Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40/CĐ-UB

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2005 

 

CÔNG ĐIỆN

Kính gởi các đồng chí:

- Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố
- Chủ tịch UBND các quận, huyện

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1786/TTg-NN ngày 10.11.2005 về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố (Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm Thành phố) tại cuộc họp giao ban với các sở, ngành và UBND các quận, huyện ngày 11.11.2005; UBND Thành phố yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách sau:

1/. Tăng cường công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm cung cấp thông tin chính xác đến cộng đồng dân cư, giúp mọi người dân nhận thức rõ về dịch bệnh, tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ của dịch bệnh, để chủ động, tự giác tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống dịch chấp hành các quy định của thành phố, để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

2/. UBND các quận, huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan: huy động các đơn vị chức năng chuyên môn, liên ngành, các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và học sinh, sinh viên của các trường hợp đại học, trung học chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân tại địa phương khi cần thiết cho đến từng gia đình, thôn xóm, đồng thời lập dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính để bố trí đủ kinh phí, vật tư, phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, có hiệu quả, không để dịch tái phát, hạn chế tác hại đến mức thấp nhất, nếu dịch xảy ra, cụ thể:

- Tổng vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc đối với các chuồng trại chăn nuôi, địa điểm buôn bán và cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, cấm vận chuyển và thu gom lông vũ chưa qua xử lý hóa chất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Thú y, Y tế), nhằm tiêu diệt mầm bệnh, không để dịch phát sinh.

- Các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông phải bố trí đủ lực lượng (Thú y, Công an, Quản lý thị trường, Quân đội).

- Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở (xã, phường, thị trấn, thôn, xóm), nếu phát hiện có gia cầm nhiễm vi rút cúm hoặc có dịch phát sinh phải báo cáo ngay cơ quan chuyên môn và UBND Thành phố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm (kể cả gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân), không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khống chế, bao vây, dập tắt ổ dịch, khử trùng tiêu độc và nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng có dịch.

- Nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu cho tiêu huỷ và không bồi thường. Đồng thời kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tịch thu và tiêu hủy gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm đối với chủ hàng vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện có thể, nhằm kiên quyết ngăn chặn không để dịch cúm A (H5N1) ở người xảy ra. Đồng thời thực hiện tốt việc trang bị phòng hộ, để bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

3/. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với các ngành liên quan:

- Tiếp tục hướng dẫn UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thành phố, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Thú y Hà Nội theo nhiệm vụ thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Tổng hợp tình hình hàng ngày về diễn biến dịch cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố (báo cáo nhanh bằng văn bản, ngày/1lần, thời gian lúc 08h30) và đề xuất, bổ sung kịp thời những vấn đề cần bổ sung trong công tác chỉ đạo, những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu, điều kiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, báo cáo UBND Thành phố.

- Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi gia cầm và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm của các ngành, các cấp.

4/. Giám đốc Sở Y tế chủ động phối hợp với các ngành liên quan: tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp về dịch cúm ở người theo chỉ đạo của Thành phố, Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

5/. Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận, huyện lập kế hoạch và quản lý, sử dụng kinh phí theo chế độ quản lý tài chính hiện hành. Tổng hợp toàn bộ các nhu cầu, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định và cấp đủ, kịp thời theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan chức năng Thành phố thực hiện nghiêm túc Công điện này./.

 


Nơi nhận
:
- Như trên
- Thủ tướng Chính phủ (để
- Bộ Nông nghiệp và PTNT báo
- TT T/ủy, TT HĐND TP, CT UBND TP cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP
- Các T/viên Ban CĐ PC DC gia cầm TP
- Các T/viên Ban CĐ PC DC ở người TP
- Các Chi cục: Thú y, Quản lý thị trường
- VPUB: CPVP, các tổ CV, phòng TH, Lưu VT.

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lê Quý Đôn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện số 40/CĐ-UB về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 40/CĐ-UB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/11/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản