Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 04/CĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2009

 

CÔNG ĐIỆN KHẨN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Điện:

- Các đơn vị trực thuộc Bộ: Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường, Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Môi trường, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;

- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Theo tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, trưa nay (11/7), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên biển Đông và có tên quốc tế là SOUDELER.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 12/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên khuc vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ đêm nay (11/7), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng từ sáng mai (12/7) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 3 - 5 mét. Ở các tỉnh Bắc Bộ từ chiều và đêm mai (12/7) sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh và có khả năng gây mưa lớn. Để đối phó với cơn bão số 4, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu:

1. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực và Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn các tỉnh nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 4; dự báo và cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các bản tin về bão, mưa lớn, lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và trung du cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các Bộ, ngành, địa phương liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời những diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng, tránh.

2. Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1195/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo thời tiết, áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốc và hệ thống sông Hồng - Thái Bình.

3. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 4 để có những xử lý kịp thời những sự cố xảy ra do bão gây ra trên biển.

4. Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có bão, lũ xảy ra; có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm, đặc biệt sau mưa lũ.

5. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thường xuyên theo dõi hiện tượng tai biến địa chất và các quá trình địa động lực công trình, hầm mỏ tại khu vực xảy ra lũ; cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân tình hình sạt, lở đất để có phương án phòng, tránh.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nêu trên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo bão, lũ; kiểm tra các bản tin dự báo có kịp thời đến mọi người dân trong vùng ảnh hưởng của bão, lũ; chủ động phối hợp với các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực, các Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các cơ quan thuộc tỉnh triển khai việc phòng, tránh và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở, các Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường tại phường, xã phối hợp tổ chức việc phòng, tránh và phổ biến, tuyên truyền về bão, lũ, ô nhiễm môi trường, sạt lở đất để mọi người dân được biết.

7. Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Công điện này, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời.

8. Các đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức tốt công tác phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW (để báo cáo);
- Lưu: VT, KTTVBĐKH, H35.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 04/CĐ-BTNMT về việc đối phó với cơn bão số 4, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 04/CĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 11/07/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Văn Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản