Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2024

 

CÔNG ĐIỆN

V/V CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI TRONG THỜI GIAN TỚI

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG điện:

- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.

Ngày 04/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 75/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; Tại Công điện, Thủ tướng đã quán triệt Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 và ưu tiên tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và trực ứng cứu thông tin 24/24; theo dõi sát tình hình diễn biến của thiên tai; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới và thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tím kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ TTTT (BCH PCTT, TKCN&PTDS Bộ TTTT).

2. Cục Viễn thông:

a) Là đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp tình hình diễn biến thiên tai.

Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các phương án chỉ đạo ứng phó kịp thời.

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của thiên tai khi có yêu cầu từ Chính phủ, BCĐQG về PCTT, UBQG TKCN.

3. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo diễn biến của thiên tai, chỉ đạo ứng phó với thiên tai để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân theo dõi, cập nhật thường xuyên. Trong đó đặc biệt chú trọng đưa các tin bài cảnh báo người dân về nguy cơ diễn ra mưa lũ, sạt lở đất và phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh do lũ, ngập lụt.

5. Cục Bưu điện Trung ương đáp ứng thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai ứng phó với thiên tai khi có yêu cầu.

6. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố:

a) Chỉ đạo các Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, thành phố các Đài truyền thanh cơ sở cập nhật bản tin dự báo thiên tai từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tăng thời lượng và tần suất phát bản tin dự báo thiên tai để thông báo kịp thời cho người dân chủ động phòng chống, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

b) Làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn cùng phối hợp triển khai đồng bộ các phương án ứng phó kịp thời và đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc cho Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương trong tỉnh để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Tăng cường thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm PCTT của tỉnh như các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy điện, hồ thủy lợi xung yếu và các khu vực có thể bị ảnh hưởng của thiên tai.

c) Xác định các xã bị mất liên lạc do ảnh hưởng của thiên tai để phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai roaming giữa các mạng nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai.

7. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông:

a) Tập trung triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra.

b) Các doanh nghiệp viễn thông

- Tập trung gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, cột ăng ten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

- Sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo thiên tai tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng theo yêu cầu của Bộ TTTT.

- Sẵn sàng roaming giữa các mạng di động khi có yêu cầu của Bộ TTTT.

c) Các doanh nghiệp bưu chính: rà soát hệ thống đường thư bưu chính, lên phương án đảm bảo an toàn thông tin bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai.

d) Trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc ngoài hiện trường.

8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

a) Chỉ đạo các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu về thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai của BCH PCT&TKCN và các cấp chính quyền tại địa phương.

b) Tăng cường, bổ sung các trạm BTS di động và xe thông tin cơ động để sẵn sáng ứng cứu thông tin trong trường hợp thông tin bị gián đoạn.

9. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội: đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin liên lạc công cộng bằng mạng cố định, di động, Internet. Tăng cường các xe BTS lưu động đến các địa điểm có nguy cơ bị mất liên lạc di động để sẵn sàng ứng cứu.

10. Tổng Công ty Viễn thông Mobifone: đảm bảo an toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc công cộng bằng mạng di động. Tăng cường các xe BTS lưu động đến các địa điểm có nguy cơ bị mất liên lạc di động để sẵn sàng ứng cứu.

11. Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam:

a) Chủ động phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia để phát sóng kịp thời các bản tin dự báo thiên tai; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để phát kèm theo bản tin dự báo thiên tai thông báo về vùng nguy hiểm và hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn;

b) Duy trì nghiêm chế độ trực canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp, đặc biệt đối với các tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng phương thức thoại trên tần số cấp cứu - khẩn cấp, tiếp nhận, chuyển tin kịp thời đến các địa chỉ nhận tin theo quy định.

12. Các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến thiên tai; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và đảm bảo thông tin liên lạc; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- BCĐQG về PCTT (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thành viên BCH PCTT, TKCN & PTDS Bộ TTTT;
- Trung tâm thông tin (để đăng website Bộ);
- Lưu: VT, CVT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Huy Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 04/CĐ-BTTTT năm 2024 chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới do Bộ Thông tin và Truyền thông điện

  • Số hiệu: 04/CĐ-BTTTT
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 07/08/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Huy Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản