

 

được duy trì phù hợp với Tiêu chuẩn A5.1.3 của Công ước.

Người ký tên dưới đây, thay mặt cơ quan có thẩm quyền nêu trên, tuyên bố:

(a) các điều khoản của Công ước lao động hàng hải được bao hàm toàn bộ trong các yêu cầu quốc gia nói đến dưới đây;

(b) các yêu cầu quốc gia này thuộc các điều khoản quốc gia ở dưới; các chú thích liên quan đến các điều khoản này được đưa vào nếu cần thiết;

(c) chi tiết của mọi tương đương bất kỳ theo Điều VI, mục 3 và 4, được đưa ra (Gạch bỏ nếu không áp dụng)

(d) mọi miễn giảm được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền phù hợp với Đề mục 3 phải được nêu rõ trong phần dành cho mục đích này; và

(e) các yêu cầu cụ thể đối với loại tàu bất kỳ theo pháp luật quốc gia cũng được nêu ở các yêu cầu liên quan.

1. Tuổi lao động tối thiểu (Quy định 1.1)............................................................. £

2. Chứng nhận y tế (Quy định 1.2) ..................................................................... £

3. Bằng cấp chuyên môn của thuyền viên (Quy định 1.3)................................... £

4. Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên (Quy định 2.1) ................................. £

5. Sử dụng chứng chỉ, chứng nhận, quy định của dịch vụ tư nhân tuyển dụng
và cung ứng (Quy định 1.4).................................................................................. £

6. Giờ làm việc và nghỉ ngơi (Quy định 2.3).......................................................... £

7. Định biên của tàu (Quy định 2.7)....................................................................... £

8. Khu vực sinh hoạt (Quy định 3.1) ..................................................................... £

9. Phương tiện giải trí trên tàu (Quy định 3.1) ...................................................... £

10. Thực phẩm và chế biến (Quy định 3.2) ........................................................... £

11. Sức khoẻ, an toàn và phòng ngừa tai nạn (Quy định 4.3) ............................... £

12. Chăm sóc y tế trên tàu (Quy định 4.1) .............................................................. £

13. Các quy trình khiếu nại trên tàu (Quy định 5.1.5)............................................... £

14. Tiền lương (Quy định 2.2)................................................................................... £

 

Tên.................................................................

Chức danh......................................................

Chữ ký............................................................

Địa điểm........................................................

Ngày...............................................................

(đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

 

Các điều khoản tương đương

(Gạch bỏ nếu không áp dụng)

Các điều khoản tương đương sau, như quy định tại Điều VI, mục 3 và 4, của Công ước, trừ các điều khoản nêu trên, được lưu ý (mô tả nếu có):

..............................................................................................................................................

Không có điều khoản tương đương nào được áp dụng

Tên.................................................................

Chức danh......................................................

Chữ ký............................................................

Địa điểm........................................................

Ngày...............................................................

(đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

 

Miễn giảm

(Gạch bỏ nếu không áp dụng)

Các miễn giảm sau đây được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Đề mục 3 của Công ước được lưu ý (mô tả nếu có):

..............................................................................................................................................

Không có miễn giảm được cấp

Tên.................................................................

Chức danh......................................................

Chữ ký............................................................

Địa điểm........................................................

Ngày...............................................................

(đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

 

Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải

Các biện pháp đảm bảo luôn tuân thủ giữa các đợt kiểm tra

Các biện pháp sau đây được chủ tàu vạch ra, được ghi vào Giấy chứng nhận lao động hàng hải kèm theo bản Tuyên bố, đảm bảo thỏa mãn giữa các đợt kiểm tra:

(Các biện pháp nêu dưới đây được vạch ra đảm bảo thỏa mãn từng hạng mục của Phần I)

1. Tuổi lao động tối thiểu (Quy định 1.1) ........................................................... £

2. Chứng nhận y tế (Quy định 1.2) .................................................................... £

3. Bằng cấp chuyên môn của thuyền viên (Quy định 1.3) ................................. £

4. Thỏa thuận tuyểnThoảg của thuyền viên (Quy định 2.1)................................ £

5. Sử dụng chứng chỉ, chứng nhận, quy định của dịch vụ tư nhân tuyển
dụng và cung ứng (Quy định 1.4)....................................................................... £

6. Giờ làm việc và nghỉ ngơi (Quy định 2.37) .................................................... £

7. Định biên của tàu (Quy định 2.7) ................................................................... £

8. Khu vực sinh hoạt (Quy định 3.1)................................................................... £

9. Phương tiện giải trí trên tàu (Quy định 3.1) ................................................... £

10. Thực phẩm và chế biến (Quy định 3.2)........................................................ £

11. Sức khỏe, an toàn vàkhoẻng ngừa tai nạn (Quy định 4.3)........................... £

12. Chăm sóc y tế trên tàu (Quy định 4.1) ......................................................... £

13. Các quy trình khiếu nại trên tàu (Quy định 5.1.5) ........................................ £

14. Tiền lương (Quy định 2.2) ............................................................................ £

 

Tôi, ký tên dưới đây chứng nhận rằng các biện pháp nêu trên đã được soạn thảo đảm bảo luôn phù hợp, giữa các đợt kiểm tra, với các yêu cầu nêu tại Phần I.

Tên chủ tàu: [3] ......................................................

.............................................................................

Địa chỉ công ty: ....................................................

.............................................................................

Tên của người được ủy quyền: ..........................

Chức vụ: ..............................................................

Chữ ký của người được ủy quyền:......................

..............................................................................

Ngày:....................................................................

(Đóng dấu của chủ tàu1)

Các biện pháp nêu trên đã được xem xét bởi (ghi tên của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền) và, sau khi kiểm tra tàu, xác định thỏa mãn các mục đích nêu trong Tiêu chuẩn A5.1.3, mục 10(b), liên quan đến các biện pháp đảm bảo phù hợp từ ban đầu và luôn phù hợp các yêu cầu nêu tại Phần I của bản Tuyên bố này.

Tên: ....................................................................

Chức vụ: .............................................................

Địa chỉ:...............................................................

Chữ ký:...............................................................

Địa điểm:............................................................

Ngày:..................................................................

(Đóng dấu của tổ chức được ủy quyền)

 

Giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời

Cấp theo các điều khoản của Điều V và Đề mục 5
Công ước lao động hàng hải, 2006 (sau đây gọi là ”Công ước”)

theo ủy quyền của Chính phủ

..........................................................................................................................

(tên chính thức đầy đủ của quốc gia tàu mang cờ)

bởi: .......................................................................................................................

(tên chính thức và địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận được ủy quyền toàn quyền phù hợp theo các điều khoản của Công ước)

 

Đặc điểm tàu

Tên tàu ..........................................................................................................................

Số hiệu phân biệt hoặc hô hiệu .....................................................................................

Cảng đăng ký ................................................................................................................

Ngày đăng ký................................................................................................................

Tổng dung tích[4] .............................................................................................................

Số IMO .........................................................................................................................

Kiểu tàu ........................................................................................................................

Tên và địa chỉ chủ tàu [5] ..................................................................................................

Chứng nhận rằng, theo quy định của Tiêu chuẩn A5.1.3, mục 7 của Công ước:

1. Tàu đã được kiểm tra, đến mức thực tế có thể thực hiện được, các hạng mục nêu trong Phụ chương A5-I của Công ước, bao gồm kiểm tra xác nhận các hạng mục thuộc (b), (c) và (d) dưới đây;

2. Chủ tàu đã chứng tỏ cho cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận các quy trình phù hợp thỏa mãn Công ước;

3. Thuyền trưởng nắm bắt được các yêu cầu của Công ước và các trách nhiệm thực hiện Công ước; và

4. Thông tin liên quan đã được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận để cấp một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải.

Giấy chứng nhận này có hiệu lực đến ...................................... với điều kiện phải được kiểm tra phù hợp với các Tiêu chuẩn A5.1.3 và A5.1.4 của Công ước.

Ngày hoàn thành kiểm tra theo (a) trên là......................................................................

Cấp tại.......................................................ngày..............................................................

Chữ ký của người được ủy nhiệm toàn quyền cấp giấy chứng nhận tạm thời

(đóng dấu của tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận)

 

PHỤ CHƯƠNG A5-III

Các lĩnh vực chung được kiểm tra chi tiết bởi một thanh tra viên được ủy quyền tại một cảng của một Thành viên thực hiện kiểm tra tại quốc gia có cảng theo Tiêu chuẩn A5.2.1:

Tuổi lao động tối thiểu

Chứng nhận y tế

Bằng cấp chuyên môn của thuyền viên

Thỏa thuận tuyển dụng của thuyền viên

Sử dụng chứng chỉ, chứng nhận, quy định của dịch vụ tư nhân tuyển dụng và cung ứng

Giờ làm việc và nghỉ ngơi

Định biên của tàu

Khu vực sinh hoạt

Phương tiện giải trí trên tàu

Thực phẩm và chế biến

Sức khoẻ, an toàn và phòng ngừa tai nạn

Chăm sóc y tế trên tàu

Các quy trình khiếu nại trên tàu

Tiền lương



[1] Đối với các tàu áp dụng hệ thống tạm thời đo dung tích được IMO thông qua, tổng dung tích được ghi vào cột GHI Chú của Giấy chứng nhận dung tích quốc tế (1969). Xem Điều II(1)(c) của Công ước.

[2] Chủ tàu là người sở hữu tàu hoặc cá nhân hoặc tổ chức khác, như người quản lý, đại diện hoặc người thuê tàu trần, đảm nhận trách nhiệm đối với hoạt động của tàu từ người sở hữu và người, có trách nhiệm đó, đã đồng ý chuyển giao các nhiệm vụ và trách nhiệm đối với các chủ tàu phù hợp với Công ước này, bất kể có hay không các tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện các nhiệm vụ hoặc trách nhiệm nào đó thay mặt chủ tàu. Xem điều II(1)(j) của Công ước.

[3] Chủ tàu là người sở hữu tàu hoặc cá nhân hoặc tổ chức khác, như người quản lý, đại diện hoặc người thuê tàu trần, đảm nhận trách nhiệm đối với hoạt động của tàu từ người sở hữu và người, có trách nhiệm đó, đã đồng ý chuyển giao các nhiệm vụ và trách nhiệm đối với các chủ tàu phù hợp với Công ước này, bất kể có hay không các tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện các nhiệm vụ hoặc trách nhiệm nào đó thay mặt chủ tàu. Xem điều II(1)(j) của Công ước.

[4] Đối với các tàu áp dụng hệ thống tạm thời đo dung tích được IMO thông qua, tổng dung tích được ghi vào cột GHI Chú của Giấy chứng nhận dung tích quốc tế (1969). Xem Điều II(1)(c) của Công ước.

[5] Chủ tàu là người sở hữu tàu hoặc cá nhân hoặc tổ chức khác, như người quản lý, đại diện hoặc người thuê tàu trần, đảm nhận trách nhiệm đối với hoạt động của tàu từ người sở hữu và người, có trách nhiệm đó, đã đồng ý chuyển giao các nhiệm vụ và trách nhiệm đối với các chủ tàu phù hợp với Công ước này, bất kể có hay không các tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện các nhiệm vụ hoặc trách nhiệm nào đó thay mặt chủ tàu. Xem điều II(1)(j) của Công ước.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công ước Lao động Hàng hải 2006

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 23/02/2006
  • Nơi ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản