Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1194/CĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2018 |
CÔNG ĐIỆN
VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI XÂM NHIỄM VÀO VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
| - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10 tháng 9 năm 2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8 năm 2018 đến ngày 09 tháng 9 năm 2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp như sau:
1. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ngành liên quan:
a) Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
b) Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 năm 2018.
c) Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;...); cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.
Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.
d) Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi;
đ) Khi phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải báo cáo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dừng việc vận chuyển và xử lý ngay lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã xác định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của Luật thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thú y.
e) Khẩn trương xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả;
g) Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam;
3. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) và Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
4. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam.
5. Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường trong nước; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.
6. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
7. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam";
b) Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa phương giáp biên giới, các địa phương có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;
c) Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích,....;
d) Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; đề nghị các tổ chức quốc tế, các nước hỗ trợ chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam;
đ) Thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;
e) Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng chống, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí trong trường hợp phát hiện lợn, các sản phẩm của lợn dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và buộc phải tiêu hủy.
10. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật đến người chăn nuôi, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tránh gây hoang mang trong xã hội.
11. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài vào Việt Nam.
12. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các Bộ, ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và Dịch tả bệnh Châu phi nói riêng có hiệu quả.
Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Công điện này./
| THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 1791/QĐ-TTg năm 2011 về cơ chế, chính sách hỗ trợ vắc xin tai xanh, dịch tả lợn nhằm đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đủ nguồn cung ứng thực phẩm và bình ổn giá thị trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1947/TY-DT hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn do Cục Thú y ban hành
- 3Công điện 6741/CĐ-BNN-TY năm 2018 về chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông báo 192/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 1791/QĐ-TTg năm 2011 về cơ chế, chính sách hỗ trợ vắc xin tai xanh, dịch tả lợn nhằm đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đủ nguồn cung ứng thực phẩm và bình ổn giá thị trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1947/TY-DT hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn do Cục Thú y ban hành
- 3Luật thú y 2015
- 4Công điện 6741/CĐ-BNN-TY năm 2018 về chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Thông báo 192/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do Văn phòng Chính phủ ban hành
Công điện 1194/CĐ-TTg năm 2018 về tập trung triển khai biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1194/CĐ-TTg
- Loại văn bản: Công điện
- Ngày ban hành: 12/09/2018
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra